Tiết lộ hồ sơ về số phận binh lính Mỹ trở thành vật thí nghiệm ở Nhật Bản

Thứ Hai, 28/09/2015, 15:05
Một khoảng thời gian sau khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai (viết tắt Thế chiến II), Toshio Tono không thể chịu đựng được khi thuộc sự kiểm soát của các bác sĩ. Mỗi khi nghĩ đến cảnh mặc chiếc áo khoác trắng, ông lại co rúm người vì sợ hãi. Là lớp người trẻ với niềm đam mê về sản phụ khoa, chiếc áo khoác trắng là một sự ác cảm mà có thể nhanh chóng làm kết thúc giấc mơ của ông về sự nghiệp y học.

Song có những lý do mạnh mẽ ẩn đằng sau sự ám ảnh của Toshio Tono. Năm 1945, khi Toshio đang là sinh viên năm nhất tại trường y thuộc Đại học Hoàng gia Kyushu (hay Đại học Kyushu, đảo Kyushu, thành phố Fukuoka, miền Nam Nhật Bản), chàng sinh viên trẻ đã trở thành một nhân chứng không mong muốn đối với các hành vi tàn bạo. 

Những hành vi này - là những thí nghiệm y khoa khủng khiếp được triển khai trên các tù binh chiến tranh Mỹ đang còn sống - mà nhiều thập kỷ sau đó vẫn tiếp tục tạo nên nỗi khiếp sợ và sự hoài nghi trong nước Nhật và quốc tế.

Máy bay B-29: Kẻ thù của người Nhật  

Khi Nhật Bản đánh dấu lễ kỷ niệm 70 năm ngày bị đánh bại trong chiến tranh, rất nhiều lời hoài nghi đã trỗi dậy và về phần mình, ông Shinzo Abe, Thủ tướng bảo thủ, đã công khai xin lỗi về những hành vi tàn bạo dưới thời chiến của Nhật Bản. 

Giữa rất nhiều lời chỉ trích bao gồm cả Mỹ, dưới triều đại Abe, Nhật Bản đang nỗ lực xóa bỏ sự thái quá tồi tệ về những hành vi bạo lực trong quá khứ, mà ông Toshio Tono tin rằng "công việc cuối cùng" của mình là hé lộ ánh sáng về một trong những chương đen tối nhất trong lịch sử hiện đại của đất nước mình. 

Đầu tháng 5 năm 1945 tức chỉ vài tuần sau khi bắt đầu cuộc nghiên cứu của mình (Toshio Tono), một chiếc oanh tạc cơ tầm xa US B-29 đã bị rơi ở miền Bắc đảo Kyushu sau khi nó bị một chiếc máy bay chiến đấu của Nhật Bản đâm trúng. Chiếc US B-29 đó là một phần của Tổ hợp Oanh tạc cơ số 29, Phi đội oanh tạc cơ số 6, đang trên đường quay trở lại căn cứ ở Guam sau khi hoàn thành sứ mạng ném bom phá hủy một sân bay Nhật Bản.

Bác sĩ Toshio Tono, nhân chứng sống.

Một trong số 12 thành viên phi hành đoàn đã bị thiệt mạng khi dây dù của viên phi công bị cứa đứt bởi một chiếc máy bay Nhật Bản khác. Lúc hạ cánh, một phi công khác đã nổ súng giết hại một số dân làng đồng thời chĩa súng vào mình tự sát. Dân làng (Nhật Bản) hết sức tức giận vì sự tàn phá của những chiếc B-29 - chúng thường xuyên đảo lượn bên trên bầu trời các thành thị Nhật Bản - báo cáo cho rằng có 2 thành viên phi công Mỹ khác đã bị giết khi máy bay rơi xuống đất. 

Ngày nay ở tuổi 89 và đang là giám đốc một bệnh viện ở Fukuoka, ông Toshio Tono đã thừa nhận với hãng tin Guardian (Anh) trong một cuộc phỏng vấn gần đây: "Vào những ngày đó, những phi công lái máy bay B-29 đa phần đều bị ghét cay ghét đắng". 

Viên phi công B-29 còn lại bị cảnh sát bắt và bị quản thúc nghiêm ngặt trong một thành phố lân cận của Fukuoka. Viên chỉ huy của Phi đội oanh tạc cơ tên là Marvin Watkins đã được chuyển tới Tokyo để thẩm vấn. Ở đó, Watkins đã phải cắn răng chịu đựng các hành vi đánh đập nhục hình từ những thẩm vấn viên, và đây được cho là lý do khiến Watkins phát bệnh và qua đời tại quê nhà ở Virginia (Mỹ) vào cuối thập niên 1980.

Những thí nghiệm rùng rợn

Các tù binh Mỹ khác tin rằng chí ít họ sẽ được phía đối phương chữa trị các chấn thương của mình. Nhưng 3 tuần tiếp sau đó, họ trở thành đối tượng của một thí nghiệm về bệnh lý học tại một trường y - các thủ tục mà chỉ mỗi ông Toshio Tono là nhân chứng duy nhất còn sống sót. 

Ông Tono rùng mình kể lại: "Một ngày nọ, có hai tù binh Mỹ bị bịt mắt và được chở trên xe tải đến trường y, rồi họ được chuyển đến phòng thí nghiệm bệnh lý học. Có 2 người lính Nhật đứng gác ngoài phòng thí nghiệm. Tôi không rõ có bất kỳ sự khó chịu nào xảy ra với 2 tù binh Mỹ không, nhưng tôi không nghĩ là có sự khủng khiếp bên trong đó". 

Bên trong phòng thí nghiệm, các bác sĩ Đại học Kyushu - họ bị thúc ép bởi các quan chức quân sự địa phương - đã bắt đầu loạt thí nghiệm đầu tiên và không ai trong số 8 tù binh Mỹ sống sót. Theo một lời khai mà sau này đã chống lại các bác sĩ và sĩ quan quân đội Nhật tại Tòa án tội phạm chiến tranh quân Đồng Minh (AWCT), họ đã tiêm cho các tù binh một liều gây mê bằng nước biển nhằm tìm hiểu xem nó sẽ hoạt động ra sao dưới hình dạng của một chất thay thế cho dung dịch muối vô trùng.

Một viên phi công Mỹ khác bị loại bỏ nội tạng, trong khi người kia bị loại bỏ phổi nhằm đánh giá những ảnh hưởng của phẫu thuật trên hệ hô hấp. Trong một thí nghiệm khác, các bác sĩ đã khoan vào sọ của một tù binh sống nhằm tìm hiểu xem liệu căn bệnh động kinh có thể được chữa lành bằng cách tách bỏ một phần não không. AWCT cũng lắng nghe những lời tuyên bố từ phía giới luật sư Mỹ rằng quả thận của một trong các nạn nhân đã bị tách ra, nấu chín và cho các sĩ quan Nhật ăn, mặc dù tội ăn thịt người sau đó đã bị bỏ lửng vì thiếu bằng chứng xác đáng. 

Các phi công trên chiếc máy bay B-29 bị bắt và là đối tượng cho các thí nghiệm giải phẫu sinh thể sống.

Là một sinh viên y khoa non kinh nghiệm, công việc của Toshio Tono là rửa sạch máu từ sàn phòng mổ và chuẩn bị các liều tiêm nước biển. Ông Tono kể lại: "Những thí nghiệm này hoàn toàn không có giá trị gì. Chúng chỉ đơn giản là cách tra tấn giết người mà ở đây là cánh tù binh. Khi đó, tôi rất hoảng loạn, nhưng không dám hé răng nói với bất kỳ bác sĩ nào. Chúng tôi liên tục được nhắc nhở về những nỗi thống khổ mà máy bay Mỹ tàn phá ở Nhật Bản. Nhưng nhìn lại, điều khủng khiếp nhất chính là những sự việc đang xảy ra tại đây".

Các nhân viên y tế đã bảo quản tử thi của các tù binh chiến tranh (POW) bằng dung dịch Formaldehyde và chúng sẽ được các sinh viên y khoa sử dụng trong tương lai, nhưng vào lúc kết thúc Thế chiến II, những cái xác này đã được đem đi hỏa táng khi các bác sĩ cố gắng che đậy bằng chứng về tội ác của họ. Sau này khi được chính quyền Mỹ thẩm vấn, các bác sĩ Nhật đó tuyên bố rằng những phi công Mỹ đã được chuyển tới các trại tù ở Hiroshima và họ đã chết trong vụ nổ bom nguyên tử tại thành phố này vào ngày 6 tháng 8 năm 1945. 

Vào buổi trưa của ngày 15 tháng 8 năm 1945, chỉ vài giờ sau khi Nhật Hoàng tuyên bố Nhật Bản đầu hàng, hàng tá các POW Mỹ (bị quản thúc trong các trại tù ở Fukuoka) đã bị mang tới một địa điểm hành quyết ở sườn núi và họ bị chặt đầu. 

Thật ra những thí nghiệm rùng rợn tại Đại học Kyushu không phải là không có tiền lệ. Trong thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng Trung Hoa, các thành viên của Đơn vị 731 (quân đội Hoàng gia Nhật) đã tiến hành thí nghiệm trên hàng ngàn POW Trung-Nga và kể cả thường dân như là một phần trong chương trình vũ khí sinh hóa (sinh học, hóa học) của Nhật Bản.

Chỉ có tù binh là uổng mạng

Trong số 30 bác sĩ Đại học Kyushu và nhân viên quân sự tham dự phiên tòa xét xử vào năm 1948, 23 người đã bị kết án về giải phẫu sinh thể và "nhầm lẫn" về loại bỏ các bộ phận cơ thể người. 5 người bị tuyên án tử hình và 4 người khác bị phạt án chung thân. Nhưng không ai bị trừng phạt. Họ được hưởng lợi từ tiến trình công lý lề mề khi mà chính quyền Mỹ vào thời kỳ chiếm đóng Nhật Bản đã cố gắng để đối phó với số lượng lớn các lãnh đạo quân sự và thường dân có mắc mứu liên đới với tội ác chiến tranh. Một trong số những bác sĩ cao cấp nhất, Fukujiro Ishiyama, đã tự sát trước khi phiên tòa AWCT diễn ra. 

Vào đầu thập niên 1950, bán đảo Triều Tiên đang chìm trong cuộc nội chiến đẫm máu, trong khi đó Nhật Bản chính thức được thừa nhận là một đồng minh của Mỹ dựa theo các điều khoản về Hiệp ước hòa bình San Francisco. Với tình trạng ổn định chính trị của Nhật Bản được xem như là chiếc chìa khóa ngăn ngừa sự lây lan của chủ nghĩa cộng sản trong khu vực, Tổng thống Mỹ-Harry S. Truman đã ra lệnh ban bố sự tự do cho các tội phạm chiến tranh đang bị giam giữ bao gồm cả những người đang chờ ngày ra pháp trường. 

Vào cuối năm 1958, tất cả tội phạm chiến tranh người Nhật đã được phóng thích và bắt đầu khẳng định lại danh tính của họ, một số người trở thành các chính trị gia tên tuổi đặt dưới hiến pháp Mỹ của Hoa Kỳ. Ông Toshio Tono nhìn nhận: "Con đường mà người Nhật đi qua trong chiến tranh, là một sự bất kháng cự từ mệnh lệnh của quân đội. Bác sĩ Fukujiro Ishiyama và những bác sĩ khác bị ghép tội ác chiến tranh, nhưng trong một lẽ khác thì họ cũng lại là nạn nhân của chiến tranh. Có thời gian tôi ghét những người này. Tôi không thể ngủ ngon mà không có thuốc an thần". 

Sau Thế chiến II, ông Tono đã giành nhiều năm thẩm tra các tài liệu và tái kiểm tra các địa điểm có liên quan trong một nỗ lực nhằm thiết lập lại chuyện gì đã xảy ra. Bỏ ngoài tai những lời khẩn cầu cấp thiết của cấp trên rằng không nên tiết lộ sự thật về cách điều trị cho POW, ông Tono đã tiết lộ sạch trong cuốn sách Disgrace (Nỗi ô nhục), đó là một công trình nghiên cứu tỉ mỉ về các tội phạm chiến tranh.

Cũng giống như các lãnh đạo của Đơn vị 731, các bác sĩ tiến hành giải phẫu sinh thể sống đã tái hòa nhập vào xã hội hậu chiến và trở thành những thành viên đáng kính trong cộng đồng y khoa. Phần lớn họ không bao giờ hé môi về những thí nghiệm y thời chiến. 

Bảo tàng Đại học Kyushu nơi trưng bày những tài liệu về giải phẫu sinh thể dưới thời Thế chiến II.

Đầu năm 2015 này, Đại học Kyushu - từ lâu đã bỏ tên trường là Đại học Hoàng gia Kyushu - đã đưa ra một quyết định sửng sốt nhằm ghi nhận một chương đen tối nhất trong lịch sử của trường, bao gồm những cuộc triển lãm giải phẫu sinh thể tại bảo tàng mới của Đại học Kyushu, cũng như những triển lãm hình ảnh và tài liệu tại bệnh viện của Toshio Tono. 

Bảy thập niên trôi qua, một đài tưởng niệm bằng đá đơn giản được một nông dân địa phương dựng lên nhằm đánh dấu cái nơi mà chiếc máy bay B-29 bị rơi và cũng là nơi bắt đầu những thử thách đáng sợ dành cho các phi công Mỹ. Ông Tono kết luận: "Công việc chính của bác sĩ là giúp người, nhưng ở đây các bác sĩ lại làm điều ngược lại. Thật khó để chấp nhận, nhưng thật sự nó đã thay đổi. Tôi cam tâm nói ra sự thật bởi vì tôi không muốn bất kỳ điều tồi tệ nào như thế này lập lại lần nữa".

Nguyễn Thanh Hải
.
.
.