Thế giới mại dâm chuyển giới ở Ai Cập

Thứ Hai, 27/07/2015, 13:00
Những người chuyển giới ở Ai Cập đang phải đối mặt với nhiều định kiến của xã hội. Họ khó kiếm được việc làm vì sự kỳ thị nên phần lớn tìm đến hoạt động mại dâm. Bên cạnh đó, họ là đối tượng yếu thế luôn bị đàn áp, sống cuộc sống bế tắc, không lối thoát.

"Thị trường lớn" cho mại dâm chuyển giới

Một trong những vấn đề khó khăn nhất của người chuyển giới là kiếm việc làm. "Những gì nhà tuyển dụng nhìn thấy khác với thông tin được ghi trên bản khai thông tin cá nhân. Điều đó gây ra rất nhiều vấn đề vì Ai Cập không phải là một xã hội cởi mở", Yara, một phụ nữ chuyển giới, đồng thời là nhà hoạt động nhân quyền nhận định. Cô tin rằng, đây là một phần lý do tại sao nhiều phụ nữ chuyển giới chuyển sang hoạt động mại dâm. Mặc dù không có con số chính xác về số lượng phụ nữ chuyển giới hoạt động trong lĩnh vực thương mại tình dục nhưng theo Yara, phần lớn phụ nữ chuyển giới là lao động tình dục.

Theo nhà hoạt động nhân quyền Scott Long thì một lý do khiến nhiều phụ nữ chuyển giới hoạt động mại dâm là vì có một thị trường lớn giành riêng cho họ. "Có khách hàng có sở thích kỳ lạ. Họ muốn quan hệ tình dục với một người đàn ông nhưng là đàn ông mặc váy. Cũng có những người thích quan hệ tình dục với người chuyển giới vì "tò mò" hay để tìm "cảm giác mới lạ. Rất khó để tìm được một công việc trong tình hình kinh tế hiện nay và với người chuyển giới, khó khăn đó càng nhân lên gấp nhiều lần. Mại dâm là công việc giúp họ vượt qua những khó khăn về tài chính", ông Long giải thích.
Một người dân giơ khẩu hiệu đòi quyền lợi cho người chuyển giới.

Những phụ nữ chuyển giới hoạt động trong ngành công nghiệp tình dục phải đối mặt với nhiều rủi ro về trách nhiệm pháp lý. "Theo quy định của pháp luật, người bán dâm phải chịu trách nhiệm hình sự trong khi khách hàng không bị truy tố trước pháp luật. Khi hoạt động mua bán dâm bị cảnh sát phát hiện, gái mại dâm sẽ bị bắt giữ ngay lập tức", ông Long nói. Theo ông Long, ngay cả với một phụ nữ chuyển giới không tham gia vào hoạt động mại dâm thì họ vẫn dễ bị tổn thương từ định kiến của xã hội.

Đối tượng số 1 bị đàn áp

Aisha cũng là một người chuyển giới từ nam sang nữ. Cảnh sát đến khu trọ khi cô và ba người bạn khác đang ngủ. Cảnh sát hỏi Aisha và bạn bè cô có giấu vũ khí hay làm việc gì bất hợp pháp hay không. Sau đó, cảnh sát đề nghị bốn người xuất trình chứng minh thư. Aisha và bạn bè là phụ nữ chuyển giới nhưng mục "giới tính" trong chứng minh thư vẫn ghi họ là nam giới. Khi phát hiện ra điều này, cảnh sát lập tức đưa họ về đồn mà không có bất kỳ lời giải thích nào.

"Tại đồn cảnh sát, họ hỏi chúng tôi có phải là gái mại dâm hay không. Họ gọi chúng tôi là pêđê, sau đó bắt đầu đánh đập", Aisha kể lại. "Một nhân viên cảnh sát đã đánh bạn tôi bằng dùi cui điện. Ông ta đã đánh liên tiếp vào đầu, bụng, mông của cô ấy. Vừa đánh, họ vừa nói rằng, chúng tôi không đáng được sống", Aisha kể tiếp.

Aisha chỉ là một trong nhiều phụ nữ chuyển giới ở Ai Cập bị bắt giữ và đánh đập. Theo thống kê, kể từ đầu năm 2014, hơn 150 người chuyển giới, phần lớn là chuyển từ nam sang nữ đã bị bắt giữ. Yara cho rằng, những vụ đàn áp đối với nhóm người thuộc giới tính thứ ba - LGBT (đồng tính, song tính, chuyển đổi giới tính) ở Ai Cập vẫn đang diễn ra và nguyên nhân của vấn đề là do định kiến xã hội.

"Nhiều người trong xã hội Ai Cập cho rằng, chuyển giới là đi ngược lại với bản sắc văn hóa. Khi thấy người chuyển giới, họ sẵn sàng gọi điện cho cảnh sát", Yara nói. Scott Long cũng đồng tình với quan điểm của Yara. Ông cho rằng, phụ nữ chuyển giới là mục tiêu số một trong các cuộc đàn áp hiện nay.

Khó thay đổi định kiến xã hội

Yara đang làm việc để nâng cao nhận thức cho cộng đồng về những người thuộc giới tính thứ ba. Cô lập một trang Facebook giành cho những người chuyển giới. Ở đó, Yara đăng tải các bài viết và bài dịch từ báo chí nước ngoài viết về vấn đề giới tính. Tất cả những bình luận trên trang facebook này đều được Yara kiểm soát chặt chẽ.

"Hiện có 250 người kết bạn với trang facebook của tôi. Tôi muốn trang facebook này là một nơi an toàn để chia sẻ và hỗ trợ những người chuyển giới", Yara nói.  Yara thừa nhận rằng, việc thay đổi định kiến, cách nhìn của xã hội về người chuyển giới rất khó khăn. "Các phương tiện truyền thông đang nói về chúng tôi theo một cách khác. Chúng tôi rất mong có cơ hội được nói lên tiếng nói của mình để mọi người hiểu hơn về cuộc sống của chúng tôi".

Aisha cho rằng, khó có thể thay đổi được định kiến xã hội hoặc cần phải có một khoảng thời gian rất lâu nữa. "Tôi muốn đi đến nơi nào đó để có thể sống thật với giới tính của mình. Dù đó là nơi có những người không thích chúng tôi nhưng ít nhất, họ cũng cho chúng tôi cơ hội được sống theo những gì mình muốn", Aisha nói.

T. Phạm (Tổng hợp)
.
.
.