Thảm họa Hillsborough: Truy tố 4 cảnh sát

Thứ Năm, 06/07/2017, 15:56
Thủ tướng Anh Theresa May và gia đình của 96 nạn nhân trong thảm họa Hillsborough đều hoan nghênh quyết định của các công tố viên đưa ra hồi hạ tuần tháng 6, khi có 4/6 người bị truy tố hình sự là sĩ quan cảnh sát tại Sheffield.

Sau gần 30 năm điều tra, giới chức Anh mới đưa ra những cáo buộc chính thức về thảm họa trên sân vận động Hillsborough, trong đó truy tố hình sự đối với 4 sĩ quan cảnh sát tại Sheffield về các tội ngộ sát do bất cẩn, quản lý thiếu trách nhiệm, không tuân thủ các quy định về an toàn, cũng như gian dối trước tòa khi cuộc điều tra được tiến hành.

Đây cũng được coi là hồi kết công bằng đối với cổ động viên Liverpool bởi họ từng bị coi là những người đã gây ra thảm họa trên sân vận động Hillsborough, ở thành phố Sheffield khiến 96 người chết - họ đều là cổ động viên Liverpool và 766 người bị thương gần 30 năm trước.

Cảnh sát trưởng David Duckenfield.

Ngày 15-4-1989, hàng nghìn cổ động viên đã tới xem trận bán kết FA Cup giữa Liverpool với Nottingham Forrest và bị mắc kẹt, rồi giẫm đạp lên nhau trên khán đài, khiến 96 người thiệt mạng. Đây là thảm họa tồi tệ nhất trong lịch sử thể thao Anh.

Việc cảnh sát cho phép hơn 5.000 cổ động viên vào sân, bất chấp việc các khán đài đã kín người được cho là nguyên nhân chính dẫn tới thảm họa kể trên. Nhưng trong một thời gian dài, giới chức cùng với sự hỗ trợ đắc lực của giới truyền thông, đặc biệt là tờ The Sun đã thành công trong việc che giấu điều đó. Thậm chí họ còn cho rằng, các cổ động viên Liverpool là tác nhân gây ra thảm họa. Nhiều gia đình đã tan vỡ vì sức ép từ thảm họa.

Trevor Hicks - người trở thành Chủ tịch Hội trợ giúp các gia đình Hillsborough phải ly dị vợ, nhưng anh đã kêu gọi những cổ động viên Liverpool quyết tâm làm rõ sự thật.Và phải tới ngày 12-9-2012, người thân của các nạn nhân mới chính thức yêu cầu Chính phủ xác nhận con em họ vô tội, đồng thời thừa nhận hành vi che giấu sự thật của các cơ quan hữu quan.

Bởi sau khi 400.000 trang tài liệu được công bố (do tổ chức Hillsborough Independent dày công thực hiện), giới chức Anh mới quyết định nói sự thật của thảm họa Hillsborough.

Theo đó, nguyên nhân chính khiến sập khán đài tại Hillsborough là do chất lượng xây dựng tồi, cùng khả năng ứng phó với sự cố của các lực lượng cứu hộ mặt đất như cảnh sát, cứu hỏa, y tế kém cỏi đã khiến con số thương vong tăng cao.

Theo tài liệu của Hillsborough Independent, cảnh sát đã thất bại trong việc ngăn những người say rượu cùng số khán giả trốn vé vào sân, và việc này đã gián tiếp dẫn tới thảm họa. Có tới 116 trong số 164 báo cáo của cảnh sát bị sửa đổi hoặc loại bỏ.

Sự vui vẻ của gia đình các nạn nhân sau phán quyết của tòa.

Thậm chí tài liệu này còn cho rằng, 41 trong số 96 người chết có thể đã sống sót nếu cơ quan chức năng phản ứng nhanh hơn. Khi đó, đại diện Sở cảnh sát và Thủ tướng David Cameron đã chính thức đưa ra lời xin lỗi với Liverpool và các cổ động viên của đội bóng này.

“Đó là một sự bất công và phỉ báng những người đã chết vì chính quyền không muốn tiết lộ sự thất bại của mình”, ông David Cameron nói với giới truyền thông Anh. Sau đó, thân nhân của các nạn nhân còn yêu cầu làm rõ trách nhiệm của cảnh sát trong thảm họa này.

Theo giới truyền thông, sự ùn tắc giao thông trước giờ bóng lăn dẫn đến việc các cổ động viên Liverpool đến muộn quá đông, nhưng lối vào khán đài lại quá ít và quá bé. Khi đó, Cảnh sát trưởng David Duckenfield lại quyết định mở cổng C ở khán đài Leppings Lane.

Chính quyết định này đã khiến cho khoảng 2 nghìn CĐV tiếp tục dồn ép vào phía trong sân bóng, khiến cho khán đài bị sập và hàng nghìn người đã giẫm đạp lên nhau, dẫn tới thảm họa được coi là thảm họa tồi tệ nhất trong lịch sử bóng đá hiện đại.

Trong số những người đã chết, Jon-Paul Gilhooley là nạn nhân nhỏ tuổi nhất trong thảm kịch Hillsborough bởi em mới 10 tuổi, còn Tony Bland là nạn nhân thứ 96 khi anh không thể qua khỏi cơn hôn mê kéo dài suốt 4 năm.

Cuối năm 2013, Thẩm phán Goldring khẳng định, sẽ tiếp tục điều tra từ đầu năm 2014 bất chấp sự phản đối từ Liên đoàn Cảnh sát về những vấn đề đang được che đậy trong thảm họa Hillsborough.

Và phải tới ngày 26-4-2016, tức trải qua 27 năm 11 ngày kể từ khi thảm họa xảy ra, bồi thẩm đoàn gồm 14 người mới đưa ra quyết định cuối cùng, khép lại vụ án kéo dài nhất trong lịch sử pháp lý của “xứ sở sương mù”.

Theo đó, 96 người bị chết là do ngộ sát và Cảnh sát trưởng David Duckenfield, người đứng đầu lực lượng cảnh sát làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh cho trận đấu, phải chịu trách nhiệm về việc này. Bồi thẩm đoàn còn kết luận, liệu sự yếu kém của cảnh sát là nguyên nhân hay góp phần làm tình hình thêm xấu đi tại thời điểm khán đài bị sập.

Mạnh Phong
.
.
.