Thăng trầm của một số Tổng thống và Phó Tổng thống Panama

Thứ Sáu, 12/06/2015, 14:00
Vụ bắt giữ cựu Phó Tổng thống Felipe Virzi, 71 tuổi, với cáo buộc có liên quan tới bê bối tham nhũng và rửa tiền đang là chủ đề bàn tán tại Panama.

Theo thông báo của Văn phòng Tổng Chưởng lý Panama hôm 4/6, ông Felipe Virzi đã bị bắt sau 10 tiếng đồng hồ thẩm vấn với cáo buộc đã nhận hối lộ 10 triệu USD từ Công ty Hidalgo & Hidalgo của Ecuador để giúp họ trúng thầu hợp đồng trị giá 37 triệu USD xây dựng hệ thống tưới tiêu.

Dự án này do Chính phủ Panama dưới thời cựu Tổng thống Ricardo Martinelli mở thầu cách đây 3 năm (2012-2015). Các công tố viên cho rằng, ông Felipe Virzi đã chuyển 10 triệu USD vào nhiều tài khoản cá nhân, trong đó có tài khoản của cựu Tổng thống Ricardo Martinelli. Cựu Phó Tổng thống Felipe Virzi đã bác mọi cáo buộc kể trên.

Vụ bắt giữ ông Felipe Virzi là động thái mới nhất trong chiến dịch chống tham nhũng do Tổng thống Juan Carlos Varela phát động. Theo giới truyền thông, sau khi rời chính trường, ông Felipe Virzi gặt hái nhiều thành công trong lĩnh vực bất động sản, chứng khoán và ngân hàng, và được coi là một trong những người giàu có nhất Panama.

Cựu Phó Tổng thống Felipe Virzi.

Ông Felipe Virzi là Phó Tổng thống dưới thời Tổng thống Ernesto Perez-Balladares (1994-1999) và là người có mối quan hệ thân thiết với cựu Tổng thống Ricardo Martinelli. Được biết, vụ bắt giữ ông Felipe Virzi diễn ra trong bối cảnh nhiều quan chức thân cận với cựu Tổng thống Ricardo Martinelli cũng đang bị vướng vào những cáo buộc tương tự.

Ngoài ra, Tòa án Tối cao Panama cũng đang điều tra cựu Tổng thống Ricardo Martinelli do bị tình nghi dính líu đến khoản phí vượt trội hàng chục triệu USD trong các hợp đồng cung cấp thực phẩm cho những trường công lập tại Panama trong thời gian tại nhiệm (2009-2014).

Theo giới truyền thông, hơn 1 tháng trước (30/4), Tòa án Tối cao đã cho phép điều tra ông Ricardo Martinelli với cáo buộc tham nhũng sau khi Tòa án Bầu cử Tối cao Panama tước quyền miễn trừ của cựu Tổng thống với tư cách là nghị sỹ Quốc hội Trung Mỹ (Parlacen). Bởi ông Ricardo Martinelli hiện là Chủ tịch Đảng Thay đổi Dân chủ và thành viên của Nghị viện Trung Mỹ. Trước đó, có nhiều ý kiến đề nghị truy tố cựu Tổng thống Ricardo Martinelli vì liên quan đến công quỹ dành cho Chương trình Trợ giúp Quốc gia (PAN) do Chính phủ Panama thực hiện khi còn tại chức.

Gần 5 tháng trước (28/1), Tòa án Tối cao quyết định điều tra đối với ông Ricardo Martinelli ngay sau khi 2 Tổng Giám đốc Chương trình Trợ giúp Quốc gia (PAN) Giacomo Tamburrelli (2009-2012) và Rafael Guardia (2012-2014) thú nhận, chính cựu Tổng thống là người chỉ huy hệ thống tham nhũng quốc gia, trong đó có vụ biển thủ gần 45 triệu USD thông qua việc mua lương thực, thực phẩm chống đói nghèo tại nước này.

Hai Tổng Giám đốc Giacomo Tamburrelli và Rafael Guardia đã bị Tòa án Tối cao bắt giam vì làm thất thoát hơn 44,5 triệu USD thông qua việc mua lương thực, thực phẩm theo lệnh của cựu Tổng thống Ricardo Martinelli.

Nhưng ông Ricardo Martinelli đã phủ nhận mọi cáo buộc kể trên, đồng thời coi đây là âm mưu "săn lùng chính trị" của Tổng thống Juan Carlos Varela, người từng là đồng minh của mình. Hơn 1 năm trước (5-5-2014), Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS) đã bày tỏ quan ngại về "sự can thiệp" của Văn phòng Tổng thống Panama vào cuộc bầu cử vừa diễn ra. Theo nữ phát ngôn OAS Lourdes Flores, những người ủng hộ cựu Tổng thống Ricardo Martinelli đã "sử dụng công quỹ để phục vụ chiến dịch tranh cử".

Cựu Tổng thống Ricardo Martinelli.

Tuy nhiên, theo Tòa án Bầu cử Tối cao Panama, ứng cử viên bảo thủ, Phó Tổng thống Juan Carlos Varela đã giành chiến thắng với 39% phiếu bầu. Ông Ricardo Martinelli là cựu Tổng thống thứ hai Panama phải đối mặt với pháp luật bởi 40 năm trước, cựu Tổng thống Marco Aurelio Robles (1964-1968) từng phải hầu tòa vì tội vi phạm Hiến pháp Quốc gia.

Nhưng cựu Tổng thống Manuel Antonio Noriega mới là người thăng trầm nhất. Bởi người hùng một thủa ở Panama, từng đoạt ghế Tổng thống từ tay ứng cử viên đã thắng cử Guillermo Endarra, nhưng vì đắc tội với Mỹ nên cựu Tổng thống Bush (cha) ra mật lệnh cho lực lượng đặc nhiệm phải bắt bằng được ông Manuel Antonio Noriega đưa về Mỹ trị tội.

Và ông Manuel Antonio Noriega trở thành nguyên thủ quốc gia đầu tiên trên thế giới bị lính đặc nhiệm Mỹ bắt ngay trên đất nước mình đang làm Tổng thống và bị kết án tại Mỹ. Có một chi tiết khá thú vị là ông Manuel Antonio Noriega bị Tổng thống Bush cha ra lệnh bắt và Tổng thống Bush con là người quyết định ngày tự do của cựu Tổng thống Manuel Antonio Noriega.

Tuệ Sỹ
.
.
.