Thế giới buôn người di cư ở Thổ Nhĩ Kỳ

Thứ Tư, 09/12/2015, 18:00
Bất chấp thời tiết giá rét của mùa đông, hàng ngàn người tị nạn Syria vẫn tiếp tục lên thuyền hơi đến miền đất hứa châu Âu. Những đường dây buôn người tị nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ - nơi được coi là "thủ phủ buôn người", vẫn hoạt động rất nhộn nhịp.

Nở rộ cửa hàng chuyên đồ vượt biển

Emre, cửa hàng bán đồ bơi ngay tại trung tâm Izmir của Thổ Nhĩ Kỳ chất đầy thuyền cao su bơm hơi. Chủ cửa hàng nói rằng, tất cả thuyền cao su đều được nhập khẩu từ Trung Quốc. Người mua thuyền là những người di cư vượt biển đến Hy Lạp. Mỗi ngày, Emre bán được khoảng một chục chiếc thuyền hơi. Những người bán hàng rong ngồi vỉa hè bán bóng bay. Phần lớn người tị nạn mua bóng bay không phải để ăn mừng mà để đề phòng những rủi ro xảy ra khi vượt biển. Nhiều cửa hàng ở Izmir đã chuyển sang bán áo phao vì đây là mặt hàng đắt khách nhất hiện nay.

"Cửa hàng chúng tôi chỉ bán được hai hoặc ba đôi giày mỗi ngày nhưng có thể bán từ 100 đến 300 áo phao. Thậm chí, vào mùa hè, chúng tôi còn bán được hàng ngàn chiếc", ông chủ một cửa hàng tạp hóa chia sẻ.

Ở thủ phủ buôn người di cư Izmir, Thổ Nhĩ Kỳ có nhiều cửa hàng bán đồ vượt biển.

Gia đình Alan Kurdi đến Izmir để tìm cơ hội di chuyển đến Châu Âu. Alan Kurdi cho biết, rất dễ dàng để mua những dụng cụ vượt biển ở Izmir vì các cửa hàng ở đây gần như đều có bán mặt hàng này. Các mặt hàng đa dạng và giá của chúng cũng rất phong phú. Hàng tốt hay hàng nhái, giá rẻ hay đắt đều được đáp ứng. "Mặc dù thời tiết xấu đi và bất chấp hậu quả của cuộc tấn công khủng bố ở Paris tối 13-11 khiến các quốc gia châu Âu siết chặt nhập cư, hàng ngàn người vẫn đổ về Izmir mỗi ngày để tìm cơ hội di chuyển. Hầu hết người Syria không thể làm việc hợp pháp tại Thổ Nhĩ Kỳ trong khi chiến tranh ở Syria ngày càng tồi tệ hơn. Chúng tôi biết những gì đã xảy ra ở Paris nhưng vẫn phải di chuyển, không có sự lựa chọn nào khác", ông Alan Kurdi nói.

Đường dây buôn người di cư hoạt động rầm rộ

Abu Khalil, một kẻ buôn người đi lang thang trên đường phố để tìm kiếm người di cư. Abu Khalil nói với phóng viên tờ Guardian rằng, Cesme, thị trấn ven biển phía tây Izmir chính là "bàn đạp" để đưa người di cư đến hòn đảo Chios của Hy Lạp. Lái xe taxi tại Cesme cũng tham gia tích cực vào đường dây buôn người. "Số người di cư vẫn không ngừng tăng lên. Một trong những lý do là sự bùng nổ của cuộc chiến, nhất là cuộc không kích của Nga ở Syria thời gian gần đây", Abu Khalil nói.

Những tay buôn người thường tìm kiếm, mời chào người di cư sử dụng "dịch vụ vận chuyển" của mình trên đường phố. "Rất dễ nhận biết người di cư Syria trên đường phố. Họ thường tỏ ra sợ hãi, sự lo âu hằn rõ trên khuôn mặt", Abu Khalil cho biết. Sau khi thỏa thuận với người di cư, những tay buôn người sẽ đưa họ đến khách sạn tồi tàn để chờ thời điểm di chuyển thích hợp. Người tị nạn thường được bố trí di chuyển vào ban đêm, bằng xe tải hoặc xe buýt. Abu Khalil cho biết, những tay môi giới buôn người thường phải tìm đủ khách cho mỗi cuộc hành trình từ 40 đến 50 người.

Theo Abu Khalil, giá vận chuyển người di cư cũng rẻ hơn nhiều so với trước. Giá một chỗ ngồi trên thuyền bơm hơi đến Hy Lạp giảm từ 1.200USD trong tháng chín xuống còn 900USD hai tuần trước và hiện chỉ còn 800USD. "Những người trước đây không có tiền để di chuyển thì giờ đã có thêm cơ hội. Nếu người tị nạn chủ yếu đến từ Syria thì ông chủ, nhân viên môi giới đưa người tị nạn vượt biển cũng là người Syria. Tuy nhiên, dù thế nào cũng cần sự phối hợp từ các "đồng nghiệp" Thổ Nhĩ Kỳ. Thổ Nhĩ Kỳ đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong hành trình này. Nếu không có sự giúp sức từ Thổ Nhĩ Kỳ, chuyến đi sẽ không thể diễn ra", Abu Khalil nói.

Những đường dây buôn người di cư kiếm được khoản lợi nhuận khổng lồ từ khách hàng. Mohamad, một tay buôn người nói rằng, trong mùa cao điểm, với một chiếc thuyền chở 40 hành khách, giá 1.200USD/người thì đường dây buôn người đã thu về 48.000USD. Sau khi trả tiền môi giới, chi phí khách sạn cho người tị nạn ở trong lúc chờ di chuyển, "lót tay" các quan chức… thì những kẻ buôn người vẫn có thể "bỏ túi" ít nhất 13.000USD. Điều đó chưa kể đến việc các băng nhóm buôn người cắt giảm tiền môi giới, tăng số người trên thuyền từ 40 lên 50.

Mới đây, các quan chức châu Âu đã đề nghị Thổ Nhĩ Kỳ nỗ lực nhiều hơn để ngăn chặn làn sóng người di cư đến châu Âu. Mặc dù thời tiết xấu nhưng 125.000 người tị nạn đã đến Hy Lạp từ Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 11/2015, số lượng lớn nhất được ghi nhận trong quý 4/2015. Nhiều người cho rằng, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã không có hành động mạnh mẽ để ngăn cản dòng người di cư đến châu Âu. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ bác bỏ những lời chỉ trích và cho rằng, cảnh sát đã bắt giữ hơn 200 kẻ buôn người kể từ năm 2014. "Chúng tôi đang làm mọi thứ trong khả năng của mình để ngăn dòng người tị nạn và hạn chế thương vong", một phát ngôn viên của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cho biết.
T. Phạm (tổng hợp)
.
.
.