Bê bối của tình báo Đức:

Thủ tướng Angela Merkel sẵn sàng điều trần

Thứ Năm, 14/05/2015, 09:00
Tờ Sueddeutsche Zeitung và các đài truyền hình NDR, WDR cho biết, từ ngày 4/5 các hoạt động do thám ở trạm Bad Aibling chủ yếu nhằm vào các đường truyền fax và các cuộc nói chuyện điện thoại, thay vì mạng internet như trước đây. Và đây là kết quả của quyết định tạm dừng hợp tác giữa Cục tình báo liên bang Đức (BND) với Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) - tạm dừng việc chuyển các thông tin thu thập được qua do thám mạng internet từ trạm ở Bad Aibling. 

Theo ông Konstantin von Notz, Hạ nghị sỹ của đảng Xanh, ủy viên đặc trách trong Ủy ban điều tra NSA của Hạ viện Đức khi trả lời báo chí hôm 7/5 cũng khẳng định, sự hợp tác giữa BND với NSA đã bị hạn chế đáng kể và đây là "một bước đi cần thiết mặc dù chậm trễ". Nhưng trước đó (4/5), Thủ tướng Đức Angela Merkel lại tuyên bố, Đức cần tiếp tục hợp tác với các cơ quan tình báo Mỹ. Đây là tuyên bố công khai đầu tiên của bà Angela Merkel liên quan tới các cáo buộc đối với BND.

Cùng ngày 7/5, tờ Spigel dẫn lời của Bộ trưởng Quốc phòng Đức, khi bà Ursula von der Leyen thừa nhận, hãng sản xuất vũ khí Đức Heckler&Koch và một quan chức cấp cao của Cục phòng vệ quân đội (MAD) thuộc Bộ Quốc phòng Đức đã phối hợp với nhau trong việc do thám một số công chức và phóng viên Đức do nghi ngờ họ chuyển tài liệu mật liên quan tới loại súng trường G36.

Được biết, tờ die Tageszeitung và die Zeit nằm trong số bị theo dõi. Do đó, Hiệp hội phóng viên Đức (DJV) không những phản đối mạnh mẽ hoạt động do thám của Bộ Quốc phòng cũng như hãng Heckler&Koch, mà còn đề nghị Ủy ban giám sát của Hạ viện Đức làm rõ vụ bê bối kể trên.

Thủ tướng Angela Merkel và Bộ trưởng Nội vụ Thomas de Maiziere.

Cũng trong ngày 7/5, Tòa án phúc thẩm khu vực 2 của Mỹ đã ra phán quyết: việc NSA thu thập dữ liệu về các cuộc điện thoại của người dân Mỹ trên quy mô lớn là vi phạm pháp luật, đồng thời vượt quá giới hạn mà Quốc hội Mỹ cho phép. Phán quyết này được đưa ra sau khi Liên đoàn tự do dân sự Mỹ (ACLU) khởi kiện NSA và Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) khi xuất hiện thông tin về các chương trình do thám khổng lồ trong những tài liệu do cựu nhân viên tình báo Edward Snowden tiết lộ.

Trước đó (6/5), Thủ tướng Angela Merkel tuyên bố, bà sẵn sàng điều trần trước quốc hội xung quanh cáo buộc, BND giúp NSA theo dõi các mục tiêu ở Đức và các nước láng giềng châu Âu. Đồng thời thông báo, giới chức Đức và Mỹ đang thảo luận về vụ việc kể trên. Tuy nhiên, bà Angela Merkel cũng nhấn mạnh, không hứa sẽ đưa ra toàn bộ các tài liệu có liên quan đến lĩnh vực nhạy cảm này.

Theo kết quả cuộc thăm dò dư luận công bố hôm 5/5, uy tín đảng bảo thủ của bà Angela Merkel không hề suy chuyển bởi vụ bê bối có liên quan đến BND. Thậm chí Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas de Maiziere, đồng minh thân cận của Thủ tướng Angela Merkel vẫn chưa phải từ chức cho dù sức ép của dư luận về vấn đề này khá mạnh.

Phó Thủ tướng kiêm Chủ tịch đảng Dân chủ Xã hội (SPD) Sigmar Gabriel từng yêu cầu làm sáng tỏ mọi cáo buộc đối với BND, đồng thời cho biết đã "2 lần hỏi trực tiếp" bà Angela Merkel về các thông tin liên quan và được biết: Đức không giúp tình báo Mỹ do thám kinh tế ở nước này. Ngoài ra, bà Angela Merkel còn bảo vệ cho các hoạt động của BND, cũng như sự hợp tác tình báo với NSA trong việc đảm bảo an ninh, trật tự công cộng.

Cũng trong ngày 5/5, chính phủ Áo đã nộp đơn kiện BND vì tiếp tay để NSA do thám các quan chức và các tập đoàn châu Âu, trong đó có Áo. Bộ trưởng Nội vụ Áo Johanna Mikl-Leitner yêu cầu Chính phủ Đức làm sáng tỏ các thông tin này, đồng thời cho biết giới chức an ninh Áo sẽ sử dụng mọi kênh liên lạc từ an ninh, tư pháp tới ngoại giao để làm rõ các vấn đề kể trên. Bà Johanna Mikl-Leitner cho biết, Chính phủ Áo đã nộp đơn kiện lên Cơ quan Công tố ở Vienna.

Ngày 5/5, Quốc hội Pháp đã thông qua dự luật về tình báo với tỷ lệ 438 phiếu thuận, 86 phiếu chống. Dự luật này nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ đảng Xã hội của Tổng thống Francois Hollande lẫn phe đối lập trung hữu UMP. Đây là dự luật được đánh giá sẽ góp phần thuận lợi cho các cơ quan an ninh, tình báo Pháp khi tăng quyền cho họ thu thập thông tin phục vụ công tác phòng chống khủng bố và bảo vệ các lợi ích kinh kế, công nghiệp và quốc phòng của Pháp.

Dự luật mới cho phép nhà cầm quyền tiến hành chương trình do thám toàn diện - được quyền thâm nhập điện thoại, email của người dùng mà không cần xin phép từ lực lượng hành pháp, cũng như cài đặt camera hoặc thiết bị ghi âm tại những khu vực riêng tư, thu thập dữ liệu từ mạng internet…
Trọng Hậu
.
.
.