Thấy gì khi các tổ chức tội phạm làm từ thiện?

Thứ Ba, 30/06/2020, 09:24
Trái với suy nghĩ chung, thực tế xưa nay cho thấy, đã - đang có không ít những tên tội phạm có tổ chức cũng đồng thời là các nhà từ thiện hào phóng. Trên một khía cạnh nào đó thì đấy là cái cách mà họ thoả mãn một chút còn lại của lòng nhân ái và tính phải - trái trong lòng mình.


Nhưng từ thiện cũng mang lại nhiều lợi ích khác cho những con người của thế giới ngầm. Chúng ta có thể thấy rõ điều này khi mà đại dịch COVID -19 đã - đang ngày càng tiếp tục hoành hành dữ dội trên toàn thế giới.

Bảo vệ địa bàn

Bảo vệ địa bàn hoạt động là một trong những nhiệm vụ cần phải có thường ngày của một băng đảng tội phạm. Họ có thể sử dụng vũ khí và vũ lực để làm điều đó. Nhưng còn một cách khác để bảo vệ lãnh thổ, đó là làm…từ thiện. Đây không phải là một điều tréo ngoe như nhiều người mới nghe qua cảm thấy. 


Các hoạt động từ thiện tạo dựng một bộ mặt thân thiện mà tội phạm có tổ chức phô ra trước người dân địa phương nhằm lấy lòng họ. Thế là những tên côn đồ, bảo kê, v.v…có thể hoạt động thoải mái mà không phải chịu bị người dân liên tục dò xét, phản đối. Thế nên chỉ đến khi bị các lực lượng thực thi pháp luật "sờ gáy" thì kẻ tội phạm thậm chí còn có thể dựa vào sự che giấu của người dân.

Người phụ nữ trao quà từ thiện là nhân viên công ty thời trang do con gái trùm ma tuý El Chapo khét tiếng sở hữu. 

Những nhóm Yakuza đầu tiên hình thành sau cuộc Chiến tranh Thế giới thứ Hai như một cách để thế giới ngầm Nhật Bản kiểm soát thị trường chợ đen đang nuôi sống hàng triệu người Nhật đang trong thảm họa đói ăn, đói mặc khi ấy. 

Được sinh ra giữa một cuộc khủng hoảng nhân đạo như thế, Yakuza là những kẻ đầu tiên hiểu ra giá trị của việc từ thiện. Thế là ngay lập tức mỗi khi thảm hoạ tự nhiên xảy ra ở Nhật, những nhóm Yakuza luôn có mặt đầu tiên tại hiện trường để phân phát thực phẩm, nước sạch, quần áo, v.v…cho các nạn nhân. 

Hiện tượng nói trên đã xảy ra sau trận động đất tại Kobe vào năm 1995, sau thảm hoạ sóng thần năm 2011, và lại xảy ra giữa đại dịch COVID-19. Ngoài việc phát chẩn, những tên Yakuza còn tặng khẩu trang cho mọi người trong khi khẩu trang đang trong tình trạng "cháy hàng" trên toàn nước Nhật. 

Thậm chí còn có cả một băng đảng Yakuza đề nghị gửi 600 thành viên lên tàu du lịch Diamond Princess để làm việc dọn dẹp, khử trùng. Tuy chính phủ Nhật Bản đã từ chối đề nghị này, nhưng nó giống như một sự tương phản đối với chính phản ứng có phần bất lực của chính phủ đối với tàu Diamond Princess. Rốt cuộc là, người dân nhìn vào đó mà gửi gắm  lòng tin của mình vào Yakuza hơn là đặt niềm tin vào các cấp chính quyền.

Tại những quốc gia mà chính phủ không bảo vệ hết được người dân khỏi đại dịch, thậm chí các tổ chức tội phạm còn đứng lên đảm nhận vai trò của chính quyền. Ví dụ như Brazil, nơi đang trong tâm dịch của thế giới. Chính quyền nhiều thành phố lớn đã không thể lo toan chu toàn việc chống dịch và chữa bệnh cho người dân, đặc biệt là những người dân nghèo nên họ tự đối phó với COVID-19. Thế là các băng đảng tội phạm đứng lên tự tổ chức hoạt động phòng chống virus.

Khi đã "vào cuộc", các băng đảng tội phạm tức thì thành lập ra các chốt kiểm soát để kiểm tra bất kỳ người nào ra vào những khu ổ chuột. Người dân nghèo không có việc làm thì được phát khẩu trang và nước rửa tay miễn phí. Chỉ với vài động thái đơn giản như vậy thôi mà các băng đảng đã giúp kiểm soát đáng kể tốc độ lan truyền của bệnh dịch tại Brazil.

Đường phố các khu ổ chuột tại Sao Paulo trở nên vắng hơn hẳn sau khi các băng đảng ra lệnh giới nghiệm. 

Trường hợp của Brazil (và khu vực Nam Mỹ nói chung) có một điểm đáng để chú ý. Tuy việc trộm cắp, bảo kê, bắt cóc và buôn bán ma tuý vẫn đem lại nguồn thu nhập chính cho các tổ chức tội phạm, những nhóm này đang tìm cách lập nên những doanh nghiệp hợp pháp. 

Một mặt thì các công ty này làm "bình phong" cho hoạt động phạm pháp, mặt khác thì chúng cũng đem lại nguồn thu an toàn cho các băng đảng. Để có thể tạo dựng cho mình danh tiếng tốt, các nhóm tội phạm lại "bổn cũ soạn lại" với hình thức làm từ thiện thông qua những doanh nghiệp nói trên.

Lấy ví dụ như Mexico. Trùm ma tuý Joaquín "El Chapo" Guzmán khét tiếng hiện đang chịu án phạt tù tại một trong những nhà tù nghiêm ngặt nhất nước Mỹ. Trong khi đó thì tại Mexico, con gái của y, Alejandrina Guzman, Giám đốc thương hiệu thời trang "El Chapo 701", hiện đang phân phát những hộp quà từ thiện in hình cha mình cho người dân nghèo trên toàn quốc. 

Quả thật là khó có cách nào để vừa tạo danh tiếng cho công ty, vừa gây ấn tượng tốt trong dân về một tên tội phạm hơn thế. Thậm chí trên địa bàn của các băng đảng đối địch, nhân viên của công ty El Chapo 701 cũng được các ông trùm địa phương cho phép tự do làm từ thiện, trong khi trước đây chỉ cần lính dưới quyền El Chapo đặt một chân lên đất này là đã xảy ra bắn nhau.

Lúc chưa bị bắt, Nguyễn Thị Dương (vợ Đường) thường có những hoạt động từ thiện.

Và điều dễ thấy nhất là qua vụ án "Đường Nhuệ" ở tỉnh Thái Bình, hai vợ chồng Đường, Dương cũng khá nổi tiếng về các hoạt động từ thiện, và các hoạt động đó như là một cái vỏ bọc hoàn hảo để cho băng nhóm tội phạm này hoạt động phạm pháp trong một thời gian dài mà không hề bị chính quyền để mắt tới. 

Rồi các băng ổ nhóm tội phạm trước đây, như băng của Dương Văn Khánh tại Hà Nội, băng do Nguyễn Ngọc Minh (tức Minh "sâm") cầm đầu tại Bắc Ninh,… trước khi bị triệt phá, đều rất nổi tiếng về các hoạt động từ thiện, nhân đạo, mạnh tay tài trợ cho các cuộc quyên góp ủng hộ vì cộng đồng.

Tại sao lại không loại bỏ được tội phạm có tổ chức?!

Với rất nhiều tên tội phạm, lý do khiến cho họ lâm vào con đường tội lỗi là vì nghèo đói. Trong khi chính quyền đã nỗ lực nhưng chưa thể đáp ứng hết được những nhu cầu cần thiết hằng ngày của người nghèo, thì các băng đảng lại làm từ thiện giúp họ. Còn với người dân nghèo thì chẳng có lý do nào để từ chối đổi viện trợ lấy sự im lặng trước tội ác cả. Thậm chí chỉ vì muốn "thoát nghèo" mà còn có một số người sẵn sàng trở thành thành viên của tổ chức tội phạm với mục đích "đổi đời".

Lại nói về Mexico. Từ nhiều năm qua chính phủ nước này đã phát động một cuộc chiến để loại trừ các băng đảng buôn ma tuý. Những thành công mà họ đạt được là rất hạn chế. 

Đến tận năm 2019, sau hơn một thập kỷ các lực lượng cảnh sát Mexico bắt đầu mạnh tay trừ khử tội phạm buôn ma tuý, vẫn còn có đến tận 34.500 người chết vì lý do liên quan đến thuốc phiện. 

Thậm chí có ý kiến cho rằng, vì nhà nước Mexico quá tập trung vào việc bỏ tù những tên tội phạm hiện tại mà quên mất cái việc làm sao để không hình thành những tên tội phạm mới.

Thành viên của hai băng đảng đối địch cùng đưa đồ ăn đến những hộ gia đình nghèo ở Cape Town.

Mặc dù Tổng thống Andrés Manuel López Obrador là người có tầm nhìn xa trông rộng, ông đã nhận ra gốc gác thực sự của tội phạm chính là sự nghèo đói, nhưng các chiến dịch chống nghèo gần đây của ông vẫn không có nhiều hiệu quả, trong khi các băng đảng ma tuý vẫn đang tự khẳng định quyền lực của mình. 

Tại một số địa phương chúng có quyền lực đến mức đưa cả thành viên trong băng đảng tham dự vào các cuộc bầu cử để trở thành dân biểu, còn ở những nơi khác, bất kỳ tên tội phạm nào cũng được tự động giảm giá khi đi mua hàng, cắt tóc, v.v...

Đại dịch COVID-19 đang làm lộ ra những bất bình đẳng sẵn có trong xã hội. Ở Mỹ, đã có lúc các bộ xét nghiệm virus đều rơi vào tay những người giàu, trong khi các bệnh viện thì không có đủ để phục vụ người bệnh. Còn ở nước Anh, trong khi các ông chủ doanh nghiệp giàu có là những người đầu tiên nhận được trợ cấp của chính phủ, người lao động thất nghiệp lại bị đuổi ra ngoài vì không có đủ tiền thuê nhà. 

Người nghèo đang là nạn nhân chính của đại dịch này, nhưng COVID-19 không phải là mối nguy hiểm duy nhất mà họ phải đối mặt. Người nghèo đang sợ hãi và mất phương hướng. Họ sẵn sàng tin vào bất kỳ ai có thể giúp họ sống, kể cả khi tội phạm là người chìa tay ra cứu rỗi họ.

Câu trả lời cho vấn đề phòng chống tội phạm có tổ chức vẫn luôn là: Xoá bỏ nghèo đói và tái khẳng định quyền lực của cộng đồng trong việc quyết định số phận của chính họ. Chắc chắn sẽ có ít người phạm tội hơn nếu cuộc sống của họ không xoay quanh một cuộc chiến mà chiến thắng là sống thêm một ngày nữa, còn thua là chết đói. Hãy tạo công ăn việc làm ổn định cho người dân với mức lương sống được. Đồng thời cho họ hưởng những chính sách an sinh xã hội như bảo hiểm xã hội và tiêm chủng toàn dân để khi thảm hoạ ập đến, người dân có thể có cơ hội sống qua cơn khủng hoảng được.

Đấy là "xoá bỏ nghèo đói", vậy còn "tái khẳng định quyền lực của cộng đồng" nghĩa là gì?! Trên một phương diện thì đó là "dân làm chủ", là thực hiện dân chủ ở địa phương. Tiếng nói của người dân phải luôn được chính quyền lắng nghe, và sự hiện diện của người dân phải luôn có mặt trong mọi quyết định chính sách. Người dân chỉ tin vào luật pháp, vào chính quyền khi họ tin rằng luật pháp, chính quyền đang phục vụ quyền lợi của mình.

Mặt khác thì cần tạo điều kiện cho các tổ chức địa phương hoạt động. Ngoài việc trở thành phương tiện cho người dân tác động lên cộng đồng của mình, các tổ chức từ thiện, hội nhóm đoàn thể, v.v… còn như "chất keo" kết dính xã hội lại. 

Một xã hội mà mỗi người chỉ nghĩ cho mình theo kiểu "đèn nhà ai nhà ấy rạng" sẽ là mảnh đất màu mỡ cho tội phạm nảy sinh. Trái lại, một người có tinh thần cộng đồng cao sẽ không làm ngơ trước nỗi khổ và hành vi sai trái của đồng loại mình. 

Chúng ta đã thấy các hội đoàn thể, nhóm tình nguyện nhanh chóng phản ứng trước đại dịch COVID-19 với những nghĩa cử cao đẹp như cây ATM gạo, đi chợ thay cho người già, phát khẩu trang miễn phí v.v… thời gian qua ở Việt Nam là một điểm sáng về lòng nhân ái, sẻ chia và sự thanh bình của một đất nước giàu truyền thống nhân văn.

Một trường hợp vừa mới xảy ra tại thành phố Cape Town,  thuộc đất nước Nam Phi đang là ví dụ tiêu biểu trong việc phòng chống tội phạm có tổ chức qua các tổ chức tình nguyện. Đã từ lâu các băng đảng côn đồ gây chiến với nhau tại khu ngoại ô Cape Flat. Thành viên của các băng nhóm này hầu hết là thanh thiếu niên xuất thân từ gia đình lao động và không có cơ hội thoát nghèo vì nạn phân biệt chủng tôc tràn lan tại Nam Phi. Thay vì đến trường, các em đến với tội phạm có tổ chức để kiếm tiền qua ăn cắp và buôn bán ma tuý.

Cách đây hơn một năm, một nhà truyền giáo người Úc tên là Adam Steele-Smith đến với Cape Flat. Ngoài việc truyền đạo, ông mong muốn có thể phần nào giúp vơi đi nỗi khổ của người dân nghèo nơi đây. Khi đại dịch COVID - 19 xảy ra, Adam mới tập hợp lãnh đạo các băng nhóm lại để cùng thành lập một nhóm từ thiện. Thật ngạc nhiên làm sao, chính những người mới ngày hôm qua còn cầm súng bắn nhau thì nay lại cùng nhau bê những thùng đồ ăn đến phát cho từng gia đình một. 

Rồi nữa, những chàng thiếu niên du thủ du thực nhất lại vô cùng nhiệt tình trong việc từ thiện. Ai cũng có thể cảm nhận được rằng nếu có sự lựa chọn thì các em chắc chắn sẽ lựa chọn làm con người chân chính. Adam Steele-Smith đang dự tính rằng sau đại dịch COVID - 19 này sẽ tìm cách mở một xưởng thủ công để vừa giáo dục, vừa tạo công ăn việc làm cho thành viên các băng đảng.

*

Quyền lực và trách nhiệm của Nhà nước tựu trung đều quy lại về hai chữ: Nhân dân! Nhân dân là người quyết định xem ai sẽ lãnh đạo họ vượt qua những thời điểm khó khăn như đại dịch COVID-19. Và nếu nhà nước chịu thua trước các tổ chức tội phạm trong việc chứng minh khả năng lãnh đạo của mình, thì cũng đừng tỏ ra ngạc nhiên khi người dân lựa chọn đặt lòng tin của mình vào tội phạm có tổ chức.

LÊ CÔNG VŨ (Tổng hợp)
.
.
.