Thế giới vẫn loay hoay đối phó với COVID-19

Thứ Năm, 02/07/2020, 16:37
Tính đến sáng 29-6-2020, thế giới đã có tới 10.229.244 người mắc; 503.985 người tử vong vì COVID-19.

Riêng nước Mỹ nắm kỷ lục đáng buồn là chiếm đến 1/4 cả số ca nhiễm lẫn số ca tử vong. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), con số 10 triệu ca nhiễm kể trên tính ra đã cao hơn khoảng gấp đôi số ca nhiễm cúm mùa nghiêm trọng được ghi nhận hàng năm trên thế giới. Còn về số tử vong, dịch COVID-19 trong không đầy nửa năm, đã có tác hại tương đương với hậu quả của cúm mùa trong nguyên một năm.

Với hơn 2,5 triệu ca nhiễm, và hơn 125.000 người chết, Mỹ vẫn là nước bị tác hại nặng nề nhất. Trong những ngày qua, đà lây lan của virus SARS-CoV-2 đã tăng tốc trở lại, đặc biệt là tại các tiểu bang miền Nam và miền Tây như Florida, Arizona, Nevada, South Carolina hay Georgia… Đặc  biệt, riêng trong ngày 25-6, số ca bệnh COVID-19 trên toàn nước Mỹ đã tăng thêm tới 40.000 người. Đây cũng là số ca bệnh mới tăng theo ngày kỷ lục từ khi xuất hiện dịch tại Mỹ.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, ngày 22-6, bang Texas chưa thể mở cửa lại nền kinh tế sau một thời gian phong tỏa, giãn cách khi tình hình dịch COVID-19 tại đây vẫn đang rất căng thẳng. Ông Greg Abbott, Thống đốc bang Texas, nói: "Việc tạm dừng kế hoạch mở cửa lại bang sẽ giúp khoanh vùng dịch bệnh cho tới lúc có thể an toàn bước vào giai đoạn tiếp theo trong lộ trình mở cửa lại hoạt động kinh doanh".

Số ca bệnh gia tăng ở Texas chỉ là một phần trong xu hướng bùng trở lại đáng lo ngại của đại dịch COVID-19 tại nhiều bang của Mỹ những ngày qua. Nhất là tại những bang phải đối mặt với dịch bệnh bùng lên ban đầu hoặc đã sớm gỡ bỏ những hạn chế phòng dịch với người dân và doanh nghiệp.

Ngoài Texas, các bang khác của Mỹ tuần này cũng đã chứng kiến số ca bệnh tăng là Alabama, Arizona, California, Florida, Idaho, Mississippi, Missouri, Nevada, Oklahoma, South Carolina và Wyoming. Hiện đã có 12 bang tại Mỹ (Arizona, Arkansas, Delaware, Florida, Idaho, Louisiana, Maine, Nevada, New Mexico, North Carolina, Texas và Washington) đã tạm đình chỉ kế hoạch mở cửa trở lại sau thời kỳ phong tỏa.

Một nghĩa trang ngoại thành thủ đô Mexico thêm nhiều ngôi mộ mới của các nạn nhân COVID-19.

Sau Brazil, Mexico hiện giờ là nước mà dịch COVID-19 lây lan mạnh thứ hai châu Mỹ Latinh. Trong tuần qua, Mexico chính thức vượt ngưỡng 25.000 ca tử vong vì COVID-19 và 200.000 ca nhiễm… Tình hình dịch bệnh đang có nguy cơ vượt ra ngoài tầm kiểm soát, khiến người dân ngày càng lo lắng.

Còn tại Ấn Độ, quốc gia đông dân thứ hai thế giới, tình hình dịch bệnh cũng diễn biến khó lường khi gày 28-6 tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 cao nhất trong ngày khi có thêm 19.906 ca dương tính trong 24 giờ qua, nâng tổng số bệnh nhân COVID-19 lên 528.859 người, trong đó có 16.095 trường hợp tử vong. Hiện tại số ca nhiễm Covid-19 ở thủ đô Delhi đã vượt mốc 80.000 ca và được dự báo sẽ tăng lên thành 550.000 ca đến cuối tháng 7 tới.

Chính phủ Ấn Độ đã phải thành lập Trung tâm điều trị COVID-19 Sardar Patel quy mô hơn 10.000 giường bệnh tại thủ đô Delhi. Sardar Patel hiện là bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19 lớn nhất thế giới. 2.000 giường bệnh của trung tâm đã sẵn sàng đón nhận bệnh nhân. 

Theo báo Hindustan Times, chính quyền thủ đô Delhi đã tiếp quản khuôn viên của tổ chức phi lợi nhuận Radha Soami Satsang Beas để xây dựng cơ sở trên, với kích thước gần bằng 22 sân bóng đá và lắp đặt tổng cộng 10.208 giường. 10% trong số đó được trang bị các thiết bị hỗ trợ oxy. Trung tâm này sẽ điều trị các bệnh nhân COVID-19 có các triệu chứng từ nhẹ đến trung bình. 

Ngoài ra, chính quyền Delhi cũng đang nỗ lực tăng số giường điều trị bệnh nhân COVID-19 bằng việc mở các bệnh viện tạm thời ở 40 khách sạn và 77 phòng tiệc. Mục đích nhằm tăng thêm 15.800 giường bệnh. Ngoài ra, còn có 500 toa tàu đường sắt được chuyển đổi sẽ bổ sung 8.000 giường bệnh COVID-19 cho thành phố này. 

Lực lượng Cảnh sát biên giới Ấn Độ-Tây Tạng (ITBP) sẽ phụ trách các hoạt động y tế tại Trung tâm Sardar Patel nói trên. Dự kiến hơn 1.000 bác sĩ và nhân viên y tế sẽ được triển khai để làm việc tại đây.

Nhưng điều khiến các chuyên gia y tế lo ngại về số lượng kỷ lục các trường hợp nhiễm mới ở các quốc gia như Mỹ, Ấn Độ và Brazil, cũng như các đợt bùng phát dịch mới ở các khu vực châu Á. 

Theo thống kê của Reuters, dựa trên tính toán trung bình từ ngày 1 đến 27-6, hơn 4.700 người chết trong 24 giờ do bệnh liên quan đến COVID-19. Số ca mắc bệnh ở Mỹ Latinh vào ngày 28-6 đã vượt qua số trường hợp được chẩn đoán ở châu Âu, khiến khu vực này bị ảnh hưởng lớn thứ 2 bởi đại dịch trên toàn cầu, sau Bắc Mỹ.

Số người chết cao đã dẫn đến những thay đổi trong nghi thức chôn cất truyền thống và tôn giáo trên khắp thế giới, với nhà xác và các doanh nghiệp tang lễ tràn ngập thi thể và những người thân không thể từ biệt người chết vì COVID-19.

Ở Israel, thay vì được bọc trong vải, thi thể người chết vì COVID-19 phải được bọc trong một túi nhựa. Truyền thống Shiva của người Do Thái, nơi mọi người đến nhà của người thân để tang trong 7 ngày cũng đã bị xóa bỏ. Ở Italia, người Công giáo chết do COVID-19 được chôn cất mà không có đám tang hay một lời chia buồn từ một linh mục.

Tại New York, Mỹ các cuộc diễu hành của thành phố đã có lúc làm việc quá giờ, hỏa táng vào ban đêm khi các quan chức tìm các vị trí tạm thời. Tại Iraq, thay vì cầm sung, cựu dân quân phải đào mộ cho các nạn nhân COVID-19 tại một nghĩa trang được xây dựng đặc biệt.

Minh Trang (tổng hợp)
.
.
.