Thiết bị theo dõi xuyên tường

Thứ Năm, 19/03/2015, 08:00
Trong vòng hai năm gần đây, các cơ quan cảnh sát và mật vụ Mỹ trong đó có Cục Điều tra liên bang FBI và Cơ quan mật vụ quốc gia đã thí điểm sử dụng thiết bị phát hiện các động tĩnh của đối tượng phía sau tường. Công nghệ này được phát triển dựa trên công nghệ đã được quân đội Mỹ sử dụng ở chiến trường Afghanistan và Iraq.
Sử dụng máy rada phát sóng, cảnh sát có thể phát hiện có ai trong nhà không và các di chuyển của họ phía sau bức tường trong khoảng cách 10m. Từ sóng xung động thu được, thiết bị sẽ hiển thị hóa hình ảnh ba chiều về  vị trí đối tượng cần theo dõi trên màn hình, căn cứ vào đó cảnh sát có thể đưa ra các quyết định cần thiết. Thiết bị này có giá trị rất lớn trong việc theo dõi bí mật các đối tượng trong vụ án và thực hiện các vụ đột kích mà đối tượng ẩn náu có nhiều phương thức chống trả, có vũ khí nóng.

Nhỏ gọn, có thể cầm tay và cho hình ảnh phân tích đáng tin cậy, có thể theo dõi đối tượng phía sau tường gạch, thậm chí cả bê tông dày, thiết bị này là trợ thủ đắc lực của lực lượng cảnh sát khi thi hành nhiệm vụ. Tuy nhiên, giá thành cho một thiết bị khá cao, lên đến hơn 6.000 USD/chiếc.

Việc sử dụng thiết bị này đang gây nhiều ý kiến trái chiều không chỉ trong xã hội mà trong cả hệ thống hành pháp và tư pháp Mỹ. Số ý kiến ủng hộ cho rằng đây là thiết bị hữu dụng cho thực thi công vụ và việc sử dụng chỉ cần có lệnh của tòa án hoặc được cấp đặc vụ có thẩm quyền phê duyệt.

Thiết bị "nhìn" xuyên tường.

Ý kiến phản đối lại cho rằng, sử dụng thiết bị có thể vi phạm nghiêm trọng quyền riêng tư của người dân và cảnh sát có thể lợi dụng để lạm quyền nếu không có sự kiểm soát chặt chẽ. Tuy nhiên, tại tất cả các đơn vị cảnh sát đã sử dụng công nghệ này, các sỹ quan cảnh sát đều hết sức ủng hộ trang bị thiết bị, không xảy ra trường hợp sử dụng sai mục đích hay bị người dân khiếu kiện.

Thống kê cũng cho thấy, hiệu quả trong các vụ đột kích hoặc bắt giữ đối tượng nguy hiểm cao hơn hẳn so với trước đó. Khi sử dụng thiết bị này, số vụ cảnh sát bị thương hay hy sinh cũng giảm hơn trước rất nhiều do cảnh sát có được thông tin tin cậy để tính toán các phương án bắt giữ và đối phó hiệu quả với các tình huống có thể xảy ra.

H. Đoàn
.
.
.