Tiền và máu

Thứ Sáu, 16/12/2016, 14:35
Chiến tranh là thứ kinh khủng nhất của loài người, nó mang lại đau thương, chết chóc và làm tiêu tốn lượng lớn tài lực của các nước tham chiến. Tuy nhiên, vẫn có những kẻ hưởng lợi từ chiến tranh và thường tìm mọi cách để chiến tranh xảy ra.


Trong cuốn “War is a Racket” xuất bản năm 1935, tác giả Smedley Butler (một cựu thủy quân lục chiến Hoa Kỳ) viết: “Chiến tranh là một thủ đoạn kiếm tiền. Nó luôn luôn như vậy. Đó có lẽ là cách kiếm tiền lâu đời nhất, dễ dàng nhất, nhưng chắc chắn là cách xấu xa nhất vì đã mang lại đô la bằng cách lấy đi những mạng sống”.

Giàu to nhờ thế chiến

Theo Smedley, Thế chiến thứ nhất đã tiêu tốn của người Mỹ 50 tỷ USD (tương đương 869,53 tỷ USD hiện nay), tức mọi người dân Mỹ từ trẻ em cho đến người già phải gánh thêm 400USD nợ.

Nhưng nó mang lại siêu lợi nhuận cho những kẻ hưởng lợi. “Lợi nhuận bình thường của một doanh nghiệp tại Hoa Kỳ là 6, 8, 10 và đôi khi 12%. Tuy nhiên, lợi nhuận trong thời chiến lại lên đến 20, 60, 100, 300 và thậm chí 1.800%, giới hạn là bầu trời!” - Smedley viết.

Ông dẫn chứng Hãng Du Pont, hãng này đã đứng trước Quốc hội khoe khoang rằng nhờ thuốc súng của họ mà Hoa Kỳ đã chiến thắng, họ đã cứu nền dân chủ của thế giới. Doanh thu bình quân của hãng này trong thời gian từ 1910-1914 (trước Thế chiến) là 6 triệu USD/năm, nhưng trong giai đoạn 1914-1918 (khi chiến tranh diễn ra), lợi nhuận hàng năm của Du Pont là 58 triệu USD, gần gấp 10 lần so với thời bình!

Hay trường hợp của Bethlehem Steel, một công ty thép thuộc loại nhỏ đã chuyển từ việc làm đường sắt và cầu sang sản xuất vật liệu chiến tranh. Trong giai đoạn 1910-1914, doanh thu bình quân của công ty là 6 triệu USD. Nhưng vào thời chiến (1914-1918), con số này tăng vọt lên 49 triệu USD/năm.

Hay trường hợp của Công ty da Central Leather Company. Lợi nhuận của công ty này trong 3 năm trước chiến tranh là 3,5 triệu USD, tương đương 1,16 triệu USD/năm. Vào năm 1916, họ đạt lợi nhuận 15 triệu USD, tăng 1.100%. Lợi nhuận bình quân 3 năm trước chiến tranh của Công ty hóa chất General Chemical Company là hơn 800.000USD/năm. Khi chiến tranh diễn ra, họ đạt lợi nhuận 12 triệu USD/năm, tăng tới 1.400%.

International Nickel Company còn có mức lợi nhuận siêu hơn. 3 năm trước chiến tranh, công ty đạt lợi nhuận 4 triệu USD/năm, nhưng đạt tới 73 triệu USD/năm trong những năm chiến tranh, tương đương mức tăng 1.700%!

Tài liệu của số 259 của Thượng viện có nói về  lợi nhuận của 122 công ty đóng gói thịt, 153 nhà sản xuất bông, 299 nhà sản xuất hàng may mặc, 49 nhà máy thép và 340 nhà sản xuất than trong chiến tranh. Theo đó, lợi nhuận của các công ty than trong thời chiến tăng từ 100-7.856%, các nhà đóng gói thịt tăng từ 200-300%.

Đến chiến tranh chống khủng bố

Cuộc chiến ở Iraq do Hoa Kỳ phát động từ năm 2003 đã mang lại chết chóc cho gần 60.000 người đồng thời biến Iraq thực sự trở thành một địa ngục trần gian do các hoạt động khủng bố liên tục xảy ra. Tuy nhiên, cuộc chiến đã mang lại hàng tỷ USD hợp đồng cho các công ty phương Tây.

Trong chiến tranh Iraq, kẻ hưởng lợi lớn nhất là Halliburton. Theo trang MSN Money, chi nhánh KBR, Inc. của Halliburton thu về 17,2 tỷ USD hợp đồng liên quan đến chiến tranh Iraq từ 2003-2006. DynCorp của quỹ Veritas Capital Fund là kẻ hưởng lợi thứ hai, với mức lợi 1,44 tỷ USD.

Báo cáo năm 2011 của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) cho biết, 100 nhà thầu quân sự lớn nhất đã bán được 410 tỷ USD vũ khí và thiết bị, dịch vụ quốc phòng. Trong đó, 10 công ty đứng đầu bán được hơn 208 tỷ USD. SIPRI cho biết trong giai đoạn từ 2002-2011, doanh số quốc phòng của top 100 công ty tăng tới 51%.

Dựa trên báo cáo của SIPRI, tờ 24/7 Wall St. đã thống kê những nhà thầu quân sự gặt hái được nhiều lợi ích nhất từ các cuộc chiến chống khủng bố của Hoa Kỳ trong vòng một thập niên. Đứng đầu danh sách này là Hãng Lockheed Martin (LMT), chuyên sản xuất máy bay, thiết bị điện tử, tên lửa, các thiết bị không gian.

Tổng doanh số của hãng này năm 2011 là 46,5 tỷ USD, nhưng doanh số từ quốc phòng chiếm tới 36,3 tỷ USD, tức chiếm 78%. Điều này lý giải vì sao Lockheed Martin đứng đầu danh sách các công ty chi nhiều nhất cho công tác vận động chính sách (lobby) năm 2011 ở Hoa Kỳ, với 15 triệu USD, tăng 19% so với năm 2010. Doanh số quốc phòng của công ty này năm 2010 là 35,7 tỷ USD.

Xếp thứ hai chính là đại gia sản xuất máy bay Boeing, với doanh số quốc phòng đạt 31,8 tỷ USD năm 2011. Công ty trụ sở tại Chicago sản xuất nhiều loại vũ khí, bao gồm các hệ thống tên lửa chiến lược, hệ thống quang - điện tử - laser và hệ thống định vị toàn cầu. Nhưng doanh số quốc phòng của công ty chỉ chiếm 46% tổng doanh số năm 2011.

Xếp vị trí thứ ba là BAE Systems, công ty quốc phòng ở Anh. Đây là công ty ngoài Hoa Kỳ hưởng lợi lớn nhất từ cuộc chiến chống khủng bố do Washington phát động. Quốc phòng chiếm 95% doanh số của công ty năm 2011, với 29,2 tỷ USD. Các sản phẩm bao gồm BAE hệ thống phòng vệ ROD L Bar (lá chắn xe quân sự) và Hawk Advanced Jet Trainer dùng đào tạo phi công quân sự. Các nhà thầu còn lại trong top 5 là: General Dynamics (GD), doanh số quốc phòng 23,8 tỷ USD; và Raytheon (RTN), 22,5 tỷ USD.

Thượng đỉnh lobby

Tại hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra vào tháng 9-2014, các nhà sản xuất vũ khí đã đổ hàng trăm ngàn bảng để vận động (lobby) các nhà lãnh đạo thế giới đưa ra những quyết sách có lợi cho họ, tức tăng cường chiến tranh. Đây chỉ là điển hình của một câu chuyện phổ biến.

Theo báo cáo của tổ chức Reprieve, các tập đoàn vũ khí như: General Dynamics, Lockheed Martin, BAE Systems và Raytheon đã chi tới 300.000 bảng (tương đương 10,17 tỷ đồng) để vận động các lãnh đạo NATO.

Một trong những lãnh đạo được o bế nhiều nhất trong cuộc họp NATO lúc đó hiển nhiên là nguyên thủ nước chủ nhà, Thủ tướng Anh David Cameron, người đã dùng hội nghị để công bố việc London sẽ chi 5,7 tỷ USD cho các phương tiện quân sự. Trong cuộc họp với Quốc hội, Thủ tướng Cameron cho biết Hội nghị thượng đỉnh NATO “đã chứng minh tổ chức này cũng quan trọng đối với an ninh trong tương lai của nước Anh như đã chứng minh trong quá khứ”.

Các nước NATO hiện chiếm tới 70% chi tiêu quân sự toàn cầu. Dù vậy, tại cuộc họp thượng đỉnh ông Cameron vẫn kêu gọi các thành viên gia tăng ngân sách chiến tranh. Ông nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các thương hiệu vũ khí như BAE Systems, Raytheon và Lockheed Martin.

BAE thường xuyên để ra ít nhất 50% chi phí nghiên cứu và phát triển của hãng để đóng góp cho ngân sách mua sắm tại Bộ Quốc phòng Anh (MoD), nhờ đó có được một số hợp đồng dài hạn với MoD, đảm bảo thu nhập tối thiểu 230 triệu bảng (375 triệu USD) mỗi năm cho tập đoàn đến năm 2025.

BAE đã có nhiều hoạt động lấy lòng chính phủ, chẳng hạn từng chi 300 triệu bảng (489 triệu USD) để hỗ trợ xây dựng một cơ sở mới; và thậm chí đã tổ chức một chuyến thăm Ả Rập Saudi cho Thái tử Charles để hoàn tất một thỏa thuận vũ khí thay mặt của hãng.

“Khách hàng” chính của Lockheed Martin lại là Chính phủ Hoa Kỳ. Không có sản phẩm nào của họ được bán cho quảng đại quần chùng. Họ có một “đội quân” lobby có mối quan hệ chặt chẽ với các nghị sĩ quốc hội. Nhờ vậy, họ đã khiến Đồi Capitol đòi hỏi quân đội phải mua loại máy bay chiến đấu F-22 Raptor của hãng này, cho dù Lầu Năm Góc không muốn.

Gaza là bãi thử

Cho đến nay, có lẽ nhiều người vẫn thắc mắc vì sao Israel có thể tự tung tự tác ở Trung Đông nói chung và Dải Gaza nói riêng như vậy. Chẳng hạn, trong cuộc chiến ở Gaza gần đây, nhà nước Xi-on đã phá hủy hơn 10.000 ngôi nhà, làm hư hại 30.000 căn và giết chết ít nhất 1.300 thường dân, thả bom 6 trường học được Liên Hiệp quốc (LHQ) làm nơi trú ẩn cho dân thường, giết chết ít nhất 47 người tỵ nạn và làm bị thương hơn 340 người.

Cho đến nay, tổng số thường dân bị Nhà nước Do Thái giết chết đã lên trên 2.100 người, theo LHQ, trong đó có hơn 75% là phụ nữ và trẻ em. Đó rõ ràng là những tội ác chiến tranh, nhưng tại sao Hoa Kỳ - nước tự cho mình vai trò bảo vệ hòa bình và công lý trên thế giới - lại không hề nói đến chuyện cấm vận hay bất kỳ hình thức trừng phạt nào đối với Israel, trong khi tỏ ra rất mạnh tay với Nga trong xung đột ở Ukraine? Câu trả lời là do tác động của hoạt động lobby.

Các tổ chức lobby của người Do Thái có ảnh hưởng cực lớn tại Hoa Kỳ, và khiến mọi quyết sách bất lợi cho Israel đều không được Quốc hội Hoa Kỳ thông qua. American Israel Public Affairs Committee (AIPAC) là một trong số các tổ chức lobby quyền lực nhất của người Do Thái trên đất Mỹ.

Steven Rosen, một cựu điều hành của AIPAC, thường khoe khoang rằng có thể rút khăn tay trong túi báo của bất kỳ nghị sĩ nào và xin chữ ký ủng hộ cho các vấn đề. AIPAC có hơn 100.000 thành viên và mạng lưới 17 văn phòng trải khắp nơi. Tất cả nghị sĩ quốc hội Hoa Kỳ đều cảm nhận được sức mạnh của tổ chức này. Chẳng hạn vào năm 2011, khi Palestine tuyên bố muốn LHQ công nhận là một nhà nước, AIPAC đã nhanh chóng lôi kéo được 446 thành viên quốc hội phản đối điều đó.

Một trong những công ty hưởng lợi nhất từ các cuộc chiến tranh của Israel là Elbit Systems, nhà sản xuất vũ khí hàng đầu của Israel. Nhiều vũ khí của hãng này đang được quân đội Israel sử dụng trong cuộc chiến ở Dải Gaza hiện nay.

Tờ Bussinessweek cho biết kể từ khi cuộc chiến ở Gaza bùng lên đến nay, cổ phiếu của Elbit ở Hoa Kỳ đã tăng 6,1%, giúp công ty sắp chạm mức thị giá cao nhất mọi thời đại từng lập năm 2010. Cuộc chiến đã giúp tăng doanh số của Elbit và cũng giúp ngành quân sự của Israel thăng hoa. Jane, nhà xuất bản chuyên về thương mại quân sự có trụ sở ở Anh, xếp Israel vào nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ sáu trên thế giới vào năm 2012, với kim ngạch 2,4 tỷ USD.

Tuy nhiên, nếu tính theo bình quân đầu người, kim ngạch xuất khẩu vũ khí ở Israel là cao nhất, với 300USD/người. Con số này cao hơn nhiều so với Hoa Kỳ, nước xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới. Dữ liệu của Viện Nghiên cứu hòa bình Stockholm (SIPRI) cho biết, xuất khẩu vũ khí của Israel tăng hơn gấp đôi trong thời gian từ 2001-2012.

Nhưng khách hàng lớn nhất của các công ty quốc phòng Israel hiển nhiên là quân đội Israel. Gil Wainman, Giám đốc tiếp thị của Israel Weapon Industries, cho biết khi một vũ khí mới được phát triển, nó sẽ được giao cho quân đội Israel dùng thử ngay khi thử nghiệm nội bộ xong. Sau đó, dựa trên đánh giá và khuyến nghị từ quân đội Israel, nó sẽ được cải tiến để hoàn thiện. Dĩ nhiên, Gaza chính là bãi thử nghiệm chính cho ngành công nghiệp quốc phòng của Israel.

Vĩnh Cẩm
.
.
.