Thực hư thương vụ Uranium One

Chủ Nhật, 01/04/2018, 08:44
Dư luận và giới chuyên môn vẫn đang tranh luận xung quanh mâu thuẫn giữa tuyên bố của quan chức Bộ Tư pháp Mỹ (BOJ) với các bằng chứng được FBI thu thập trong 6 năm hoạt động bí mật của ông William Campbell về "âm mưu của Nga nhằm lũng đoạn thị trường uranium của Mỹ".

Theo đó, quyết định gây tranh cãi của chính phủ Mỹ năm 2010 trong việc chấp thuận cho công ty Rosatom của Nga mua công ty khai thác mỏ Uranium One vẫn chưa có "đột phá khẩu". Theo tài liệu dày hơn 5.000 trang vừa được tờ The Hill công bố, ông William Campbell được bố trí làm cố vấn cho công ty Rosatom (thu thập bằng chứng cho FBI) với mức lương 50.000 USD/tháng, để giúp trong thương vụ Uranium One.

Việc này được tiến hành từ năm 2008, khi chính quyền của ông Obama đưa ra hơn 50% quyết định có lợi cho Nga trong việc mua bán Uranium One - Rosatom có thể dễ dàng xuất khẩu hạt nhân ra khỏi Mỹ và giúp Nga dễ dàng giành chiến thắng trong các hợp đồng uranium sau đó với trị giá hàng tỷ USD.

Bà Hillary Clinton.

Và những quyết định kể trên diễn ra trong thời gian ông Obama tại vị và bà Hillary Clinton nắm quyền ở Bộ Ngoại giao. Theo tờ Epoch Times, cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton vẫn đang bị điều tra xung quanh thương vụ Uranium One. Bởi Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions đã chỉ thị cho các công tố viên của BOJ thẩm vấn các nhân viên FBI về những bằng chứng mà họ tìm thấy trong thương vụ có liên quan đến bà Hillary Clinton.

Theo giới truyền thông, Thượng nghị sĩ John Barrasso từng yêu cầu phải công bố các văn bản của Bộ Năng lượng (DOE) và Ủy ban Điều tiết hạt nhân (NRC) liên quan tới thương vụ Uranium One. "Theo The Hill, Uranium One không chỉ xuất khẩu uranium của Mỹ, mà còn được xuất khẩu ra khỏi Canada.

Bằng cách tuyên bố không có vai trò gì trong vấn đề này, DOE đã che giấu khả năng xuất khẩu tiếp theo và trách nhiệm của họ trong việc xem xét chúng", Thượng nghị sĩ John Barrasso tuyên bố. Trong khi đó quan chức NRC cho biết, họ không thể tiết lộ tổng lượng uranium đã được Uranium One xuất khẩu vì thông tin này là độc quyền.

Tờ The Hill từng dẫn báo cáo của 2 nghị sĩ John Solomon và Alison Spann đề cập tới việc FBI đã sử dụng một nhân chứng bí mật trong ngành công nghiệp hạt nhân của Nga như một phần của cuộc điều tra. Theo đó, các doanh nhân Nga đã ký hợp đồng với Mỹ bằng cách hối lộ, chi lại quả khủng, thậm chí đe dọa họ.

Theo tài liệu của tờ The Hill, Uranium One đã có thể xuất khẩu uranium mà không cần xin giấy phép xuất khẩu cụ thể - từ năm 2012 đến năm 2014, Uranium One đã xuất khẩu uranium của Mỹ bằng cách chuyên chở như một nhà cung cấp theo giấy phép xuất khẩu của công ty vận tải RSB Logistic Services Inc.

Theo tờ New York Times, trước khi ký Uranium One (cho phép Nga kiểm soát 20% nguồn cung uranium của Mỹ), ông Obama đã thả 10 điệp viên của Nga, bị bắt hồi mùa hè năm 2010 ở ngoại ô New York, Boston và miền Bắc Virginia. Động thái này của ông Obama khiến nhiều người thắc mắc - tại sao dễ dàng thả điệp viên Nga trong khi Mỹ đang cần biết những thông tin cần thiết để có quyết định sáng suốt trong thỏa thuận hạt nhân với Moskva.

Theo tờ Puppet String, ông Obama đã hành động giống như những gì từng làm với Taliban năm 2009, khi thả 5 tay súng khủng bố để đổi lại binh sỹ Bowe Bergdahl. Tờ Washington Times từng đưa tin, ông Obama sẵn sàng lật đổ các chiến dịch tình báo tốn nhiều công sức và thời gian liên quan tới những nhân vật nguy hiểm để bảo vệ mình.

Theo tờ New York Times, cựu Tổng thống Bill Clinton cũng liên quan đến một hợp đồng uranium và kiếm được hàng triệu USD xung quanh thương vụ này. Tuy là người mới đến khai thác uranium ở Kazakhstan, nhưng công ty non trẻ và thiếu kinh nghiệm của ông Franklyn Giustra vẫn được độc quyền kinh doanh lĩnh vực này.

Bởi trên chiếc máy bay MD-87 hôm 6-9-2005 của nhà tài chính ngành khai khoáng Canada Franklyn Giustra tới Almaty, Kazakhstan có ông Bill Clinton. Và họ có buổi nói chuyện với Tổng thống Kazakhstan Nursultan Nazarbayev. Nhờ cuộc gặp gỡ kể trên, công ty của ông Franklyn Giustra đã ký và được phép mua lại 3 dự án uranium do cơ quan uranium Kazakhstan Kazatomprom quản lý.

Và chỉ vài tháng sau khi thỏa thuận kể trên kết thúc, quỹ từ thiện của ông Bill Clinton đã nhận khoản tiền trị giá 31,3 triệu USD từ ông Franklyn Giustra. Số tiền này được giữ bí mật cho đến tháng 1-2008. Theo giới truyền thông, tranh cãi về thỏa thuận Uranium One đã diễn ra sau khi dư luận Mỹ được biết, cựu Tổng thống Bill Clinton đã thu về hàng triệu USD tiền diễn thuyết ở Nga, thời điểm vợ ông làm Ngoại trưởng.

Có tin nói rằng, cựu Tổng thống Bill Clinton đã nhận tới 145 triệu USD từ các cá nhân và định chế thân Nga. "Đó vẫn là điều vớ vẩn mà họ đưa ra trong nhiều năm qua, và không ai có bằng chứng đáng tin cậy nào", bà Hillary Clinton tuyên bố trước những cáo buộc kể trên.

Trịnh Huyền My
.
.
.