Thủ tướng Pakistan dọa chiến tranh hạt nhân với Ấn Độ

Thứ Tư, 18/09/2019, 16:33
Thủ tướng Pakistan Imran Khan nhấn mạnh rằng khi 2 nước sở hữu vũ khí hạt nhân (Pakistan - Ấn Độ) xảy ra chiến tranh quy ước thì sẽ có rất nhiều khả năng dẫn đến chiến tranh hạt nhân.


Trong cuộc phỏng vấn mới đây với Hãng thông tấn Al Jazeera, Thủ tướng Pakistan Imran Khan tái khẳng định lập trường không sử dụng vũ khí hạt nhân trước nếu xảy ra xung đột vũ trang quy mô lớn với Ấn Độ. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng khi 2 nước sở hữu vũ khí hạt nhân xảy ra chiến tranh quy ước thì sẽ có rất nhiều khả năng dẫn đến chiến tranh hạt nhân.

Theo báo RT, trong vài tuần trở lại đây, ông Khan liên tục khuyến cáo, xung đột giữa Pakistan và Ấn Độ liên quan đến vùng Kashmir đang tranh chấp có nguy cơ biến thành một cuộc đụng độ hạt nhân nếu các cường quốc thế giới và Liên hợp quốc không can thiệp. Những thông điệp công khai của ông trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng gây khó hiểu về chiến lược hạt nhân của chính phủ Pakistan. Hồi đầu tháng 9, ông Khan từng "thề" sẽ không dùng vũ khí hạt nhân trước để chống New Delhi. Song, phát ngôn viên của Thủ tướng Pakistan sau đó đính chính rằng phát biểu của ông đã bị "tách khỏi ngữ cảnh" và "không có thay đổi nào về quan điểm hạt nhân" của Islamabad, vốn được tin không loại trừ khả năng tấn công trước để đối phó thế lực áp đảo.

Tranh chấp giữa Ấn Độ và Pakistan nổ ra ngay sau khi hai nước giành độc lập từ Anh năm 1947. Trong số 3 cuộc chiến đã nổ ra giữa hai nước trong thời gian từ 1948-1971, thì hai cuộc là về Kashmir, cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người. Kashmir hiện được chia làm hai phần do Ấn Độ và Pakistan kiểm soát, nhưng cả hai nước đều đòi chủ quyền với toàn bộ vùng này. Bất chấp thỏa thuận ngừng bắn được ký kết vào năm 2003, đụng độ giữa binh sĩ hai bên ở khu vực biên giới này vẫn tiếp diễn. Năm ngoái, có 820 vụ nổ súng xảy ra ở Kashmir, cả Ấn Độ và Pakistan đều cáo buộc nhau vi phạm thoả thuận. Tuy nhiên, căng thẳng giữa Pakistan và Ấn Độ gần đây gia tăng sau khi New Delhi thông qua đạo luật hủy cơ chế tự trị của Kashmir vào tháng 8. Đáp lại, Pakistan tuyên bố hạ cấp quan hệ ngoại giao, đình chỉ hoạt động thương mại song phương, đồng thời đe dọa đóng cửa không phận với Ấn Độ.

Tên lửa hạt nhân của Pakistan.

Đầu tháng 9-2019, Tham mưu trưởng quân đội Ấn Độ Bipin Rawat thông báo sẽ điều động tiểu đoàn tinh nhuệ được huấn luyện đặc biệt đến sát biên giới với Pakistan. Đây là đơn vị đầu tiên của Lực lượng tác chiến tích hợp (IBG) ra quân, với quân số hơn cấp lữ đoàn 3.000 người và nhỏ hơn cấp sư đoàn 10.000 người. Ấn Độ muốn triển khai tổng cộng từ 11 đến 13 IBG nhằm bảo vệ biên giới phía tây và phía đông.

Cả Ấn Độ và Pakistan đều sở hữu vũ khí hạt nhân. Phát ngôn viên quân đội Pakistan gần đây cảnh báo khủng hoảng ở Kashmir có thể bùng phát thành một cuộc xung đột hạt nhân. Theo báo cáo năm 2018 của Viện Nghiên cứu hòa bình Stockholm (SIPRI, Thụy Điển), Ấn Độ sở hữu từ 130-140 đầu đạn hạt nhân, trong khi Pakistan có 140-150 đầu đạn hạt nhân. Ấn Độ có chính sách không sử dụng hạt nhân trước trong khi Pakistan vẫn còn mập mờ về điều này.

Năm 1998, cả Pakistan và Ấn Độ đều thử vũ khí hạt nhân. Pakistan phóng thành công tên lửa tầm xa Ghauri, mang tên một chiến binh Hồi giáo từng chinh phục Ấn Độ hồi thế kỷ 12. Năm 2002 đến lượt Ấn Độ thử hỏa tiễn Agni có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Ấn Độ và Pakistan, mỗi nước được cho sở hữu hơn 100 đầu đạn hạt nhân. Theo ước tính của Viện nghiên cứu hoà bình quốc tế Stockholm, Pakistan và Ấn Độ đang có lần lượt 140-150 và 130-140 vũ khí hạt nhân. Cả hai nước đều có thể phóng vũ khí hạt nhân từ trên không, trên mặt đất và trên biển.

Vì vậy, các nhà quan sát lo ngại một cuộc đấu hạt nhân giữa Pakistan và Ấn Độ sẽ mau chóng trở thành “trận chiến hạt nhân cuối cùng” và ảnh hưởng tới toàn thế giới. Bởi lẽ vũ khí hạt nhân ở Pakistan hoàn toàn do quân đội kiểm soát, trong khi quân đội lại có rất nhiều phần tử cực hữu. Giả sử họ thua trong các trận chiến đấu bằng vũ khí thông thường, những phần tử này không ngần ngại sử dụng vũ khí hạt nhân. Trong tình hình như vậy, một cuộc chiến tranh tổng lực giữa 2 nước như một cuộc chiến tranh trước đây, sẽ hủy diệt cả Ấn Độ lẫn Pakistan.

 “Nếu một cuộc xung đột hạt nhân xảy ra giữa Ấn Độ và Pakistan, 20 triệu người sẽ thiệt mạng ngay lập tức”, ông Sardar Masood Khan – Thống đốc khu vực Azad Jammu và Kashmir thuộc Pakistan cảnh báo tại một hội thảo do Trung tâm Hồi giáo và Các vấn đề toàn cầu tổ chức ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong quá khứ, Ấn Độ và Pakistan đã từng đề nghị Mỹ, Trung Quốc và Nga làm trung gian hòa giải về ngoại giao. Vì vậy các nhà quan sát hy vọng 3 nước sẽ sớm có động thái hòa giải để giải quyết mâu thuẫn giữa hai quốc gia này. 

Đức Quý
.
.
.