Thượng đỉnh NATO: Gặp nhau để “tính sổ”?

Thứ Bảy, 07/12/2019, 08:14
Cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ 27 của NATO diễn ra tại London từ ngày 3 đến 4-12. Đây là dịp để 29 nước thành viên của khối tụ tập ăn mừng sinh nhật lần thứ 70 của khối này. Đây cũng là dịp các thành viên ngồi lại để giải quyết những bất đồng ngày càng chồng chất.


Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đang vô cùng ức chế với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, sẽ phải đối mặt với những chất vấn gay gắt của các đồng minh về những chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria.

Ông Emmanuel Macron, sau câu nói gây sốc "NATO đã chết lâm sàng" sẽ phải đưa ra những lời giải thích và đề xuất những công thức mới. Trong khi nước Nga, dẫu không phải là một thành viên NATO sẽ từ xa quan sát các diễn biến của hội nghị này để điều chỉnh các chính sách đối ngoại của mình.

Tổng thống Pháp Macron và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan sau một cuộc họp báo chung ở điện Elysee, Paris (Pháp)  ngày 5-2- 2019.

"NATO đã chết lâm sàng"?

Ngay trước dịp kỷ niệm 30 năm bức tường Berlin sụp đổ và trước thời điểm các nhà lãnh đạo của 29 nước thành viên NATO về tụ hội ở London để dự hội nghị thượng đỉnh kỷ niệm 70 năm thành lập khối này, Tổng thống Pháp Macron đã dội cho họ một gáo nước không thể lạnh hơn.

Trong bài trả lời phỏng vấn tờ Economist, được đăng vào ngày 7-11, ông Macron đã nói tới "cái chết lâm sàng của NATO" trong một tương lai gần khi mà nước Mỹ sẽ ngoảnh mặt làm ngơ và bỏ mặc châu Âu. "Lần đầu tiên nước Mỹ có một vị tổng thống không muốn chia sẻ các ý tưởng của Dự án châu Âu". Người đứng đầu nước Pháp cũng nhắc đến những bất ổn chính trị của một Liên minh châu Âu đang rạn vỡ sau sự kiện Brexit. "Nếu NATO tự không ý thức được về mình như là một sức mạnh địa chính trị trong thế giới này, nó sẽ bị biến mất".

Trong một chừng mực nào đó ông Macron có lý. Cái làm cho người ta ngạc nhiên không phải vì hiện tượng từ lâu nay NATO đã sống một cuộc sống "không mục đích" mà là lý do vì sao liên minh quân sự này có thể tồn tại lâu đến thế. Ở khía cạnh nào đó, NATO là nạn nhân của chính những thành công của nó.

Năm 1957, Iord Ismay, Tổng thư ký đầu tiên của NATO, đã gói gọn tham vọng của khối này trong một công thức tóm tắt: "Giữ nước Nga ở bên ngoài, nước Mỹ ở trong và xích chặt nước Đức ở bên dưới".

Nhưng sau năm 1989, với một nước Nga đang "bước lảo đảo như một kẻ nát rượu" và một nước Đức đang trỗi dậy mạnh mẽ sau khi thống nhất, NATO đã lao vào một cuộc kiếm tìm các lý do để tiếp tục tồn tại. Không còn là một liên minh quân sự được lập ra trong khung cảnh một cuộc đối đầu ý thức hệ, nó quay sang một mục tiêu khác, đó là liên tục mở rộng và ồ ạt kết nạp các thành viên mới đến từ Đông Âu.

Trong quá trình đó NATO không hề đưa ra được một thông điệp chính thức nào về sứ mạng mới của mình, về lý do vì sao khối này phải mở rộng gấp rút đến vậy. Khi đã mở rộng đến Ba Lan và đã chạm vào đường biên giới của Nga, dù muốn hay không, một lần nữa NATO lại ở vào thế đối đầu với nước Nga. Có thể nói, chính NATO đã đi tìm cơ hội đối đầu với Nga để có lý do tồn tại.

Tổng thống Pháp và Mỹ đã chủ trì một cuộc họp báo chung trước thềm hội nghị thượng đỉnh khối NATO.

Nguyên tắc "Một vì tất cả, tất cả vì một" đang bị phá hủy

Cho đến lúc này, sự tái hiện cái gọi là "mối đe dọa Nga" đã trao cơ hội liên minh quân sự này tiến về phía trước (dẫu rằng vẫn có những bước ngập ngừng hay loạng choạng). Điều này được một số thành viên trong e-kip của Tổng thống Trump, chẳng hạn như Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Mike Pompeo tán thành nồng nhiệt. Theo ghi nhận của nhiều nhà quan sát, số lượng quân nhân Mỹ đồn trú tại châu Âu không ngừng tăng lên, trong cuộc tập trận "Phòng thủ 2020", cuộc tập trận lớn nhất trong năm của khối NATO, đã có tới 37.000 lính Mỹ tham gia.

Thế nhưng nếu đánh giá tình hình thông qua những bài diễn văn và những hành động cụ thể  của ông Trump, người ta thấy dường như ông có ý định nói lời chia tay với NATO. Ông Trump sẵn sàng để Thổ Nhĩ Kỳ ''nghiền nát'' người Kurd, đi đêm và tìm cách mặc cả với Ukraine, liên tục thổi phồng "công đức" của Nga và không ngừng lên án Đức. Mỗi khi có cơ hội, ông Trump luôn biểu lộ một thái độ miệt thị đối với các đồng minh phương Tây.

Bằng thông điệp "NATO đã chết lâm sàng" như một lời cảnh báo gửi đến người đồng cấp Trump, ông Macron đã ngầm nhắc tới một nguyên tắc chủ chốt của NATO: "Một vì tất cả và tất cả vì một"  (một câu nói rất nổi tiếng từ thời ba chàng ngự lâm quân) nhưng giờ đây đang bị đe dọa nghiêm trọng. Khi tờ Economist hỏi Macron liệu ông có còn tin vào hiệu lực của Điều 5 trong bản Hiến chương của NATO, liên quan đến nghĩa vụ phòng vệ đối ứng của khối trong trường hợp một thành viên bị tấn công, Macron đã trả lời ngắn gọn: "Tôi không biết".

Một trong những giọt nước làm tràn ly dẫn đến những phát biểu đầy bi quan và gây sốc của ông Macron có lẽ là quyết định đơn phương rút quân Mỹ khỏi Syria của ông Trump. "Đã không có bất kỳ sự hợp tác nào trong việc đưa ra những quyết định mang tính chiến lược giữa Mỹ và các đồng minh trong khối NATO, dường như người Mỹ đã quay lưng lại với các đồng minh".

Những mối nghi ngờ kiểu này sẽ còn tăng lên nhanh chóng nếu ông Trump được bầu lại làm tổng thống vào năm 2020. Chắc chắn điều này sẽ khuyến khích ông đi xa hơn nữa trên con đường đơn độc và xa lánh các đồng minh, con đường có tên gọi "Nước Mỹ trên hết".

Ông Trump đã tuyên bố thẳng thừng rằng mối quan hệ với các đồng minh trong khối NATO là một quan hệ thương mại, vì thế nếu các nước muốn có an ninh xin hãy mở hầu bao ra. Nhiều người đã bình luận rằng, trong trường hợp nếu nổ ra khủng hoảng, sự hỗ trợ của Tổng thống Trump có độ tin cậy cũng ngang với các khoản đầu tư ném vào các sòng bạc.

Nước Đức vươn mình đứng dậy trong lĩnh vực quân sự

Phải làm gì khi NATO không còn đảm đương được những vai trò đã được giao phó? Đây là thời điểm mà nước Pháp và Đức phải kiếm tìm những biện pháp để gia tăng ảnh hưởng của họ ở châu Âu và trên thế giới. Chẳng hạn như thiết lập một hệ thống phòng thủ chung Pháp-Đức trong đó có việc tăng cường sức mạnh hạt nhân để đương đầu những mối nguy cơ đang tăng lên từ phía Nga và Trung Quốc. Điều này cũng cho phép châu Âu trở nên độc lập hơn với Mỹ, siêu cường đang ngày càng tỏ ra thờ ơ hơn với số phận của châu Âu.

Hiển nhiên Pháp và Đức sẽ chọn con đường tránh đối đầu trực diện với Nga và sẽ tìm cách xoa dịu Nga bằng cách làm ngơ để mặc Nga tăng cường ảnh hưởng tại các nước vùng Bantic và các nước Đông Âu. Sau nhiều thập kỷ theo đuổi chính sách kiềm chế tái vũ trang, nước Đức đã bắt đầu khởi động những bước đi đầu tiên trong lĩnh vực quân sự.

Mới đây, ngày 7-11, trong một bài phát biểu tại Đại học Bundeswehr ở Munich, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer, người đang củng cố vững chắc vị thế để kế nhiệm Thủ tướng Merkel, đã tuyên bố rằng nước Đức cần phải có một vai trò quân sự ở châu Á nhằm ngăn chặn ảnh hưởng của Trung Quốc và phải trở thành nước có ngân sách quân sự lớn thứ 3 trên thế giới (sau Mỹ và Trung Quốc) vào năm 2031.

Ông Macron thì cổ súy cho ý tưởng tổ chức một lực lượng phản ứng nhanh của châu Âu, có khả năng tổ chức điều phối các chiến dịch can thiệp vào các sự biến trên tế giới độc lập với NATO và với Mỹ, một phương châm theo ông là "Phòng bệnh hơn chữa bệnh".

Sự khác biệt ngày càng gia tăng

"NATO đã chết lâm sàng", nhận định của Tổng thống Macron đã vấp phải sự phản ứng dữ dội từ một số đồng minh trong khối Nato. Trong dịp đến khánh thành một tổ hợp các trường đại học mới đây, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ lời nhắn trực tiếp đến Tổng thống Pháp Macron: "Ngài Macron, từ Thổ Nhĩ Kỳ tôi xin gửi tới ngài thông điệp này và tôi sẽ còn nhắc lại nó ngay tại Hội nghị thượng đỉnh khối NATO vào đầu tháng 12 tới, ngài mới là người nên kiểm tra tình trạng chết lâm sàng của chính mình".

Từ ngày 2-12, cờ của NATO và các nước thành viên đã xuất hiện trên các con đường của thành phố London.

Theo tờ Hurriyet, nguồn cơn thực sự dẫn đến cơn giận dữ của ông Erdogan đó là tuyên bố của ông Macron trong một cuộc họp báo: "Thổ Nhĩ Kỳ đừng mong chờ gì vào tình đoàn kết và sự hỗ trợ của các đồng minh trong khối NATO một khi đã đơn phương tiến hành các chiến dịch quân sự nhắm vào những người Kurd".

Bình luận về những nhận định của Macron đưa ra trong cuộc gặp mặt Tổng thư ký NATO Stolltenberg, những nhận định cho rằng giờ đây đối đầu với NATO không phải Nga hay Trung Quốc mà chính là chủ nghĩa khủng bố quốc tế, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã không ý tứ gì nữa mà thẳng thừng nói về người đồng cấp Pháp:  "Anh ta hoàn toàn non nớt trong lĩnh vực này. Anh ta không biết một cuộc chiến chống khủng bố nó ra sao đâu. Chính vì thế phong trào gile áo vàng mới tràn ngập nước Pháp. Ngài tổng thống này còn chưa học được cách tôn trọng quyền của các công dân của chính nước mình".

Bộ Ngoại giao Pháp đã ngay lập tức triệu Đại sứ Thổ Nhỹ Kỳ để phê phán về những lời lẽ của người đứng đầu nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ: "Chúng ta phải làm rõ với nhau, đây không phải là những tuyên bố, đây là một sự xúc phạm"

Dẫu có những mâu thuẫn gay gắt, dẫu đã dành cho nhau những ngôn từ gần như là mạt sát, Tổng thống Pháp Macron và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan vẫn phải chạm mặt nhau trong cuộc họp thượng đỉnh của khối NATO trong hai ngày 3-4/12 tại London nhân dịp sinh nhật lần thứ 70 của khối này. Một  bầu không khí nặng nề, thiếu tin tưởng lẫn nhau đã bao trùm lên hội nghị thượng đỉnh này, ngay cả trước khi hội nghị khai mạc, giống như cái tương lai ảm đạm của chính khối này.

Dương Thắng (Tổng hợp)
.
.
.