Thảm kịch người tâm thần gây án

Thứ Tư, 17/10/2018, 11:02
Những vụ án mạng do người tâm thần gây ra luôn mang một nỗi đau quặn thắt, sự giằng xé tuyệt vọng, bởi nạn nhân của các vụ án nghiêm trọng hầu hết đều là người thân của đối tượng.

Do đó, việc phát hiện sớm, điều trị, chăm sóc tốt sức khỏe cho bệnh nhân tâm thần sẽ góp phần quan trọng vào việc ngăn chặn tình trạng phạm tội...

Khi người tâm thần lên cơn

Tháng 6-2018 tại TP Hồ Chí Minh xảy ra một vụ cướp xe cứu thương hi hữu. Hung thủ được xác định là Nguyễn Minh Hồ (38 tuổi, quê An Giang). Hồ khai cả gia đình đã đi nước ngoài định cư, riêng Hồ muốn tự do nên ở lại Việt Nam ăn chơi.

Mùa World Cup 2018, Hồ cá độ thua 100 triệu đồng nhưng không có trả nên đã lên TP Hồ Chí Minh sống lang thang. Vào Bệnh viện Triều An xin cơm, thấy chiếc xe cấp cứu còn cắm chìa khóa, anh ta leo lên, lái xe chạy đến cao tốc Trung Lương, hướng về miền Tây thì bị Công an bắt giữ. 

Tại cơ quan điều tra, Hồ nói tỉnh bơ: "Tôi thấy xe cấp cứu còn đèn sáng nên định mượn tạm chiếc xe chạy về quê lấy tiền rồi lên trả lại chứ ai lấy xe từ thiện làm gì". Hồ cho biết, bản thân bị bệnh tâm thần, có thời gian đi chữa trị nhưng sau đó bỏ về quê sống. 

Gia đình không ai quan tâm nên Hồ sống bất cần, khi nào lên cơn thì quậy phá. Hành động cướp xe cứu thương chưa phải là đỉnh điểm của cơn tâm thần. Nếu không có biện pháp quản lý, ngăn chặn thì không biết Hồ sẽ còn gây ra những bi kịch gì cho xã hội.  

Nguyễn Minh Hồ ngơ ngác kể về việc cướp xe cứu thương.

Cuối tháng 6-2013, một vụ án chấn động đã xảy ra tại khu phố 4, Bình Trị Đông A, (Bình Tân - TP. Hồ Chí Minh). Trần Hữu Nghị (35 tuổi) đã dùng dao sát hại bố mẹ ruột của mình là ông Trần Văn Mục (83 tuổi) và bà Tống Thị Tư (71 tuổi). 

Những ngày này, chúng tôi trở lại nhà của hung thủ Trần Hữu Nghị, bàn thờ ông Mục và bà Tư đã nguội lạnh khói hương. Những người hàng xóm cho biết, họ vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ tới cuộc thảm sát cha mẹ của Nghị. 

Trong trí nhớ của ông Lê Văn Cẩn, người cùng khu phố 4, thì Nghị sở hữu thân hình to cao, lực lưỡng nhưng rất lười lao động. Mặc dù đã ngoài 30 tuổi và từng tốt nghiệp đại học nhưng Nghị chỉ đi làm được thời gian thì nghỉ và ở nhà "luyện phim". Bà Tư đi bán vé số về nhà phải cơm bưng nước rót cho thằng con khác người. 

Ông Nghị có 13 người con nhưng chỉ có Nghị là lêu lổng, tính khí khác thường. Nếu ai đó làm gì phật lòng, Nghị quát tháo, chửi đổng. Nhiều lần hàng xóm phải sang khuyên giải vì Nghị dọa nạt, đòi đánh cha mẹ. Vì mê phim, ham chơi game nên Nghị không có thời gian ra ngoài và cũng rất ít trò chuyện với bà con chòm xóm. 

Thấy thằng con bất trị, ông bà Mục cắn răng chịu đựng, không ngờ vào lúc 22h  ngày 21-6, Nghị lên cơn điên đã cầm dao chém cha mẹ. Nghe tiếng rên trong nhà, hàng xóm chạy sang đập cửa thì phát hiện cửa đã khóa trái. Họ đã lập tức báo Công an đến phá cửa. Lúc này, ông Mục và bà Tư đã chết trên vũng máu, riêng Nghị người đầy máu với vết cắt ngang cổ tay. Cơ quan Công an xác định, Nghị có dấu hiệu bị bệnh tâm thần hoang tưởng.

Những vụ án mạng từ người tâm thần gây ra luôn mang một nỗi đau quặn thắt, sự giằng xé đầy bất lực, bởi nạn nhân của các vụ án nghiêm trọng hầu hết đều là người thân của đối tượng. 

Theo thống kê của Bộ Y tế, nước ta hiện có khoảng 15% dân số mắc các chứng rối loạn tâm thần phổ biến, 3 triệu người bị rối loạn tâm thần nặng. Chỉ tính riêng 10 bệnh tâm thần thường gặp nhất như: Trầm cảm, động kinh, rối loạn hành vi, tâm thần phân liệt... đã có hơn 13 triệu người mắc, trong đó khoảng 40% bệnh nhân ở độ tuổi dưới 30. 

Thực tế cho thấy, nhiều vụ án đau lòng xảy ra do nhiều gia đình thiếu quan tâm, chăm sóc người bệnh, thậm chí có biểu hiện che giấu việc người thân có biểu hiện tâm thần.

BS Vũ Công Nguyên, Phó Viện trưởng Viện Dân số, Sức khỏe và Phát triển, cho rằng muốn quản lý người tâm thần sống trong cộng đồng cần có sự phối hợp của bộ phận y tế cơ sở, chính quyền địa phương, Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội. 

Khi trên địa bàn dân cư hoặc gia đình báo có người nhà bị bệnh tâm thần thì trạm y tế xã, phường, chính quyền cơ sở phải tổ chức những đợt kiểm tra nhằm đánh giá hành vi của người bệnh. Thực hiện cấp thuốc cho họ nếu họ trong diện điều trị ngoại trú, nếu bệnh nặng thì phải chuyển lên cơ sở y tế cao hơn.

Nguyễn Quang Huy mắt long sòng sọc sau khi chém các sư thầy trong chùa.

Cần trách nhiệm và tình yêu thương

Một vụ án đau lòng khác do người tâm thần gây ra tại chùa Bửu Quang (quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) khiến xã hội nhức nhối bởi đây là vụ việc chưa từng có tiền lệ tại nơi tu hành. 

Theo đó, Nguyễn Quang Huy (21 tuổi, quê Nam Định) đến tu học tại chùa Bửu Quang từ giữa năm 2016 với pháp danh Thiện Huy. Huy ngày ngày lặng lẽ làm việc chùa, ít khi giao tiếp với mọi người, tối đến tham gia tụng kinh cùng phật tử. 

Sau đó ít tháng, Huy được chuyển về một ngôi chùa ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để tiếp tục tu học. Trong lần trở lại TP Hồ Chí Minh thăm chùa, Huy đã xảy ra mâu thuẫn với sư thầy Nguyên Tuệ, là sư phụ của Thiện Huy. Khoảng 10h sáng ngày 5-10-2016, Huy lên cơn đã chạy vào bếp lấy con dao chém tới tấp vào người trong chùa. 

Sư Thiện Đức nhớ lại: "Lúc Thiện Huy cầm con dao chạy theo truy sát thầy Nguyên Tuệ, tôi vội lấy chiếc ghế nhựa chặn chân Huy lại nhưng hắn điên cuồng lao tới chém thẳng vào sau đầu tôi, sau đó tiếp tục đuổi theo sư Nguyên Tuệ đến phòng của sư bà Quang Ngọc và chém tới tấp. Sư bà bị thương nặng đã không qua khỏi, sư Nguyên Tuệ cũng bị Huy chém trọng thương". 

Người dân nghe thấy tiếng kêu thét kinh hoàng trong chùa liền lao vào ứng cứu, vây bắt Huy giao cơ quan Công an. Sau vụ việc, nhà chùa cho biết, Thiện Huy là người bị bệnh tâm thần. Phía nhà chùa đã phát hiện tình trạng bệnh của Huy nhưng chưa kịp chữa trị thì xảy ra sự việc đau lòng.

Ông Đào Quang Hải, phật tử sống cạnh chùa Bửu Quang nhớ lại: "Khi nghe tiếng kêu thét, tôi và một vài người khác chạy vào chùa thấy cảnh tượng rất kinh hoàng, các sư thầy bị thương máu me đầy mình. Huy vẫn lăm lăm con dao, mắt long sòng sọc như con mãnh thú, mồm liên tục la hét, tay vung dao chém phần phật về phía trước". 

Theo ông Hải, trước đây tu học tại chùa, Huy rất trầm lặng, ít nói chuyện giao tiếp. Ai cũng nghĩ do đặc tính của người tu hành là vậy, nên không ai làm phiền đến cuộc sống của Huy. Không ngờ, Huy mang bệnh tâm thần từ lâu, chỉ chờ đến giây phút bộc phát.

Người tâm thần gây án, thậm chí là án đặc biệt nghiệm trọng đã và đang gây bức xúc cho gia đình và xã hội. Mới đây tại Bạc Liêu, cơ quan chức năng đã phải đình chỉ điều tra bị can đối với Khêl, do Khêl bị tâm thần mất khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi. 

Công an tỉnh Bạc Liêu có quyết định đưa Khêl đến Bệnh viện Tâm thần Biên Hòa (Đồng Nai) để điều trị bắt buộc. Trước đó, Khêl gây ra án mạng kinh hoàng ở ấp Đay Tà Ni khi cầm dao rượt chém 12 người. Hậu quả làm 9 người bị trọng thương và 3 nạn nhân thiệt mạng.

Bảo vệ dân phố lên cơn tâm thần sát hại bé trai 6 tuổi.

Luật sư Hoàng Văn Thất Sơn (Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh) bày tỏ quan điểm, đối với người tâm thần phạm tội, cần phải ưu tiên chữa bệnh để họ khỏi bệnh hoặc ít nhất là giảm thiểu các hành vi mất kiểm soát. 

Gia đình phải có trách nhiệm chữa trị, chăm sóc và theo dõi họ. Đây là quá trình đòi hỏi sự bền bỉ, cần trách nhiệm và tình yêu thương thì mới mong có kết quả tích cực. Bởi ranh giới giữa lúc tỉnh và lúc lên cơn của người tâm thần là rất nhanh, tức thời, họ có thể làm bất cứ việc gì khiến chúng ta không thể lường trước được. 

Vào ngày 26/11/2017, bé trai 6 tuổi (phường Phú Trung, quận Tân Phú, TP.Hồ Chí Minh) đã bị Hoàng Nhất Giang (35 tuổi) là bảo vệ dân phố sát hại. Sau khi sự việc đau lòng xảy ra, người nhà Giang cho biết, Giang bị tâm thần phân liệt từ năm 2005, từng điều trị tại bệnh viện tâm thần 6 tháng, khi về nhà vẫn phải dùng thuốc thường xuyên. 

Dư luận bức xúc đặt câu hỏi? Tại sao một người tâm thần lại được chọn làm bảo vệ tổ dân phố: Tại sao địa phương không phát hiện Giang là đối tượng tâm thần để có biện pháp ngăn chặn? Chính sự thờ ơ, tắc trách của cả hệ thống quản lý nên một đối tượng bị tâm thần mới lọt được vào bảo vệ dân phố để rồi gây ra thảm kịch đau lòng.

Ông Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết, đa phần việc giám sát hành vi của người tâm thần ngoài xã hội hiện chỉ trông vào gia đình người bệnh. 

Về mặt tâm lý, chúng ta thường tránh xa những người có biểu hiện tâm thần nặng, còn trường hợp người bị tâm thần dạng nhẹ thì ít khi đề phòng. Song, có không ít những bệnh tâm thần phân liệt tuy có biểu hiện bên ngoài không nặng nhưng lúc lên cơn hoặc bị tác động mạnh, hoang tưởng ảo giác chi phối, xui khiến người bệnh thực hiện hành phạm pháp. Vì vậy, đa phần các vụ án giết người do người tâm thần gây ra kể trên đều ở đối tượng này.

Ngọc Thiện
.
.
.