Thủ lĩnh biểu tình Thái Lan bị truy tố tội gây bạo loạn, giết người

Thứ Ba, 10/06/2014, 09:30

Thủ lĩnh biểu tình phản đối chính phủ Thái Lan nhiều tháng liền, ông Suthep Thaugsuban cùng 4 lãnh đạo thuộc Ủy ban Cải cách Dân chủ nhân dân (PDRC) đã bị kết tội gây ra các cuộc nổi loạn trong gần 7 tháng qua. Ngoài ra, Tòa án hình sự Thái Lan cũng truy tố Suthep Thaugsuban với tội danh giết người do cáo buộc ông có liên quan trong vụ đàn áp của quân đội cách đây 4 năm. Khi ấy, ông là Phó Thủ tướng được cho là đã ra lệnh cho quân đội đàn áp người biểu tình phe áo đỏ làm 98 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương.

Tờ Bangkok Post mới đây cho hay, cả 5 nhân vật trên đều đã được quân đội thả và dẫn độ tới Viện Công tố để nghe phán quyết về hành động tổ chức các cuộc biểu tình phản đối chính phủ cùng nhiều tội danh khác.

Trước đó, ông Suthep đã bị quân đội bắt giữ sau khi Tổng tư lệnh quân đội Thái Lan, Tướng Prayut Chan-O-Cha tuyên bố đảo chính giành quyền kiểm soát đất nước.

Anchalee Paireerak, một trong những thủ lĩnh PDRC, cho biết, ông cùng 10 người khác bị đánh thức lúc 3 giờ (giờ địa phương) và được đưa khỏi nơi giam giữ lúc 4 giờ. Sau đó, những người này được đưa đến Văn phòng Tổng chưởng lý để bị buộc tội trước tòa. Trong số những thủ lĩnh PDRC bị chuyển đến công tố viên có ông Suthep Thaugsuban.

Akanat cho biết, các thủ lĩnh PDRC đã bị giam giữ trong một trại quân đội dành để đào tạo học viên quốc phòng và tất cả họ có sức khỏe tốt. Phát ngôn viên PDRC cho hay, sẽ nộp tiền bảo lãnh để các nhân vật này được tại ngoại tạm thời

Trong suốt gần 7 tháng khủng hoảng chính trị, các lãnh đạo trong Ủy ban Cải cách Dân chủ nhân dân Thái Lan đã tổ chức hàng loạt cuộc biểu tình phản đối chính phủ đồng thời cáo buộc cựu Thủ tướng Yingluck tội tham nhũng và yều cầu bà từ chức. Bà cũng bị quân đội bắt giữ điều tra gần một tuần.

Thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban bị kết tội nổi loạn.

Hồi đầu tháng này, Tòa án Hiến pháp Thái Lan đã ra tuyên bố phế truất Thủ tướng Yingluck và chính quyền của bà vẫn còn duy trì quyền lực cách đây không lâu. 

Cuộc đảo chính mới đây được ghi nhận là sự kiện đảo chính lần thứ 19 tại Thái Lan kể từ năm 1932. Năm 2006 là năm gần nhất Thái Lan chứng kiến cuộc đảo chính lật đổ cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra - anh trai của bà Yingluck khi ông này đi công cán ở Ai Cập.

Hội đồng Gìn giữ trật tự và hòa bình (NPOMC) mới đây đã quyết định triệu tập hơn 150 quan chức cấp cao tới tham dự một cuộc họp trong Hội trường Quân đội Hoàng gia tại Thewes vào lúc 10 giờ sáng. Ngay sau đó, hàng loạt quan chức thuộc cả phe ủng hộ và phản đối chính phủ bao gồm cả cựu Thủ tướng Yingluck cũng đã bị quân đội nước này bắt giữ. Tuy nhiên, theo nguồn tin quân đội, ít ngày sau đó, NPOMC đã quyết định thả tự do cho bà Yingluck.

Dư luận quốc tế cũng đã lên tiếng phản đối hành động bắt giữ các quan chức chính phủ của quân đội Thái Lan. Thậm chí, Mỹ - đồng minh lâu nay của Thái Lan, đã quyết định ngừng khoản viện trợ quân sự trị giá 3,5 tỷ USD cũng như hoãn các chuyến thăm chính thức và tổ chức tập trận chung với xứ sở Chùa Vàng.

Tướng Prayuth Chan-ocha, lãnh đạo cuộc đảo chính quân sự ở Thái Lan mới đây đã nhận được sự phê chuẩn của Quốc vương để trở thành Chủ tịch hội đồng quân sự cầm quyền và sẽ có bài phát biểu đầu tiên trước dân chúng kể từ khi lên nắm quyền.

Theo quân đội Thái Lan, lễ nhận lệnh Hoàng gia, nghi lễ quan trọng ở quốc gia quân chủ, bắt đầu vào lúc 10 giờ 49 phút (giờ địa phương). Họ không tiết lộ lý do chọn thời điểm trên nhưng đó được xem là giờ tốt.

Ông Prayuth dự kiến sẽ đề ra những bước đi tiếp theo, bao gồm việc công bố một hiến pháp lâm thời và thành lập một hội đồng lập pháp.

Bất chấp các cảnh báo, những người phản đối cuộc đảo chính của quân đội  vẫn tụ tập ở Bangkok và các khu vực miền Bắc, Đông Bắc. Có khoảng 1.000 người đã tập trung ở Tượng đài Chiến thắng, trung tâm thủ đô Bankok, "chạm trán" với lực lượng chống bạo động nhưng không xảy ra đụng độ.

Theo phân tích của phóng viên báo Pháp Le Monde thì phía sau biến cố đảo chính này ẩn giấu một sự thật mà không ai ở Thái Lan dám nói ra vì sợ bị trừng phạt tội phạm thượng.

Đó là chuyện nối ngôi. Quốc vương Bhumibol, 86 tuổi, trị vì từ năm 1946, sức khỏe gần đây đã suy yếu nhiều. Thái tử Maha Vajiralongkorn, 61 tuổi, sẽ lên nối ngôi. Vấn đề là dư luận Thái cho rằng, thái tử Maha là một người gần gũi với cựu thủ tướng Thaksin khi nhân vật này nắm quyền.

Đó là lý do tại sao thành phần chính trị gia ở Bangkok muốn nhanh chóng "bứng rễ" phe Thaksin trước khi quốc vương băng hà. Trong những ngày tới, Thái Lan sẽ phải bổ nhiệm một Thủ tướng mới để tạo hình ảnh một chính phủ hợp pháp và nhân vật này có thể là cựu Bộ trưởng Quốc phòng, Tư lệnh Lục quân Prawit Wongsuwan, thân cận với hoàng gia

Trường Minh
.
.
.