Tình báo Mỹ sợ Donald Trump lộ bí mật quốc gia

Thứ Ba, 18/10/2016, 10:17
Quan chức tình báo Mỹ đang tháo mồ hôi hột vì sợ ứng cử viên Donald Trump có thể làm lộ bí mật quốc gia, do ông ưa “xổ toẹt” suy nghĩ trên mạng xã hội Twitter. Chém gió phần phật, ông Trump chưa hề chứng minh khả năng giữ được bí mật.

Không ít cử tri Mỹ nghe ông Trump thì “đã tai”, nhưng ngại ngần nếu làm tổng thống mà ông vẫn hăng hái bỗ bã thế, nhỡ sểnh miệng lại lộ bí mật thì “hỏng hết bánh kẹo”.

Chính thức được chọn là ứng cử viên tổng thống, ông Trump của đảng Cộng hòa và bà Clinton của đảng Dân chủ được quyền tiếp cận bí mật quốc gia. Đó là luật Mỹ. Họ muốn các ứng viên nắm dần lấy công việc, thực tập như một tổng thống thật để có thể làm việc ngay sau khi trúng cử.

Bà Clinton dính vụ dùng email tư để giải quyết việc công là một lỗi nặng về bảo mật, nhưng nay thể hiện ứng xử trầm tĩnh hơn ông Trump. Vì thế nỗi ngại lộ bí mật lúc này, các cơ quan tình báo Mỹ lại dồn về phía ông Trump.

Ngày 27-8, bà Clinton lần đầu tiên nhận các thông tin mật về vấn đề an ninh quốc gia từ Giám đốc Tình báo quốc gia (DNI) nhân một cuộc họp giao ban tình báo dành cho bà, diễn ra tại văn phòng của Cục Điều tra liên bang (FBI) ở New York. Cuộc giao ban tình báo này kéo dài hơn 2 giờ. Bà được nghe thông tin về các mối đe dọa chính, cũng như những vấn đề thời sự trên thế giới.

Bí mật phải ở lại phòng kín

Trước đó, ông Trump cũng đã nhận những thông tin tình báo từ DNI. Trong lần giao ban tình báo đầu tiên này, ông Trump không trực tiếp có mặt, cử hai cố vấn hàng đầu là ông Chris Christie, Thống đốc bang New Jersey, và tướng về hưu Michael Flynn.

Không như đối thủ Clinton-từng là Ngoại trưởng trong nhiệm kỳ 1 của Tổng thống Obama, được dự những cuộc họp với ngành tình báo - ông Trump chưa hề ngồi cùng bàn với các nhà phân tích tình báo, chưa được cập nhật thông tin về quân khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS hoặc âm mưu của các nước thù địch thâm nhập hệ thống điện toán của Chính phủ Mỹ….

Ông cũng chọn một nhóm cố vấn hầu như vô danh, là những người có thể gặp rắc rối trong việc giúp ông nắm bắt những thông tin được báo cáo, giúp ông cách chọn câu hỏi.

Kiểu nói năng ngẫu hứng cùng khuynh hướng tuyên bố trái tai của ông Trump có thể đe dọa  các cuộc họp nghe báo cáo tình báo. Các ứng viên tổng thống thường được nghe báo cáo này ở những căn phòng được bảo vệ kỹ lưỡng, phần nào nhằm khiến gieo ấn tượng nơi họ về sự nhạy cảm của thông tin họ được nghe.

Một cựu quan chức tình báo Mỹ từng dự các cuộc báo cáo tình báo cho các ứng viên tổng thống, nói: “Tôi lo ngại Trump sẽ vô tình lộ bí mật, vì ông ấy ăn nói rất ngẫu hứng, ông ấy sẽ nói toẹt điều ông ấy nghe được trong cuộc họp”.

Một cựu quan chức tình báo cấp cao khác nói: “Rất có lý về nỗi lo ngại ông ta sẽ nói công khai những điều lẽ ra phải ở lại trong căn phòng ấy”. Một quan chức đương nhiệm chia sẻ những lo ngại này, thắc mắc liệu ông Trump có biết tôn trọng sự bí mật của các buổi họp mật đó, và liệu ông sẽ không dùng các thông tin này để giành lợi thế trong hành trình tranh cử ?

Ứng viên tổng thống chưa được nghe báo cáo tuyệt mật

Trước các hội nghị của từng đảng Cộng hòa và Dân chủ, các quan chức tình báo chịu trách nhiệm chia sẻ tin tình báo với ông Trump và bà Clinton đều tích cực chuẩn bị cho các cuộc họp mật. Lãnh đạo DNI James Clapper nói: “Chúng tôi đã lập kế hoạch báo cáo tình báo cho cả hai ứng viên một khi họ được công bố tên, và tiếp tục báo cáo sau khi có tổng thống mới vào tháng 11 tới”.

Ông cho biết các phiên báo cáo mật này sẽ diễn ra ở một cơ sở an toàn và tiện lợi cho các ứng viên và theo lịch hoạt động của họ.

Ông Clapper cũng cho biết: một khi có người lãnh nhiệm vụ báo cáo với ứng viên, DNI sẽ “giám sát tiến trình, nhằm bảo đảm mọi người cùng nhận một thông tin mật, và chúng tôi phải tuân thủ bảo vệ nguồn tin, các biện pháp và tuân thủ các quy định an ninh”.  

Như vậy, ông Trump và bà Clinton đã nhận cùng thông tin tình báo vốn đề cập các mối đe dọa an ninh quốc gia, những sự lo ngại cùng nhiều lĩnh vực quyền lợi.

Nhưng các quan chức và chuyên gia nói: báo cáo tình báo cấp cho hai ứng viên tổng thống sẽ không có thông tin nhạy cảm nhất về các chiến dịch đang tiến hành hoặc các chương trình mật.

Báo New York Times cho biết, các thông tin mật mà DNI cấp cho mỗi ứng viên có thể gồm tình hình chiến dịch quân sự của Mỹ ở nước ngoài, các hoạt động mới nhất của các chính phủ nước ngoài gồm cả bạn và kẻ thù của Mỹ.

Ngoài ra, các vấn đề liên quan những mối đe dọa hiện Mỹ đang phải đối mặt cũng được thông báo cho các ứng viên. Tuy nhiên, chi tiết về hoạt động tình báo, nguồn tin và phương pháp thu thập tình báo sẽ không được tiết lộ.

Tim Naftali, một chuyên gia tình báo và là giáo sư Đại học New York, nói: “Họ sẽ nhận được báo cáo mật, nhưng tôi nghi ngờ khả năng họ nhận được thông tin về vũ khí hạt nhân. Báo cáo đó sẽ chỉ gồm thông tin về thế giới,mối đe dọa nhằm vào nước Mỹ, tình hình chiến sự Syria”.

ABC News cho biết, một số thông tin tối mật đã được DNI trao đổi với hai ứng viên, nhưng không gồm các vấn đề nhạy cảm nhất, như chi tiết về hoạt động tình báo, nguồn tin và phương pháp thu thập tình báo.

Từ lúc ứng viên được giới thiệu, tranh cử rồi nhậm chức, Tổng thống đương nhiệm có quyền cung cấp bao nhiêu thông tin mật cho các ứng viên. Ông có thể tăng hoặc giảm khối lượng thông tin.

Vì thế, Tổng thống Barack Obama có thể cấp thông tin vô hại ở tầm hạn chế cho ông Trump và bà Clinton. Nhưng ngay sau khi trúng cử, tân tổng thống Mỹ cũng sẽ nhận các thông tin tuyệt mật.

Truyền thống 60 năm giao ban tình báo

Theo báo The Wall Street Journal, mỗi ứng viên của đảng Dân chủ và Cộng hòa sẽ tự chọn thời gian và địa điểm cho cuộc họp giao ban tình báo. Thông thường các quan chức tình báo sẽ tới gặp ứng cử viên và có một buổi giao ban tình báo tùy theo yêu cầu của ứng cử viên.

Trước khi bước vào ngày bầu cử quyết định vào tháng 11, ông Trump và bà Clinton mỗi người sẽ có 3 lần được họp giao ban tình báo với DNI.

Đấy là một phần trong sự chuẩn bị cho một trong hai ứng viên trở thành chủ nhân mới của Nhà Trắng từ sau cuộc bầu cử tổng thống.

Hai ứng viên cũng được quyền sử dụng một không gian làm việc của liên bang tại thủ đô Washington, để thực hiện các công tác chuẩn bị cho việc chuyển giao quyền lực; đồng thời được tham gia các cuộc họp của Nhà Trắng và nhóm phụ trách vấn đề chuyển giao quyền lực.

Không rõ chuyện gì sẽ xảy ra, nếu ông Trump hoặc bà Clinton làm lộ bất kỳ thông tin mật nào mà họ được cơ quan tình báo cung cấp qua các cuộc họp giao ban.

Theo The Wall Street Journal, cả hai ứng viên này đều khiến dư luận không an tâm. Phe Dân chủ cho rằng ông Trump không nên được tham gia các cuộc giao ban tình báo, trong khi đảng Cộng hòa nói bà Clinton không đủ tiêu chuẩn để tiếp nhận các thông tin tình báo mật.

Nhiều người chỉ trích việc bà Clinton được các thông tin mật do lo ngại sau vụ bê bối sử dụng email thời bà còn làm Ngoại trưởng Mỹ.

Tuy nhiên, lãnh đạo DNI James Clapper nhấn mạnh việc giao ban tình báo đối với ông Trump và bà Clinton đã có truyền thống hơn 60 năm nay, nên không có gì phải lo ngại.

Phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest cho biết, các quan chức tình báo Mỹ hiểu rõ những bước cần thiết để bảo vệ thông tin nhạy cảm về an ninh quốc gia. Ông Earnest nói chính quyền Obama tin tưởng các quan chức tình báo sẽ có thể vừa cung cấp thông tin cần thiết cho các ứng viên vừa đảm bảo an ninh quốc gia.

+ Năm 2008, Giám đốc Tình báo quốc gia Mỹ Mike McConnell chia sẻ tin tình báo cho ứng viên tổng thống Barack Obama tại một trụ sở FBI ở Chicago, nơi vị thượng nghị sĩ Obama đặt trụ sở tranh cử.

+ Từ năm 1952, các ứng viên thông tin được nhận báo cáo tình báo xếp diện mật. Khi đó, Tổng thống Harry Truman lệnh cho CIA chia sẻ thông tin với các ứng viên Dwight Eisenhower và  Adlai Stevenson.

Nhậm chức sau khi Tổng thống Franklin Roosevelt qua đời năm 1945, ông  Truman bất ngờ phát hiện dù là phó tổng thống, ông lại không được tiếp cận nhiều thông tin chi tiết về an ninh quốc gia, nên ông muốn các tổng thống tiềm năng phải học việc nắm thông tin mật này.

Anh Thao (theo Daily Mail)
.
.
.