Thủ tướng Peru Ana Jara bị bãi nhiệm vì nghe lén

Thứ Hai, 06/04/2015, 09:56
Quyết định bãi nhiệm Thủ tướng Ana Jara tối 30/3 của Quốc hội Peru lại khiến chính trường nước này xáo động bởi đây là Thủ tướng thứ 7 phải ra đi trong gần 4 năm cầm quyền của Tổng thống Ollanta Humala (từ tháng 7/2011).

Ngày 30/3, với 72 phiếu thuận, 42 phiếu chống và 2 phiếu trắng, Quốc hội Peru đã lần đầu tiên bãi nhiệm một thủ tướng kể từ năm 1968. Bà Ana Jara bị cáo buộc đã ra lệnh cho Cơ quan tình báo quốc gia Peru (DINI) tiến hành theo dõi những nhà lập pháp, phóng viên, chủ doanh nghiệp và người dân sau khi được Tổng thống Ollanta Humala bổ nhiệm làm Thủ tướng cách đây gần 10 tháng (22/7/2014). Vụ bê bối kể trên được dư luận quan tâm sau khi tạp chí Correo Semanal công bố (19/3) những người bị DINI điều tra.

Ngay sau khi thông tin kể trên được công bố, Thủ tướng Ana Jara đã bị Quốc hội yêu cầu điều trần và dư luận thực sự bị sốc sau tuyên bố của bà. Bởi theo lời Thủ tướng Ana Jara, hoạt động theo dõi và do thám này được tiến hành từ năm 2005. Và việc này được tiến hành dưới thời 2 người tiền nhiệm, chứ bà Ana Jara không ra lệnh cho DINI nghe lén.

Tổng thống Ollanta Humala và bà Ana Jara.

Mặc dù Thủ tướng Ana Jara tuyên bố như vậy (và đã tạm đình chỉ hoạt động đối với DINI từ tháng 2 bởi cơ quan này bị cáo buộc do thám quan chức chính phủ và các nhân vật đối lập), nhưng nghị sĩ đối lập Javier Bedoya vẫn cho rằng, tuy không chỉ thị nghe lén, song bà vẫn phải chịu trách nhiệm về hành vi của thuộc cấp.

Đây không phải lần đầu tiên DINI bị tạm đình chỉ hoạt động bởi hơn 11 năm trước (tháng 3/2004), Quốc hội Peru đã giải tán Cơ quan tình báo quốc gia bởi có quá nhiều nhân vật của DINI quan hệ với cựu Tổng thống Alberto Fujimori và cựu Giám đốc Vladimiro Montesinos.

Gần 3 tháng trước (8/1), một tòa án Peru đã tuyên án thêm 8 năm tù giam đối với cựu Tổng thống Alberto Fujimori vì ông biển thủ hàng chục triệu USD từ ngân quỹ quân sự để vận động giới truyền thông đưa tin bất lợi nhằm bôi nhọ uy tín của các đối thủ chính trị, cũng như bơm tiền cho chiến dịch tái tranh cử của mình năm 2000. Ông Alberto Fujimori đã cho phép chuyển 41 triệu USD từ ngân quỹ quân đội sang Cơ quan tình báo quốc gia để cựu Giám đốc Vladimiro Montesinos chi 2.000 USD-3.000 USD cho mỗi bài báo đả kích đối thủ.

Gần 10 tháng trước, ngay sau khi chấp nhận đơn từ chức của Thủ tướng Rene Cornejo, Tổng thống Ollanta Humala đã bổ nhiệm Bộ trưởng Lao động Ana Jara làm tân Thủ tướng. Bà Ana Jara là cộng sự gần gũi với Tổng thống Ollanta Humala và là vợ ông Nadine Heredia, Chủ tịch đảng Dân tộc cầm quyền. Ông Rene Cornejo phải ra đi (được bổ nhiệm tháng 2/2014, thay thế người tiền nhiệm Cesar Villanueva) sau khi giới truyền thông Peru tiết lộ, một cố vấn của Thủ tướng đã chi tiền để tìm cách làm mất uy tín của đối thủ chính trị.

Tổng thống Ollanta Humala cũng chấp nhận đơn từ chức của Bộ trưởng Nội vụ Wilfredo Pedraza (15/11/2013) sau khi báo chí cáo buộc, cảnh sát đã bố trí lực lượng bảo vệ trái quy định doanh nhân Oscar Lopez có quan hệ mật thiết với cựu Giám đốc tình báo Vladimiro Montesinos, (người đang thụ án tù vì tội tham nhũng và buôn bán vũ khí). Doanh nhân Oscar Lopez sau đó cũng bị xét xử vì tội tham ô, nghe lén điện thoại và tàng trữ vũ khí trái phép.

Khi tuyên bố từ chức, ông Wilfredo Pedraza cho biết, quyết định ra đi để vụ bê bối không ảnh hưởng tới tân Thủ tướng Cesar Villanueva, người phải có cuộc điều trần đầu tiên trước Quốc hội về kế hoạch điều hành chính phủ hôm 18/11/2013. Ngoài ông Wilfredo Pedraza, còn có 6 chỉ huy cảnh sát mất chức, trong đó có 3 tướng và 2 đại tá.

Cũng liên quan tới hoạt động tình báo ở Peru, ngày 29/3, tờ La Exitosa đăng lại nội dung cuộc nói chuyện được cho là của Giám đốc tình báo hải quân Peru với người đồng cấp Chile, trong đó phía Santiago thừa nhận tiến hành hoạt động tình báo tại nước láng giềng.

Nội dung cuộc nói chuyện qua đường tin nhắn ứng dụng WhatsApp được một nữ nhà báo nổi tiếng Peru đăng lại và khẳng định, nguồn tin này đã được kiểm chứng ở cấp cao nhất và đoạn hội thoại kể trên đã được gửi tới Tổng thống Ollanta Humala.

Nhiệm Bình
.
.
.