Thực hư những cáo buộc hối lộ tại hãng Rolls Royce

Thứ Hai, 12/06/2017, 15:04
Được thành lập từ hơn 110 năm nay và nổi tiếng là một trong những thương hiệu xe hơi sang trọng, cũng như động cơ máy bay nổi tiếng thế giới, nhưng hãng Rolls Royce đang phải đối mặt với nhiều cáo buộc tham nhũng và hối lộ ở một số quốc gia.


Điều này đã và đang ảnh hưởng không nhỏ tới uy tín và doanh thu của hãng Rolls Royce. Và đây là thách thức đối với Giám đốc điều hành Warren East.

Từ những cáo buộc tại Thái Lan

Trong tuyên bố mới đây, Chủ tịch Ủy ban Chống tham nhũng Quốc gia Thái Lan (NACC), ông Watcharapol Prasarnrajkit cho biết, NACC đang trong quá trình thu thập chứng cứ, thẩm vấn các nhân chứng và sẽ kết thúc cuộc điều tra đối với vụ bê bối hối lộ tại hãng Rolls Royce vào cuối năm nay.

Các quan chức NACC trong một buổi hội thảo về chống tham nhũng diễn ra tại Bangkok

Giới truyền thông vừa dẫn lời ông Watcharapol Prasarnrajkit cho biết, nhóm điều tra phải thông báo tiến độ công việc 2 tháng 1 lần và NACC đã liên lạc với Cơ quan Chống gian lận Anh (SFO) để yêu cầu cung cấp những thông tin hữu quan.

Bởi theo cáo buộc của Văn phòng Điều tra gian lận nghiêm trọng của Anh, hãng Rolls Royce đã hối lộ nhân viên Chính phủ Thái Lan và các quan chức của Hãng Hàng không Quốc gia Thái Lan (Thai Airways International) thông qua các trung gian khu vực để đổi lấy các hợp đồng mua động cơ Rolls Royce béo bở.

Và cuộc điều tra tập trung vào các giao dịch bất hợp pháp giữa nhà sản xuất ôtô của Anh với nhà sản xuất động cơ Rolls Royce và Thai Airways International. Theo cáo buộc của SFO, khoảng 1,2 tỷ baht đã được chi cho các quan chức hữu quan đối với 3 hợp đồng trong giai đoạn 1991-2005.

Mặc dù các cơ quan hữu quan của Mỹ và Anh đều tuyên bố hợp tác với NACC để làm rõ vụ bê bối này, nhưng theo Tổng Thư ký NACC Sansern Poljieak, sẽ khó tìm ra nguồn gốc của số tiền hối lộ kể trên.

Tuy nhiên, ông Sansern Poljieak cũng khẳng định, NACC đang chuẩn bị trình báo cáo về vụ gian lận, tham nhũng của cựu Giám đốc Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) Juthamas Siriwan lên Văn phòng Tổng Chưởng lý.

Giám đốc điều hành Warren East.

Và họ sẽ lấy trường hợp này để làm mẫu cho các cuộc điều tra liên quan đến việc tịch thu tài sản ở nước ngoài của các quan chức Chính phủ tham nhũng. Bởi số tiền trị giá 62 triệu baht của bà Juthamas Siriwan và con gái đã bị tịch thu.

Theo giới truyền thông, NACC cũng vừa công bố bản danh sách gồm 26 người bị truy cứu trách nhiệm bởi có liên quan tới vụ bê bối hối lộ của hãng Rolls Royce hơn 10 năm trước.

Trong số 26 người kể trên đáng chú ý có cựu Bộ trưởng Giao thông Suriya Jungrungreangkit và cựu Thứ trưởng Giao thông Vichet Kasemthongsri, 2 quan chức dưới thời ông Thaksin Shinawatra làm Thủ tướng. Ngoài 2 nhân vật cao cấp kể trên còn có 15 người thuộc Ban lãnh đạo của Thai Airways International.

Trong đó dư luận quan tâm tới cựu Chủ tịch Thanong Bidaya và 2 cựu Phó Chủ tịch là Srisook Chandrangsu (đã chết) và Somchainuek Engtrakul. Theo cáo buộc của NACC, những người kể trên từng tham gia vào việc mua sắm máy bay B777-200ER với động cơ của Rolls Royce và mua các động cơ dự phòng của hãng này cho 7 chiếc máy bay Airbus A340-500/600 trong 2 năm 2004 và 2005. Tuy vậy, NACC từ chối cung cấp danh tính của những người đóng vai trò trung gian trong vụ án này.

Cáo buộc tại Indonesia và Trung Quốc

Theo giới truyền thông, cuộc điều tra vụ Rolls Royce đã hối lộ hàng triệu USD cho các nhân viên hàng không và quan chức Chính phủ Thái Lan diễn ra sau khi hãng này chấp nhận trả 808 triệu USD tiền phạt tại Anh, Mỹ và Brazil.

Được biết, trong năm 2016, hãng Roll Royce đã chấp nhận chi 808 triệu USD để giải quyết các cáo buộc hối lộ và tham nhũng xung quanh những hợp đồng cung cấp động cơ máy bay trong 30 năm qua ở Indonesia, Thái Lan, Ấn Độ, Nga, Nigeria, Trung Quốc và Malaysia.

Giám đốc SFO David Green cho biết, đây là mức phạt cao nhất áp dụng cho một doanh nghiệp vi phạm đạo đức kinh doanh tại "xứ sở sương mù". Tuy nhiên, nhờ thừa nhận tội trạng và chấp nhận nộp phạt, nên hãng Rolls Royce không bị truy tố và tránh được những rắc rối pháp lý khác.

Tờ Financial Times từng đưa tin, kể từ khi SFO tiến hành điều tra (năm 2012), hãng Rolls Royce đã giảm mạnh việc sử dụng bên trung gian thứ 3 khi tiến hành các thương vụ mua bán và tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình và thủ tục mua bán.

Cũng theo tờ Financial Times, Rolls Royce từng tuyên bố "không tha thứ cho việc làm ăn không đứng đắn" sau khi giới truyền thông đưa tin về việc hãng này bị cáo buộc có liên quan tới vụ bê bối hối lộ tại Brazil.

Được biết, ngày 23-12-2013, SFO đã chính thức mở cuộc điều tra hình sự xung quanh cáo buộc hối lộ và tham nhũng tại Rolls Royce sau khi họ nhận được những đơn thư từ Indonesia và Trung Quốc.

Theo đó, Rolls Royce đã hối lộ Tommy Suharto, con trai của cựu Tổng thống Suharto 20 triệu USD và 1 chiếc Rolls Royce màu xanh, để nhận những hợp đồng mua động cơ của Indonesia. Theo tài liệu của SFO, người tố cáo hãng Rolls Royce đưa hối lộ ở Indonesia là cựu nhân viên Dick Taylor.

Và theo ông Dick Taylor (đã làm việc hơn 30 năm ở Rolls Royce và từng có thời gian công tác ở Indonesia), Rolls Royce đã hối lộ trong giai đoạn 1980-1990 để bảo đảm Hãng hàng không quốc gia Indonesia Garuda đặt hàng động cơ Trent 700. Sau khi nhận cáo buộc từ SFO, hãng Rolls Royce đã thuê Công ty Luật Debevoise & Plimpton điều tra xung quanh cáo buộc của ông Dick Taylor.

Trong khi đó tờ Sunday Times xác nhận thông tin được đăng trên blog của một người có tên "Rồng bay lên" cáo buộc Rolls Royce đã hối lộ lãnh đạo hãng hàng không Trung Quốc để sở hữu 2 hợp đồng với Air China (năm 2005) và China Eastern Airlines (năm 2010).

Giám đốc điều hành của Air China và China Eastern Airlines là Trần Tân đã bị bắt năm 2011 với nghi ngờ có dính líu đến vụ tham nhũng, nhận hối lộ từ Rolls Royce. Phát biểu với báo giới hồi tháng 12-2012, Giám đốc điều hành của Rolls Royce khi đó là ông John Rishton đã cam kết phối hợp chặt chẽ với SFO và khẳng định, sẽ không khoan dung cho bất cứ hành vi gian lận, hối lộ nào.

Tới gánh nặng của Giám đốc điều hành Warren East

Gần 2 năm trước (đầu tháng 7-2015), ngay sau khi được bổ nhiệm, tân Giám đốc điều hành Warren East buộc phải khuyến cáo về tình hình lợi nhuận của hãng. "Tin này là nỗi thất vọng đối với tôi, với cả các nhà đầu tư và nhân viên", ông Warren East thẳng thắn thừa nhận. Và đó là khuyến cáo thứ 4 trong vòng 18 tháng qua của Rolls Royce.

Theo giới truyền thông, sau khi chạm mốc lợi nhuận trước thuế 1,6 tỷ bảng Anh vào năm 2015, Rolls Royce dự báo năm 2016 chỉ lãi từ hơn 1,3 đến gần 1,5 tỷ bảng Anh, thấp hơn 5% so với dự kiến trước đó. Theo ông Warren East, năm 2016 lợi nhuận từ mảng hàng không dân dụng của Rolls Royce sẽ giảm 300 triệu bảng Anh, chủ yếu do đơn đặt hàng thấp hơn và giá giảm đối với động cơ Trent 700.

Động cơ máy bay Rolls-Royce Trent 700.

Mặc dù Rolls Royce đứng thứ hai thế giới về sản xuất động cơ, nhưng chi phí cố định tăng lên (tốn hơn 1 tỷ USD để phát triển một mẫu động cơ mới) cũng là nguyên nhân khiến hàng này phải tiết giảm chi phí nhằm tăng lợi nhuận. Giám đốc điều hành hãng Rolls Royce, ông Warren East đã phát động kế hoạch tiết kiệm từ 150 đến 200 triệu bảng Anh trong năm 2017.

Và để bắt đầu quá trình tái cơ cấu trong năm 2017, hãng Rolls Royce dự kiến cắt giảm hơn 200 quản lý cấp cao. "Đây là một phần của kế hoạch thay đổi để tiết kiệm chi phí bằng cách đơn giản hóa bộ máy làm việc", người phát ngôn Rolls Royce cho biết.

Theo giới chuyên môn, tính chuyên nghiệp cùng kinh nghiệm và chuyên môn của Giám đốc điều hành Warren East trong lĩnh vực cải tiến, nghiên cứu và phát triển (R&D) là điều mà Rolls Royce đang cần. Được biết, dưới thời của Giám đốc điều hành John Rishton, Rolls Royce từng nỗ lực đa dạng hóa, vươn ra khỏi lĩnh vực sản xuất động cơ máy bay với hy vọng sẽ giúp duy trì lợi nhuận, nhưng bất thành.

Ban đầu, Rolls Royce cho rằng, nguyên nhân giảm lợi nhuận là do chi phí quốc phòng bị cắt giảm khiến nhu cầu đối với động cơ máy bay quân sự cũng giảm theo. Sau đó, họ lại coi việc giảm giá dầu thô và tình hình kinh tế diễn biến ngày càng xấu đi đã khiến cho nhu cầu đối với turbine phát điện và động cơ dùng trong hàng hải sa sút…

Nhưng sau khi ông Warren East được bổ nhiệm làm Giám đốc điều hành, hãng Rolls Royce đã có nhiều khởi sắc. Theo giới truyền thông, Rolls Royce đã đạt doanh số bán kỷ lục, cao thứ hai trong lịch sử hơn 110 năm của hãng - 4.011 xe được giao cho khách hàng trong năm 2016 tại hơn 50 quốc gia, tăng 5% so với năm 2015.

Trong đó khu vực châu Mỹ có doanh số cao nhất. Các thị trường có doanh số cao nhất gồm Mỹ, Nhật Bản, Anh và Đức. Năm 2016 cũng cho thấy những dấu hiệu lạc quan hơn từ thị trường Trung Quốc.

Theo giới chuyên môn, Rolls Royce hiện là nhà cung cấp dịch vụ và hệ thống năng lượng, hàng không vũ trụ hàng đầu thế giới, động cơ của hãng này hiện được dùng trong 30 loại máy bay dân sự và 24 máy móc quân sự. Tuy nhiên, những cáo buộc tại Thái Lan đang là thách thức không nhỏ, thậm chí có thể ảnh hưởng tới lợi nhuận của Rolls Royce trong năm 2017.

Rolls Royce được thành lập ngày 15-3-1906 bởi Charles Stewart Rolls và Frederick Henry Royce. Năm 1925, Silver Ghost (động cơ 6 xi-lanh xuất hiện bên trong thân xe 4 chỗ màu bạc) được thay thế bằng Phantom, đã giúp Rolls Royce phát huy danh tiếng, và thay đổi bộ mặt của thị trường xe hơi hạng sang. Sau khi Frederick Henry Royce qua đời (năm 1933), logo của Rolls Royce được thay đổi từ màu đỏ sang màu đen vì màu đỏ bị trùng với màu thân xe.

Sau Thế chiến II, Rolls Royce có sự phát triển đáng kể trong thiết kế và sản xuất động cơ tua-bin. Ngày 4-2-1971, bộ phận sản xuất ôtô được tách khỏi bộ phận sản xuất động cơ máy bay. Rolls Royce được tư nhân hóa vào năm 1987 với tên gọi Rolls Royce PLC. Tháng 5-2003, Rolls Royce PLC được đổi tên thành Rolls Royce Group PLC.

Mạnh Phong - Nhiệm Bình
.
.
.