Thị trường buôn bán “thần chết” thời COVID-19

Chủ Nhật, 28/06/2020, 12:04
Đại dịch COVID-19 đã và đang làm lộ ra nhiều điểm yếu cố hữu trong cách tổ chức nền kinh tế - xã hội của nhiều quốc gia trên thế giới. Chắc hẳn sau khi đại dịch được đẩy lùi, chính phủ nhiều nước sẽ phải nghiêm túc nhìn nhận lại và tiến hành tái cơ cấu tổ chức, tài chính, v.v…


Trong khi những tổ chức quốc tế, viện nghiên cứu, chính trị gia, người nổi tiếng, và cả Liên Hiệp Quốc nữa đã lên tiếng kêu gọi các quốc gia giảm chi tiêu mua bán vũ khí để có vốn cho công cuộc tái thiết sau đại dịch thì, thị trường vũ khí toàn cầu vẫn không có dấu hiệu suy giảm.

Một số thương vụ mua bán vũ khí đáng kể nhất trong thời gian gần đây trước hết phải nói tới thương vụ  hợp đồng Canada bán vũ khí tác chiến điện tử trị giá 10 tỷ Đô-la cho Arab Saudi. Rồi là việc Ấn Độ mua tên lửa trị giá 116 triệu Đô-la của Israel, và cùng thời điểm đó là câu chuyện các doanh nghiệp của nước Đức cam kết chuyển giao nhiều loại vũ khí khác nhau trị giá khoảng 290 triệu Euro cho Ai Cập. 

Đài Loan đang tìm cách mua từ Pháp các thiết bị tác chiến điện tử mới cho đội tàu hộ vệ lớp La Fayette của mình. 

Các quốc gia mua vũ khí trong cả ba trường hợp nói trên (Arab Saudi, Ấn Độ và Ai Cập) đều chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID-19, mà phần nhiều là do hệ thống y tế công và an sinh xã hội của họ thiếu cơ sở hạ tầng, kinh phí đầu tư. Vậy mà chính phủ họ vẫn sẵn sàng "hy sinh" nhiều thứ tối quan trọng khác để có thể mua được vũ khí bằng được.

Vừa rồi, chính phủ Arab Saudi tuyên bố rằng họ đã ký kết hợp đồng mua 1000 tên lửa đất đối không và đất đối biển từ tập đoàn Boeing (Mỹ). Số tên lửa này trị giá khoảng 2,6 tỷ Đô-la, một con số tuy lớn nhưng cũng chỉ như giọt nước bên cạnh khoản ngân sách 62 tỷ Đô-la mà Arab Saudi chi ra hằng năm cho quân đội của họ -  chỉ thấp hơn mức chi của Mỹ và Trung Quốc. 

Trước sự việc trên, nhà nghiên cứu Andrew Feinstein giải thích một trong những lý do vì sao mà Arab Saudi lại mạnh tay chi tiêu cho sức mạnh quốc phòng như thế, rằng: "Nếu Arab Saudi không phải là quốc gia mua nhiều vũ khí nhất thế giới thì chắc chắn các nước phương Tây đã không ủng hộ họ mạnh mẽ đến vậy. Nói là Arab Saudi mua vũ khí, nhưng thực chất ra là họ đang dùng tiền mua đồng minh cho mình!".

Cũng theo ông Andrew thì trong những năm gần đây, ngân sách chi cho mua sắm vũ khí của Arab Saudi đã tăng vọt chưa từng thấy. Lý do chính là cuộc nội chiến Yemen mà quốc gia vùng vịnh này đang tham gia. Nhờ có có những hợp đồng quốc phòng khổng lồ mà Arab Saudi có thể vừa trang bị cho quân đội đang tham chiến, vừa có được sự ủng hộ của các quốc gia phương Tây đối với một cuộc chiến đã bị cả cộng đồng quốc tế lên án. 

Đội bay biểu diễn của Ả-rập Xê-út gồm những chiếc phi cơ huấn luyện Hawk T1A mua của tập đoàn BAE Systems (Anh). 

Một ví dụ điển hình cho việc Arab Saudi mượn việc mua vũ khí để "làm thân" với các quốc gia khác là với nước Anh. Trong 5 năm trở lại đây, Arab Saudi đã mua số vũ khí  tổng trị giá 4,7 tỷ Bảng từ nước Anh. Một trong những hậu quả là ba đời thủ tướng Anh từ 2015 đến nay chưa một lần nào "nỡ mạnh tay" mà thông qua bất cứ chính sách nào đem lại sự bất lợi cho Arab Saudi cả, mặc cho sức ép ghê gớm ngay  trong đất nước.

Một trường hợp khác là việc Đài Loan đề nghị mua thiết bị tác chiến điện tử từ Pháp. Đã từ lâu Pháp là nhà cung cấp vũ khí chính cho Đài Loan, trong đó vào hồi năm 1992 hai bên ký kết hợp đồng chuyển giao 6 tàu hộ vệ lớp La Fayette. Hiện nay Đài Loan đang ngỏ ý mua thiết bị tác chiến điện tử hiện đại để trang bị cho 6 chiếc tàu chiến này. Lời đề nghị trên đã ngay lập tức bị phía Trung Quốc phản đối, khiến Pháp rơi vào thế bí: Họ không muốn mất đồng minh là Mỹ, nhưng cũng không thể đặt quan hệ thương mại  -  ngoại giao với Trung Quốc vào thế nguy hiểm được.

*

Ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đối với các tập đoàn vũ khí lớn trên thế giới là một vấn đề phức tạp, nhưng nói chung thì hậu quả mà họ phải chịu nằm ở tầm trung và dài hạn. Đàm phán được một hợp đồng mua bán vũ khí là vô cùng khó khăn, các buổi họp bàn thường phải diễn ra trực tiếp trong bí mật. Nay thì lệnh cấm xuất nhập cảnh đã khiến điều đó trở nên không thể. 

Bản thân nhu cầu thực về vũ khí cũng thay đổi trong thời đại dịch. Các hoạt động chiến sự tại nhiều điểm nóng trên thế giới đã có phần nguội bớt, vì những bên tham chiến đều đang phải bận đối phó với COVID-19. Cũng không còn có quốc gia nào tổ chức tập trận hay diễu binh nữa. Trong bối cảnh đó, trừ một số trường hợp mua vũ khí vì mục đích địa - chính trị như đã nói ở trên, rất dễ để lãnh đạo các quốc gia huỷ bỏ hợp đồng quốc phòng của mình.

Ban lãnh đạo tập đoàn vũ khí Pindad (Indonesia) bên chiếc máy trợ thở do công ty tự chế tạo.

Tuy BAE Systems vẫn còn có thể trông trờ vào khách hàng chính của mình là Arab Saudi, ấy thế nhưng các hợp đồng khác bị huỷ bỏ vẫn đang khiến tập đoàn vũ khí lớn nhất nước Anh này đứng trước nguy cơ phải đóng cửa nhà máy và sa thải công nhân ít nhất trong vòng vài tháng trước khi tìm được nguồn tiền hoạt động trở lại.

Niềm hi vọng của các tập đoàn sản xuất vũ khí là trợ giúp từ chính phủ. Tại Mỹ, Thứ trưởng Quốc phòng Ellen Lord vừa mới công bố với báo chí rằng: Trong gói trợ cấp dành cho các doanh nghiệp rút ra từ ngân sách, chính phủ Mỹ đã dành riêng ra 3 tỷ Đô-la cho các tập đoàn quốc phòng.

 Bà Ellen còn ẩn ý rằng chính phủ sẵn sàng chi ra thêm nhiều tỷ Đô-la nữa cho đến khi các tập đoàn này có thể tự đứng vững trên đôi của chân mình. Đây quả là một lời tuyên bố có phần thiếu thận trọng, vì thời điểm mà bà Ellen nhắc tới có thể rất lâu nữa mới thành hiện thực được - kể cả những nhà đầu tư quốc tế mạo hiểm và giàu có nhất hiện cũng tỏ ra ngần ngại khi nhắc đến việc đầu tư vào ngành công nghiệp quốc phòng.

*

Chiến tranh và dịch bệnh gần như luôn đi cùng nhau, và không lúc nào sự thật này lại lộ rõ ra như vậy như khi đại dịch COVID-19 hoành hành. Tại Yemen, chiến sự giữa quân nổi dậy Houthi và liên quân do Arab Saudi dẫn đầu đã gián tiếp khiến 129/560 ca nhiễm COVID-19 tử vong. Những trường hợp tử vong hoàn toàn đã có thể cứu được nếu như tại Yemen còn bất kỳ bệnh viện nào chưa bị ném bom và còn có nguồn thuốc để chữa trị cho các bệnh nhân. Ngoài COVID-19 ra, người dân Yemen còn đang phải đối mặt với một loạt các bệnh dịch khác như tiêu chảy, kiết lị, lao phổi, v.v… vì thiếu thức ăn, thuốc men và nước sạch.

Vào ngày 17-4 vừa qua, Tổng Giám đốc UNICEF Henrietta Fore đã ra lời kêu gọi khẩn thiết các bên đang tham gia xung đột trên thế giới tạm đình chiến để bảo vệ cho 250 triệu trẻ em: "Chỉ khi nào chiến sự lắng xuống, các bác sỹ và nhân viên y tế mới có thể làm việc được, trong khi thuốc men và các nhu yếu phẩm khác được đưa đến tay những người cần nhất… Quyết định tạm ngừng chiến sự cũng là quyết định xem hàng triệu trẻ em liệu sẽ sống hay chết!".

Trong bối cảnh này, việc các quốc gia tiếp tục chi tiền cho vũ khí, còn các tập đoàn đa quốc gia tiếp tục sản xuất vũ khí để bán thì thật là lãng phí và vô trách nhiệm. Số tiền chi ra hoàn toàn có thể đã được dùng để mua sắm thuốc men, thiết bị y tế và tân trang lại bệnh viện, trợ cấp cho người thất nghiệp, v.v… trong khi các bên tham chiến ngồi lại với nhau để cùng tiến tới giải pháp chung giải quyết cuộc khủng hoảng hiện tại. 

Ngành công nghiệp vũ khí có thể đóng góp hàng tỷ Đô-la cho GDP nhiều nước, nhưng qua đại dịch COVID-19 này, những người có lương tâm và tầm nhìn phải tự đặt câu hỏi: Liệu có đáng hay không việc tiếp tục diễn ra các thương vụ buôn bán vào vũ khí vào thời điểm này khi mà đại dịch COVID-19 đã - đang khiến cho biết bao số phận trên thế giới mất đi cơ hội sống?!

Hiện thực đã cho chúng ta một số câu trả lời, ví dụ như trường hợp của Tập đoàn PT Pindad. PT Pindad tiền thân là một xưởng sản xuất vũ khí do chính phủ Indonesia sở hữu, và hiện nay công ty này vẫn là nhà cung cấp thiết bị quốc phòng chính cho quân đội Indonesia. Tuy vậy, PT Pindad đã mở rộng hoạt động của mình sang sản xuất máy móc công nghiệp và hàng tiêu dùng. 

Có vẻ như sự chuyển hướng đầy tính nhân văn của PT Pindad thật đáng trở thành bài học bổ ích để nhiều quốc gia và các tập đoàn sản xuất vũ khí trên thế giới tham khảo, suy ngẫm theo chiều hướng tích cực trong tình hình đại dịch COVD - 19 chưa hề có dấu hiệu gì liên quan tới việc nó sẽ chững lại và sẽ bị kiểm soát như hiện nay.

LÊ VŨ
.
.
.