Tờ báo đầu tiên của người di cư trên thế giới

Thứ Năm, 08/08/2019, 13:40
“Migratory Birds” (Tạm dịch: “Những cánh chim di cư”) do những người di cư và tị nạn trẻ tuổi ở Athens, Hy Lạp xuất bản, được biết đến là tờ báo đầu tiên của những người di cư trên thế giới. Trong hơn 2 năm phát hành, tờ báo đã có được số lượng độc giả ổn định.


Tiếng nói của những người yếu thế trong xã hội

Mahdia Hosseini, 28 tuổi và Fatima Sedaghat, 16 tuổi đang ngồi chỉnh sửa bài báo về tầm quan trọng của việc thiết lập mục tiêu cho bản thân, một bài “đinh” cho số tiếp theo của “Migratory Birds”.

Mahdia Hosseini và Fatima Sedaghat đang làm việc tại trung tâm thanh thiếu niên “Network Rights Children” ở trung tâm thành phố Athens, nơi hỗ trợ những người tị nạn, người di cư trẻ tuổi và người Hy Lạp có thu nhập thấp. Trung tâm mở cửa từ sáng đến tối, nhưng sôi động nhất vào khoảng 15 giờ chiều.

Các biên tập viên của tờ “Migratory Birds” đang chỉnh sửa bài viết cho số báo tiếp theo.

Hosseini và Sedaghat, cả hai đều đến từ Afghanistan, đã gặp nhau trong trại tị nạn Schisto. Năm 2016, mệt mỏi với cách nhìn nhận của truyền thông về người tị nạn và người di cư, Hosseini, Sedaghat và 13 cô gái Afghanistan khác đã quyết định thành lập “Migratory Birds”. Ban đầu, nhiệm vụ của “Migratory Birds” là nói về thực tế cuộc sống - nỗi sợ hãi, thất vọng, hy vọng và ước mơ của những người tị nạn ở Schisto.

“Khi bắt đầu viết báo, chúng tôi ngồi bệt trên mặt đất. Tôi luôn nhớ lời bố dặn: Nếu muốn thay đổi mọi thứ, muốn lớn lên và trưởng thành, phải bắt đầu từ mặt đất như hạt giống gieo xuống đất và phát triển”, Hosseini kể lại. Những cô gái làm việc không mệt mỏi, đối mặt với nhiều trở ngại về kỹ thuật và rào cản văn hóa.

“Nhiều người đàn ông trong trại đã lên tiếng phản đối vì nghĩ rằng vẫn đang ở Afghanistan, nơi phụ nữ không làm gì cả. Họ nói rằng, phụ nữ không thể làm báo. Một số cư dân trong trại tị nạn chế giễu chúng tôi. Một số gia đình đã ngăn con gái tham gia làm báo”, Hosseini nói tiếp. Sau tám tháng làm việc chăm chỉ và kiên trì, “Migratory Birds” đã xuất bản số đầu tiên vào tháng 4/2017.

Hosseini hiện là Tổng biên tập của “Migratory Birds”. Cô cho biết, tờ báo là một phần của chương trình “Nhà báo trẻ”, được tài trợ bởi UNHCR, Rosa Luxemburg Foundation, UNICEF thông qua “Network Rights Children”. Sau khi sửa chữa lần đầu, bản thảo sẽ được dịch sang tiếng Hy Lạp và tiếng Anh. Sau đó, các bài báo được gửi đến “Efimerida ton Sintakton” - một tờ báo lớn của Hy Lạp  để các biên tập viên biên tập lần cuối và đưa đi in.

“Những bài báo được đăng tải đề cập đến các nội dung về cuộc sống tị nạn, bài thơ về tình yêu trong cuộc khủng hoảng tị nạn, công thức nấu ăn truyền thống của Afghanistan hoặc Syria, gợi ý về nơi có món ăn ngon nhất ở Athens... Tờ báo được xuất bản bằng năm thứ tiếng là Hy Lạp, Anh, Ả Rập, Farsi và Urdu”, Hosseini nói.

Nhà báo Hy Lạp Sotiris Sideris, một trong bảy nhân viên của “Network Rights Children” cho biết, có thanh thiếu niên viết những bài báo hoàn chỉnh mà không cần đến sự giúp đỡ của các biên tập.

Bên cạnh đó, cũng có trường hợp cần hỗ trợ về câu từ, bài viết thiếu kết luận hoặc chưa gây ấn tượng với độc giả. “Kết quả cuối cùng thuộc về tác giả. Chúng tôi không viết bài thay họ mà chỉ ở đây để hỗ trợ”, nhà báo Sotiris Sideris nói.

Những thử thách ở phía trước

Tổng biên tập của “Migratory Birds” nói rằng, tờ báo đã mang đến nhiều câu chuyện chân thực về người di cư và tị nạn. “Tôi nghĩ rằng, chúng ta cần phải được lắng nghe và để mọi người hiểu chúng ta. Tôi muốn mọi người biết, hiểu đúng về người tị nạn”, Hosseini nói. Đồng thời, “Migratory Birds” cũng đem đến cơ hội được bày tỏ quan điểm cho những thanh thiếu niên, điều mà nhiều người chưa bao giờ trải nghiệm ở đất nước họ.

Giống như rất nhiều chương trình nhân đạo trên cả nước, việc cắt giảm tài trợ đang đe dọa sự tồn tại của “Migratory Birds”. Tuy nhiên, đây không phải là thách thức lớn nhất đối với tờ báo. Trở ngại lớn nhất là những người tham gia làm báo đang di chuyển từ Hy Lạp đến các khu vực khác của châu Âu. “Điều này đặc biệt gây bất ổn. Những người trẻ đến Hy Lạp trong 1, 2 năm sau đó lại tiếp tục cùng gia đình di cư đến các quốc gia châu Âu khác”, nhà báo Sotiris Sideris nói.

Hosseini vẫn lạc quan rằng, tờ báo đã đạt được rất nhiều kết quả trong thời gian ngắn. Thực tế là những đứa trẻ từ các nền văn hóa khác nhau có thể làm việc cùng nhau, không bao giờ chú ý đến việc chúng đến từ đâu. Điều đó cho thấy, nếu có sự đoàn kết, ý chí và sức mạnh từ bên trong, chúng ta có thể làm bất cứ điều gì. “Dù sẽ gặp khó khăn nhưng tôi tin rằng, tờ báo sẽ tiếp tục trao quyền cho những người trẻ tuổi đến Athens”, Hosseini nói.

T. Phạm (Tổng hợp)
.
.
.