Thông điệp gì từ việc Mỹ – Iran

Thứ Ba, 10/12/2019, 14:27
Ngày 7-12, tại Thụy Sĩ, Mỹ và Iran bất ngờ trao đổi tù nhân. Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết Xiyue Wang, người Mỹ gốc Hoa đã trở về Mỹ. Trong khi đó, một quan chức Iran tuyên bố công dân Massoud Soleimani của Iran đã được thả tự do khỏi nhà tù ở Mỹ. 

Với động thái mang tính xây dựng "hiếm hoi" này, hai bên đều đã đưa ra những phản ứng tích cực. Đặc biệt, Tổng thống Mỹ Donald Trump còn kỳ vọng hai bên có thể làm việc với nhau để đạt được "một điều gì đó" lớn hơn trong tương lai.

Hai tù nhân đã trở về nhà

Theo thỏa thuận trao đổi tù nhân, Iran đã phóng thích Xiyue Wang, nhà nghiên cứu người Mỹ gốc Hoa bị Tehran bắt giữ từ năm 2017 và tuyên án 10 năm tù với tội danh gián điệp. Đổi lại, Mỹ trả tự do cho giáo sư người Iran Massoud Soleimani, vốn đang đối mặt với các cáo buộc vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ chống lại Iran.
Dù đã có những tín hiệu tích cực hiếm hoi đầu tiên, song vẫn còn quá sớm để nói về tương lai của mối quan hệ Mỹ - Iran.

Hãng thông tấn nhà nước Iran IRNA cho biết Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif đã chào đón ông Soleimani tại Zurich, nơi diễn ra vụ trao đổi. Trong tuyên bố của Nhà Trắng, Tổng thống Trump không đề cập đến việc phóng thích Soleimani, nhưng ông cảm ơn Chính phủ Thụy Sĩ đã giúp đỡ trong quá trình đàm phán thả tự do cho Wang. "Việc thả tự do cho công dân Mỹ bị giam giữ có tầm quan trọng sống còn đối với chính quyền của tôi và chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc chăm chỉ để đưa tất cả công dân bị giam cầm ở nước ngoài trở về quê nhà", ông Trump nói.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Iran Zarif viết trên Twitter: "Thật vui mừng rằng Giáo sư Massoud Soleimani và ông Xiyue Wang sẽ sớm đoàn tụ với gia đình của họ. Rất cảm ơn tất cả những bên tham gia, đặc biệt là Chính phủ Thụy Sĩ".

Xiyue Wang, sinh năm 1980 tại Trung Quốc nhưng sau đó nhập quốc tịch Mỹ. Xiyue Wang tốt nghiệp Đại học Princeton ở Mỹ và làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu về Iran và Vịnh Ba Tư của Đại học Princeton. Tuy nhiên, Iran xem trung tâm này có liên quan đến các cơ quan tình báo phương Tây và Israel.

Tháng 7-2016, Wang bị Iran bắt giữ khi đang định rời khỏi Iran với cáo buộc làm gián điệp dưới hình thức nghiên cứu trá hình. Sau khi Wang bị bắt, Trường Đại học Princeton tuyên bố sẽ làm tất cả để hỗ trợ Wang và gia đình. Trường cho biết Wang đang cố gắng làm luận án tiến sĩ về lịch sử Âu - Á cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Wang đến Iran vào mùa hè 2016 để nghiên cứu về lịch sử hành chính và văn hóa thời cuối triều đại Qajar.

Thời điểm sau khi Wang bị bắt, trang tin Mizan thân Bộ Tư pháp Iran nói Wang hoạt động tình báo với vỏ bọc nhà nghiên cứu, lập hồ sơ kỹ thuật số "cho tổ chức tình báo chống Iran lớn nhất thế giới". Họ cũng nói cáo buộc chống lại Wang dựa trên "nguồn tin chỉ điểm nặc danh". Mizan còn viết Wang "đến Iran với vỏ bọc sinh viên đi nghiên cứu, nhưng thu thập thông tin tuyệt mật và bí mật cho các tổ chức như chính phủ Mỹ, Đại học Harvard và Viện nghiên cứu Ba Tư (Anh).

Wang còn xâm nhập hồ sơ quốc gia Iran để lập bộ hồ sơ kỹ thuật số 4.500 trang". Tòa án Iran sau đó cáo buộc Wang xâm nhập Iran thông qua một đầu mối đặc biệt nhưng bị cơ quan tình báo phát hiện và bắt giữ. Với cáo buộc này, Wang bị kết án 10 năm tù.

Giáo sư Massoud Soleimani là một chuyên gia về tế bào, là giáo sư thuộc trường Đại học Tarbiat Modares ở thủ đô Tehran. Tháng 10- 2018, Giáo sư Masoud Soleimani đến Mỹ bằng visa công tác theo lời mời của phòng khám Mayo Clinic ở bang Minnesota (Mỹ) để dẫn đầu một chương trình nghiên cứu tại đây.

Tuy nhiên, khi máy bay của ông hạ cánh ở Chicago, FBI đã lập tức có mặt và bắt giữ ông với lý do rằng ông đã vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran vào năm 2016. Sau khi bị bắt giữ, ông Soleimani bị giam giữ ở nhà tù Atlanta, bang Georgia.
Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif (bên trái) và công dân Iran Massoud Soleimani.

Sau khi ông Soleimani bị bắt, một phong trào đã được lập ra ở Iran nhằm bày tỏ sự ủng hộ dành cho ông, đã có khoảng 2.000 giáo sư đại học và sinh viên đã ký vào thư kiến nghị yêu cầu Mỹ trả tự do cho vị giáo sư này. Sau khi ông Soleimani bị bắt giữ ở Mỹ, Iran đã cáo buộc Mỹ đã bắt giữ gần 50 công dân Iran trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, chủ yếu là vì lý do họ "vi phạm lệnh trừng phạt" của Mỹ.

Tháng 5-2019, Press TV dẫn lời chuyên gia bình luận Massoud Shadjareh, người đứng đầu Ủy ban Nhân quyền Hồi giáo cho rằng, Chính phủ Mỹ quyết tâm theo đuổi chính sách "làm cạn kiệt" các nhà khoa học và trí thức của Iran. Cùng ngày, Bộ trưởng Khoa học, Nghiên cứu và Công nghệ Iran Mansour Gholami tuyên bố, Washington đã phát hiện một số giáo sư Iran và cấp visa cho họ, nhưng đã bắt giữ khi họ nhập cảnh vào Mỹ.

Hy vọng gì từ việc trao trả tù nhân?

Thụy Sĩ đã trở thành quốc gia đại diện ngoại giao của Mỹ ở Iran, kể từ khi Washington và Tehran cắt đứt quan hệ ngoại giao ngay sau Cách mạng Hồi giáo năm 1979.

Theo Hãng thông tấn nhà nước Iran IRNA, ông Wang được thả tự do dựa trên "sự khoan hồng của Hồi giáo". Ngoại trưởng Iran Zarif viết trên Twitter: "Thật vui mừng rằng Giáo sư Massoud Soleimani và ông Xiyue Wang sẽ sớm đoàn tụ với gia đình của họ. Rất cảm ơn tất cả những bên tham gia, đặc biệt là chính phủ Thụy Sĩ".

Giới quan sát nhận định, dù sẽ không có sự thay đổi chính sách của Mỹ, nhưng bước đi thiện chí này có thể mang lại hy vọng cho các tù nhân Mỹ khác đang bị giam giữ tại Iran. Một quan chức cấp cao của Mỹ phát biểu, Washington hy vọng việc Wang được thả sẽ dẫn tới cơ hội trao trả tự do cho các công dân Mỹ khác đang bị giam giữ tại Iran; đồng thời đây là một tín hiệu chứng tỏ Tehran sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán về các vấn đề khác.
Đại sứ Mỹ Edward McMullen chào đón ông Xiyue Wang tại Zurich, Thụy Sĩ ngày 7-12-2019.

Phát biểu với báo chí, vị này nói: "Chúng tôi hy vọng điều này sẽ dẫn tới thành công hơn nữa với Iran. Tôi mong việc ông Wang được thả là dấu hiệu chứng tỏ người Iran đang nhận thấy, thói quen ngoại giao bằng bắt giữ con tin thực sự nên phải chấm dứt nếu Iran muốn gia nhập lại cộng đồng quốc tế".

Phát biểu sau khi việc trao đổi tù nhân được thực hiện, Tổng thống Donald Trump tuyên bố: "Chúng tôi rất vui khi con tin người Mỹ trở lại. Toàn bộ cộng đồng trường Đại học Princeton đang rất xúc động. Đây là vụ trao đổi 1 đổi lấy 1. Tôi nghĩ đây cũng là 1 điều tuyệt vời với Iran. Tôi nghĩ thật tuyệt khi nó chứng tỏ rằng chúng ta có thể làm một cái gì đó với nhau. Nó có thể là "khởi đầu" cho những gì chúng ta có khả năng thực hiện".

Tổng thống Donald Trump cũng nhấn mạnh, ưu tiên lớn nhất của Mỹ đó là đảm bảo an toàn cho các công dân của mình. "Giải thoát người Mỹ bị giam cầm là việc có tính quan trọng sống còn đối với Chính quyền của tôi và chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc tích cực để đưa về nước tất cả công dân của chúng ta bị giam cầm ở nước ngoài", ông Trump nói trong một tuyên bố.

Còn Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng nhấn mạnh, Mỹ vui mừng vì Iran đã có cách tiếp cận xây dựng trong vấn đề này. Mỹ tiếp tục kêu gọi Iran thả tất cả các công dân Mỹ mà Washington cáo buộc Tehran bắt giữ "không công bằng".

Việc trao đổi tù nhân diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ Iran và Mỹ đặc biệt căng thẳng khi năm 2018, Tổng thống Trump tuyên bố Washington rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 giữa Iran và 6 cường quốc, đồng thời áp lệnh trừng phạt kinh tế với Iran.

Bất đồng giữa Iran và phương Tây tiếp tục gia tăng sau khi Iran giảm cam kết của mình trong Kế hoạch hành động chung toàn diện nhằm đáp trả quyết định của Mỹ. Iran chỉ trích Anh, Pháp và Đức vì đã không bảo vệ được nền kinh tế Iran tránh được các lệnh trừng phạt của Mỹ, quốc gia luôn coi chương trình tên lửa đạn đạo của Iran là mối đe dọa về an ninh tại Trung Đông.

Ngày 4- 12, đại sứ các nước Anh, Pháp và Đức, trong lá thư của mình đã kêu gọi Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres thông báo cho Hội đồng bảo an Liên hợp quốc rằng chương trình tên lửa của Iran là "không tuân thủ" nghị quyết của Liên Hợp Quốc. Đáp lại, Iran tuyên bố bức thư trên cho thấy "sự thiếu hiểu biết" của các nước này trong việc thực hiện những cam kết trong Kế hoạch hành động chung toàn diện.

Vì thế, dù đã có những tín hiệu tích cực hiếm hoi đầu tiên, song vẫn còn quá sớm để nói về tương lai của mối quan hệ Mỹ - Iran, bởi lẽ bất đồng hiện tại giữa 2 bên là quá lớn, cùng với đó là những chính sách "cứng nhắc và không chịu nhượng bộ" từ cả 2 phía.

Đức Quý (Tổng hợp)
.
.
.