Thành viên tổ chức tội phạm hoàn lương trở thành đầu bếp

Thứ Hai, 14/01/2019, 08:55
Sau khi Yakuza suy thoái vào những năm sau này, rất nhiều thành viên tổ chức tội phạm khét tiếng Nhật Bản nghĩ đến chuyện hoàn lương và bắt đầu cố gắng xây dựng cuộc sống mới tuân thủ luật pháp. Như là trường hợp của "sát thủ" Takashi Nakamoto.


Từ trong nhà bếp, Takashi Nakamoto gửi lời chào thân thiện khi nhìn thấy vị khách mở cửa nhà hàng bước vào. Gương mặt anh hiện ra lờ mờ sau làn hơi nóng bốc lên từ nồi nước đang sôi. Khách hàng thường nhìn thấy Nakamoto xắt tỏi tây và rưới nước lên tô mì udon một cách thành thạo, nhưng ít ai biết rằng anh mới chỉ mở nhà hàng Daruma-ya ở phía tây nam thành phố Kitakyushu trên đảo Kyushu từ tháng 6-2017.

Trước đó, cuộc sống của Nakamoto là một thế giới hoàn toàn khác. Ngón tay út bị cụt là bằng chứng của 3 thập niên Nakamoto sống trong thế giới ngầm, từ cấp thấp nhất vươn đến vị trí cao trong Kudo-kai, một trong những băng nhóm tội phạm bạo lực nhất Nhật Bản.

Nakamoto trong nhà hàng Daruma-ya ở phía tây nam thành phố Kitakyushu trên đảo Kyushu.

Nakamoto không ngần ngại vén áo phông lên để lộ hình xăm trải dài từ trên lưng xuống đến cánh tay cho mọi khách hàng xem. Nakamoto tiết lộ: "Gia nhập xã hội đen không giống như làm việc cho một công ty hay theo đuổi một nghề nghiệp ổn định mà đó là một cách sống. Tôi là người thực sự ngông cuồng khi còn trẻ, vì vậy việc tham gia xã hội đen trở nên khá tự nhiên. Tôi sẵn sàng làm bất cứ điều gì cho tổ chức của mình. Tôi là một tay xã hội đen nghiêm túc".

Băng nhóm cũ của Nakamoto, với hơn 600 thành viên, đứng đằng sau một loạt những tội ác bạo lực vi phạm luật lệ yakuza truyền thống là không tấn công dân thường. Masataka Yabu, người đứng đầu bộ phận chống tội phạm có tổ chức của thành phố Kitakyushu, cho biết: "Thông thường, yakuza không nhắm vào phụ nữ và dân thường, nhưng Kudo-kai thì khác. Do đó mà người dân sẽ không dám đứng ra làm chứng hoặc cung cấp thông tin cho cảnh sát vì họ sợ cuộc sống bị đe dọa".

Băng nhóm của Nakamoto từng sát hại người đứng đầu một hợp tác xã ngư dân và ném lựu đạn vào một lãnh sự quán Trung Quốc. Năm 2000, các thành viên Kudo-kai ném một loạt quả bom xăng vào đơn vị tổ chức bầu cử của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Năm 2010, sau hàng loạt vụ xả súng, cơ quan cảnh sát quốc gia Nhật Bản (NPA) xếp Kudo-kai vào "nhóm tội phạm đặc biệt nguy hiểm" đồng thời người dân đã xuống đường kêu gọi tống khứ các văn phòng của băng nhóm này ra khỏi khu vực trung tâm thành phố Tokyo.

Sau 2 thập niên Nhật Bản áp dụng chặt chẽ luật chống băng đảng và do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, các nhóm yakuza bị thiệt hại nặng nề. Thành viên của Kudo-kai, giống như nhiều băng đảng yakuza khác, không còn lộng hành được như họ muốn thời sau Chiến tranh Thế giới lần 2.

Nakamoto tâm sự: "Tôi gia nhập yakuza khi sức mạnh của xã hội đen ở thời hoàng kim. Đó không phải là vấn đề về tiền hay xe hơi, quần áo đắt đỏ... chúng tôi nghĩ rằng mình là hình tượng mẫu mực của những bậc trượng phu Nhật Bản, dám đối đầu với nguy hiểm để thực hiện mục đích của mình.

Không ai muốn gây chuyện với chúng tôi". Yakuza đã khiến chàng thanh niên Nakamoto, khi đó mới chỉ học cấp 3 và không có bố, được thực sự thuộc về một nơi nào đó. Đó là cảm giác mà anh không thể tìm thấy ngoài xã hội.

Sau khi hợp tác với xã hội đen với tư cách người môi giới bất động sản, Nakamoto gia nhập Kudo-kai làm vài công việc văn phòng, nấu ăn cho ông trùm (oyabun) Hideo Mizoshita, thu phí bảo kê và tìm nguồn cung ứng lao động giá rẻ cho các công ty xây dựng. Năm 2008, khi đang bị giam giữ trong nhà tù, Nakamoto nhận được tin ông trùm Mizoshita đã chết.

Cái chết của Mizoshita cùng sự dằn vặt lương tâm vì gây ra tội ác cho những cư dân vô tội khiến Nakamoto phải đặt câu hỏi về nghề nghiệp của mình. Cuối cùng, anh quyết tâm cắt đứt mối quan hệ với yakuza.

Giờ Nakamoto đã trải qua 4 đến 5 năm giám sát sau khi ra tù. Trong thời gian này, anh không được phép mở tài khoản ngân hàng và thuê bất động sản, nhưng ít nhất anh cũng tìm được công việc với triển vọng phát triển lâu dài.

Tại quận Fukuoka - "quê hương" của tổ chức Kudo-kai và bốn băng nhóm tội phạm lớn khác - số lượng thành viên giảm từ 3.720 người cách đây một thập niên xuống chỉ còn hơn 2.000. Để khuyến khích các yakuza từ bỏ tổ chức tội phạm, chính quyền địa phương gần đây bắt đầu trợ cấp tiền cho những người mới hoàn lương để giúp họ thuê nhà và tìm việc làm mới.

Masataka Yabu giải thích: "Chúng tôi phải tiếp tục khuyến khích yakuza từ bỏ công việc của họ. Họ nghĩ rằng sẽ phải hy sinh rất nhiều, nhưng khi được nhắc nhở về những điều khủng khiếp họ đã gây ra, các yakuza bắt đầu suy nghĩ lại. Nhiều người trong số họ muốn hoàn lương vì lợi ích cho vợ con. Yakuza ngoài đời thực không giống những người đàn ông đáng kính mà bạn thấy trong các bộ phim. Họ có được thiện cảm từ công chúng nhờ phân phát thức ăn và nước uống sau trận động đất lớn, nhưng không có thứ gì gọi là yakuza tốt cả".

Nakamoto cảm thấy biết ơn dân cư trong khu phố vì đã nhìn nhận tích cực về anh trong quá trình hoàn lương từ một yakuza cấp cao trở thành ông chủ nhà hàng mì udon khiêm tốn.

Nakamoto thú nhận: "Những người xung quanh đã động viên tôi rất nhiều, đặc biệt là khi tôi cảm thấy muốn bỏ cuộc. Tuy nhiên vận may không đứng về phía những người như tôi. Khi tôi từ bỏ xã hội đen không có nghĩa là tôi sẽ trở thành người bình thường như bao người khác. Tôi không bắt đầu từ con số không, mà bắt đầu từ con số âm".

Duy Minh
.
.
.