Thực hư cái chết của ông trùm tình báo Nga

Thứ Hai, 21/03/2016, 11:11
Dư luận khá bất ngờ trước quyết định rút quân khỏi Syria kể từ ngày 15-3 của Tổng thống Nga Putin và nhiều nhận định đã được đưa ra xung quanh chủ đề này.


Trong khi đó, thư ký báo chí của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov cho biết, ông Putin đã thảo luận và nhất trí với Tổng thống Syria Bashar al-Assad về quyết định rút quân khỏi Syria. Và trước khi đưa ra quyết định kể trên, ông Putin đã có cuộc họp với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu.

Chính vì vậy, giới chuyên môn càng có cơ sở đề cập tới chủ đề từng gây chú ý cách đây không lâu, khi tờ al-Akhbar đưa tin (3-3), Cục trưởng Tình báo quân đội Nga (GRU), tướng Igor Sergun đã bị ám sát trong một điệp vụ bí mật hồi thượng tuần tháng 1 ở thủ đô Beirut của Lebanon. Và khi đó ông Igor Sergun đang có nhiệm vụ quan trọng tại Syria - đề nghị Tổng thống Bashar al-Assad từ chức.

Tướng Igor Sergun.

Vẫn theo thông tin của tờ al-Akhbar, ông Igor Sergun đã bị ám sát trong một điệp vụ bí mật có sự tham gia của nhiều cơ quan tình báo Arab và Trung Đông. Và có thể cơ quan đặc biệt của Thổ Nhĩ Kỳ có dính líu đến vụ ám sát ông Igor Sergun. Cho đến nay Nga vẫn chưa có bình luận nào xung quanh thông tin đã đăng trên tờ al-Akhbar.

Tờ Financial Times cũng từng đưa tin, vài tuần trước khi qua đời, ông Igor Sergun đã đến thủ đô Damascus của Syria để trao cho Tổng thống Bashar al-Assad thư của Tổng thống Putin đề nghị nhà lãnh đạo này từ chức. Nhưng cả Syria và Nga đều bác bỏ thông tin của tờ Financial Times.

Trong khi đó, hãng phân tích tình báo Stratfor (Mỹ) cho rằng, ông Igor Sergun bị giết ngày 1-1 khi đang ở Lebanon, nhưng Điện Kremlin phủ nhận với tuyên bố: Tướng Igor Sergun chết sau một cơn đau tim. Theo tờ al-Akhbar, ông Igor Sergun đóng vai trò quan trọng trong vụ Nga sáp nhập bán đảo Crimea hồi tháng 3-2014.

Và phải gần 1 tháng sau cái chết của ông Igor Sergun, Tổng thống Putin mới ký sắc lệnh bổ nhiệm Trung tướng Igor Korobov làm Cục trưởng GRU (2-2). Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu đã trao quyết định này cho Trung tướng Igor Korobov.

Được biết, từ trung tuần tháng 1, tờ Thương gia của Nga đã dẫn một nguồn tin cho rằng, ông Igor Korobov, khi đó là Phó Cục trưởng GRU, sẽ là người thay thế ông Igor Sergun. Trung tướng Igor Korobov trở thành nhà lãnh đạo thứ 30 của GRU.

Chính vì những thông tin khác nhau như vậy, nên cho tới nay nguyên nhân dẫn tới cái chết của Cục trưởng GRU Igor Sergun (sinh ngày 28-3-1957, đã tốt nghiệp Học viện Quân sự Moskva mang tên Suvorov) vẫn là chủ đề gây tranh cãi.

Theo giới chuyên môn, việc Tổng thống Putin viết điện chia buồn công bố trên trang web hôm 4-1 về cái chết của Cục trưởng Igor Sergun cho thấy mức độ quan trọng của người đứng đầu GRU, cũng như vai trò của cơ quan tình báo này trong đời sống chính trị xứ sở bạch dương lớn tới đâu.

Trong điện chia buồn hôm 4-1, ông Putin đã dành nhiều lời tốt đẹp để ca ngợi ông Igor Sergun - là người chỉ huy lão luyện, người đàn ông dũng cảm và trung thành thực sự, sau khi làm việc tại cơ quan tình báo quân đội Nga từ năm 1984.

Hơn 1 năm trước (21-2-2015), ông Igor Sergun (là nhà lãnh đạo thứ 29 của GRU) được thăng quân hàm Thượng tướng, sau khi đeo Trung tướng từ ngày 31-8-2012. Và trước khi được bổ nhiệm làm Cục trưởng GRU, ông Igor Sergun đã trải qua nhiều hoạt động bí mật như từng là Tùy viên quân sự Nga tại Albania (1998).

Năm 2014, ông Igor Sergun từng bị liệt vào danh sách trừng phạt của Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) sau khi Moskva sáp nhập Crimea. Bởi theo giới chuyên môn, Mỹ và phương Tây luôn coi GRU đóng vai trò quan trọng trong việc Nga sáp nhập Crimea, cũng như hoạt động của lực lượng ly khai thân Nga ở miền Đông Ukraine. Và giới truyền thông từng đưa tin, một năm sau sự kiện bán đảo Crimea gia nhập Liên bang Nga (16-3-2014), ông Putin đã lần đầu tiên đề cập tới vai trò quan trọng của GRU trong vấn đề này.

Theo giới thạo tin, một trong những bản báo cáo không thể thiếu vào các buổi sáng của Bộ trưởng Quốc phòng là của GRU. Nhưng theo nguyên tắc và quy chế làm việc, lãnh đạo GRU không được liên hệ trực tiếp với Tổng thống và Thủ tướng. Điều này khác với Giám đốc Cơ quan Tình báo Đối ngoại (SVR) - thứ hai hàng tuần phải gặp Tổng thống để báo cáo tình hình.

Theo giới chuyên môn, GRU sẽ khó hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình nếu không có sự hợp tác, trao đổi thông tin với SVR. Theo thống kê, đã có hàng nghìn phần tử khủng bố bị tiêu diệt và hàng nghìn phần tử vũ trang bất hợp pháp bị bắt bởi các nhân viên GRU. Bởi khi cuộc chiến chống khủng bố được thế giới quan tâm sau sự kiện 11-9-2001, GRU được trao thêm nhiệm vụ chống khủng bố. 

Lư Tuấn Nghĩa
.
.
.