Toan tính đằng sau thương vụ Nvidia mua ARM

Thứ Bảy, 26/09/2020, 14:39
Ngày 13-9, hãng sản xuất chip Nvidia của Mỹ đã mua lại công ty thiết kế chip ARM từ hãng viễn thông SoftBank của Nhật Bản với giá 40 tỷ USD. Theo đó, Nvidia trả cho SoftBank 21,5 tỷ USD cổ phiếu và 12 tỷ USD tiền mặt. Số còn lại sẽ được trả bằng tiền mặt hoặc cổ phiếu tùy hiệu quả kinh doanh của công ty trong tương lai.


Cùng với đó, ARM sẽ hoạt động như một bộ phận riêng của Nvidia. Công ty vẫn đặt trụ sở tại Anh và "tiếp tục vận hành mô hình cấp phép mở, đồng thời duy trì tính trung lập với khách hàng toàn cầu". Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, việc công ty Mỹ mua lại ARM không đơn giản như vậy.

"Gã tí hon" chi phối cả giới công nghệ

ARM là cái tên hầu như không mấy người biết. Tuy nhiên, với giới công nghệ, đó là cái tên quan trọng khi chi phối hầu hết các hãng sản xuất smartphone. Bởi nếu không có công nghệ của ARM, các hãng điện thoại chẳng có cách nào làm phần cứng trên di động.

ARM, viết tắt của Advanced RISC Machines, có nguồn gốc từ công ty máy tính Acorn Computers có trụ sở tại Cambridge, Anh. Acorn phát triển mạnh vào thập niên 1980, khi các công ty của Anh cần những con chip xử lý riêng cho các hệ thống của mình.

Ông Jensen Huang, Giám đốc điều hành Tập đoàn Nvidia.

Tới cuối thập niên 1980, Apple rất quan tâm tới dòng chip sử dụng tập lệnh RISC hay tập lệnh đơn giản hóa mà Acorn đang phát triển. Tuy nhiên công ty máy tính Acorn có thể coi là một đối thủ của Apple, và họ không muốn trực tiếp mua bản quyền từ đối thủ. Giải pháp cuối cùng được đưa ra là Apple góp vốn, một công ty bán dẫn là VLSI Technology góp công nghệ, còn Acorn cung cấp 12 kỹ sư để thành lập một công ty hoàn toàn mới có tên ARM.

Chiếc máy tính bảng Apple Newton chính là sản phẩm đầu tiên của Apple sử dụng vi xử lý của ARM. Tuy nhiên, sau đó Newton thất bại. CEO của ARM lúc đó là ông Robin Baxby quyết định lựa chọn một mô hình kinh doanh khác: kinh doanh bản quyền. Đó là một mô hình khá lạ lẫm vào thời điểm những năm 1990, nhưng trở thành thứ giúp cho ARM có thành công như ngày hôm nay.

Năm 1994, khi điện thoại di động bắt đầu phổ biến, ARM có được những khách hàng lớn khác. Nokia được Texas Instrument giới thiệu, hợp tác với ARM để thiết kế chip cho dòng máy họ sắp ra mắt. Thiết kế chip 16 bit này được ARM bán bản quyền cho Texas Instrument, sau đó được Nokia đem lên chiếc Nokia 6110.

ARM7, tên gọi chung của thiết kế này là sản phẩm cực kỳ thành công cuối thập niên 1990 của ARM. Họ đã bán bản quyền thiết kế cho 165 đơn vị và thiết kế này đã được sử dụng trên khoảng 10 tỷ con chip.

Chỉ trong năm 2019, ARM đã thiết kế 22,8 tỷ con chip cho khách hàng ở khắp 5 châu.

Không giống như các tập đoàn sản xuất vi xử lý khác như AMD, Intel, Motorola hay Hitachi, chiến lược của ARM là chỉ thiết kế và bán các bản thiết kế của họ mà không sản xuất các vi mạch CPU hoàn chỉnh. Do vậy, dù vi xử lý của Apple hiện tại có tên A12 Bionic; Qualcomm có dòng Snapdragon; Samsung có Exynos; Huawei có Kirin… nhưng tất cả đều sử dụng chung thiết kế của ARM.

ARM cung cấp 2 loại giấy phép sử dụng cho các hãng smartphone: giấy phép thiết kế và giấy phép sử dụng chip. Với giấy phép sử dụng chip, các hãng có thể lấy thiết kế hoàn chỉnh của một nhân xử lý do ARM phát triển và đưa vào chip của mình. ARM đặt trụ sở tại Cambridge, nơi được mệnh danh là thung lũng công nghệ của nước Anh.

Tháng 9-2016, Tập đoàn viễn thông Nhật Bản SoftBank đã mua ARM với giá 31,4 tỷ USD. Và chỉ 4 năm sau, với việc bán lại ARM cho Nvidia, Softbank đã lãi 8 tỷ USD. Chỉ trong năm 2019, ARM đã thiết kế 22,8 tỷ con chip cho khách hàng ở khắp 5 châu trong đó có những tên tuổi lớn của Mỹ như chính bản thân Nvidia, hay Apple, Qualcomm và các hãng khác trên thế giới như Huawei, Samsung, Nokia…

Những toan tính đằng sau thương vụ 40 tỷ USD

Nvidia hiện là nhà sản xuất chip đồ họa GPU hàng đầu thế giới trong nhiều thập kỷ, đồng thời đang tập trung vào các lĩnh vực như GPU, ôtô tự lái và AI trong 5 năm qua. Tuy nhiên, công ty chưa ghi dấu ấn ở mảng thiết kế CPU hoặc phần cứng di động ngoài dòng chip Tegra được sử dụng trong các thiết bị chơi game, như Nintendo Switch. Nvidia từng tham vọng ở mảng sản xuất CPU cho smartphone nhưng không thành công.

Với việc thâu tóm ARM, Nvidia có thể tạo ra các CPU di động đủ sức cạnh tranh với Qualcomm, Apple hay Samsung.

Vì thế việc mua lại ARM có thể giúp Nvidia tiến sâu hơn vào lĩnh vực này, thậm chí có thể tạo ra các CPU di động đủ sức cạnh tranh với Qualcomm, Apple hay Samsung. Kết hợp với các thiết kế chip di động của ARM, sức mạnh xử lý AI đang tăng trưởng theo cấp số nhân của Nvidia có thể hiện diện ở khắp mọi nơi, thay vì chỉ nằm trên đám mây. Do vậy, đây chính là lý do Nvidia chấp nhận bỏ ra một số tiền lớn đến vậy để thâu tóm ARM Holdings.

Nhưng dường như Nvidia còn có chiến lược xa hơn và trông thấy những lợi thế một khi làm chủ được ARM.

Thứ nhất, củng cố thêm thế thượng phong trong hai lĩnh vực khác đó là trí thông minh nhân tạo (AI) và các data center tức là những trung tâm lưu trữ và xử ký các dữ liệu cho khách hàng, thứ hai, hãng Anh sẽ là một loại “vũ khí” giúp Nvidia qua mặt luôn cả một số đối thủ Mỹ như Intel hay AMD.

Thứ hai, sau khi thâu tóm được ARM là một bước ngoặt quan trọng. Từ các nguồn nhân lực của ARM đến kỹ thuật rất cá biệt của công ty này đều do Mỹ kiểm soát. Dù Nvidia cam kết duy trì mô hình phát triển của ARM và nhất là sẽ “tiếp tục đối xử một cách bình đẳng để phục vụ tất cả các khách hàng”, “duy trì các cơ sở và trung tâm nghiên cứu của ARM tại Cambridge”.

Nhưng không có gì bảo đảm rằng Nvidia sẽ không giữ một số công nghệ của ARM cho riêng mình để thống lĩnh công nghệ AI hay quản lý dữ liệu. Đó là chưa kể kinh nghiệm cho thấy những hứa hẹn ban đầu từ phía các công ty muốn thâu tóm đối phương thường xuyên thường là “lời nói gió bay”.

Theo chuyên gia về công nghệ mới Julien Nocetti, cộng tác viên Viện Quan hệ Quốc tế Pháp IFRI, thương vụ này là bằng chứng rõ rệt nhất cho thấy cả Anh và EU đang thua Mỹ trên mặt trận công nghệ cao.

 “Chủ quyền về mặt công nghệ của châu Âu thực ra đã gặp trở ngại ngay từ đầu. Giới lãnh đạo châu Âu, Ủy ban Châu Âu, liên tục nói tới một chiến lược tự chủ về mặt kỹ thuật số, công nghệ cao… Nhưng rõ ràng lời nói không đi đôi với việc làm. Về mặt công nghiệp, kinh tế, chính trị và chiến lược, đây thực sự là một thất bại. Ngay cả về mặt biểu tượng, đây cũng là một thất bại ê chề. ARM là một con chim đầu đàn trong lĩnh vực rất đặc biệt nhạy cảm liên quan đến chip điện tử, công nghệ bán dẫn.

Với cuộc đọ sức giữa Mỹ và Tập đoàn Huawei nhẽ ra đó phải là một bài học thức tỉnh châu Âu. Chúng ta thấy công nghệ bán dẫn mang tính chất chiến lược cao và tương lai mạng 5G tùy thuộc vào những sản phẩm này tới mức độ nào. Vậy mà châu Âu vẫn để ARM lọt vào tay Mỹ. Nvidia mua lại tập đoàn của Anh sẽ cho phép Mỹ cầm dao đằng chuôi về mặt địa chính trị, địa chiến lược và giờ đây là cả về địa-kinh tế nữa. Washington chặn trước các nước cờ của các tập đoàn Trung Quốc, đồng thời thách thức luôn cả châu Âu”, ông Julien Nocetti phân tích.

Nvidia hiện là nhà sản xuất chip đồ họa GPU hàng đầu thế giới.

Đồng sáng lập ARM Hermann Hauser, một tiếng nói có uy tín tại Vương quốc Anh, trong một bản kiến nghị kêu gọi chính quyền của Thủ tướng Boris Johnson can thiệp bởi viễn cảnh Nvidia dời cơ sở của ARM sang Mỹ là điều “không tránh khỏi”.

Trong bối cảnh chiến tranh thương mại và công nghệ Mỹ-Trung hiện nay, “thế trung lập” của ARM có còn được bảo đảm khi đã thuộc về Mỹ ? Đó là chưa kể  một khi thủ tục hoàn tất, Mỹ sẽ độc quyền kiểm soát ba hãng lớn nhất trên thế giới trong ngành công nghệ bán dẫn: Nvidia, AMD và Intel.

Theo chuyên gia Julien Nocetti “hậu quả về ngắn và trung hạn sẽ hết sức lớn. Mỹ ngày càng khẳng định logic đối đầu giữa một bên là công nghệ của Mỹ và bên kia là công nghệ của Trung Quốc. Rõ ràng là Mỹ đi theo chủ trương bảo hộ và khái niệm “địa – kinh tế” đang hình thành. Nhà Trắng có một tầm nhìn về lâu về dài, không chỉ để nhằm vào Trung Quốc mà để triệt hạ luôn cả các đối thủ tiềm tàng khác của Mỹ cho dù Tổng thống Trump thường có những tuyên bố đôi khi trống đánh xuôi, kèn thổi ngược".

Rõ ràng là Mỹ đã có chính sách rất bài bản về giữ thế thượng phong trên tất cả mọi phương diện, mà ở đây là về mặt công nghệ cao. Trong khi đó thì châu Âu tuy nói rất nhiều về tham vọng “tự chủ về kỹ thuật số” nhưng cả Anh và EU đều đã để một trong những công ty hàng đầu của mình lọt về tay Mỹ.

Dù rằng Anh và châu Âu đang bị dịch COVID-19 chi phối và số tiền 40 tỷ USD là rất lớn, hiếm một công ty hay một quỹ đầu tư nào tại châu Âu dễ dàng bỏ ra. Nhưng vào lúc EU bơm thêm hàng ngàn tỷ euro để kích cầu khắc phục hậu quả do COVID-19 gây nên, khó có thể tin rằng, châu Âu không có phương tiện tài chính để giữ ARM trong tầm kiểm soát của mình. Giải thích duy nhất về chiến lược của EU trong lĩnh vực công nghệ mới được giới trong ngành đưa ra là các nhà lãnh đạo châu Âu “bị cận thị” và đã không rút được bài học nào từ các đòn mà Mỹ đang tấn công vào Huawei hay ZTE, từ thế áp đảo tuyệt đối của các đại tập đoàn Mỹ GAFAM.

Đức Quý (Tổng hợp)
.
.
.