Theo chân các chiến sĩ phá vụ vận chuyển tiền giả lớn nhất tại Hà Nội

Thứ Hai, 16/07/2012, 16:28
Cả một đường dây lớn, được tổ chức tinh vi, với sự tham gia của rất nhiều đối tượng đã bị bóc gỡ. Với số lượng tiền vận chuyển là 500 triệu đồng, đây là vụ vận chuyển tiền giả có quy mô lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn Hà Nội. Tất cả những đối tượng liên đới trong đường dây đều đã bị bắt. Rất nhiều thủ đoạn, cách tổ chức của chúng đã được đưa ra ánh sáng khiến không ít người cảm thấy bất ngờ.

Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) vừa triệt phá được một đường dây vận chuyển trái phép tiền giả với số lượng rất lớn. Đây là một trong những chuyên án quan trọng mà Công an quận triển khai trong thời gian gần đây và đã thu được kết quả thắng lợi. Cả một đường dây lớn, được tổ chức tinh vi, với sự tham gia của rất nhiều đối tượng đã bị bóc gỡ. Với số lượng tiền vận chuyển là 500 triệu đồng, đây là vụ vận chuyển tiền giả có quy mô lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn Hà Nội. Tất cả những đối tượng liên đới trong đường dây đều đã bị bắt. Rất nhiều thủ đoạn, cách tổ chức của chúng đã được đưa ra ánh sáng khiến không ít người cảm thấy bất ngờ.

Mang theo con nhỏ để vận chuyển tiền giả

Khoảng trung tuần tháng 5/2012, lực lượng trinh sát điều tra của Công an quận Hai Bà Trưng, từ việc thu thập thông tin từ quần chúng đã nắm được thông tin có một đường dây vận chuyển tiền giả từ Lạng Sơn qua Hà Nội rồi chuyển lên Điện Biên với quy mô lớn. Thông tin này nhanh chóng được được kiểm tra độ xác thực để sớm có kế hoạch điều tra. Sau khi đã xác minh được chính xác đường dây đang có kế hoạch vận chuyển, tổ trinh sát đã đưa ra phương án điều tra để bóc gỡ đường dây này. Công việc đầu tiên mà lực lượng điều tra thực hiện là bố trí trinh sát nội tuyến để xâm nhập vào đường dây. Bên cạnh đó, các mũi trinh sát triển khai những công việc bên lề như xác định lai lịch, tung tích của từng đối tượng.

https://cand.com.vn/Uploaded_CSTC/phuonglien/18_so71-450.jpg
Số lượng tiền vận chuyển là 500 triệu đồng.

Quá trình điều tra của tổ trinh sát nhanh chóng nắm được hai đối tượng tên Nguyễn Thị Nga, 39 tuổi ở Gia Lộc, Hải Dương cùng với chồng là Đặng Hải Long là người trực tiếp tổ chức đường dây vận chuyển tiền giả. Qua nghiên cứu, lực lượng trinh sát đã nắm được quy tắc cũng như cung đường hoạt động đường dây của Nga. Mỗi khi có nhu cầu, Nga hoặc Long sẽ lên Lạng Sơn nhận tiền giả từ một đối tượng khác. Số tiền giả này được tuồn từ nước ngoài về theo con đường tiểu ngạch. Sau khi nhận tiền từ đối tượng ở Lạng Sơn, vợ chồng Long sẽ tổ chức người vận chuyển từ biên giới qua Hà Nội rồi đưa đi các tỉnh để tiêu thụ.

Qua việc điều tra, trong khoảng tháng 5/2012, vợ chồng Long có nhận được một “hợp đồng” từ Điện Biên, chính vì vậy, trong khoảng thời gian này, đôi vợ chồng này sẽ có kế hoạch chuyển tiền.

Qua xác minh, bản thân đối tượng Nguyễn Thị Nga từng có tiền án về tội buôn bán tiền giả. Sau khi thị bị xử lý đã trở về nhà sinh sống nhưng vẫn thường xuyên có biểu hiện bất thường về buôn bán. Về người chồng của Nga là Đặng Hải Long, đây là một đối tượng cờ bạc có tiếng trong vùng, từng có tiền án về tội danh này. Công tác điều tra của trinh sát cũng nắm được thông tin, Long thường xuyên mang tiền giả đến các sới bạc để tiêu thụ. Mỗi khi có cơ hội, Long sẽ tuồn tiền giả vào sau đó rút tiền thật cất đi. Chính bởi thủ đoạn này mà dù Long sa đà cờ bạc nhưng gia đình y vẫn rất sung túc, sống rất đàng hoàng.

Từ rất nhiều thông tin khác nhau, tổ điều tra của Công an quận Hai Bà Trưng đã đưa vợ chồng Nga, Long vào diện theo dõi đặc biệt. Mọi hành tung của đôi vợ chồng này đều được theo sát rất cẩn thận. Mọi di biến động của các đối tượng đều được trinh sát bám rất sát. Hơn nữa, sau khi đã xác định được đối tượng tổ chức đường dây, trinh sát nội tuyến đã xâm nhập được mạng lưới để thuận tiện cho việc nắm bắt các thông tin.

Một thủ đoạn cực kỳ tinh vi trong việc vận chuyển tiền giả mà vợ chồng Nga-Long áp dụng đó là mỗi khi đi vận chuyển chúng thường bế theo một đứa trẻ. Số tiền giả sẽ được cất kín ở phía dưới túi đồ. Nhìn bên ngoài, mọi người sẽ lầm tưởng đó chỉ là một người mẹ đang bế con đi đâu đó với dáng vẻ rất đáng thương. Chính bởi thủ đoạn tinh vi này mà ban chỉ đạo chuyên án đã lệnh cho các trinh sát phải bố trí kế hoạch thật chặt chẽ để bắt quả tang các đối tượng ngay khi đang vận chuyển. Khi đã bắt được quả tang, chúng sẽ chẳng còn cơ hội để chạy trốn hay “cãi bay, cãi biến”.

Phương án bắt giữ, đón đầu các đối tượng trong lúc vận chuyển qua Hà Nội được xây dựng kỹ lưỡng. Các mũi trinh sát được bố trí ở rất nhiều điểm khác nhau. Hơn nữa, việc bố trí bắt giữ vợ chồng Long phải được thực hiện một cách gọn gàng, tránh trường hợp lỏng lẻo tạo cơ hội cho các đối tượng chạy trốn.

Giăng lưới vây bắt đường dây

Sau khi nắm được thông tin, chiều 22/5, vợ chồng Nga - Long sẽ tiến hành vận chuyển tiền từ Lạng Sơn về Hải Dương, cơ quan điều tra đã lên kế hoạch dụ các đối tượng từ Hải Dương về Hà Nội rồi tổ chức bắt giữ. Tuy nhiên, công tác “dụ rắn ra khỏi hang” đã gặp trục trặc không thể thực hiện. Trước tình hình đó, lãnh đạo ban chuyên án đã quyết định sẽ vây bắt ngay các đối tượng tại Hải Dương, tránh những trường hợp bất trắc có thể xảy ra. Cơ quan điều tra đã quyết định bố trí lực lượng bắt giữ.

Đại tá Lý Đình Xuyên, Phó trưởng công an quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) cho biết, chiều tối ngày 22/5, hàng chục cảnh sát nghiệp vụ của Công an quận đã nhận nhiệm vụ cài cắm ở phường Từ Minh, thành phố Hải Dương để tiến hành vây bắt các đối tượng. Mọi hành tung của đường dây vợ chồng Nga-Long lúc này đều đã nằm trong tay trinh sát.

Các trinh sát được bố trí ở nhiều điểm khác nhau tạo thành thế bao vây khi đối tượng xuất hiện. Nắm được chắc chắn vào thời điểm buổi chiều tối, vợ chồng Nga sẽ về phường Từ Minh, tổ trinh sát đã có mặt từ rất sớm để mai phục. Khi chiếc xe chở các đối tượng cùng lượng tiền giả, các trinh sát đã dùng xe ôtô chuyên dụng cùng xe máy áp sát kịp thời, không để cho đối tượng có cơ hội để trốn chạy.

https://cand.com.vn/Uploaded_CSTC/phuonglien/18_tat71-450.jpg
Tất cả các đối tượng bị vây bắt trong đường dây buôn bán tiền giả.

Nhờ vào việc đã xây dựng được kế hoạch rất cẩn thận và toàn diện, vợ chồng Nga - Long bị bắt ngay lập tức. Tổ điều tra đã tiến hành khám xét nhanh tại hiện trường, trong người các đối tượng lúc đó có mang theo 2.500 tờ tiền mệnh giá 200.000 đồng với giá trị gần 500 triệu đồng. Tiếp theo đó, các trinh sát cũng tiền hành công tác kiểm tra nhà của vợ chồng Nga - Long và thu giữ được một lượng tiền giả khá lớn và rất nhiều tài liệu ghi chép lại quá trình hoạt động của đường dây.

Tất cả các đối tượng bị vây bắt ở Hải Dương nhanh chóng được áp giải về Hà Nội để tiến hành hỏi cung để mở rộng điều tra. Từ lời khai của vợ chồng Nga, ban chuyên án nắm được nơi cung cấp nguồn tiền giả cho đường dây này là vợ chồng Lâm Thúy Hiền và Phương Văn Huy ở Chi Lăng, Lạng Sơn. Khi có được thông tin này ở trong tay, các trinh sát nhanh chóng lên đường đi Lạng Sơn.

Đại tá Xuyên khẳng định, tại thời điểm bắt vợ chồng Nga, ban chuyên án đã nhận định được chính xác nguồn tiền cung cấp, chính vì vậy, khi nắm được thông tin chính xác cụ thể, các trinh sát đã tiến hành công tác truy bắt một cách hết sức nhanh chóng. Khi tổ điều tra ập tới nơi Hiền và Huy thì hai đối tượng này đang chuẩn bị để bỏ trốn sau đã biết việc Nga và Long bị bắt. Khi toàn đường dây đã bị bóc gỡ, biết chắc chắn mình sẽ bị lộ nên chúng đã tính phương án trốn sang biên giới nhưng không thành.

Đường dây buôn tiền giả với quy mô lớn nhất tại Hà Nội từ trước đến nay đã được bóc gỡ hoàn toàn. Tất cả các đối tượng đều đã bị bắt từ nơi cung cấp tiền cho đến các đối tượng thực hiện việc vận chuyển. Đại tá Lý Đình Xuyên cho rằng, đây là một chuyên án rất thành công mà cơ quan cảnh sát điều tra, Công an quận Hai Bà Trưng đã thực hiện được. Từ việc bóc gỡ được đường dây này đã góp phần làm giảm lượng tiền giả trái phép đang lưu hành tại Thủ đô

Nhật Nguyệt
.
.
.