Thượng viện Mỹ "mở đường" cho bà Barrett làm Thẩm phán Tòa án Tối cao

Thứ Năm, 29/10/2020, 10:48
Ngày 25-10, Thượng viện Mỹ do đảng Cộng hòa kiểm soát đã tiến gần hơn đến cuộc bỏ phiếu cuối cùng nhằm thông qua đề cử của Tổng thống Donald Trump chọn bà Amy Coney Barrett vào vị trí Thẩm phán Tòa án Tối cao.


Theo đó, với 51 phiếu thuận và 48 phiếu chống, Thượng viện Mỹ đã phê chuẩn dự luật hạn chế tranh luận về đề cử. Kết quả bỏ phiếu tại Ủy ban Tư pháp tạo cơ sở để Thượng viện Mỹ phê chuẩn bà Barrett làm Thẩm phán Tòa án Tối cao. 

Do đảng Cộng hòa chiếm đa số tại Thượng viện Mỹ (53 - 47), Thẩm phán Barrett chỉ cần nhận được hơn 50 phiếu ủng hộ trong cuộc bỏ phiếu tại cơ quan lập pháp này để trở thành Thẩm phán tại Tòa án Tối cao. Trong trường hợp bà Barrett chỉ giành được đúng 50 phiếu tại Thượng viện, phiếu bầu của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence sẽ giúp nữ thẩm phán bước chân vào Tòa án Tối cao.

Bà Barrett, 48 tuổi, được Tổng thống Donald Trump đề cử vào vị trí Thẩm phán Tòa án Tối cao sau khi nữ thẩm phán Ruth Bader Ginsburg qua đời. Lãnh đạo phe thiểu số đảng Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer và đảng Dân chủ phản đối việc này, cho rằng đề cử cần phải đợi đến sau bầu cử tổng thống. Đảng Cộng hòa ủng hộ tiến trình phê chuẩn, với luận điểm không có điều luật nào cấm cản quy trình này.

Bà Barrett phát biểu tại Trường Luật Notre Dame vào năm 2018 - Ảnh: AP.

Amy Coney Barrett không phải là cái tên xa lạ với Tổng thống Trump vì vào năm 2018, bà từng nằm trong danh sách ứng viên được ông Trump xem xét đưa vào thế chỗ thẩm phán Anthony Kennedy (về hưu). Tuy nhiên, cuối cùng người được chọn là Brett Kavanaugh.

Bà Barrett sinh năm 1972 tại TP New Orleans, bang Louisiana và có cha từng làm luật sư cho Công ty Dầu Shell của Mỹ. Bà kết hôn với một cựu công tố viên Liên bang và là mẹ của 7 người con. Bà cũng là Giáo sư luật tại Trường Luật Notre Dame, dạy về Luật hiến pháp, tố tụng dân sự...

Bà Barrett đã đối mặt với một cuộc chiến đề cử gay gắt cho vị trí tại Tòa Thượng thẩm số 7 vào năm 2017, nhưng qua đó lại thu hút sự chú ý của Tổng thống Trump, người đã rất ấn tượng với sự bình tĩnh của bà trước những câu hỏi gai góc của các nghị sĩ Dân chủ, trong đó có Thượng nghị sĩ bang California, Dianne Feinstein về đức tin Công giáo của bà.

 "Tôi nghĩ trong trường hợp của bà, thưa giáo sư, khi bà đọc các bài diễn văn, kết luận mà người ta rút ra là một sự giáo điều lớn bên trong bà", nữ Thượng nghị sĩ Feinstein nói. "Và đó là một mối lo ngại, khi bà đề cập đến những vấn đề lớn, mà nhiều người đã đấu tranh trong nhiều năm ở đất nước này".

Tổng thống Donald Trump cùng bà Amy Coney Barrett tới dự buổi họp báo công bố đề cử bà vào Tòa án Tối cao Mỹ tại Vườn Hồng, Nhà Trắng ngày 26-9-2020. Ảnh: AP

Vài tháng sau, vào mùa Thu năm 2017, Tổng thống Trump bắt đầu cập nhật danh sách các ứng cử viên tiềm năng của mình vào Tòa án Tối cao. Có 5 cái tên được giới thiệu lên ông trong cuộc họp ở Phòng Bầu dục với sự có mặt của cố vấn McGahn và Leo. Trong số này có bà Barrett và Brett Kavanaugh. 

Năm 2018, sau khi Thẩm phán Tòa án Tối cao Anthony Kennedy nghỉ hưu, bà Barrett lọt vào danh sách người kế nhiệm, và trải qua một buổi phỏng vấn xét duyệt dài 25 phút với ông Trump tại Nhà Trắng. 

Trước bảng thành tích còn "nghèo nàn" của bà, một số nhân vật bảo thủ đã lo ngại về khả năng cuối cùng Barrett sẽ theo chân một số thẩm phán bảo thủ khác chuyển sang xu hướng ôn hòa hơn - một cái bẫy mà họ đã mắc vào với Thẩm phán David Souter.

Là người theo đạo Thiên Chúa được đánh giá sùng đạo và cực kỳ bảo thủ, bà Barrett là người phản đối các quyền nạo phá thai - một vấn đề quan trọng đối với nhiều thành viên đảng Cộng hòa. Bà từng nhấn mạnh rằng nạo phá thai "luôn luôn trái đạo đức". Bà cũng là người ủng hộ các chính sách nhập cư cứng rắn của Tổng thống Trump và bày tỏ quan điểm ủng hộ các quyền về sở hữu súng đạn.

Việc bà Barrett được tiến cử thay thế chiếc ghế của cố Thẩm phán Ginsburg sẽ khiến cán cân quyền lực tại Tòa án Tối cao Mỹ nghiêng sang phe bảo thủ nhiều hơn. Cụ thể, nếu đề cử của ông Trump được thông qua trước bầu cử Tổng thống Mỹ, Tòa án Tối cao Mỹ sẽ có 6 thẩm phán bảo thủ và 3 thẩm phán tự do.

Ngọc Trang (tổng hợp)
.
.
.