Thực hư những bê bối của cơ quan tình báo đối ngoại Đức

Thứ Ba, 05/05/2015, 19:30
Ngay sau khi tờ Der Spiegel (Tấm gương) cáo buộc cơ quan tình báo đối ngoại (BND) từng gián tiếp giúp các cơ quan tình báo Mỹ theo dõi các công ty châu Âu, như Tập đoàn quốc phòng Airbus, người phát ngôn của Chính phủ Đức Steffen Seibert cho biết, Văn phòng Thủ tướng đã chỉ ra những khiếm khuyết về kỹ thuật và tổ chức tại BND, đồng thời yêu cầu cơ quan này phải sửa chữa những khiếm khuyết kể trên ngay lập tức.
Tuy nhiên, ông Steffen Seibert không bình luận về cáo buộc của tờ Der Spiegel đối với BND, và nhấn mạnh "chưa có bằng chứng về việc theo dõi quy mô lớn của Mỹ đối với các công dân Đức và châu Âu".

Trong khi đó, ngày 24/4, tờ The Telegraph (Anh) cho biết, công tố viên Đức đang điều tra các cáo buộc cho rằng, BND đã bí mật do thám các mục tiêu ở châu Âu theo đề nghị của Mỹ, thậm chí chống lại lợi ích của Đức. Tuần san Die Zeit (Đức) cũng đưa tin tương tự.

Trước đó (23/4), tờ Der Spiegel cho biết, nhân viên BND đã gián tiếp (cung cấp khoảng 40.000 trường hợp theo yêu cầu) giúp cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) theo dõi các mục tiêu ở châu Âu, trong đó có "lợi ích của Đức" hơn 10 năm qua. Bởi hơn 10 năm qua, NSA đã yêu cầu và được BND cung cấp "những mục tiêu chọn lọc".

Cụ thể là Tập đoàn Hàng không Vũ trụ EADS của Pháp-Đức (nay là Tập đoàn quốc phòng Airbus), hay địa chỉ IP Internet, cũng như số điện thoại di động của công dân. Và điều này vượt ngoài khuôn khổ thỏa thuận hợp tác giữa Đức và Mỹ. Trước đó (14/12/2014), tờ Der Spiegel cũng tiết lộ về quy mô hợp tác giữa BND với các cơ quan tình báo Mỹ, nhất là chiến dịch mang mật danh Globe giữa BND với CIA nhằm truy cập và theo dõi dữ liệu ở Đức.

Nhiều người nói rằng, sự hợp tác giữa BND với NSA lớn hơn những gì dư luận đã biết. Nhưng Ủy ban giám sát hoạt động tình báo (G-10) và Ủy ban Kiểm soát Quốc hội Đức đều không biết về việc BND đã chuyển dữ liệu cho Mỹ.

Cơ quan tình báo Đức BND bị kiện vì giám sát đường truyền internet của doanh nghiệp.

Điều đáng nói là những việc kể trên được phát hiện từ năm 2008, nhưng mãi tới tháng 3/2015 mới được báo cáo đầy đủ lên Văn phòng Thủ tướng. Và hiện toàn bộ thông tin liên quan đến vụ bê bối mới này đã được gửi tới nghị sỹ các đảng tham gia trong Ủy ban giám sát và điều tra NSA của Hạ viện Đức. Tại cuộc họp do Bộ trưởng phụ trách Văn phòng Thủ tướng Đức, ông Peter Altmaier triệu tập hôm 23/4 với các thành viên của Ủy ban giám sát và điều tra NSA của Hạ viện, Giám đốc BND Gerhard Schindler không được mời.

Trước đó (22/4), Tập đoàn DE-CIX tại thành phố Frankfurt của Đức (nhà điều hành trung tâm kết nối mạng internet lớn nhất thế giới) chính thức thông báo, sẽ kiện BND lên Tòa án hành chính Liên bang bởi đã giám sát trái phép các đường truyền internet của hãng này. Đây là lần đầu tiên một doanh nghiệp trong lĩnh vực viễn thông ở Đức dám khởi kiện BND vì hoạt động gián điệp mạng.

Phát biểu với báo chí, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn DE-CIX Klaus Landefeld cho biết, hãng này đã phát hiện được hoạt động giám sát của BND đối với trung tâm của họ từ nhiều năm qua và việc này không được sự cho phép của luật pháp Đức. Theo ông Klaus Landefeld, việc BND giám sát các đường truyền internet quốc tế trung chuyển qua Frankfurt là trái phép vì Hiến pháp Đức quy định BND chỉ được kiểm soát những tài sản của Đức.

Đồng thời khẳng định, nếu thua kiện ở Tòa án hành chính liên bang, Tập đoàn DE-CIX sẽ kiện lên Tòa án Hiến pháp liên bang, Tòa án Tối cao Đức để đòi công lý. Giới chuyên môn cho rằng, Tập đoàn DE-CIX quyết định động thủ sau khi giới truyền thông Đức và thế giới nhiều lần cáo buộc BND tiếp tay cho NSA và CIA trong các hoạt động gián điệp mạng.

Gần 3 tháng trước (30/1), tạp chí Thời đại của Đức tiết lộ, BND đã thu thập 220 triệu đơn vị siêu dữ liệu (metadata) mỗi ngày về nội dung các cuộc điện thoại, tin nhắn, thư điện tử, hình ảnh và thông tin trao đổi trên mạng xã hội, và khoảng 1% trong số này sẽ được lưu trữ trong 10 năm. Và BND đã chuyển những dữ liệu này cho NSA và CIA.

Được biết, các thiết bị kỹ thuật chuyên dụng của BND sẽ do thám các đường truyền internet, thu sóng điện thoại từ các trạm thông tin hoặc qua vệ tinh, nhưng quy mô và địa điểm lắp đặt những thiết bị chuyên dụng kể trên không được tiết lộ. Cũng theo tiết lộ của giới truyền thông, BND từng do thám Nhà xuất bản Axel-Springer-Verlag trong nhiều năm, cho dù công việc này thuộc chức năng của Cục Bảo vệ hiến pháp (cơ quan tình báo nội địa Đức).

Và người cung cấp mang mật danh Klostermann là Tiến sỹ Horst Mahnke đã thường xuyên chuyển tin mật về ông chủ Axel-Springer và nhà xuất bản Axel-Springer-Verlag cho BND. Tờ Der Spiegel cũng cho biết, BND từng nghe lén điện thoại của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, và cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton.

Trọng Hậu
.
.
.