Tình báo Israel và những vụ ám sát cá nhân

Chủ Nhật, 07/06/2020, 14:22
Một trong những chủ đề nhạy cảm và gần như cấm kỵ nhất trong cộng đồng tình báo Israel là các vụ ám sát. Các nhà lãnh đạo của Mossad (Viện các Chiến dịch Đặc biệt và Tình báo), Shin Bet (Tổng cục An ninh nội địa) và Aman (Tổng cục Tình báo quân đội) đều không muốn thảo luận công khai về chuyện này.


Tuy nhiên, tháng 12-2019, nhân dịp kỷ niệm 70 năm thành lập Mossad, công chúng đã có một cơ hội hiếm hoi được tiếp cận với những suy nghĩ của ba cựu thủ lĩnh Mossad - Nahum Admoni, Daniel Yatom và Tamir Pardo - về chủ đề gây tranh cãi này thông qua những trả lời phỏng vấn mà họ dành cho Tạp chí Di sản và Lịch sử Tình báo Israel.

Ba dạng ám sát thường được tiến hành

Các vụ ám sát có thể được chia thành ba nhóm: nhóm một - các vụ ám sát xảy ra trong các hoạt động quân sự ở Bờ Tây, dải Gaza, Syria và Lebanon; nhóm hai- những vụ giết người do Shin Bet tiến hành, đó là những vụ sát hại được thực hiện với số lượng mục tiêu lớn trong đợt Intifada thứ hai ở Bờ Tây và Gaza, phương tiện sử dụng chủ yếu là máy bay; nhóm ba-  các vụ ám sát được Mossad hay đơn vị 504 (một bộ phận tình báo của quân đội) và các đơn vị đặc biệt hoạt động bên ngoài biên giới của Israel tiến hành.

Các cựu lãnh đạo của Mossad (từ trái qua phải) Nahum Admoni, Danny Yatom và Tamir Pardo.

Chưa tính đến một danh sách dài các vụ ám sát được quy cho Israel ở Trung Đông (Lebanon, Jordan, Iran, Dubai, Syria), châu Á (Malaysia), châu Phi (Tunisia) hoặc trên đất châu Âu (Ý, Malta, Na Uy, Pháp, Síp, Hy Lạp và nhiều nơi khác). Người ta ước tính rằng Mossad phải chịu trách nhiệm về 50- 60 vụ ám sát những kẻ khủng bố và các nhà khoa học làm việc cho các nước thù địch ở nước ngoài. Không ai trong số họ là công dân Israel.

Chỉ trong những trường hợp hiếm hoi, thường là khi có vấn đề bê bối, Chính phủ Israel mới buộc phải thừa nhận vụ ám sát hoặc tự nguyện tiết lộ thông tin về những vụ này. Đó là trường hợp khi Mossad và Sayeret Matkal (lực lượng hoạt động đặc biệt tinh nhuệ của Bộ Tổng tham mưu) tiến hành ám sát Abu Jihad, cấp phó của Yasser Arafatở Tunis năm 1988.

Năm 1996, Israel đã bày tỏ "sự hối tiếc" (nhưng không chính thức thừa nhận là thủ phạm) và trả 400.000 USD cho gia đình Ahmed Bushiki người Ma-rốc, bị giết bởi các đặc vụ của Mossad ở Lillehammer (Na uy) vào năm 1973 vì nghi ngờ người này đã sử dụng căn cước giả.

Năm 1997, Mossad cũng chính thức thừa nhận rằng họ đã cố đầu độc Khaled Meshaal, người đứng đầu Văn phòng chính trị Hamas ở Amman và sau đó đã phải gửi thuốc giải độc do Israel sản xuất để cứu mạng anh ta.

Chi phí bỏ ra so với lợi ích thu được

Nahum Admoni, người đứng đầu Mossad giai đoạn 1982-1989, luôn từ chối phỏng vấn công khai về tổ chức này. Ông cho biết đây là vấn đề mang tính nguyên tắc. Ở tuổi 91, Admoni không có ý định thay đổi nguyên tắc này. Do đó, những bình luận mà ông phát biểu trên tờ Di sản và Lịch sử Tình báo mang một ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Lãnh đạo mới của Hezbollah, Sayyed Hassan Nasrallah diễn thuyết trước đám đông ở Beirut, tố cáo vụ sát hại Imad Moughniyeh một tuần trước đó ở Syria (22/2/2008).

"Thông tin tình báo từ các hoạt động thù địch ở Tunisia thấy rằng Abu Jihad là người lãnh đạo phong trào intifada đầu tiên do đó chúng tôi đã quyết định "gạch anh ta ra khỏi bức tranh. Chúng tôi đã lên kế hoạch ám sát anh ta.

Nhưng rồi chúng tôi lại chuyển giao cho Sayeret Matkal (đội đặc nhiệm của Bộ Tổng tham mưu) thực hiện chiến dịch này. Tôi không nhớ tại sao chúng tôi lại làm như vậy. Thật xấu hổ khi Shabtai (Shavit - phó và người kế nhiệm của Admoni) chất vấn tôi: "Tại sao không phải là đội của chúng ta hành động mà chỉ đóng vai người chỉ điểm cho Sayeret Matkal tìm đến mục tiêu"...

Người đứng đầu Caesarea (bộ phận thực hiện các chiến dịch của Mossad) thì nói với tôi rằng ông thích để Sayeret Matkal làm công việc này hơn. Giờ nghĩ lại, tôi không cho rằng việc giết Abu Jihad có thể làm thay đổi bất cứ điều gì liên quan đến Intifada. ... đã có những vụ ám sát xứng đáng để làm. Một số vụ là không xứng đáng. Và nhiều vụ chẳng mang lại lợi lộc gì", Admoni nói.

Cựu chỉ huy tình báo quân đội, Thiếu tướng (đã về hưu) Uri Sagi, người đã lên kế hoạch ám sát thủ lĩnh Hezbollah Abbas Musawi năm 1992 thừa nhận rằng, giờ đây nhìn lại, đó là một quyết định sai lầm. Ông cho biết vụ ám sát này đã kéo theo những vụ trả thù của các lực lượng dân quân Shia (được hỗ trợ bởi tình báo Iran) với những hậu quả thảm khốc mà đỉnh điểm là vụ đánh bom Đại sứ quán Israel ở Argentina năm 1992 và vụ đánh bom  trung tâm AMIA của cộng đồng Do Thái ở Buenos Aires năm 1994.

114 người đã thiệt mạng và khoảng 500 người bị thương trong hai vụ tấn công. Ngoài ra, thay thế cho Musawi buồn tẻ và xám xịt trước đó là Hassan Nasrallah tài năng và lôi cuốn, thủ lĩnh mới của Hezbollah, người gây ra không  ít khó khăn cho Israel cho đến tận hôm nay.

Nhưng có hai vụ ám sát khác mà các lãnh đạo tình báo Israel hầu như thống nhất ý kiến cho rằng là cần thiết và mang lại hiệu quả to lớn để củng cố an ninh cho Israel.  Đầu tiên đó là vụ ám sát Fathi Shaqaqi, người sáng lập và lãnh đạo lực lượng Hồi giáo thánh chiến Palestine tại đảo Malte cách đây 25 năm, tiếp đó là vụ ám sát Imad Mughniyeh, "Bộ trưởng quốc phòng" của Hezbollah tại Damascus năm 2008.  

Trong cuộc trả lời  phỏng vấn, Tamir Pardo, người lãnh đạo Mossad từ năm 2011- 2016, đã cung cấp một quan điểm thú vị khác về những vụ ám sát: "Ephraim Halevy (lãnh đạo Mossad 1998-2002) thường xuyên phản đối các vụ giết người có chủ đích với lý do rằng chúng có  hiệu quả rất hạn chế - và ông đã đúng về điều này".

Abu Jihad (phải), cấp phó của Yasser Arafat bị Mossad ám sát vào năm 1988 tại Tunisia.

Pardo cũng nhấn mạnh rằng: "Điều quan trọng cần lưu ý là mục đích của một vụ ám sát có chủ đích không phải là trừng phạt ai đó vì tội ác của họ, mà là để ngăn chặn các hành động tội ác trong tương lai. Nó không phải là một hình phạt. Đồng thời, có những trường hợp đặc biệt trong đó giá trị chiến lược thực sự của hoạt động có thể được đo lường trực tiếp. Một yếu tố quan trọng khác phải được tính đến là đó là cơ hội để bẻ gãy một hoạt động thù địch được xác định là sẽ xẩy ra trong tương lai".

Nhận xét của Pardo khơi lại câu hỏi về những gì đã xảy ra với Daniel Yatom, người đã chỉ huy Mossad trong hai năm (1996-1998), mà tên tuổi gắn liền với vụ ám sát bất thành Khaled Meshaal ở Amman, Jordan.

Năm 1997, sau một loạt vụ đánh bom khủng bố đẫm máu mà Hamas là chủ mưu, Mossad đã quyết định đáp trả bằng một chiến dịch trả đũa "trong thầm lặng", việc ám sát một trong những lãnh đạo chủ chốt của Hamas sẽ thực hiện bằng thuốc độc, trong số 7 người trong danh sách đen của Mossad, cuối cùng thì Khaled Meshaal người đứng đầu Văn phòng chính trị Hamas ở Amman, Jordan đã được chọn.

Các điệp viên Mossad đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, ngay sau khi trúng độc Meshaal đã lâm vào tình trạng nguy kịch, tại bệnh viện mặc dù các bác sĩ đã nỗ lực hết sức nhưng sự sống của Meshaal chỉ còn tính bằng giờ. Điều mà phía Israel không tính đến là phản ứng quyết liệt của nước chủ nhà. Vua Hussein tuyên bố sẽ cử quân đội đến lục soát Sứ quán Israel để tìm kiếm hung thủ và dọa sẽ cắt đứt quan hệ ngoại giao với Israel.

Thủ tướng Netanyahou đã bị dồn vào chân tường: vua Hussein của Jordan là một đồng minh quý báu của Israel, hai nước vừa ký một hiệp định hòa bình "lịch sử" trước đó 3 năm. Quyết định cuối cùng đã được đưa ra, một bác sĩ đi kèm với một sĩ quan của Mossad đã tới Jordan, trao thuốc giải độc cho các mật vụ Jordan để vua Hussein có cơ hội cứu sống Meshaal, ngoài ra Israel còn phải chấp nhận thả Sheikh Ahmad Yassin, nhà sáng lập và là người lãnh đạo tinh thần của Hamas.

Cạnh tranh và bất hòa giữa các cơ quan tình báo

Daniel Yatom, người đã chỉ huy Mossad trong hai năm (1996-1998), cho biết để một vụ ám sát được tiến hành, ngoài sự chấp thuận của Thủ tướng, còn cần phải thông qua một cơ quan khác: Ủy ban các lãnh đạo ngành tình báo (Varash), cơ quan tối cao có nhiệm vụ điều phối hành động giữa các cơ quan tình báo khác nhau.

Varash được thành lập vào tháng 4-1949 sau vụ hành quyết thiếu tá Meir Tobiansky, bị tình nghi là gián điệp cho nước Anh. Nhân sự của Ủy ban này bao gồm các thành viên đến từ Shin Bet, bộ phận chính trị của Bộ Ngoại giao, bộ phận tình báo quân sự và cảnh sát Israel. Lãnh đạo Mossad sẽ là người đứng đầu ủy ban này.

Trong nhiệm kỳ của Admoni, sự tham gia của đại diện cảnh sát trong các cuộc thảo luận đã chấm dứt và kể từ đó, ủy ban này chỉ còn lại bốn thành viên: ba người đứng đầu các cơ quan tình báo và thư ký quân sự cho Thủ tướng. Admoni nói rằng vào thời của mình "Varash không có vai trò gì. Shin Bet luôn giấu giếm các hoạt động của mình. Tình báo quân sự - đặc biệt là thời kỳ mà Ehud Barak lãnh đạo lực lượng này- chỉ quan tâm đến việc ăn món gì trong các cuộc họp".

Theo Admoni, các cuộc họp của Varash chủ yếu xoay quanh những bất đồng về sự phân chia quyền lực, đặc biệt là những bất đồng giữa Mossad và cơ quan tình báo quân sự liên quan đến SIGINT (hoạt động nghe lén). "Tình báo quân sự muốn giành lấy quyền hạn thực hiện các hoạt động nghe lén (của chúng tôi) và chúng tôi đã kiên quyết phản đối việc này", ông nói.

Kể từ đó, một số ủy ban khác nhau đã được thành lập để giải quyết vấn đề về sự phân chia quyền hạn và trách nhiệm giữa các cơ quan tình báo. Đã có hai thỏa thuận được ký kết mang tên là "Magna Carta 1" và "Magna Carta 2." Nhưng những bất đồng thì vẫn luôn tồn tại.

Quốc Tuệ (tổng hợp)
.
.
.