Thái Lan và Malaysia cải tổ lực lượng cảnh sát

Thứ Hai, 17/07/2017, 09:00
Theo thông báo của người đứng đầu bộ phận truyền thông Cảnh sát Hoàng gia Malaysia Datin Asmawati Ahmad, lực lượng cảnh sát nước này sẽ thay đổi 46 vị trí, trong đó có các vị trí cấp cao và việc này có hiệu lực kể từ ngày 7-8.


Theo đó, Giám đốc Cục điều tra Tội phạm Mohmad Salleh được điều về Cục điều tra Tội phạm ma túy, đơn vị gần đây bị cáo buộc liên quan đến các vụ móc ngoặc ngầm với các tổ chức tội phạm ma túy.

Cùng về công tác tại Cục điều tra Tội phạm ma túy còn có 2 phó Giám đốc mới. Đó là Cục trưởng Cục điều tra Tội phạm bang Johor Kamarul Zaman Mamat và Phó Cảnh sát trưởng bang Johor Mohd Zakaria Ahmad.

Người thay thế vị trí của ông Mohmad Salleh là Cảnh sát trưởng bang Johor Wan Ahmad Najmuddin Mohd. Động thái kể trên diễn ra sau khi có tới 21 sỹ quan và nhân viên cảnh sát bị nghi ngờ có hành động bảo kê cho các băng nhóm tội phạm bị bắt giữ.

Lực lượng cảnh sát Thái Lan.

Phó Tổng thanh tra Cảnh sát Malaysia Noor Rashid Ibrahim cho biết, 21 người kể trên bị bắt trong chiến dịch "Ops Kabaddi", được phát động từ đầu tháng 5 nhằm phát hiện và loại khỏi hàng ngũ những cảnh sát thoái hóa biến chất tiếp tay cho tội phạm.

Trong số 21 cảnh sát bị bắt có một số sỹ quan làm việc tại Cục điều tra Tội phạm ma túy - họ bị nghi bảo kê và tiết lộ thông tin cho các băng nhóm buôn bán ma túy, gây ảnh hưởng lớn tới các chiến dịch truy quét ma túy của cảnh sát nước này.

Hơn 1 tháng trước (4-6), Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nội vụ Zahid Hamidi thông báo quyết định nâng cấp Đơn vị chống khủng bố thành Bộ phận chống khủng bố thuộc Cảnh sát Hoàng gia Malaysia.

Theo đó, Bộ phận chống khủng bố được đặt dưới sự chỉ huy của một trong những lãnh đạo cao nhất của Cảnh sát Hoàng gia Malaysia, và phải đảm trách nhiệm vụ lớn hơn trong việc ngăn chặn các hoạt động khủng bố ở nước này.

Về phần mình, Chính phủ Thái Lan quyết định bổ nhiệm một ủy ban phụ trách việc cải tổ lực lượng cảnh sát (gồm 36 thành viên), do Đại tướng Boonsang Niampradit, cựu Tư lệnh tối cao các lực lượng vũ trang Thái Lan đứng đầu.

Theo đó, ủy ban này sẽ xem xét và thực hiện các cải tổ trong lực lượng cảnh sát trên phương diện tổ chức, nhân sự và quy chế trong 9 tháng. Đại tướng Boonsang Niampradit cho biết, sẽ hợp tác chặt chẽ với các tỉnh trưởng và quyền chỉ huy lực lượng cảnh sát vẫn thuộc về Tư lệnh Cảnh sát Hoàng gia, Đại tướng Chakthip Chaijinda.

Theo giới truyền thông, Thủ tướng Prayuth Chan-ocha quyết định thành lập ủy ban kể trên sau khi vụ bê bối "mua quan bán chức" trong lực lượng hành pháp ở Bangkok bị phơi ra ánh sáng.

Giới truyền thông dẫn lời ông Wittaya Keawparadai, cựu lãnh đạo của Phong trào cải cách dân chủ nhân dân (PDRC) cho biết, đã nhận nhiều thông tin từ những người liên quan trong đường dây "mua quan bán chức" của cảnh sát tồn tại nhiều năm qua.

Theo đó, một cảnh sát muốn làm việc của một thanh tra phải chi từ 100.000 đến 2.000.000 baht, còn ghế Cảnh sát trưởng vùng, khu vực có thể mua với giá từ 5-7 triệu baht. Đường dây này bị "lộ sáng" sau khi hơn 10 cảnh sát đã chi khoảng 50 triệu baht nhưng không được việc.

Hơn 3 năm trước, Thủ tướng Prayuth Chan-ocha từng cách chức Cảnh sát trưởng quốc gia, Tướng Adul Saengsingkaew (tối 24-5-2014). Cùng bị cách chức với Tướng Adul Saengsingkaew khi đó còn có Cục trưởng Cục điều tra đặc biệt Tarit Pengdith.

Và tại thời điểm kể trên, lực lượng cảnh sát phải nói không với hành vi nhận hối lộ, khi cảnh sát phát hiện hành vi hối lộ có thể được thưởng tới 300 USD. Nhà kinh tế Thái Lan Pasuk Phongpaichit từng thực hiện dự án nghiên cứu về "vấn nạn hối lộ" cho rằng, cảnh sát đã tiếp tay cho các hoạt động bất hợp pháp để đổi lấy những khoản phí định kỳ.

Và theo kết quả thăm dò công bố hồi tháng 6-2014, có hơn 90% người Thái Lan được hỏi muốn cải tổ lực lượng cảnh sát. Khi đó ông Somyot Pumpanmoung, người đứng đầu lực lượng cảnh sát (xuất thân từ quân đội) tuyên bố kế hoạch thưởng 300 USD cho cảnh sát không nhận hối lộ.

Nhưng việc này đã gây tranh luận trong dư luận và nhiều người nghi ngờ về hiệu quả của phương pháp này, khi nhà chức trách lấy tiền thưởng để cảnh sát tuân theo luật pháp. 10 năm trước (tháng 7-2007), Chính phủ Thái Lan đã thông qua kế hoạch cải cách lực lượng cảnh sát của Thủ tướng Surayud Chulanont, nhằm cải thiện và nâng cao chất lượng hoạt động của lực lượng này, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của nhiều sĩ quan đương nhiệm hoặc đã nghỉ hưu.

Bởi kế hoạch này nhằm tái cơ cấu lực lượng và trao thêm nhiều quyền cho chỉ huy cảnh sát địa phương để họ có thể hoạt động độc lập hơn, không phải lo tới sự can thiệp từ chỉ huy cảnh sát quốc gia.

Nhiệm Bình
.
.
.