“Thành phố trú ẩn” chống Tổng thống Trump

Thứ Sáu, 20/01/2017, 11:03
Di dân không giấy tờ hợp lệ ở Mỹ đang hy vọng vào thị trưởng của những “thành phố trú ẩn” đang tìm cách bảo vệ họ khỏi bị trục xuất khỏi Mỹ theo lệnh của Tổng thống tân cử Donald Trump.


“Thành phố trú ẩn” là một thành phố ở Mỹ hoặc Canada có chính sách bảo vệ di dân không giấy tờ tùy thân, bằng cách không truy tố họ về tội vi phạm Luật di trú liên bang ở quốc gia mà họ sống trái phép. Không có định nghĩa pháp lý, nhưng đó là một thành phố mà cảnh sát địa phương từ chối hợp tác với các cơ quan hải quan và di trú liên bang muốn trục xuất người lao động không giấy tờ, theo báo Washington Post.

Ông Trump sẽ duy trì DACA?

Đầu tháng 12-2016, thị trưởng các thành phố lớn của Mỹ vừa viết thư gởi Tổng thống Trump, đề nghị ông không trục xuất về nước con cái của người nhập cư, cho phép chúng được đến trường, đi làm, đóng thuế và đóng góp cho nền kinh tế Mỹ, và chúng không phải sống trong nỗi sợ bị trục xuất.

Trong một cuộc gặp Thị trưởng Rahm Emanuel của Chicago, ông Trump đã nhận lá thư của 15 thị trưởng, đề nghị ông tiếp tục chấp nhận đơn xin tham gia chương trình Hoãn trục xuất di dân tới Mỹ lúc vị thành niên (Deferred Action for Childhood Arrivals - DACA). Thư nêu DACA giúp bảo đảm người trẻ đến Mỹ trước khi 16 tuổi để học cao hơn, làm việc hoặc đi lính thì có thể ở lại trong cộng đồng mà không sợ bị trục xuất. Hiện có gần 742.000 trẻ em không giấy tờ thụ hưởng DACA vốn bắt đầu từ năm 2012. Các em nộp phí, được lấy dấu tay và đã trải qua những cuộc xác minh lý lịch, nhân thân.

Nữ Thượng nghị sĩ Lindsey Graham (bang Nam Carolina) đã đề nghị ông Trump xem xét kết thúc DACA. Nhưng các thị trưởng nói họ được khuyến khích từ lần ông Trump gặp những người thụ hưởng Luật DREAM hồi năm 2013, nghe họ kể chuyện và nói: “Quý vị thuyết phục được tôi. Sự thật là tôi có nhiều di dân trái phép làm việc cho tôi ở Miami, sân golf của tôi ở đó đều do người nói tiếng Tây Ban Nha chăm giữ, nếu không có họ thì tôi chẳng có được bãi cỏ đẹp nhất”.

Bức thư có chữ ký của các thị trưởng: Bill de Blasio (New York), Eric Garcetti (Los Angeles) và Megan Barry (Nashville). Họ nêu hầu hết trẻ thụ hưởng DACA đều đóng góp cho nền kinh tế Mỹ, học tập và làm việc ở Mỹ, và 6% số trẻ này thậm chí đã mở kênh làm ăn riêng: nhiều trẻ học lái xe, trở thành những tài xế đầy trách nhiệm, có mua bảo hiểm và tham gia các chương trình quân sự chủ đạo vốn yêu cầu biết nói thạo nhiều thứ tiếng nước ngoài.

Họ nói xóa DACA sẽ dẫn đến việc mất khoản tiền thuế 9,9 tỉ USD trong 4 năm tới, và mất hơn 433,4 tỉ USD trong GDP Mỹ cùng trong thời gian đó.

Thị trưởng Chicago, ông Emmanuel từng là Chánh văn phòng của Tổng thống mãn nhiệm Barack Obama. Ông kể ông nội ông khi mới 13 tuổi (vào 100 năm trước) đã đến thành phố này, và nói: “Chicago là một thành phố trú ẩn (sanctuary city, không mang nghĩa thành phố tôn nghiêm) của ông tôi. Ngày nay, cháu của ông ấy là thị trưởng, như một chúc thư cho các giá trị và lý tưởng ở Mỹ”.

Thị trưởng Emmanuel nói thêm: “Các thị trưởng chào đón di dân vì họ đang phấn đấu thực hiện giấc mơ Mỹ. Tôi muốn trấn an tất cả các gia đình rằng Chicago đang và sẽ là một thành phố trú ẩn”.

Quỹ hỗ trợ pháp lý cho di dân

Trước đó, ông Emmanuel nói Chicago đã có kế hoạch chi 1 triệu USD để lập một quỹ bào chữa pháp lý, dành cho di dân không giấy tờ có thể bị trục xuất. Ông nói lý do lập quỹ là 150.000 di dân không giấy tờ ở Chicago đang lo sợ và bất an vì nguy cơ bị trục xuất.

Quỹ này mở ra cơ hội được nhập quốc tịch Mỹ cho người có nguy cơ bị trục xuất, khẳng định tình trạng “thành phố trú ẩn” của Chicago. Quỹ có sự phối hợp của Trung tâm Tư pháp người nhập cư quốc gia (National Immigrant Justice Center) vốn là một trung tâm quyết bảo vệ nhân quyền do di dân không giấy tờ, người tỵ nạn và người xin tỵ nạn ở Chicago, nhằm cung cấp lập tức thông tin, xác minh, tư vấn và đại diện cho các cá nhân có thể bị trục xuất”, theo thông tin từ Văn phòng Thị trưởng Chicago.

Số tiền 1 triệu USD cho quỹ là từ nguồn vốn không sử dụng trong một chương trình hoàn thuế bất động sản (20 triệu USD), do Thị trưởng Emmanuel lập ngày 1-10-2016, theo báo Chicago Tribune.  Tòa thị chính trích gần 1 triệu USD từ quỹ này, do chỉ có 12.000 hộ gia đình làm đơn xin giảm thuế, khiến nguồn tiền dư được dùng để chi bảo vệ di dân. Ông Emmanuel nói ông muốn di dân và con cái, gia đình họ được an toàn, hỗ trợ ở Chicago.

Trong khi đó, Thị trưởng De Blasio của New York từng hứa “sử dụng mọi công cụ trong tay” để chống lại bất kỳ nỗ lực trục xuất cư dân nào của chính phủ liên bang. Ông từng gặp ông Trump hồi tháng 11, kêu gọi vị Tổng thống không tái áp dụng chính sách cảnh sát chặn xe xét hỏi vốn bị chỉ trích là một chính sách kỳ thị dân da màu. Ông De Blasio cũng dọa kiện chính phủ, nếu người theo đạo Hồi bị buộc đăng ký hoặc cảnh sát được lệnh trục xuất người không có đại diện pháp lý.

Los Angeles và San Francisco cũng dành tiền cho di dân không giấy tờ, như cấp thẻ căn cước miễn phí để họ có thể thụ hưởng các dịch vụ công của thành phố. Theo CNN, các thành phố duyên hải và “căn cứ của phái tự do” đều tự tuyên bố là, “thành phố trú ẩn” hoặc “chốn an toàn” cho di dân không giấy tờ.

Ông Trump xử kiểu nào?

Ông Trump đã  nói ngay khi làm chủ Nhà Trắng, ông sẽ trục xuất từ 2 đến 3 triệu di dân trái khép. Bức thư được các thị trưởng trao tay ông Trump cùng ngày tạp chí Time đăng bài phỏng vấn ông Trump, trong đó ông nói “di dân trái phép toi rồi”. Ông Trump nói: “Chúng đến từ Trung Mỹ, rắn hơn những người mà quý vị đã gặp. Chúng giết và hiếp tất cả mọi người. Chúng phi pháp và chúng toi rồi”.

Hồi tháng 8, ông Trump đã từng nói sẽ cấm cấp ngân sách liên bang cho các thành phố từ chối cung cấp thông tin cho các quan chức chính phủ  về tình trạng di trú của người dân thành phố. Ông nói: “Chúng tôi sẽ xử lý kết thúc các thành phố trú ẩn, hậu quả là nhiều cái chết không cần thiết. Các thành phố từ chối hợp tác với chính quyền liên bang sẽ không được nhận tiền dân đóng thuế, và chúng tôi sẽ làm việc với Quốc hội để thông qua luật bảo vệ các quyền hạn hỗ trợ chính quyền liên bang”.

Sau đó, ông Trump không nói liệu ông có giữ lời hứa này hay không, và có cần Quốc hội cho phép hay sẽ thực hiện thông qua một sắc lệnh tổng thống. nhưng có những dấu hiệu ông Trump bám quan điểm cứng rắn về di dân trái phép.

Nhiều quan chức các thành phố ở Mỹ đã nghĩ chuyện tệ hại nhất nếu không được hưởng ngân sách liên bang. Các quan chức San Francisco nói họ thường được liên bang hỗ trợ 1 tỉ USD. Ngân sách thành phố này hiện là 9,6 tỉ USD.

Báo New York Business nói New York (quê quán của ông Trump) nói có thể bị mất 6 tỉ USD nếu Thị trưởng De Blasio (ủng hộ ứng cử viên tổng thống Hillary Clinton) theo đuổi kế hoạch bảo vệ di dân không giấy tờ.

Trung Trực (tổng hợp)
.
.
.