Nhận định của giới chuyên gia:

Tình hình tại Ai Cập đang diễn ra theo kịch bản tiêu cực

Thứ Tư, 04/09/2013, 16:13

Việc thiết lập tình trạng khẩn cấp trên đất nước sẽ là tác nhân mở đầu cho quá trình sụp đổ của nền kinh tế Ai Cập. Ông Lukianov lưu ý là cùng với việc tuyên bố thiết lập tình trạng khẩn cấp thường là đi kèm với các khuyến cáo của Bộ ngoại giao các nước ngoài cảnh báo công dân nước mình không nên đến Ai Cập. Như vậy nền công nghiệp kinh doanh du lịch, nguồn thu nhập chính của kinh tế Ai Cập sẽ bị thiệt hại nặng.

Điều gì đang diễn ra tại Ai Cập?

Tình hình Ai Cập sẽ diễn biến như thế nào trong những ngày sắp tới, hiện nay không một ai có thể đoán trước được điều gì. Tuy nhiên các chuyên gia phân tích đều thống nhất ở một điểm là việc phe quân sự từ chối ngồi vào bàn đàm phán với phe của tổng thống vừa bị lật đổ Mohamed Morsi sẽ dẫn tới tình trạng bạo lực trong nước và nền kinh tế bị đổ vỡ.

Từ ngày thứ tư tại Ai Cập, chính quyền đã ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài trong 1 tháng, còn tại 11 tỉnh thì ban bố giờ giới nghiêm. Quyết định này của chính quyền được đưa ra sau khi xảy ra đụng độ giữa phe của cựu tổng thống Mohamed Morsi với các cơ quan bảo vệ pháp luật tại thủ đô Cairo. Theo con số chính thức, có 525 người đã chết trong vụ bạo loạn này.

Theo quan điểm của ông Fedor Lukianov - Chủ tịch đoàn chủ tịch Hội đồng Nga về chính sách đối ngoại và quốc phòng, chuyên gia của Hội đồng Nga về các vấn đề quốc tế thì việc giới quân sự chọn phương án dùng vũ lực để trấn áp nhóm "Anh em hồi giáo" đã làm nảy sinh quá trình phân cực trong xã hội Ai Cập. Theo quan điểm của chuyên gia này thì tất cả giờ đây phụ thuộc vào việc giới quân sự có dừng các biện pháp của mình lại hay không.

"Những sự kiện gần đây- thảm họa thực sự đối với Ai Cập. Tương lai gần thực sự là mù mịt. Đã có sự phân rã trong các tầng lớp nhân dân. Những người theo phe hồi giáo đã bị dồn đến con đường hoạt động bất hợp pháp, uy tín quốc tế của Ai Cập đã bị phá hỏng"- Ông Georgi Mirsky chuyên viên khoa học chính của Viện quan hệ kinh tế quốc tế và đối ngoại thuộc Viện hàn lâm khoa học Nga, nhà hoạt động công huân của Liên bang Nga đã nhận định như vậy.

Vấn đề nằm ở chỗ không phải ai đó đang rất mong chờ sự quay trở lại của cá nhân Tổng thống Mursi mà vấn đề là ở chỗ đó là tổng thống đầu tiên trong lịch sử được bầu bằng con đường hợp pháp. Ông Mirsky cho rằng, vì thế không thể tha thứ cho giới quân sự đã tiến hành đảo chính, gây đổ máu khi đàn áp những người theo phe tổng thống bị lật đổ. Theo quan điểm của chuyên gia này thì bạo lực gia tăng đang chờ đợi đất nước Ai Cập, bởi vì giờ đây những người hồi giáo, trong đó có rất nhiều tín đồ trung thành sẽ chuyển sang sử dụng các biện pháp khủng bố.

Tuy nhiên Ai Cập - đó không chỉ là đất nước của những người hồi giáo, ông Victor Sergeev- giáo sư của bộ môn so sánh chính trị học thuộc Học viện quan hệ quốc tế (MGIMO), giám đốc trung tâm các vấn đề toàn cầu hóa lưu ý như vậy. "Đất nước này có tới 20% dân số theo đạo thiên chúa, họ rất hiểu điều gì sẽ đe dọa họ khi những người hồi giáo lên nắm chính quyền. Tình hình hiện nay rất giống với tình hình tại Siri khi những người Alavit và người thiên chúa giáo đấu tranh vì sự sống còn của mình. Nếu như quân đội bắt đầu thua, sẽ có một sự tập hợp các lực lượng không theo hồi giáo trong dân chúng. Và khả năng tại Ai Cập sẽ có một cuộc chiến tranh khốc liệt không kém tại Siri"- ông Sergeev nói và khẳng định rằng khả năng tình hình  tại Ai Cập phát triển theo chiều hướng như vậy là lớn hơn 50%.

Ai Cập có thể trở thành thủ lĩnh của các nước hồi giáo

"Nếu nhìn một cách tổng thể trên bình diện toàn khu vực thì cuộc chiến tại Ai Cập - đó là cuộc chiến mang tính chất quyết định"- ông Lukianov nhận định. Đảo chính tại Ai Cập theo quan điểm của ông đã chỉ ra rằng có thể loại bỏ những người hồi giáo mới lên nắm chính quyền bằng những công cụ cũ, nhưng vẫn thường hay sử dụng. "Nếu như giới quân sự tại Ai Cập có thể kiểm soát và làm bình thường hóa tình hình thì điều này sẽ có tác động đến các nước láng giềng xung quanh, trong số đó có Tunise, Libi và thậm chí cả Thổ Nhĩ Kỳ"- ông Lukianov nhận định.

Trong trường hợp nhóm "Anh em hồi giáo" giành thắng lợi, họ sẽ xây dựng được một khối các nước theo luật Sharia (luật hồi giáo) mạnh, ông Victor Sergeev tin tưởng như vậy. Khi đó Ai Cập sẽ trở thành thủ lĩnh của tất cả các nước hồi giáo tại Trung Cận Đông".

Việc thiết lập tình trạng khẩn cấp trên đất nước sẽ là tác nhân mở đầu cho quá trình sụp đổ của nền kinh tế Ai Cập. Ông Lukianov lưu ý là cùng với việc tuyên bố thiết lập tình trạng khẩn cấp thường là đi kèm với các khuyến cáo của Bộ ngoại giao các nước ngoài cảnh báo công dân nước mình không nên đến Ai Cập. Như vậy nền công nghiệp kinh doanh du lịch, nguồn thu nhập chính của kinh tế Ai Cập sẽ bị thiệt hại nặng.

Theo quan điểm của ông Sergeev thì rất ít có cơ hội để cứu vãn nền kinh tế của Ai Cập, còn nếu như nhóm "Anh em hồi giáo" lại quay trở lại nắm chính quyền thì họ sẽ dẫn nền kinh tế Ai Cập đến sự sụp đổ. "Đó là một đất nước năng động nhưng rất nghèo đói. Thậm chí nếu những người hồi giáo không quay trở lại chính quyền thì đất nước cũng không còn gì" - ông Sergeev tin là như vậy

Q.H. (theo Ria-Novosti)
.
.
.