Thái Lan nỗ lực tấn công tội phạm mạng

Chủ Nhật, 21/06/2020, 15:40
Đầu tháng 6, Thái Lan tuyên bố sẽ thành lập Văn phòng an ninh mạng đầu tiên. Động thái này, nhằm củng cố các nỗ lực của Chính phủ Thái Lan trong việc trấn áp tội phạm mạng, trong bối cảnh mối lo ngại ngày càng lớn về hacker tấn công các giao dịch ngân hàng hàng ngày và những dữ liệu thông tin cá nhân.


Bộ trưởng Kinh tế kỹ thuật số và xã hội Buddhipongse Punnakanta nhấn mạnh, Văn phòng an ninh mạng phải được thành lập trong năm nay với nhiệm vụ chính là chống hacker và tin giả. Động thái này nhằm củng cố các nỗ lực của nhà nước nhằm trấn áp tội phạm mạng và đã được Ủy ban quốc gia về an ninh mạng đồng ý.

Văn phòng an ninh mạng sẽ có hơn 1.700 "sỹ quan cảnh sát mạng" đồn trú trên khắp đất nước để xử lý những vụ án liên quan đến công nghệ cao. Hôm 28-5, Tư lệnh Cảnh sát quốc gia Chakthip Chaijinda đã thông qua trên nguyên tắc về việc thành lập Văn phòng an ninh mạng này dưới cái tên Cục Cảnh sát công nghệ cao.

Cục cảnh sát công nghệ cao Thái Lan sẽ ra mắt trước tháng 9-2020.

Sau đó, tại cuộc họp của Hội đồng Cảnh sát do Thủ tướng Prayut Chan-o-cha chủ trì, việc này cũng đã được đưa ra thảo luận và có kế hoạch hoàn tất việc thành lập Cục trước tháng 9 và sẽ trực thuộc Đơn vị chống tội phạm công nghệ.

Một quan chức cảnh sát Thái Lan cho biết, Cục Cảnh sát công nghệ cao sẽ giúp mở rộng công nghệ trấn áp tội phạm và từ đó, các vụ bắt giữ tội phạm mạng sẽ nhanh hơn vì cảnh sát có thể phản ứng tức thì hoặc đến hiện trường gần như ngay lập tức. Cũng theo nguồn tin này, trong số hơn 1.700 "sỹ quan cảnh sát mạng" của Cục thì sẽ có 1.000 người được điều chuyển từ các đơn vị điều tra của cảnh sát ở các tỉnh thành, số còn lại đến từ các Văn phòng cảnh sát thành phố.

Trong khi đó, Trưởng phòng chống tội phạm (CSD) Đại tá Jirabhop Bhuridej, nhận định trong những năm gần đây, đã có nhiều thay đổi đáng kể trong mô hình tội phạm và tội phạm cũng đã bắt đầu sửa đổi hoạt động của chúng. Đặc biệt, khi xảy ra dịch bệnh COVID-19 thì tội phạm mạng đã nổi lên là vấn đề nhức nhối nhất xã hội.

"Tin tốt là tỷ lệ tội phạm đường phố đã giảm đáng kể khi nhiều người đang làm việc tại nhà để tránh lây nhiễm COVID-19, Tai nạn giao thông và vi phạm giao thông, chẳng hạn như lái xe sau khi uống rượu, bia cũng đã giảm. Nhưng một số loại tội phạm đang leo thang, đặc biệt là gian lận trong việc bán các thiết bị y tế và bạo lực gia đình, ông lưu ý.

Các hình thức lừa đảo trực tuyến khác nhau đã trở nên rầm rộ hơn trong mùa dịch bệnh, bao gồm cả lừa đảo đầu tư và công việc cũng như trộm cắp danh tính. Cảnh sát phải sự hợp tác từ các cơ quan hữu quan để bắt giữ nghi phạm nhưng đôi khi chúng lại không sống ở Thái Lan. Điều này buộc cảnh sát cũng phải tham gia làm việc trực tuyến để ngăn chặn tội phạm", Đại tá Jirabhop Bhuridej nói.

Thống kê của CSD cho thấy, năm ngoái Thái Lan ghi nhận tổng cộng 3.712 vụ án hình sự, bao gồm 553 vụ lừa đảo và 116 tội phạm xuyên quốc gia. Khi nhiều người trở nên tích cực hơn trên mạng trong đợt bùng phát COVID-19, CSD cũng đã tiến hành giám sát tội phạm thông qua các trang mạng xã hội. Đường dây nóng 1195 của CSD đã tiếp nhận cuộc gọi về các hoạt động tội phạm bị nghi ngờ.

Đại tá Phongnakhon Nakhonsanti thuộc Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan (RTP) tiết lộ, RTP đã phối hợp với CSD để điều chỉnh công việc để hoạt động trấn áp tội phạm có hiệu quả hơn. Với sự thay đổi này thì việc thành lập Cục Cảnh sát công nghệ cao là cấp bách hơn bao giờ hết. "Mỗi đồn cảnh sát sẽ mở một phòng hoạt động công nghệ cao, nơi người đứng đầu một đơn vị tuần tra có thể truy cập các cảnh quay trực tiếp từ tất cả các camera an ninh trong phạm vi quyền hạn của họ và hơn thế nữa. Tất cả các đồn cảnh sát được yêu cầu đào tạo nhân viên, cán bộ sử dụng thành thạo công nghệ và  hỗ trợ điều tra tội phạm", Đại tá Phongnakhon Nakhonsanti nhấn mạnh.

Cũng theo Đại tá Phongnakhon Nakhonsanti, các ngân hàng và các tổ chức tài chính đang trở thành mục tiêu hàng đầu của tội phạm công nghệ cao. "Một lượng lớn dữ liệu từ các ngân hàng đã bị đánh cắp. Thông tin khách hàng lưu trên cơ sở dữ liệu của các công ty cũng dễ bị tấn công. Các tin tặc muốn dữ liệu này cho mục đích kinh doanh của chúng. Chúng cũng cố gắng đánh cắp dữ liệu từ hầu hết các cơ quan nhà nước và điều này đang xảy ra mỗi ngày", Đại tá Phongnakhon Nakhonsanti thừa nhận.

Từ tháng 5-2020, Luật An ninh mạng của Thái Lan đã có hiệu lực. Ông Paiboon Amonpinyokeat, một trong 7 thành viên mới được bổ nhiệm của Ủy ban An ninh mạng Quốc gia (NCSC) khẳng định, Luật An ninh mạng cho phép Thủ tướng giám sát và đáp trả các cuộc tấn công mạng nhằm vào cơ sở hạ tầng then chốt trong các lĩnh vực công và tư nhân.

Cục Cảnh sát công nghệ cao sẽ trở thành công cụ hữu ích để thực hiện luật này. Trước đó, sự ra mắt của Trung tâm tin tức chống giả của chính phủ vào tháng 10 năm ngoái cũng đã dẫn đến một loạt các vụ bắt giữ và làm giảm tỷ lệ tin giả ở Thái Lan.

Chi Anh
.
.
.