Thụy sĩ: Ngăn chặn vấn nạn trốn thuế

Thứ Bảy, 09/01/2016, 12:00
Là một trong những trung tâm tài sản nước ngoài lớn nhất thế giới với khoảng 2.200 tỉ USD được gửi tại đây, nên việc Thụy Sĩ ký thỏa thuận với Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) về việc trao đổi dữ liệu ngân hàng với 60 quốc gia nhằm chống rửa tiền và trốn thuế, đã được dư luận và giới chuyên môn đặc biệt quan tâm.

 Thụy Sĩ cũng đạt thỏa thuận về thu thuế song phương với Anh và Áo. Và động thái này sẽ chấm dứt tình trạng bảo mật, phải công khai thông tin giao dịch tài chính của khách hàng nước ngoài tại những ngân hàng lớn ở Thụy Sĩ. Đại diện thường trực của Thụy Sĩ tại OECD, ông Stefan Fluckiger coi việc ký thỏa thuận này nhằm khẳng định cam kết của Thụy Sĩ trong cuộc chiến chống gian lận thuế trên thế giới.

Với thỏa thuận vừa ký, Thụy Sĩ có thể yêu cầu các ngân hàng tư nhân lớn như UBS AG, Julius Baer và Credit Suisse Group AG phải cung cấp thông tin về khách hàng của mình cho các cơ quan thuế cả ở địa phương và quốc tế. Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội các ngân hàng Thụy Sĩ Patrick Odier lại coi việc phải cung cấp thông tin theo yêu cầu là không phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.

Mỹ là một trong những quốc gia phản đối "luật im lặng" của Thụy Sĩ thực sự vui mừng trước động thái này bởi UBS, ngân hàng lớn nhất nước này vừa thừa nhận giúp 52.000 người Mỹ trốn thuế năm 2009. Tiếp đó là Wegelin & Co. cũng thừa nhận đã giúp khách hàng giấu khoảng 1,2 tỉ USD nguồn thu từ Mỹ.

Hộp tiền gửi an toàn tại một ngân hàng Thụy Sĩ.

Sở Thuế vụ Mỹ (IRS) và Chính phủ nước này sẽ điều tra 10 ngân hàng Thụy Sĩ nhằm lôi ra ánh sáng những người trốn thuế. Giới truyền thông cho biết, Bộ Tư pháp Mỹ đang xem xét để giải quyết đề xuất của ngân hàng tư nhân Julius Baer (Thụy Sĩ) muốn được nộp phạt để tránh bị truy tố tại Washington bởi đã giúp khách hàng Mỹ gian lận thuế. Ngân hàng Julius Baer muốn nộp 547 triệu USD (tăng 197 triệu USD từ con số ban đầu 350 triệu USD) để giải quyết vụ này.

Julius Baer muốn kết thúc vụ này trong quý I-2016. Nhưng theo Đại sứ Mỹ tại Thụy Sĩ Suzan LeVine, Julius Baer đã bị điều tra chính thức và việc này có thể kéo dài nên chưa chắc được giải quyết trong quý I-2016. Trước đó, Finter Bank Zurich AG cũng chấp thuận nộp phạt 5,4 triệu USD và là ngân hàng tư nhân thứ ba của Thụy Sĩ muốn dàn xếp theo kiểu này trong năm 2015.

Theo ông Jacques de Watteville, quan chức cấp cao chuyên trách về các vấn đề tài chính quốc tế của Thụy Sĩ cho biết, Bộ Tư pháp Mỹ đã giải quyết một số vụ và sẽ có thêm nhiều vụ liên quan được xử lý trong tương lai tới. Ông Jacques de Watteville thông báo, Thụy Sĩ ủng hộ phương thức giải quyết của giới chức Mỹ. 3 năm trước (2013), Washington từng thông qua chương trình đặc biệt về giải quyết trách nhiệm hình sự tại Mỹ đối với các ngân hàng ở Thụy Sĩ được coi là vi phạm những quy định về thuế ở nước này.

Ngân hàng tư nhân Julius Baer của Thụy Sĩ.

Theo đó, các ngân hàng ở Thụy Sĩ bị tình nghi có khách hàng trốn đóng thuế tại Mỹ phải tự giác nộp phạt cho chính quyền Mỹ, nếu không sẽ bị điều tra và phải chịu mức phạt lớn hơn nhiều nếu bị phát hiện có vi phạm. Và tính đến nay một số ngân hàng lớn hoạt động tại Thụy Sĩ như BNP Paribas Suisse, KBL, Bank CIC, Standard Chartered Bank và Deutsche Bank... đã chấp nhận nộp phạt để tránh bị truy tố về tội tiếp tay cho công dân Mỹ trốn thuế.

Theo giới truyền thông, Liên minh châu Âu (EU) và Thụy Sĩ cũng ký thỏa ước nhằm chấm dứt tình trạng bí mật ngân hàng đối với cư dân EU và ngăn chặn việc che giấu những nguồn thu nhập không minh bạch tại các ngân hàng ở nước này. Bởi nạn trốn thuế đang gây thiệt hại cho mỗi quốc gia châu Âu hàng tỷ USD mỗi năm.

Ủy viên châu Âu phụ trách các vấn đề thuế Pierre Moscovici và Jacques de Watteville, quan chức phụ trách các vấn đề về tài chính quốc tế của Thụy Sĩ cùng Bộ trưởng Tài chính Latvia Janis Reirs, nước đang giữ chức Chủ tịch EU, đã ký thỏa ước kể trên, và dự kiến sẽ có hiệu lực từ năm 2018. Theo đó, EU và Thụy Sĩ sẽ trao đổi thông tin về tài khoản ngân hàng bao gồm tên chủ tài khoản, địa chỉ, mã số thuế, số căn cước, ngày tháng năm sinh và số dư trong tài khoản.

Theo giới truyền thông, 358/500 công ty có doanh thu lớn nhất nước Mỹ đã vận hành chi nhánh tại các "thiên đường thuế" vào cuối năm 2014. Theo thống kê, 500 công ty lớn của Mỹ kiểm soát hơn 2.100 tỉ USD lợi nhuận tích lũy qua nhiều năm ở nước ngoài để trốn thuế.

Dư luận cũng khá ngạc nhiên và bất bình sau khi biết 5 trong số các ngân hàng đầu tư lớn nhất thế giới là JP Morgan, Bank of America Merrill Lynch, Morgan Stanley (Mỹ), Deutsche Bank AG (Đức) và Nomura Holding (Nhật Bản) đều không đóng thuế ở Anh trong năm 2014, mặc dù kiếm được hàng tỉ USD lợi nhuận.

Trọng Hậu
.
.
.