Thổ Nhĩ Kỳ toan tính gì trong cuộc xung đột Nagorno-Karabakh?

Thứ Tư, 04/11/2020, 07:24
Những ngày qua, Thổ Nhĩ Kỳ, NATO, Mỹ, Nga và Iran đã liên tục kêu gọi ngừng giao tranh giữa Azerbaijan và Armenia xung quanh khu vực Nagorno-Karabakh. Cũng như các quốc gia khác, chính quyền Ankara kêu gọi đình chiến, nhưng mang một giọng điệu khác.


"Thổ Nhĩ Kỳ luôn và sẽ tiếp tục sát cánh với Azerbaijan thân thiện và anh em bằng tất cả khả năng và trái tim của chúng tôi”, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan nói. Thực tế, Nagorno-Karabakh được quốc tế công nhận là lãnh thổ Azerbaijan. Nhưng vùng đất này lại có đông người Armenia đã ly khai khỏi Baku trong một cuộc chiến vào những năm 1990. 

Đây cũng chính là chủ đề của một số nghị quyết Liên hợp quốc (LHQ) kêu gọi chấm dứt việc chiếm đóng các vùng đất của Azerbaijan. Thổ Nhĩ Kỳ có quan hệ chặt chẽ với Azerbaijan và muốn có một chỗ ngồi trên bàn đàm phán, nhưng lợi ích của Ankara lại vượt ra ngoài "tình anh em".         

Chân dung Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev (phải) và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan treo ở thủ đô Ankara.

Hỗ trợ "vô điều kiện"

Thổ Nhĩ Kỳ và Azerbaijan có mối quan hệ chặt chẽ về kinh tế, quân sự, văn hóa và ngôn ngữ. Còn đối với Armenia, Thổ Nhĩ Kỳ có một lịch sử khó khăn. Armenia gọi việc giết 1,5 triệu người Armenia vào cuối thời kỳ Ottoman là một "tội ác diệt chủng" còn Thổ Nhĩ Kỳ thì bác bỏ. Chính vì thế, sự ủng hộ nhiệt thành và lên tiếng của Ankara đối với Baku đã khiến các quốc gia phương Tây tức giận và cáo buộc rằng đang đổ thêm dầu vào một cuộc xung đột nguy hiểm. 

Đến nay, hơn 1.000 người đã thiệt mạng, bao gồm hàng chục công dân của cả hai phía. Các nhà phân tích cho rằng sự hậu thuẫn của Thổ Nhĩ Kỳ đối với Azerbaijan trong cuộc giao tranh này đã đóng một vai trò quan trọng trong cuộc bùng phát nghiêm trọng nhất trong khu vực kể từ những năm 1990 và tiết lộ về tham vọng rộng lớn hơn của Ankara trong khu vực.

Mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ luôn ủng hộ các tuyên bố của Azerbaijan đối với lãnh thổ tranh chấp trong khu vực, nhưng nước này không đóng vai trò hùng biện hay quân sự đáng kể nào trong việc hỗ trợ Baku trong các cuộc xung đột trước đây với Armenia. Tuy nhiên, hợp tác quân sự giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Azerbaijan trong 10 năm qua càng trở nên mạnh mẽ khi quốc gia giàu dầu mỏ và khí đốt này chi tiêu mạnh tay để giành được ưu thế quân sự so với nước láng giềng Armenia nghèo hơn. Thổ Nhĩ Kỳ đào tạo các sĩ quan trong lực lượng vũ trang Azerbaijan và là nhà cung cấp vũ khí lớn thứ ba của Azerbaijan sau Israel và Nga.

Kể từ năm 2015, các nhân vật theo chủ nghĩa dân tộc nắm quyền ở Thổ Nhĩ Kỳ và Đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền của Tổng thống Tayyip Erdogan, nhiều người ủng hộ Azerbaijan và coi địa chính trị trong khu vực Caucacus và Biển Đen là những ưu tiên hàng đầu. Trong khi đó, chính sách đối ngoại hiện tại của AKP đã chuyển từ việc “không có vấn đề với các nước láng giềng” sang tiếp cận quyền lực mềm. Những năm gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ đã can thiệp quân sự vào Syria, Libya và miền Bắc Iraq, đồng thời có hành động quyết đoán hơn trong tranh chấp với Hy Lạp và CH Cyprus về quyền năng lượng và biên giới hàng hải ở phía Đông Địa Trung Hải.

Bên cạnh đó, Thổ Nhĩ Kỳ cũng mạnh dạn hơn trong việc hỗ trợ Azerbaijan. Hồi tháng 7, sau khi giao tranh nổ ra giữa lực lượng Azerbaijan và Armenia ở phía Bắc Nagorno-Karabakh gần các đường ống dẫn khí đốt, Thổ Nhĩ Kỳ đã cam kết ủng hộ chính quyền Baku "vô điều kiện". Azerbaijan và Thổ Nhĩ Kỳ đã tổ chức các cuộc tập trận chung vào tháng 7-8 và Thổ Nhĩ Kỳ đã để 2 trong số các máy bay chiến đấu F-16 của họ ở lại thành phố Ganja của Azerbaijan. Trong khi đó, số vũ khí Ankara bán cho Baku đã tăng gấp 6 lần trong năm nay; bao gồm máy bay không người lái vũ trang Bayraktar TB2 do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất.

Một người đàn ông đi qua ngôi nhà bị phá hủy ở Agdam, Azerbaijan trong các cuộc đụng độ ở Nagorno-Karabakh. ảnh: AP.

Mục tiêu của Thổ Nhĩ Kỳ là gì?

Svante E Cornell, Giám đốc Viện Trung Á-Caucasus của Hội đồng chính sách đối ngoại Mỹ nhận định, Azerbaijan và Thổ Nhĩ Kỳ coi Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan có tinh thần dân tộc và thân phương Tây hơn là một mối đe dọa hơn những người tiền nhiệm. Với Nga, ông Nikol Pashinyan được coi là "không gây ấn tượng" nên Baku đã nghĩ rằng Moscow, quốc gia có quan hệ sâu sắc với cả Azerbaijan cũng như Armenia, sẽ không cản trở cuộc phản công lúc này của Azerbaijan vào Nagorno-Karabakh. 

Vào tháng 8, Armenia đã tổ chức một hội nghị để kỷ niệm 100 năm Hiệp ước Sevres - nguồn gốc lâu dài của sự giận dữ ở Thổ Nhĩ Kỳ. “Điều này làm trầm trọng thêm cảm giác rằng người Armenia đang tuyên chiến ngoại giao với Thổ Nhĩ Kỳ. Và Azerbaijan có thể đã quyết định rằng, với sự hậu thuẫn đầy đủ của Thổ Nhĩ Kỳ và Nga không có khả năng cản đường, đây là thời điểm thích hợp để thúc đẩy ưu thế quân sự của mình", ông Svante E Cornell nói.

Chính quyền Baku tuyên bố rằng trong nhiều tháng qua, họ đã dần thu hồi lại vùng lãnh thổ từng bị Armenia chiếm đóng. Hôm 22-10, Azerbaijan khẳng định, đánh đuổi thành công lực lượng Armenia để kiểm soát hoàn toàn biên giới của họ với Iran. Theo các nhà phân tích, không giống như máy bay không người lái do Israel sản xuất cho Azerbaijan, máy bay không người lái của Thổ Nhĩ Kỳ là loại máy bay sử dụng nhiều lần. 

Chúng cũng tỏ ra vượt trội về mặt công nghệ so với một số khí tài quân sự cũ kỹ của Armenia và là mối đe dọa nghiêm trọng đối với việc Armenia dựa vào chiến hào và các phương tiện phòng thủ thông thường. Việc chuyển giao chuyên môn quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ trong những năm gần đây là một yếu tố chính trong những thành tựu rõ ràng trên chiến trường của Azerbaijan.

Sự ủng hộ của Thổ Nhĩ Kỳ đối với Azerbaijan không chỉ là tình anh em. Azerbaijan rất quan trọng đối với an ninh năng lượng của Thổ Nhĩ Kỳ và nước này cũng đang là một nhà đầu tư lớn vào nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ. Nhập khẩu khí đốt của Ankara từ Azerbaijan đã tăng 23% trong nửa đầu năm 2020. SOCAR, công ty dầu khí nhà nước của Azerbaijan, đã trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất ở Thổ Nhĩ Kỳ. 

Ankara coi nhóm hòa giải OSCE Minsk do Nga, Pháp và Mỹ đồng chủ trì là không hiệu quả. Thổ Nhĩ Kỳ tham gia vấn đề Nagorno-Karabakh với mục đích không phải là loại bỏ ảnh hưởng của Nga mà là để giành được ảnh hưởng, để Thổ Nhĩ Kỳ có được đòn bẩy đối với Nga và họ có thể dùng việc này cho những vấn đề khác ở Syria hoặc Libya.

Trong khi đó, Svante E Cornell cho biết Nga đang cảnh giác về việc mất ảnh hưởng ở Azerbaijan nếu như nước này có được sự hậu thuẫn vững chắc của Thổ Nhĩ Kỳ. Giám đốc Viện Trung Á-Caucasus của Hội đồng chính sách đối ngoại Mỹ nói: “Tôi nghĩ rằng [ảnh hưởng ngày càng tăng của Thổ Nhĩ Kỳ ở Azerbaijan] thực sự làm thay đổi địa chính trị và nó làm suy yếu sự thống trị lâu dài của Nga trong khu vực". Đồng quan điểm này, Sinan Ulgen còn chỉ rõ, sự ủng hộ dành cho Azerbaijan hiện nhận được sự đồng tình của phần đông công chúng Thổ Nhĩ Kỳ, kể cả từ phe đối lập, nhất là khi Thổ Nhĩ Kỳ dường như không trực tiếp tham gia vào cuộc giao tranh.

Một trận pháo kích tấn công ở Stepanakert, Nagorno-Karabakh hôm 3-10. ảnh: Getty.

"Ranh giới đỏ"

Nhưng cuộc xung đột Nagorno-Karabakh nếu leo thang cũng đi kèm với nhiều rủi ro cho Thổ Nhĩ Kỳ, có thể gây tổn hại thêm cho vị thế quốc tế của nước này và làm suy yếu vai trò của Ankara trong bất kỳ cuộc đàm phán nào. 

Các nhà phân tích đều chỉ ra rằng, rủi ro chính đối với Thổ Nhĩ Kỳ là nếu Azerbaijan vượt qua một trong những lằn ranh đỏ của Nga, điều mà một số người suy đoán có thể dẫn đến việc lực lượng Azerbaijan chiếm lại thành phố Stepanakert lớn nhất Nagorno-Karabakh hoặc cắt đứt vòng vây khỏi các tuyến tiếp tế của Armenia. Nếu Moscow kích hoạt hiệp ước quốc phòng với Armenia và thay mặt nước này can thiệp quân sự, điều đó sẽ làm dấy lên triển vọng về một cuộc can thiệp trực tiếp của Thổ Nhĩ Kỳ và một cuộc đối đầu giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga mà cả hai nước đều không muốn. 

"Tổng thống Ilhan Aliyev của Azerbaijan chắc chắn hiểu rõ những ranh giới đỏ này để có thể kích hoạt phản ứng của Nga. Ông ấy chắc chắn là một người thận trọng hơn nhiều so với giới lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ. Điều này khiến tôi nghĩ rằng ông ấy sẽ dừng lại trước khi người Thổ Nhĩ Kỳ nghĩ rằng ông ấy nên dừng lại", chuyên gia Svante E Cornell nhận xét.

Tuy nhiên, chiến tranh luôn tiềm ẩn những nguy cơ dẫn đến hậu quả khôn lường và không thiếu những tính toán sai lầm. 
Khánh Chi
.
.
.