Toàn cảnh vụ xét xử "tài liệu Luxleaks"

Thứ Sáu, 06/05/2016, 16:43
Phiên tòa diễn ra từ 26-4 đến 4-5 tại Tòa án Luxembourg đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận và giới chuyên môn. Bởi 3 bị cáo Antoine Deltour, Edouard Perrin và Raphael Halet không những phải đối mặt với bản án nhiều năm tù, mà phiên tòa này đang hâm nóng "Hồ sơ Panama". 

Vì vụ tiết lộ 28.000 trang tài liệu hồi thượng tuần tháng 11-2014 từng khiến Luxembourg, quốc gia nằm ở trung tâm châu Âu, với diện tích 2.586 km2, cùng dân số hơn 550.000 người bị chấn động. Và cũng giống như "Hồ sơ Panama", những tài liệu rò rỉ gần 2 năm trước ở Luxembourg từng được gọi với biệt danh "tài liệu Luxleaks" - hơn 340 công ty lớn trên thế giới đã trốn hàng tỷ USD tiền thuế sau khi tới trú ẩn tại Luxembourg.

Tiết lộ chấn động

Theo giới truyền thông, trong số 3 bị cáo kể trên, Edouard Perrin là nhà báo Pháp, người đã tiết lộ "tài liệu Luxleaks", còn Antoine Deltour và Raphael Halet, đều là nhân viên của Văn phòng kiểm toán PricewaterhouseCoopers (PwC) ở Luxembourg. Trong đó Antoine Deltour là người tố giác vụ việc, bị cáo buộc đánh cắp tài liệu của PwC, còn Raphael Halet bị cáo buộc làm rò rỉ tài liệu lần thứ 2. Và cả 3 bị cáo tuy phải đứng trước vành móng ngựa, nhưng đã giúp cơ quan chức năng vạch trần hành vi trốn thuế của nhiều tập đoàn đa quốc gia tại Luxembourg.

Một trong những nguyên nhân khiến dư luận coi vụ tiết lộ "tài liệu Luxleaks" giống "Hồ sơ Panama", bởi khoảng 80 nhà báo thuộc Liên đoàn các nhà báo điều tra (ICIJ) đến từ 26 quốc gia đã cùng nhau "mổ xẻ" 28.000 trang tài liệu do 3 bị cáo Antoine Deltour, Edouard Perrin và Raphael Halet cung cấp. Và trong số hơn 340 công ty lớn trên thế giới, có nhiều cái tên như Apple, Ikea, Pepsi… đã "lộ sáng".

Hãng chuyển phát nhanh của Mỹ Fedex.
Pepsi là một trong những đại gia dính nghi án né thuế cao tại châu Âu.

Không những nằm giữa Đức, Pháp và Bỉ, mà còn sử dụng 3 ngôn ngữ là Pháp, Đức và tiếng bản xứ, nên Luxembourg là nơi được nhiều tập đoàn đa quốc gia trên thế giới chọn để "đóng đô". Bởi ngoài "thiên đường trốn thuế", Luxembourg còn có hệ thống ngân hàng khá tốt, cung cấp nhiều dịch vụ như bảo hiểm quốc tế, quản lý quỹ đầu tư hay xác nhận đăng ký tài sản. Và đó là một trong những nguyên nhân khiến dư luận coi Luxembourg là "thiên đường trốn thuế", giúp nước này có mức thu nhập bình quân đầu người thuộc hàng cao nhất thế giới. Bởi GDP của Luxembourg đến chủ yếu từ du lịch và hệ thống quản lý tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, đầu tư hàng đầu thế giới.

Giới truyền thông cho biết, ngay sau khi "tài liệu Luxleaks" được khoảng 40 tờ báo, cùng trang tin quốc tế tiết lộ, ngày 6-11-2014, EC thông báo sẵn sàng điều tra hoạt động ưu đãi thuế mà Luxembourg dành cho các công ty đa quốc gia và có thể mở các cuộc điều tra ở nhiều nước châu Âu khác.

Ngoài ra, EC còn yêu cầu 7 nước thành viên EU cung cấp thông tin liên quan về tình trạng ưu đãi thuế của họ, bao gồm Luxembourg, Bỉ, Cyprus, Ireland, Hà Lan và Vương quốc Anh. Cựu Ủy viên phụ trách cạnh tranh của EU Joaquin Almunia đã tiến hành một số vụ điều tra về việc né thuế và bà Margrethe Vestager, người kế vị ông sẽ tiếp tục công việc này. Và Bộ trưởng Tài chính các nước thành viên Liên minh châu Âu (ECOFIN) đã họp khẩn sáng 7-11-2014 tại Brussels, Bỉ.

Tuy nhiên, phát biểu với báo giới sau cuộc họp kể trên, Bộ trưởng Tài chính Pháp Pierre Moscovici cho rằng, việc các công ty được ưu đãi thuế được chấp nhận tại một số quốc gia châu Âu như Ireland, Thụy Sĩ, Luxembourg, Hà Lan… không phải là bất hợp pháp. Sau cuộc họp khẩn của ECOFIN và trước sức ép của dư luận, Thủ tướng Luxembourg Xavier Bettel chỉ tuyên bố, nước này không phá vỡ quy tắc và không có các chương trình thuế riêng cho các công ty xuyên quốc gia. Bởi trước đó (20-3-2014), EU từng tuyên bố, 28 nước thành viên vừa đạt thỏa thuận chống lại vấn nạn trốn thuế sau khi Áo và Luxembourg ngừng phản đối kế hoạch này.

Khi đó, Thủ tướng Xavier Bettel cho biết, Luxembourg "bật đèn xanh" cho kế hoạch kể trên trong bối cảnh họ đang nỗ lực trở thành một hệ thống ngân hàng minh bạch. Và Chủ tịch EU Hermann Van Rompuy cũng cho rằng, thỏa thuận này là cần thiết để chống lại vấn nạn trốn thuế.

Những cái tên liên quan

Sau khi "tài liệu Luxleaks" bị tiết lộ, nhiều nhà lập pháp ở châu Âu và Mỹ đã cáo buộc Luxembourg chống lưng cho các công ty trốn thuế, yêu cầu quốc gia này phải cải cách. Theo thống kê, có 148 ngân hàng đến từ 27 quốc gia và hơn 40.000 công ty đã đăng ký kinh doanh tại Luxembourg. Trong đó có 200 doanh nghiệp là chi nhánh của công ty mẹ tại Mỹ như PepsiCo, Amazon, Apple và Heinz. Vốn đầu tư trực tiếp từ Mỹ vào Luxembourg trong năm 2013 ở mức 416 tỷ USD.

Theo "tài liệu Luxleaks", hãng chuyển phát nhanh của Mỹ Fedex, bị cáo buộc thành lập 2 chi nhánh ở Luxembourg để chuyển thu nhập từ hoạt động tại Mexico, Pháp, Brazil, Hongkong. Tại Luxembourg, Fedex chỉ bị đánh thuế 0,25% đối với các thu nhập phi cổ tức, số còn lại (99,75%) được miễn thuế. Theo nhận xét của ông Stephen Shay, cựu nhân viên thuế của Bộ Tài chính Mỹ, cấu trúc của Luxembourg là một dạng bòn rút thu nhập từ các quốc gia khác.

Theo tiết lộ của "tài liệu Luxleaks", những tập đoàn và công ty lớn như Apple, Amazon, Verizon, AIG, FedEx, Deutsche Bank, Heinz, Pepsi, Ikea... đã lợi dụng điểm yếu của các quy định quốc tế để chuyển vốn vào Luxembourg nhằm tránh hoặc đóng thuế gần như bằng 0, sau khi đàm phán với chính quyền nước sở tại.

Căn cứ trên 28.000 trang tài liệu từ "tài liệu Luxleaks", các nhà báo ICIJ cho biết, các công ty ở Mỹ, Vương quốc Anh đứng đầu danh sách doanh nghiệp trốn thuế, tiếp đến là các công ty tại Đức, Hà Lan, Thụy Sỹ. Được biết, các công ty kể trên đã thuê tư vấn thuế làm việc với Chính phủ Luxembourg, đàm phán để hưởng mức thuế ưu đãi nhất. Bởi EU không cấm bất cứ quốc gia thành viên nào áp mức thuế thấp hơn nước láng giềng, nhưng việc quốc gia đó ký thỏa thuận ưu đãi đặc biệt cho một số doanh nghiệp là hành vi vi phạm quy định của khối. Mức thuế doanh nghiệp tại Luxembourg khoảng 21%, thấp hơn mức 35% tại Mỹ.

Giống như Thụy Sĩ, ngân hàng ở Luxembourg không tiết lộ thông tin cho bất cứ ai, kể cả chính phủ. Thủ tục gửi và rút tiền cực kỳ đơn giản và gọn nhẹ. Bên cạnh đó, thủ tục về thuế và kê khai tài sản được bảo mật cao, quy chế về thuế ở Luxembourg dễ dàng, mức thế thấp gần như bằng 0. Ngoài ra, Luxembourg không đánh thuế khoản lãi suất của các tài khoản tiền gửi ngân hàng. Do đó, mặc dù chỉ là "tiểu quốc", nhưng Luxembourg là một trong những trung tâm tài chính của châu Âu, với ngành ngân hàng lớn thứ 2 trong số các quốc gia EU - đã có hơn 150 ngân hàng đang cung cấp các dịch vụ cho khách hàng tại Luxembourg.

Biện pháp ứng phó

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker là một trong những cái tên được dư luận chú ý sau khi xuất hiện trong "tài liệu Luxleaks" bởi ông từng là Bộ trưởng Tài chính và Thủ tướng Luxembourg. Trước khi trở thành Chủ tịch EC, ông Jean-Claude Juncker là Bộ trưởng Tài chính (25 năm) và Thủ tướng Luxembourg gần 19 năm (1995-2013), nên không thể không biết tới cách thức trốn thuế của những công ty lớn trên thế giới tại quốc gia này.

Do đó, khi Liên minh châu Âu (EU) quyết tâm kiểm soát hành vi trốn thuế đối với các tập đoàn và công ty đa quốc gia sau bê bối "tài liệu Luxleaks", Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker đã rơi vào tình cảnh khó xử bởi ông là người phụ trách các thỏa thuận về thuế ở Luxembourg với EU. Giới truyền thông cho rằng, trong thời gian làm Bộ trưởng Tài chính và Thủ tướng Luxembourg, ông Jean-Claude Juncker đã cho phép thiết lập một khung pháp lý giúp tối ưu hóa thuế. Do đó, trong một thời gian khá dài, Luxembourg từng là một trong những quốc gia có mức thuế thấp nhất châu Âu.

Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker.
Thủ tướng Luxembourg Xavier Bettel.

Tuy nhiên, EC vẫn công bố kế hoạch buộc 28 quốc gia thành viên EU phải chia sẻ chi tiết về bất kỳ thỏa thuận thuế nào được nhất trí với một số tập đoàn đa quốc gia lớn nhất thế giới, nhằm chấm dứt các thỏa thuận bí mật cho phép các nước thành viên cạnh tranh để thu hút doanh nghiệp và vốn đầu tư.

Theo đó, 3 tháng một lần, các nước thành viên EU sẽ phải công khai chi tiết những thỏa thuận về thuế với các doanh nghiệp. Ủy viên phụ trách các vấn đề kinh tế của EU Pierre Moscovici cho hay, điều này sẽ ngăn chặn các doanh nghiệp có ý định bí mật chuyển lợi nhuận tới nước khác để trốn thuế, ít nhất là trong phạm vi EU. Theo giới truyền thông, nhờ những thỏa thuận bí mật với các cơ quan thuế vụ Luxembourg nên Pepsi và Ikea đã được giảm thuế xuống còn 1%.

Hơn 3 tháng trước (28-1), EC chính thức khởi động việc chống tối ưu hóa thuế đối với các công ty đa quốc gia. Và ông Pierre Moscovici, ủy viên EU phụ trách các vấn đề kinh tế đã nhấn mạnh, để tránh bị đánh thuế, một số công ty đã lợi dụng điểm yếu tại 28 hệ thống quốc gia của EU. Bởi theo nghiên cứu mới công bố của Nghị viện châu Âu (EP), khoản tiền thất thoát từ cơ chế này ước lên tới 50-70 tỷ euro/năm, tương đương ngân sách của Bulgaria.

Và để chống lại việc lợi dụng cơ chế kể trên, EC đã đưa ra một số đề xuất nhằm chấm dứt nạn trốn thuế của các công ty đa quốc gia. Hơn 1 năm trước (26-4-2015), Bộ trưởng Tài chính các nước châu Âu cũng từng ủng hộ các nỗ lực ngăn chặn tình trạng trốn thuế của các tập đoàn đa quốc gia. Theo báo cáo của Tổ chức phi chính phủ ActionAid (công bố tháng 7-2015), Luxembourg và Hà Lan là 2 "thiên đường trốn thuế" tại châu Âu và họ đã nhận gần 26% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) toàn cầu, mặc dù 2 nước này chỉ đóng góp chưa tới 1% GDP cho nền kinh tế thế giới.

Theo Công ty Kiểm toán PWC, bất chấp tỷ lệ thu thuế doanh nghiệp theo quy định của EU là từ 10%-35%, các tập đoàn đa quốc gia tại Luxembourg và Hà Lan chỉ phải chịu mức thuế dưới 1%-2%. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính, các nước đang phát triển thất thu khoảng 213 tỷ USD/năm, do các hoạt động trốn thuế.

Tuệ Sỹ-Trọng Hậu
.
.
.