Thâm nhập IS để giải cứu hàng trăm nô lệ bị bắt cóc

Thứ Ba, 03/11/2015, 17:30
"Tất cả chúng ta rồi sẽ chết. Cái chết chỉ đến một lần. Tôi muốn một cái chết bất khuất và tự hào, không phải trong tủi hổ"- người đàn ông dũng cảm tên Abu Shuja chia sẻ với RT ngày 28/10.

Liều mình như chẳng có

"Tôi đã mạo hiểm vào vùng lãnh thổ của Nhà nước Hồi giáo (IS) 15-20 lần. Hiện tôi đã cứu được khoảng 390 trẻ em, phụ nữ và bé gái người Yazidi bị bắt làm nô lệ "- Abu Shuja kể. Hàng ngày, ông bất chấp nguy hiểm để cứu mạng những con tin trong tay kẻ thù. Tuy nhiên, ba người em họ của ông vẫn đang bị IS giam giữ.

"Tôi không thể cứu họ. Tôi không thể xác định được họ ở đâu. Họ là động lực để tôi bắt đầu công việc này"- Shuja nói, đưa ra bức ảnh chụp ba phụ nữ trẻ trong điện thoại. Việc định vị và giải cứu các nạn nhân khiến Shuja và những người thuộc bộ tộc của ông phải đối mặt với mối nguy hiểm đến tính mạng hàng ngày. "Tôi đã nhận được nhiều lời đe dọa của IS kể từ ngày bắt đầu công việc này.

Các cô gái người Yazidi bị bắt làm nô lệ.

IS nhận ra rằng, tôi đang giải thoát cho những người bị chúng bắt, chúng tôi đã bị bắt gặp nhiều lần"- Shuja, đang ở Moscow, Nga nói. IS thậm chí treo thưởng lớn để lấy đầu ông. "IS cam kết thưởng 500.000 USD cho bất kỳ ai cung cấp thông tin hoặc bắt được tôi hay giao nộp tôi cho chúng", Shuja nói. " Mày là kẻ hỗn xược, kẻ thù của chúa trời, bọn mày thua cuộc ở thế giới này và bên kia…số phận bọn bay là địa ngục…" - Shuja nhún vai, kéo một hơi thuốc và kể lại sự việc một tên khủng bố cực đoan người Tunisia đã nhắn tin bằng âm thanh đe dọa ông.

Ông vừa là người tổ chức vừa tham gia vào các cuộc giải cứu. Ông từng buôn lậu và hiện sử dụng mạng lưới ngầm của mình để âm thầm đưa các con tin Yazidi thoát khỏi hang ổ của IS về đoàn tụ với gia đình. Mạng lưới giải cứu của ông trải dài khắp cả Iraq tới Syria, tuy không sẵn lòng nói chi tiết về mạng lưới này nhưng hiện vẫn hoạt động ngầm một cách hiệu quả.

Dưới thời cựu Tổng thống S. Hussein, ông thường tới Syria để kinh doanh hàng lậu, khi ấy ông mới 18 tuổi. Và rồi ông phải ngồi tù, điều này đã ảnh hưởng rất lớn tới cuộc sống sau này của ông. Con trai út của ông cũng được đặt tên là Shujaa. Ông cũng thường đưa ảnh những con tin được giải cứu lên Facebook, trong đó có ảnh một cậu bé bị IS ép ra ngoài mặt trận. Mỗi lần thường giải cứu được 6-7 người trên đất Syria, tại chính thành phố Raqqa mà IS chọn làm lãnh địa. " Mọi hoạt động đều diễn ra bí mật và hết sức cẩn trọng."-ông cho biết.

Đồng đội hi sinh hàng ngày

IS đã nhiều lần tiếp cận gần khu vực Shuja sinh sống, nhưng không bắt được ông. Ông cho hay, ban đầu cũng sợ hãi, nhưng sau đó quen dần với những lời đe dọa. "Đến nay tôi đã để mất 15 người hỗ trợ thực hiện các cuộc giải cứu. 12 người trong số họ bị chặt đầu, thi thể họ bị đem ra phơi. Hai người gần đây bị sập bẫy của IS", ông kể. Tuy nhiên, số tiền thưởng hay cái chết của những đồng đội không hề khiến Shuja nhụt chí. 

"Tôi sẽ không từ bỏ công việc của mình. Vấn đề không phải là chúng có ảnh tôi, chúng biết tên tôi. Chúng sẽ thưởng 500.000 USD cho cái đầu của tôi nhưng tôi sẽ không dừng lại cho đến khi tù nhân cuối cùng được giải thoát"- ông nói. Shuja ước tính vẫn còn khoảng 2.700 - 2.800 người đang bị giữ làm con tin. Được sự hỗ trợ từ phía gia đình, Shuja quyết tâm tiếp tục sứ mệnh giải cứu người Yazidi. Họ lo sợ cho tính mạng của ông nhưng họ chấp nhận và ca ngợi về những gì ông đang làm. Trong số những người ông giải cứu có Samira, 21 tuổi, và hai con trai của cô ta. Hiện chồng cô và những thành viên trong gia đình vẫn mất tích. Cô đang mang thai thì bị bắt cóc, đã sinh bé gái trong lúc chạy loạn. Nạn nhân sau đó đã được đưa tới Syria bán cho một chiến binh Arab Saudi cùng 30 phụ nữ trẻ khác.

Một ngày trong tháng 4 vừa qua, tên khủng bố nói, sẽ thả cô nếu gia đình bỏ ra 38 000 USD tiền chuộc. Cô liền cho hắn liên hệ với cha cô, nhưng sau đó tên này đổi ý. Cha cô liền liên lạc với Shuja, và cuộc giải cứu đã thành công.

Yazidi, một tộc người thiểu số ở Iraq, trở thành nạn nhân của IS khi các phiến quân ngày càng lấn sâu và chiếm giữ nhiều vùng lãnh thổ rộng lớn. Tháng 8 năm ngoái, chúng chiếm Núi Sinjar, quê hương của hàng nghìn người Yazidi, và biến cuộc đời họ thành cơn ác mộng. Trẻ em và phụ nữ bị bắt cóc rồi đưa đến các chợ nô lệ để bán, trong khi các bé trai bị "tẩy não" bằng các khóa huấn luyện quân sự.

Cũng là một người Yazidi, trước sự tàn bạo của IS, Shuja biết rằng mình không thể ngồi yên mà phải hành động.  "Sau khi những tên côn đồ IS chiếm giữ Sinjar, chúng nô dịch khoảng 5.000 đàn ông, phụ nữ và trẻ em. Không có ai cứu họ nên chúng tôi phải cứu lấy chúng tôi thôi", ông nói trong bộ phim tài liệu của RT.

Trường Minh-S.H (tổng hợp)
.
.
.