Thương chiến Mỹ - Trung tiếp tục leo thang

Thứ Tư, 22/05/2019, 16:54
Sau nhiều tháng tạm lắng dịu, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung lại bùng lên dữ dội và gay cấn, mở đầu bằng việc ngày 10-5 Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nâng thuế quan 200 tỷ USD hàng nhập khẩu Trung Quốc từ 10% lên 25%.


Không chỉ vậy, ông chủ Nhà Trắng còn chỉ đạo các bước đi chuẩn bị áp thuế 25% đối với các khoản hàng hóa trị giá hơn 325 tỷ USD trước nay chưa bị đánh thuế từ Trung Quốc. Ngay sau đó, Trung Quốc đáp trả bằng việc áp thuế lên 60 tỷ USD hàng hóa nhập từ Mỹ kể từ tháng 6.

Thay đổi bất ngờ

Những diễn biến này khiến nhiều người bất ngờ, vì cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung bùng lên từ ngày 22-1-2018 những tưởng sẽ lắng dịu theo sau quyết định ân hạn 90 ngày của ông Trump vào ngày 1-12 và những tin tức khả quan về các cuộc đàm phán giữa 2 bên liên tục được đưa ra sau đó.

Tuy nhiên, theo các quan chức cao cấp của Mỹ, do Bắc Kinh đã từ bỏ các cam kết mà họ đã đồng ý trong các cuộc đàm phán trước đây. Robert E. Lighthizer, Trưởng đoàn đàm phán thương mại Mỹ, cho biết: “Người Trung Quốc đã tìm cách tạo ra những thay đổi đáng kể trên các văn bản đã được thỏa thuận trong văn bản đã được thống nhất của một thỏa thuận đồ sộ gồm 7 chương. Thực sự, nói đúng ra là họ đã ‘từ bỏ’ các cam kết trước đó”. 

Các yêu cầu của Trung Quốc nhằm giảm bớt các điều khoản trong thỏa thuận đã được gửi tới chính quyền, khiến Tổng thống Trump tức giận và đã đáp trả bằng cách công bố các kế hoạch thuế quan mới, Washington Post đưa tin. Các nguồn tin cho biết phiên bản thỏa thuận thương mại gốc có độ dài 150 trang, có được sau 5 tháng đàm phán vất vả, đã bị Trung Quốc tự ý cắt gọn và rút xuống còn 105 trang.

Từ khi còn tranh cử tổng thống, ông Trump đã nhiều lần hứa hẹn sẽ "lấy lại công bằng" cho nước Mỹ. Phương châm của ông là "Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại. Hàng hóa tiêu dùng của dân Mỹ phải sản xuất tại Mỹ. Người Mỹ được xài hàng Mỹ với giá cả hợp lý". Vì vậy, ông đã có nhiều bước đi mạnh mẽ và cứng rắn nhằm "chỉnh đốn" lại quan hệ thương mại với Trung Quốc. 

Với Trung Quốc, ông Trump có 2 yêu cầu chính: Thứ nhất, chấm dứt việc ăn cắp công nghệ Mỹ và buộc các công ty Mỹ phải chuyển giao công nghệ bắt buộc khi làm ăn ở Trung Quốc. Thứ hai, không dùng trợ cấp, hỗ trợ và định giá thấp tiền tệ để khiến hàng Trung Quốc quá rẻ so với các sản phẩm cùng loại do Mỹ và các nước khác sản xuất ra và bán trên thị trường.

Hai yêu cầu trên thoạt nghe có vẻ đơn giản, nhưng nếu tuân thủ, Trung Quốc sẽ phải thay đổi từ gốc rễ nền kinh tế của họ. 

Thứ nhất, theo cáo buộc của Mỹ, rất nhiều các công nghệ Trung Quốc đang dùng hiện nay trong các ngành sản xuất, dịch vụ có được thông qua việc đánh cắp (tin tặc, gián điệp) hoặc chuyển giao bắt buộc. Nếu buộc họ phải hợp pháp hóa tất cả công nghệ đó (mua lại) hoặc chấm dứt sử dụng chúng hầu như sẽ khiến nền kinh tế Trung Quốc “đứng hình”. 

Thứ hai, nếu buộc Trung Quốc phải định giá hàng hóa xuất khẩu tương đương với các hàng hóa cùng loại của Âu, Mỹ thì có lẽ sẽ không ai chọn mua sản phẩm của Trung Quốc. Và việc này còn liên quan đến cơ chế hỗ trợ, phân bổ vốn trong nền kinh tế, và cũng liên quan đến những tham vọng kiểm soát về địa chính trị thông qua các hoạt động kinh tế. Vì vậy, nó sẽ dẫn tới sự thay đổi về cấu trúc của kinh tế - xã hội và thậm chí là chính trị Trung Quốc.

Sức ép từ nội bộ

Theo Dennis Wilder, nhà phân tích về Trung Quốc trước đây của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, Trưởng đoàn đàm phán Trung Quốc, có thể đã gặp phải sự kháng cự chính trị khi ông trình bày thỏa thuận gần như hoàn chỉnh với Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc. 

Nhu cầu của Mỹ về thay đổi cấu trúc trong mô hình kinh tế do nhà nước đứng đầu của Trung Quốc sẽ làm tổn thương nhiều doanh nghiệp nhà nước và khách hàng chính trị của họ. "Có thể đã có một cú sốc", ông Wilder nói. "Chúng tôi đã xử lý một tài liệu dài 150 trang, rất toàn diện và chạm đến tất cả các loại lợi ích của Trung Quốc ở cấp quốc gia và cấp tỉnh".

Tham vọng thiết lập lại cơ bản mối quan hệ kinh tế Mỹ - Trung của ông Trump đang va chạm với chính trị nội bộ trong hệ thống Trung Quốc. Tổng thống Mỹ muốn giảm đáng kể thâm hụt thương mại 375 tỷ USD với Trung Quốc cùng chấm dứt phân biệt đối xử với các công ty nước ngoài ở Trung Quốc.

Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc gần đây cho biết 2 bên sẽ có các cuộc đàm phán tiếp tục ở Bắc Kinh, cho dù Tổng thống Trump đã áp thuế 25% lên 200 tỷ USD hàng Trung Quốc và chuẩn bị lên thêm hơn 300 tỷ USD hàng hóa nữa. Tại sao Trung Quốc vẫn nỗ lực trong bối cảnh Mỹ đã "ngửa hết bài"?

Theo giới quan sát, có lẽ chiến lược của Trung Quốc là “câu giờ”, càng kéo dài đàm phán càng tốt, vì họ biết rằng chính quyền của Tổng thống Trump chỉ có thể kéo dài tối đa đến năm 2025. Còn nếu ông Trump thất cử trong bầu cử nhiệm kỳ hai (2020) thì lại càng tốt. Và biết đâu, với chính quyền mới, họ lại sẽ đạt được một sự nhượng bộ đáng kể từ Washington, kiểu như thời Obama… Vì vậy, chiêu bài của Trung Quốc là “thay đổi dần dần”.

Tuy nhiên, ông Trump đã nhìn thấu điều này. Trong bài đăng Twitter ngày 8-5, ông viết: “Lý do khiến Trung Quốc rút lại và cố gắng đàm phán lại Hiệp định thương mại là vì Hy Vọng chân thành rằng họ sẽ có thể đàm phán, với Joe Biden hoặc một trong những đảng viên Dân chủ rất yếu, và do đó họ sẽ tiếp tục xé toạc Mỹ (500 tỷ USD/năm) trong nhiều năm tới”.

Như vậy, sẽ khó có khả năng ông Trump đã nhận ra chiêu bài của Trung Quốc mà lại để họ toại nguyện. Vì vậy, những cảnh báo nâng thuế hoặc áp thuế mới của ông Trump có khả năng rất quyết liệt, sẽ buộc Trung Quốc hoặc phải “thật lòng” đàm phán, hoặc chấp nhận một cuộc chiến tranh thương mại chính thức.

Ai đứng "kèo trên"?

Vậy, giả sử vòng đàm phán cuối cùng của hai bên kết thúc mà không đạt được thỏa thuận, chiến tranh thương mại tiếp tục nổ ra, ai sẽ là người chịu thiệt?

Xét về quan hệ thương mại hiện nay, Mỹ có lợi thế không thể phủ nhận. Thương mại hàng hóa và dịch vụ của Mỹ với Trung Quốc đạt tổng cộng 737,1 tỷ USD trong năm 2018. Trong đó, Mỹ xuất khẩu 179,3 tỷ USD; nhập khẩu 557,9 tỷ USD. Thâm hụt thương mại hàng hóa và dịch vụ của Mỹ với Trung Quốc là 378,6 tỷ USD. Như vậy, nếu đánh thuế lên tất cả hàng hóa nhập từ Mỹ, Trung Quốc cũng chỉ có thể dừng ở mức tối đa 179 tỷ USD. 

Trong khi đó, sau khi áp thuế lên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc như hiện nay, Mỹ vẫn còn “dư địa” tới 357 tỷ USD hàng hóa nhập từ Trung Quốc để áp thuế. Hiện nay, chỉ với mức thuế 10% lên 200 tỷ USD nhập từ Trung Quốc đã khiến Bắc Kinh khốn đốn. Nếu Mỹ tăng lên 25% cho 200 tỷ USD hàng hóa này, và thêm 25% cho 357 tỷ USD hàng hóa còn lại, sẽ không thể tưởng tượng được Trung Quốc sẽ rơi vào tình trạng thế nào.

Thêm vào đó, nền kinh tế Trung Quốc phụ thuộc vào Mỹ nhiều hơn Mỹ phụ thuộc vào Trung Quốc. Cụ thể, 1% tăng trưởng GDP của Trung Quốc chỉ tác động chưa tới 0,04% GDP của Mỹ. Trong khi đó, 1% tăng trưởng GDP của Mỹ sẽ tác động tới 0,16% GDP Trung Quốc. Ngoài ra, khả năng đòn bẩy của Trung Quốc cũng kém hơn rất nhiều so với Mỹ. Trong khi Mỹ có thể phát hành số nợ gần như không giới hạn (cho đến khi USD vẫn là tiền tệ dự trữ của thế giới), Trung Quốc đã ở gần đỉnh đòn bẩy. 

Theo Deutsche Bank, tổng nợ của Trung Quốc (bao gồm nợ công, nợ tư, hộ gia đình, chính quyền địa phương và trung ương) đã đạt mức hơn 270% GDP vào quý III-2018. Năm ngoái, Trung Quốc lần đầu tiên chứng kiến thâm hụt tài khoản vãng lai ở mức âm, tức Trung Quốc sẽ cần tài trợ từ phần còn lại của thế giới, và đặc biệt từ Mỹ.

Văn Cường
.
.
.