Thịt bẩn lan tràn tại Brazil

Thứ Năm, 21/02/2019, 19:24
Việc thông báo thu hồi hơn 464 tấn thịt gà do nghi ngờ bị nhiễm vi khuẩn salmonella của tập đoàn chế biến thực phẩm hàng đầu thế giới BRF của Brazil đang khiến dư luận quan tâm.

Bởi theo thông báo hôm 13-2 của BRF, tập đoàn này cho biết, đã báo cáo chính thức sự cố kể trên với Bộ Nông nghiệp, Chăn nuôi và Cung ứng, cũng như Cơ quan Kiểm dịch Y tế Quốc gia Brazil. 

Theo đó, BRF thu hồi 164,7 tấn thịt gà ở trong nước và 299,6 tấn thịt gà xuất khẩu ra nước ngoài. Riêng ở Brazil, BRF đang cho thu hồi các gói đùi gà, đùi gà rút xương, tim gà, lườn gà rút xương và lườn gà không da. 

Việc thu hồi đã được bắt đầu tại tất cả các thị trường, được áp dụng với toàn bộ lô thịt gà sản xuất trong các ngày 30-10-2018 và các ngày 5,6,7,9,10 và 12-11-2018 tại Nhà máy Dourados, bang miền Trung Mato Grosso do Sul. 

Theo hướng dẫn của BRF, vi khuẩn salmonella không tồn tại khi được xử lý nhiệt, nên quy trình nấu ăn truyền thống sẽ đủ để loại bỏ nguy cơ tiềm ẩn của loại vi khuẩn này.

Gà nhiễm khuẩn salmonella tại Brazil.

Theo giới truyền thông, BRF đưa ra quyết định kể trên vì muốn tuân thủ nguyên tắc phòng ngừa và cam kết về chất lượng an toàn thực phẩm. Ban điều hành BRF cũng đã thành lập một nhóm chuyên gia điều tra nguyên nhân sự cố, áp dụng các biện pháp để đảm bảo tránh lặp lại sự việc này, cũng như duy trì hoạt động của nhà máy Dourados theo quy trình sản xuất nghiêm ngặt.

Gần 1 năm trước (tháng 3-2018), cảnh sát Brazil đã bắt 1 số đối tượng bị cáo buộc cố tình che giấu thông tin về sự xuất hiện của vi khuẩn salmonella trong sản phẩm thịt xuất khẩu của BRF và của một số doanh nghiệp khác tới 12 quốc gia, trong đó 80% xuất sang thị trường châu Âu. 

Sau đó (20-4-2018), Hiệp hội Protein động vật Brazil (ABPA) dự báo, kim ngạch xuất khẩu thịt gà nước này tới Liên minh châu Âu (EU) sẽ giảm 30% trong năm 2018 do lệnh cấm nhập khẩu mới của Brussels đối với 20 nhà máy chế biến thịt của Brazil. 

Theo Phó Chủ tịch ABPA Ricardo Santin, quyết định của EU có thể làm giá thịt gà trong nước giảm và khiến nhiều lao động trong ngành bị sa thải do phần lớn sản lượng thịt gà buộc phải tiêu thụ tại thị trường nội địa. Khi đó BRF bị ảnh hưởng nặng nhất bởi quyết định kể trên vì có tới 9 nhà máy của họ bị đình chỉ hoạt động.

Gần 2 năm trước (15-6-2017), quyền Bộ trưởng Nông nghiệp Brazil Eumar Novacki cho biết, bức thư của Cao ủy phụ trách chính sách y tế và an toàn thực phẩm EU Vytenis Andriukaitis với những bình luận về biện pháp kiểm dịch chất lượng thịt xuất khẩu đã gây bất ngờ đối với Chính phủ Brazil và nước này bác bỏ mọi cáo buộc của EU. 

Cao ủy Vytenis Andriukaitis đã nghi vấn về độ tin cậy của quá trình kiểm dịch tại Brazil, quốc gia xuất khẩu thịt hàng đầu thế giới sau khi cùng với phái đoàn của EU tới nước này để kiểm tra các nhà máy chế biến thịt cách đây hồi tháng hạ tuần tháng 3-2017. 

Phát biểu với báo giới hôm 27-3-2017 (ngay khi tới thành phố Rio de Janeiro của Brazil), ông Vytenis Andriukaitis đã nhấn mạnh tới việc khắc phục hậu quả vụ bê bối này phụ thuộc hoàn toàn vào quyết tâm và nỗ lực của Chính phủ Brazil bởi EU đang áp dụng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm khắt khe nhất. 

Trước đó (23-3-2017), EU đã yêu cầu Brazil chủ động tạm ngừng các hoạt động xuất khẩu thịt tới các nước thành viên của "lục địa già" để tránh việc phải áp đặt một lệnh cấm, nhưng Chính phủ Brazil đã từ chối thực hiện yêu cầu này. 

EU là một trong những nhà nhập khẩu thịt bò và thịt gà lớn nhất của Brazi, nhưng sau khi vụ bê bối thịt "bẩn" tại Brazil xảy ra hôm 17-3-2017, thị trường này đã phát đi nhiều cảnh báo. 

Được biết, EU là thị trường lớn của Brazil khi nhập khẩu gần 110.000 tấn thịt các loại trong năm 2016. Và vụ bê bối kể trên đã khiến 2 trong số các công ty chế biến thực phẩm lớn nhất thế giới là JBS và BRF của Brazil thiệt hại tới 1,74 tỷ USD doanh thu chỉ trong tháng 3-2017.

Brazil thu hồi 464 tấn thịt gà do nhiễm khuẩn salmonella.

Giới truyền thông cho biết, Brazil từng mất nhiều năm mới tạo được sự tin cậy của thế giới trong lĩnh vực thịt gia súc và gia cầm, nhưng vụ bê bối gà "bẩn" có thể khiến những cố gắng trở thành công cốc. Bởi lượng thịt xuất khẩu của Brazil từng giảm tới 99,9% sau vụ bê bối thịt "bẩn" cách đây gần 2 năm. 

Bộ trưởng Nông nghiệp Brazil khi đó là ông Blairo Maggi từng chỉ trích cảnh sát nước này đã "thổi phồng" vụ bê bối thịt "bẩn" vì đây chỉ là lỗi của "tình trạng quan liêu". Đồng thời khẳng định, hệ thống kiểm định vệ sinh thực phẩm Brazil đảm bảo chất lượng sản phẩm thịt xuất khẩu. 

Nhưng sau đó ông Blairo Maggi cũng phải thừa nhận, vụ bê bối thịt bẩn hồi tháng 3-2017 đã khiến Brazil bị thiệt hại "ngoài sức tưởng tượng" - bị mất ghế Bộ trưởng Nông nghiệp. 

Trọng Hậu
.
.
.