Thổ Nhĩ Kỳ:

Tiếp tục sa thải nghi can liên quan tới đảo chính

Thứ Ba, 06/12/2016, 15:52
Lại có thêm gần 15.000 công chức, cảnh sát và một số thành phần khác vừa bị sa thải. Trong đó có 7.586 cảnh sát, 403 hiến binh và hơn 5.000 người từ các cơ quan công quyền mất việc. Những người bị sa thải sẽ không được tuyển làm việc trong khối dịch vụ công.


Trước đó (ngày 3-11), 1.218 hiến binh bị đình chỉ công tác. Bộ trưởng Tư pháp Bekir Bozdag tiếp tục hối thúc Mỹ nhanh chóng dẫn độ Giáo sĩ Fethullah Gullen về Thổ Nhĩ Kỳ và nếu tiến trình này bị kéo dài sẽ tác động tiêu cực tới quan hệ song phương.

Ngày 26-11, Tổng thống Tayyip Erdogan cảnh báo, Ankara có thể kéo dài tình trạng khẩn cấp thêm 3 tháng và trước đó ông còn cho rằng, Đức đã trở thành "thiên đường cho chủ nghĩa khủng bố", khi Berlin không bắt dẫn độ những người ủng hộ Giáo sĩ Fethullah Gullen về nước.

Ngày 22-11, nhà cầm quyền phát lệnh bắt 60 người, trong đó có nhiều phi công ở trung tâm thành phố Konya do nghi ngờ có liên quan đến Phong trào Gulen của Giáo sĩ Fethullah Gulen.

Kể từ cuộc đảo chính bất thành hôm 15-7 đến nay, đã có hơn 125.000 người bị sa thải hoặc đình chỉ công tác, trong khi 36.000 người bị bắt chờ ngày hầu tòa. Và giới chức Thổ Nhĩ Kỳ còn đóng cửa hơn 550 tổ chức và 9 cơ quan báo chí được cho là liên quan đến vụ đảo chính.

Ủy ban bảo vệ nhà báo (CPJ), một tổ chức phi lợi nhuận, phi chính phủ độc lập của Mỹ có trụ sở tại thành phố New York cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ đã bỏ tù 120 nhà báo, trở thành quốc gia có nhiều nhà báo bị tống giam nhất thế giới.

Và một trong những cơ quan báo chí bị ảnh hưởng nặng nhất là tờ Cumhuriyet (là một trong ít cơ quan báo chí độc lập còn lại ở Thổ Nhĩ Kỳ) bởi có ít nhất 11 nhà báo và nhân viên bị bắt.

Giám đốc điều hành Cumhuriyet, ông Akýn Atalay bị cáo buộc là thành viên của 2 tổ chức khủng bố là PKK và Phong trào Movement (còn gọi là Phong trào Gulen).

Giáo sĩ Fethullah Gullen.

Cảnh sát đã phải sử dụng vòi rồng và hơi cay để giải tán đám đông biểu tình ở trung tâm Istanbul nhằm ngăn chặn họ tiến đến văn phòng báo Cumhuriyet có các nhân viên bị bắt.

Trước cáo buộc kể trên, phát biểu khi công bố thành lập kênh truyền hình tin tức mới bằng tiếng Anh TRT World (15-11), Tổng thống Tayyip Erdogan đã cáo buộc truyền thông phương Tây dung túng cho âm mưu đảo chính bất thành ở nước này.

Đồng thời mong muốn đây là kênh chuyển tải tốt nhất những thông tin chân thực về Thổ Nhĩ Kỳ. TRT World thuộc Đài truyền hình nhà nước TRT, bắt đầu phát sóng từ tháng 3-2015, nhưng vừa chính thức công bố hoạt động.

10 ngày trước (ngày 19-11), 73 viện sĩ trường Đại học kỹ thuật Yildiz, Istanbul bị bắt vì bị cáo buộc đã sử dụng một ứng dụng tin nhắn có tên là ByLock thường được những đối tượng ủng hộ Giáo sĩ Fethullah Gulen dùng để trao đổi thông tin.

Tổng thư ký NATO Jen Stoltenberg vừa cho biết, một số sĩ quan Thổ Nhĩ Kỳ đã xin cơ chế tị nạn tại các nước thành viên NATO. Người phát ngôn Bộ Nội vụ Đức Johanne Dimout cũng thông báo, đã có 35 người mang hộ chiếu ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ xin được cơ chế tị nạn tại Đức.

Trước đó, một sĩ quan Thổ Nhĩ Kỳ làm việc tại trụ sở Bộ Chỉ huy chuyển đổi liên minh tại bang Virginia, Mỹ cũng xin tị nạn tại xứ sở cờ hoa.

Ngày 13-11, Bộ Quốc phòng đã đình chỉ công tác 168 sỹ quan và 123 binh sỹ thuộc lực lượng hải quân do bị tình nghi liên quan đến âm mưu đảo chính bất thành hồi tháng 7.

Vì sa thải và bắt giữ nhiều binh sỹ nên Bộ Quốc phòng vừa tuyên bố, sẽ tuyển hơn 30.000 nhân sự trong 4 năm tới để bù đắp sự thiếu hụt quân số. Số nhân sự mới phần lớn được tuyển từ các học viện hải quân và lục quân. Bởi tính đến nay đã có 20.000 người bị sa thải, trong đó có 16.000 học viên quân sự.

Thủ tướng Binali Yildirim từng thừa nhận, Thổ Nhĩ Kỳ cần phi công quân sự và điều này không dễ bù đắp một sớm một chiều.

Thượng tuần tháng 11, hai đồng lãnh đạo và 9 nghị sỹ thuộc đảng Dân chủ Nhân dân (HDP) của người Kurd đã bị bắt vì "không sẵn sàng cung cấp bằng chứng" đối với các tội có liên quan tới tuyên truyền khủng bố.

Cảnh sát đã khám nhà của 2 đồng lãnh đạo HDP là Selahattin Demirtas và Figen Yuksekdag, cùng trụ sở của HDP ở Thủ đô Ankara. HDP là đảng lớn thứ 3 trong Quốc hội, chiếm 59 trong tổng số 550 ghế.

Nghị sỹ thường được hưởng quyền miễn truy tố, nhưng quyền này của các thành viên HDP đã bị dỡ bỏ hồi đầu năm 2016.

Bởi cơ quan chức năng cáo buộc HDP có quan hệ với nhóm vũ trang người Kurd của đảng Công nhân người Kurd (PKK), tổ chức bị Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Thổ Nhĩ Kỳ coi là khủng bố.

Ngoại trưởng Mevlut Cavusoglu cáo buộc các nước thành viên EU ủng hộ PKK và coi việc EU chỉ trích Ankara vì bắt giữ các nghị sỹ HDP là "không thể chấp nhận".

Trịnh Huyền My
.
.
.