Thủ tướng Malcolm Turnbull bỏ tiền mua ghế?

Chủ Nhật, 12/02/2017, 10:01
Tuyên bố rời khỏi đảng Tự do trong liên đảng Tự do-Quốc gia cầm quyền của Thủ tướng Malcolm Turnbull để thành lập đảng chính trị riêng với tên gọi đảng Bảo thủ Australia của Thượng nghị sỹ bang Nam Australia Cory Bernardi hôm 7-2 đã khiến dư luận quan tâm hơn tới những bê bối trong nội bộ đảng Tự do. Đặc biệt là cáo buộc đối với Thủ tướng Malcolm Turnbull.


Bởi mấy tháng qua, ông Malcolm Turnbull luôn từ chối tiết lộ số tiền đã đóng góp cho liên minh bảo thủ do đảng Tự do dẫn đầu trong cuộc bầu cử ngày 2-7-2016. Việc ông Malcolm Turnbull giữ bí mật về vấn đề này khiến dư luận yêu cầu Australia phải cải cách luật quyên góp chính trị để đảm bảo tính minh bạch.

Theo luật pháp Australia, mọi khoản tiền quyên góp trị giá trên 13.200 đôla Australia đều phải được công khai. Do đó, tuyên bố thừa nhận tối 1-2 của ông Malcolm Turnbull bị dư luận phản ứng khá tiêu cực. "Tôi đã đóng góp 1,75 triệu đôla Australia (khoảng 1,3 triệu USD)", hãng ABC News dẫn lời Thủ tướng Malcolm Turnbull.

Tờ Sydney Morning Herald coi đây là khoản quyên góp chính trị lớn nhất trong lịch sử đến từ một cá nhân. Chính nhận định này đã khiến dư luận cho rằng, việc tặng 1,3 triệu USD tiền túi của ông Malcolm Turnbull cho đảng Tự do trong chiến dịch tranh cử hồi tháng 7-2016 bị coi là hành động "mua ghế".

Thủ tướng Malcolm Turnbull.

Theo giới truyền thông, số tiền quyên góp của ông Malcolm Turnbull đã được chi cho các chiến dịch quảng cáo trên truyền hình, thư tín và thăm dò ý kiến trong quá trình tranh cử.

Bộ trưởng Tài chính Jim Chalmers cho rằng, ông Malcolm Turnbull không thể thắng cử nếu không chi 1,75 triệu đôla Australia để tạo sự chú ý của dư luận, và nếu không lãnh đạo đảng Tự do, ông sẽ không thể làm Thủ tướng.

Trong khi dư luận, phe đối lập và một số chính trị gia chỉ trích Thủ tướng Malcolm Turnbull, thì Bộ trưởng Ngân khố Scott Morrison, thành viên của đảng Tự do lại coi việc chỉ trích ông là "hành vi bẩn thỉu" nhằm làm giảm uy tín của người đứng đầu Chính phủ.

Ông Malcolm Turnbull được biết tới với tư cách là luật sư và doanh nhân thành đạt, chủ trương tăng cường quyền cho phụ nữ ở các vị trí quản lý. Từ tay trắng đi lên, đến nay ông Malcolm Turnbull là một trong những chính trị gia giàu nhất ở Australia với tổng tài sản ước tính 200 triệu đôla Australia. Theo giới truyền thông, khi "Hồ sơ Panama'' bị rò rỉ, danh tính của Thủ tướng Malcolm Turnbull đã được đề cập.

Khi đó, tờ The Australian Financial Review dẫn lời người phát ngôn của ông Malcolm Turnbull tuyên bố, Thủ tướng Australia không biết Công ty trách nhiệm hữu hạn dịch vụ công nghệ Star (Star Technology Services Limited) từng được hãng Mossack Fonseca quản lý. Và không biết công ty này bị cáo buộc hậu thuẫn cho các chính trị gia Nga trước hay sau khoảng thời gian ông Malcolm Turnbull làm giám đốc.

Theo thông tin từ "Hồ sơ Panama'', ông Malcolm Turnbull là một trong những cựu giám đốc của Công ty trách nhiệm hữu hạn dịch vụ công nghệ Star từ đầu những năm 1990 của thế kỷ trước.

Và doanh nghiệp này được hãng Mossack Fonseca thành lập và quản lý để khai thác quặng vàng ở Siberia. Tuy đảng Tự do là đảng bảo thủ, nhưng thủ lĩnh lại được đánh giá có quan điểm tiến bộ, nhất là việc ủng hộ đối với biến đổi khí hậu và hôn nhân đồng tính.

Trước khi Thủ tướng Malcolm Turnbull bị "réo tên", Bộ trưởng Y tế Sussan Ley phải chấp nhận nghỉ việc (9-1) sau khi bà bị điều tra xung quanh cáo buộc sử dụng kinh phí đi công tác kết hợp mua nhà. Bà Sussan Ley bị cáo buộc đã mua căn hộ trị giá 795.000 USD nhân chuyến công tác tới Gold Coast năm 2015 với chi phí 3.125 đôla Australia.

Theo hồ sơ tài chính, bà Sussan Ley đã có 2 chuyến công tác bằng máy bay dạng thuê bao từ Canberra đến Adelaide (1-5-2015) và từ Canberra đến Melbourne (22-7-2014) với tổng chi phí 13.300 đôla Australia. Cũng tại thời điểm kể trên, cựu nghị sỹ đảng Tự do thuộc bang New South Wales (NSW) Tim Owen đã hoàn trả 50.000 đôla Australia, số tiền tài trợ mà Ủy ban bầu cử bang NSW cho là bất hợp pháp.

Việc này diễn ra sau khi Ủy ban bầu cử NSW cho biết, đã phát hiện 84.137 đôla Australia quyên góp cho chiến dịch giành ghế ở thành phố Newcastle của ông Tim Owen trước khi diễn ra bầu cử bang NSW năm 2011 là trái luật.

Trước đó (30-8-2016), Ủy ban độc lập chống tham nhũng (ICAC) của bang NSW công bố một phần kết quả điều tra cho thấy, một số doanh nghiệp có tên tuổi và nghị sỹ đảng Tự do của bang NSW đã có những hành động mờ ám liên quan đến việc tiết lộ các khoản đóng góp chính trị mới đây.

Trong số những người bị nhắc tới, đáng quan tâm có cựu Bộ trưởng Joe Tripodi, người bị cáo buộc có hành vi tham nhũng nghiêm trọng bằng cách "lợi dụng vị trí của mình trong Quốc hội để trục lợi trái phép cho Tập đoàn Buildev".

Mạnh Phong
.
.
.