Thụy Điển trước thực trạng gia tăng bạo lực

Thứ Tư, 07/10/2020, 08:18
Thụy Điển - đất nước nổi tiếng với giải thưởng cho nhiều lĩnh vực của ông Nobel, với âm nhạc dập dìu và hãng đồ nội thất IKEA và được biết đến như là quốc gia có nhiều phúc lợi… Nhưng bây giờ nước này ngày càng bối rối bởi những vụ tuyển mộ vào tổ chức tự xưng "Nhà nước Hồi giáo", những vụ nổ và tấn công với lựu đạn cầm tay và những hoạt động gangster.


Ở xã hội quen giải quyết các vấn đề ở sự đồng lòng, bàn về vấn đề an ninh trật tự, luật pháp và tội phạm hình sự thường bị cấm ngặt…

Hiện thực khác với phản ánh của nhà chức trách

Người nước láng giềng Na Uy quen nói "hiện thực Thụy Điển" để mô tả tội phạm và những xôn xao trong xã hội, còn quan điểm của Đan Mạch thì, như ông cựu Thủ tướng nước này và Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen trả lời phỏng vấn truyền hình Thụy Điển có nói: "Tôi thường sử dụng Thụy Điển như một ví dụ về sự kiềm chế".

Hiện nay những vụ giết người bằng vũ khí nóng giữa các băng cướp đường phố là rất tiêu biểu cho đám đàn ông nhập cư giữa một xã hội khác nhiều với nơi họ đã sống. Số vụ từ 4 trong những năm 1990 đã tăng lên khoảng 40 trong năm 2017. Do đó, từ một đất nước có chỉ số tội phạm thấp, Thụy Điển bị biến thành nơi có chỉ số án mạng cao hơn nhiều nước ở Trung Âu.

Cảng Goteborg vốn yên bình.

Những cuộc đọ súng làm nhiều người thiệt mạng, những vụ người trẻ dùng súng tư động giết nhau trên đường phố Thụy Điển khiến ông Frank Richter - cảnh sát trưởng thành phố Essen trong bang Nordrhein-Westfalen của nước Đức - rất kinh ngạc vì chuyện này cực kỳ hiếm gặp ở nước mình.

Năm 2017, Thụy Điển có số vụ giết người tính trên đầu cư dân nhiều gấp đôi so với ở nước Đức. Quả thật, trong số này bao gồm cả những vụ giết người tại nhà và giết người vì lý do ghen tuông. Trong vòng nửa năm đã có 23 án mạng thì đáng rùng mình.  

Những vụ đốt ô tô và tấn công vào dịch vụ cấp cứu y tế, thậm chí ẩu đả trở thành hiện tượng lặp đi lặp lại. Những vụ đọ súng bây giờ phổ biến tới mức không còn là tin tức trang đầu của báo chí, ngoại trừ những vụ đặc biệt ấn tượng về kẻ đã gây nên cái chết của nhiều người. Độc giả bây giờ trở nên nhạy cảm với bạo lực.

Đối với thế hệ trước, những tiếng nổ nhằm vào cảnh sát cũng như những vụ lộn xộn là hiện tượng cực kỳ hiếm, thì với thế hệ hôm nay, những sự cố như thế đã quá quen thuộc. Chính phủ Thụy Điển bắt đầu chiến dịch quốc tế nhằm nêu "hình mẫu Thụy Điển" làm yếu đi sự tăng trưởng của tội phạm trên cả truyền thông đại chúng được tài trợ từ thuế.

Khi đến thăm Nhà Trắng, Thủ tướng Thụy Điển Stefan Lofven cũng phải thú nhận rằng nước ông đang "có vấn đề" với tội phạm, cụ thể là với súng đạn, nhưng lại phủ nhận sự tồn tại của những "vùng cấm". Nhưng đối với cư dân địa phương lại là một hiện thực khác. Những người lãnh đạo Ambulansforbundet (Hiệp hội Người làm cấp cứu y tế) nói rằng một số quận quả là bất khả xâm phạm đối với lái xe cấp cứu, nếu không được cảnh sát tháp tùng.

Người Thụy Điển có tính khiêm cung trong niềm tự hào dân tộc, nhưng khái niệm "mô hình Thụy Điển" từng nhiều năm khiến cả thế giới phải học là phần quan trọng của hình tượng dân tộc. Bởi vì tội phạm liên quan chặt chẽ với việc đất nước không đủ khả năng liên kết những người nhập cư, nạn bạo lực gia tăng. Khi chính phủ Thụy Điển và phái đối lập nói về đất nước như nói về "siêu cường quốc yêu con người" họ đã nghĩ rằng đất nước trong thời khủng hoảng nhập cư đã mở cửa, tỷ lệ người nhập cư trên một đầu người dân nước mình lớn hơn bất cứ quốc gia nào thuộc EC, điều đó dẫn tới một số yếu tố bị xô lệch.

Bộ trưởng Bộ Thị trường lao động Ylva Johansson từng có thông báo rằng số nạn nhân khai báo đã bị cưỡng hiếp và dâm ô "đang đi xuống, đi xuống và đi xuống". Nhưng trên thực tế thì ngược lại, đến nỗi về sau bà phải nói lời xin lỗi.

Chuyện nhập cư ồ ạt và tội phạm bạo lực

Tương tự, cựu Thủ tướng Thụy Điển Carl Bildt viết cho tờ Washington Post (Mỹ) mô tả chính sách nhập cư của đất nước như là chuyện về sự thành công, không nêu cụ thể về những tội phạm dùng bạo lực. Sau những cuộc tấn công cơ quan của người Do Thái hồi tháng 12 năm 2017 - thậm chí sử dụng cả bom cháy tại Hội đường Do Thái giáo ở Goteborg - mà ông Carl Bildt vẫn tiếp tục tuyên bố rằng chủ nghĩa bài Do Thái không phải là vấn đề nghiêm trọng ở Thụy Điển.

Hiện trường vụ bắn chết một thiếu niên 15 tuổi ở Malmo.

"Lịch sử đã đặt ra rằng ở Thụy Điển những người theo Kito giáo bị coi là nguy cơ đe dọa, cần hạn chế và phòng ngừa họ" - ông Carl Bildt tuyên bố. Hình như ông không nghi ngờ rằng đang căn cứ vào những điều luật cũng áp dụng với người Do Thái, hôn nhân hỗn hợp bị coi là phi pháp, thái độ thù hằn bắt nguồn từ ý tưởng cho rằng người Do Thái thuộc chủng tộc thấp hèn. Ý định giảm thiểu ý nghĩa của việc bài người Do Thái hiện nay của ông Carl Bildt có luận chứng lịch sử không chính xác và khá lạ lùng, chứng tỏ giới tinh hoa Thụy Điển đang phản ứng nóng nảy đối với những tiêu cực của nước mình.

Đôi khi cũng cần đòi hỏi để cho người ngoài nhìn vào một cách sâu rộng hơn. Nhà báo Bojan Pancevski viết cho tờ Sunday Times (Anh) về chuyện nhập cư và tội phạm bạo lực đã dấy lên chuyện ầm ĩ ở Thụy Điển và được bình luận rộng rãi. Đấy được coi là nguyên nhân để hai Bộ Ngoại giao Anh và Canada, dựa vào những nhóm tội phạm và những vụ nổ ở Thụy Điển, lên tiếng khuyên du khách nước mình cẩn thận khi sang đấy du lịch.

"Họ viết như thể bạo lực đã vượt khỏi tầm kiểm soát ấy", - ông Stefan Sintéus, Cảnh sát trưởng thành phố Malmo nói. Hình như ông không thể nghĩ rằng những lời khuyên khi đi du lịch có thể phản ánh đúng điều đã xảy ra trên thực tế vì trước đó chỉ mấy ngày đã có vụ ném lựu đạn vào đồn cảnh sát Malmo, trong cùng một tháng với vụ nổ tiêu hủy một chiếc xe tải của cảnh sát.

Thầy HP Tran dạy tiếng Thụy Điển và những môn khoa học xã hội ở Goteborg. Làm thầy giáo ở một quận nhiều vấn đề như thế không như ở những trường nhà giàu. Phức tạp nhất là ở chỗ phần lớn học trò trường ông dạy có nguồn gốc nước ngoài.

"Học trò có nguồn gốc Thụy Điển đối với chúng tôi là cả một sự lạ, khi nhìn thấy tên họ Thụy Điển, chúng tôi thở phào nhẹ nhõm vì biết rằng đứa trẻ này chí ít ra cũng đã đến đây khá lâu, bố mẹ biết tiếng Thụy Điển và nó sẽ không gặp khó khăn gì về ngôn ngữ".

Một người đàn ông bán hàng kể cho Svenska Dagbladet  (Thụy Điển) mình đã quan sát các băng nhóm tội phạm trụ lại trong quận như thế nào: "Bởi chính sách phân chia chủng tộc nên bao giờ cũng thế. Trẻ học hết lớp mười nhưng bảng điểm kém, không được nhận bằng tốt nghiệp, tự đánh giá mình thấp và có thể gia đình không đầy đủ, thế là dễ rơi vào trạng thái cô đơn, dẫn tới việc gia nhập băng nhóm. Tôi từng trải qua điều đó, hãy tin tôi đi, nhưng tôi có thể khác đi vì có gia đình hậu thuẫn. Bây giờ đòi hỏi rất nhiều dự trữ để trợ giúp những người trẻ nào có thể mong muốn dứt hẳn với chuyện đó. Không thể nói rằng người Thụy Điển có văn hóa im lặng, dạng mafia Italy, nơi có những quy tắc nào đó buộc mọi người phải tuân theo. Đơn giản là chúng tôi lo sợ, không muốn rằng sau cuộc trò chuyện với cảnh sát thì con cháu chúng tôi lập tức bị đe dọa. Tôi biết có những người bị chúng cho 24 giờ đồng hồ để rời khỏi quận này".   

Một ví dụ nữa rất sáng rõ: "Những sự kiện về dân nhập cư, hội nhập xã hội và tội phạm ở Thụy Điển" trên website của chính phủ, như đã được công nhận, lại là nơi xé toang những huyền thoại về đất nước này. Giữa những "tuyên bố giả dối" của chính phủ, như đã kể, có xác nhận rằng "ở Thụy Điển đã xảy ra những cử chỉ khủng bố đầu tiên của tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo".

 Điều này thật đáng ngạc nhiên, bởi vì tên Rakhmat Akilov, lính thánh chiến người Uzbekistan thừa nhận mình có tội trong cái chết của năm người sau khi y lái xe tải chèn vào tháng 4 năm 2017 ở Stokholm. Từ trước khi tấn công, y đã thề trung thành với Nhà nước Hồi giáo. Hiện y đang thụ án 5 năm tù giam, nhưng khi ra tòa y vẫn kiêu hãnh nhắc đi nhắc lại rằng mình ủng hộ Nhà nước Hồi giáo và đó là lý do để giết chết những công dân người Thụy Điển. Y đồng thời cũng chứng tỏ là mình có liên hệ với những quân thánh chiến quốc tế.

Chính phủ Thụy Điển bác bỏ vụ tấn công của quân khủng bố ở nước mình trước hết là vì chẳng có một nhóm Hồi giáo nào chính thức đứng ra nhận trách nhiệm về vụ đó. Tính đến tầm quan trọng của cuộc đấu tranh chống tin giả trong thời nay, sự can thiệp của chính phủ Thụy Điển vào những sự kiện tương tự mới đặc biệt vô trách nhiệm làm sao.

"Văn hóa im lặng"

Ở Goteborg, vấn đề tội phạm có tổ chức ngày càng nóng bỏng, có những quận hầu như bị điều khiển hoàn toàn bởi các băng nhóm hình sự mà cảnh sát không hành động. Thành viên của những băng nhóm tội phạm hình sự tự tiện lập những trạm kiểm soát trên đường, những cuộc đọ súng, những cuộc hiệp thương giữa các bố già - đấy không phải là chuyện về mafia Italy, mà là hiện thực mới xảy ra ở Thụy Điển. 

Một vụ nổ ngày 17-1-2018 ngay cạnh đồn cảnh sát ở Malmo

Ông Dan Windt - Trưởng Ban tham mưu các chiến dịch đặc biệt của cảnh sát Gotebor - kể về việc ngăn đường, theo thông tin ông nhận được thì lập nên những trạm kiểm soát ấy là những người trẻ và thiếu niên có liên quan đến những băng nhóm tội phạm. "Chuyện xảy ra vào buổi tối ở Đông Bắc Goteborg. Chúng tôi cho rằng chúng lập vào ngày chủ nhật hay thứ hai, nhóm thanh thiếu niên tuổi từ 15 đến 20 chặn xe của những tài xế không quen biết ở ngã tư trong đêm tối, họ chiếu đèn pin vào trong để xem có những ai trên xe. Chúng tôi bắt giữ độ hai chục người từ một số băng nhóm tội phạm hình sự, nhưng sau đó thả họ ra. Bây giờ, các chuyên gia luật của cảnh sát đang xem xét để truy cứu trách nhiệm của họ. Có lẽ sẽ quy vào tội gây rối loạn trật tự công cộng và chỉ có thể phạt hành chính được thôi".

Phóng viên tờ Svenska Dagbladet đã đến quảng trường ở quận Hammarkullen, nơi bọn tội phạm thường chặn xe và tra hỏi tài xế. Một phụ nữ sở tại tuyên bố: "Tất cả mọi người đều muốn nói lên hiện trạng đó, nhưng có ai dám nói đâu".

Trong giờ ăn trưa, một đám người không đông chậm rãi đi qua quảng trường để đến hiệu làm đầu hoặc cửa hàng gần đó. Phần lớn người dân ở Hammarkullen đều chẳng muốn nói về những băng đảng và những trạm kiểm soát trên phố, ông Abdi Yusuf - lãnh đạo Hội Kiều dân Somalia tại Thụy Điển - cũng thế, bù lại, ông sẵn lòng chia sẻ ý tưởng của mình về những việc cần làm ở những quận như Angered ở Đông Bắc thành phố Goteborg: "Hội chúng tôi dự định ra một chương trình cho tất cả những người Somalia sinh sống ở đây. Nhiều người không có việc làm, nhiều người cần được trợ giúp, đặc biệt là bọn trẻ. Chúng tôi giúp họ làm bài tập ở nhà, giúp họ đấu tranh với bọn tuyển mộ người cho "Al-Shabaab" - nhóm nổi dậy Hồi giáo trong cuộc nội chiến Somali - và đấu tranh với ma túy. Chúng tôi hoàn toàn có thể làm được những việc đó, nhưng trụ sở của chúng tôi quá nhỏ, cả Hội có 345 con người mà căn phòng thì hoàn toàn bé nhỏ. Kêu mãi lên các nhà chức trách mà vẫn chẳng thay đổi được gì".  

Ông gọi việc các tổ chức tội phạm lập những trạm kiểm soát trên đường là "tai họa" và coi rằng cần phải bàn luận vấn đề này với những người dân địa phương, nhưng để họ nói ra thì thật là khó.

Ở Hammarkullen, phóng viên gặp người phụ nữ từng hơn 20 năm sinh sống tại đây nhưng không muốn nêu tên. Bà kể: "Ở đây có rất nhiều phần tử tội phạm hình sự mà cảnh sát chẳng làm được gì, họ không thèm để ý đến chúng, có bắt được rồi sau lại thả ra vì "không đủ chứng cứ", đại loại thế. Thực tế ở đây chúng thường xuyên hút xách và buôn bán ma túy. Tôi rất muốn chuyển sang quận khác, nhưng việc đó đâu có dễ gì".

 Người duy nhất từng sinh sống ở Hammarkullen đã 27 năm dám khai tên thật là Jerry Maack. Ông nói: "Tôi chỉ biết về các trạm kiểm soát chắn đường ấy qua báo chí -  họ chặn xe ô tô và đưa ra nhiều câu hỏi khác nhau. Nói chung đấy không phải là việc của họ, những việc như thế phải do cảnh sát làm chứ".

Thành viên các nhóm tội phạm đang lập những trạm kiểm soát trên đường, bắt cóc nhân viên nhà trường và có vẻ đang điều hành toàn khu vực Angered thuộc Goteborg. Nhiều người dân nơi đây đang đòi phải có những biện pháp nghiêm ngặt hơn, trừng phạt nghiêm khắc hơn đối với những vụ vi phạm pháp luật nho nhỏ… 

Đối với những gì xảy ra trong mấy tuần gần đây ở Goteborg, nhiều người đã hình dung rằng một quận của nó đã do bọn tội phạm hoàn toàn quản lý, chúng sống theo luật của riêng mình. Đấy là sự thất bại hoàn toàn đối với xã hội Thụy Điển và trước hết là đối với lực lượng cảnh sát.

Đồn cảnh sát đặt tại một trong những khu dân cư ở Angered và có lối đi chung với dịch vụ công cộng. Theo ý kiến Fredrik Lennartsson - Thủ trưởng cảnh sát khu Đông Bắc có Angered nằm trong đấy - đó là ẩn dụ rất tốt, cần thiết cho công việc với quận này - trong sự hợp tác chặt chẽ với tất cả những ai mà hoàn cảnh đụng chạm đến. Về trường học, các khu nhà ở và về công việc của cảnh sát, ông coi việc quận Gordsten (cũng thuộc Angered) trong năm vừa qua không còn ở diện những quận có vấn đề đã chứng minh rằng có thể thay đổi tình hình ở toàn khu vực. Nhưng ông Lennartsson coi mọi sự không đơn giản như thế.

"Không phải là chúng tôi bất lực và chẳng làm gì. Khi xuất hiện tình hình nóng bỏng, chúng tôi điều lực lượng đặc nhiệm theo dõi sự kiện trên toàn thành phố. Chúng tôi gây sức ép và cản trở bọn tội phạm. Nhưng những vấn đề đó đã tích tụ hàng năm nay, nên để bẻ gãy xu hướng, chúng tôi cần không ít thời gian".

Một tên mafia người Nigeria bị bắt tại Goteborg.

Người trẻ gặp khó

Thày giáo HP Tran thường đạp xe qua cầu Angered đến trường dạy học. Ông cũng vừa chạy bộ vừa nghe nhạc, nhưng sau những sự kiện mấy tuần gần đây cũng phải cẩn thận hơn: "Trước đây tôi không bao giờ sợ, nhưng bây giờ tôi chỉ thưởng thức âm nhạc bằng một tai nghe và phải thường xuyên nhìn ngó xung quanh". Phản xạ như thế ở ông trước hết là do vụ bắt cóc nhân viên của một nhà trường đã làm việc sáu năm ở Angered và coi trường học là chỗ hoàn toàn không nguy hiểm. Ông kể cho phóng viên Dagens Nyheter (Thụy Điển) về sự bất lực thường cảm thấy khi hàng ngày trông thấy những người trẻ ở những đoạn đường cong.

"Chúng tôi, những nhà giáo như một loại radar tập thể, có thể nhận biết những học trò như thế từ trước và cố gắng ngăn chặn quá trình ấy, nhưng thấy quá sức để làm việc đó. Trong ngôi trường tôi dạy, mùa thu năm ngoái có 54 người lớn làm việc, bây giờ chỉ còn 36. Trong điều kiện như thế chúng tôi lấy đâu ra thời gian cho việc phòng ngừa".

Ra trường thành công thường được gọi là yếu tố chủ chốt không để người trẻ rơi vào môi trường hình sự, vì ở vùng ngoại vi thành phố giáo viên vẫn luôn luôn mang gánh nặng đó trên vai mình. "Tất cả trẻ em và người trẻ đều đứng trước sự chọn lựa. Có thể đi học đúng giờ, làm bài tập ở nhà, nỗ lực học gạo, đấy là con đường phức tạp. Nhưng anh bỗng nghe thấy, ví dụ, về một thanh niên nào đó có xe hơi và đầy tiền, điều đó có thể rất hấp dẫn, đặc biệt là khi anh học hành vất vả. Thế là… phủi tay. Khi chúng ta hà tiện một cách ngu ngốc, tiếc tiền cho việc học, chúng ta sẽ nhận món cổ tức béo bở ở dạng những thiếu niên độc ác đốt cháy ô tô và tội phạm có tổ chức".

Ông HP Tran coi sứ mệnh của mình là làm cho con đường nhọc nhằn trở nên hấp dẫn hơn. 

Cô Anisa Sameer, thời mới lớn hay chơi ở các sàn nhảy miễn phí trong trung tâm văn hóa địa phương, giờ phải đóng phí 1-2 nghìn trong nửa năm, nhưng cô đã không chọn con đường tội phạm hình sự, mà làm công tác dịch vụ xã hội trong quận và rất phản ứng khi nhiều tốp thanh niên lập trạm ngang đường.

Cô nói: "Trẻ con lại khác. Êhi trong quận có chuyện gì xảy ra, người lớn chúng ta thường bảo "Thôi, về nhà đi!". Nhưng trẻ con thì lại nghĩ: "Thử đến đó xem có chuyện gì". Chúng ta phải biết sử dụng thói tò mò đó và hướng nó theo dòng khác. Trường học là rất quan trọng, nhưng không phải tất cả đều có khả năng lĩnh hội kiến thức. Điều quan trọng nhất là sau khi buổi học kết thúc, sao cho trong quận có nhiều hơn những trung tâm giải trí và biện pháp cho tuổi trẻ".

Trở lại đồn cảnh sát, nơi trên tường treo sơ đồ ký hiệu cảnh sát cần hiệp đồng với khu tự quản và các cư dân. Tất cả là khá khô khan và buồn tẻ, nhưng ông đồn trưởng Lennartssonà cho biết đó là con đường duy nhất dẫn đến sự tiến bộ. Đại khái phương pháp dẫn đến việc dần dần trả lại sự kiểm soát cho các khu phố và khôi phục lòng tin của người dân. Cảnh sát cần phải hiện diện, ngoài ra cần có hình phạt đích đáng cho những tội phạm rõ ràng như công khai buôn bán ma túy, tấn công bằng bạo lực và phá hoại tài sản… Ông Fredrik Lennartsson nói: cảnh sát đã mất vài năm không đến những chỗ xung đột, nhưng, để thay đổi tình hình có lẽ cũng phải 10-15  năm nữa.

Đăng Bẩy (tổng hợp từ inosmi.ru)
.
.
.