Tình báo Trung Quốc bị tố lấy cắp dữ liệu công nghiệp

Thứ Ba, 13/11/2018, 14:51
Cơ quan tình báo Trung Quốc âm mưu đột nhập vào hệ thống máy tính của các công ty tư nhân để lấy thông tin về động cơ quạt tuabin được sử dụng trong các máy bay phản lực thương mại, theo một bản cáo trạng của Mỹ công bố hôm 30-10.


10 người bị buộc tội ăn cắp dữ liệu nhạy cảm "có thể được sử dụng bởi các thực thể Trung Quốc để xây dựng cùng một động cơ tương tự mà không phải chịu chi phí nghiên cứu và phát triển đáng kể", Bộ Tư pháp Hoa Kỳ tuyên bố. 

Trong 10 người này, có 2 người là điệp viên Trung Quốc làm việc tại văn phòng ở tỉnh Giang Tô của Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc . Mục tiêu của chiến dịch là đánh cắp tài sản trí tuệ và dữ liệu bí mật trong kinh doanh, trong đó có thông tin liên quan đến động cơ phản lực được sử dụng trong các máy bay thương mại, Bộ Tư pháp Mỹ cho hay.

Trước đó, một quan chức tình báo của Trung Quốc bị dẫn độ từ Bỉ và bị buộc tội với tội danh ăn cắp bí mật thương mại từ một công ty hàng không tại Ohio hồi đầu tháng 10. 

Vào tháng 9, một tân binh của quân đội Mỹ cũng bị truy tố vì làm đặc vụ cho một quan chức tình báo Trung Quốc. 

Động cơ tuabin phản lực cánh quạt là một trường hợp mới, được phát triển thông qua quan hệ đối tác giữa nhà sản xuất hàng không vũ trụ của Pháp với một văn phòng ở Tô Châu thuộc tỉnh Giang Tô - Trung Quốc, và một công ty có trụ sở tại Mỹ. 

Cuộc tấn công đầu tiên bị cáo buộc diễn ra vào khoảng cuối tháng 1-2010, khi các thành viên của nhóm hacker xâm nhập vào Công ty sản xuất tuabin khí Capstone Turbine.

Bộ Tư pháp Mỹ cho biết 2 quan chức tình báo Trung Quốc tên là Zha Rong và Chai Meng và liệt kê một số nhân vật khác bị tình nghi là có tham gia vào vụ việc này. 

"Những vụ hack do nhà nước hậu thuẫn là mối đe doạ trực tiếp đến an ninh quốc gia của chúng tôi. Hành động này là một ví dụ khác về việc Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc cố gắng tạo điều kiện cho các hành vi trộm cắp dữ liệu cá nhân, vì lợi ích thương mại của Trung Quốc", Adam Braverman, đại diện Mỹ, tuyên bố. 

Ông nói thêm: "Những hành vi trong việc phối hợp để lấy cắp các sản phẩm thương mại có sẵn là một sự xúc phạm tới các công ty đã đầu tư tài năng, năng lượng và tiền bạc của các nhà đầu tư vào sự phát triển của các sản phẩm".

Ngoài ra, 2 người Trung Quốc làm việc tại Công ty Capstone Turbine là Tian Xi và Gu Gen cũng bị cáo buộc thông đồng với Cơ quan tình báo Trung Quốc và được cung cấp mã độc để cài vào hệ thống máy tính của công ty này. “Những hiểm họa từ các hoạt động xâm nhập mạng của Chính phủ Trung Quốc là có thật và rất nghiêm trọng”, ông John Brown, Đặc vụ FBI phụ trách Văn phòng ở San Diego (Mỹ) cho biết.

Hiện không rõ ông Zha Rong và Chai Meng đang ở đâu. Mỹ không có thỏa thuận dẫn độ nào với Trung Quốc, và nếu 2 người này đang ở Trung Quốc, rất có thể Chính phủ Bắc Kinh sẽ không hợp tác với Mỹ trong quá trình điều tra. Bộ Ngoại giao Trung Quốc hiện vẫn chưa có bất kỳ phản hồi nào.

Những cáo buộc trên được đưa ra vào thời điểm sức ép đối với Trung Quốc đang tăng lên khi nước này đang bị cáo buộc đánh cắp sở hữu trí tuệ của Mỹ để thúc đẩy sự phát triển kinh tế của chính mình. Một trong những lý do Mỹ đưa ra để tiến hành chiến tranh thương mại với Trung Quốc chính là để chống lại hành vi ăn cắp sở hữu trí tuệ.

Kim Thu
.
.
.