Tội ác chỉ được phát hiện sau 100 năm

Chủ Nhật, 07/06/2020, 14:36
Có những tội ác đến mức rất khó phát hiện không? Các nhà tội phạm học, nhà văn và cả những kẻ tội phạm đã tranh cãi về vấn đề này trong nhiều năm. Có lẽ một ví dụ gần nhất với khái niệm tội phạm hoàn hảo là vụ án của Howard Green, một thợ may bình thường ở London.


Cuốn nhật ký khủng khiếp

Vào cuối thế kỷ 19, ban bồi thẩm điều tra trường hợp một người phụ nữ đã đâm chết chồng mình là ông Howard Green bằng chiếc kéo nhà bếp. Được trình ra trước các thẩm phán để làm bằng chứng cho việc bào chữa là một cuốn nhật ký mà khi còn sống người bị giết đã viết ra và nó được cảnh sát tìm thấy trong khi khám xét. Hóa ra, con người được kính trọng trong xã hội, cũng là chủ nhà đã nghĩ ra đến 14 cách để giết người vợ của mình. Trong cuốn nhật ký, ông đã phân tích chúng một cách chi tiết.

Tranh minh họa từ nguyên bản.

Nếu tin vào cuốn nhật ký, thì động cơ là sự thù hận bí mật được tích tụ từ lâu của Green đối với vợ. Việc ly hôn vào thời kỳ đó là rất khó khăn, và cái chết bình thường của người bạn đời là cách duy nhất để làm tan vỡ cuộc hôn nhân.

Tất cả những cách giết người khác nhau đã được ông viết ra: một số là tinh vi, những cách khác đáng kinh tởm, một số thì lố bịch, số khác nữa thì có thể thực hiện với sự liều lĩnh nhất định. Cuối cùng chỉ có một hoặc hai cách được coi là sự lựa chọn tuyệt vời.

Nhìn nhận chung thì Howard Green vốn không phải là một kẻ ngu ngốc, vì vậy ông ta muốn thực hiện vụ giết người mà sau này sẽ không thể bị phát giác. Ông ta đi đến kết luận rằng, điều quan trọng trước hết là hậu quả của tội phạm và bất cứ một chứng cứ ngoại phạm giả nào đó, kể cả đã được chuẩn bị rất kỹ lưỡng, vẫn có thể bị phát giác. Theo suy nghĩ của người thợ may thì cách duy nhất để không bị trừng phạt là biến người phạm tội trở thành đối tượng của tội ác.

Kết quả giám định muộn màng

Theo giả thuyết điều tra và của chính bị cáo thì người vợ của Green bằng cách nào đó đã vô tình phát hiện thấy cuốn nhật ký của chồng. Cô ta đã đọc nó và nổi cơn thịnh nộ đến mức đã dùng kéo đâm nhiều nhát vào ngực chồng, cần hiểu rằng trong tình trạng bị phẫn uất thì chuyện gì cũng có thể xảy ra.

Và tất cả các vị bồi thẩm đoàn sau khi đọc nội dung cuốn nhật ký đã bị sốc và họ nhất trí tha bổng cho cô Green về việc đã giết chết ông Howard để tự vệ. Vì vậy mà góa phụ này vẫn được tự do và chắc chắn đã được sống thoải mái đến tuổi già.

Chỉ mãi cho đến ngày nay, khi mà kẻ giết người cũng như nạn nhân đã qua đời từ lâu thì đột nhiên có những tình tiết mới trong vụ án được phát hiện. Các giám định viên đã bất ngờ phát giác ra chữ viết trong cuốn nhật ký hoàn toàn không phải là của Howard Green, mà thuộc về một nhà văn tập sự nào đó đã từng phải lòng người vợ của ông ta.

Rõ ràng là cô Green đã bàn bạc với người tình của mình cách thoát khỏi người chồng phiền phức này. Để làm điều đó, nhà văn trẻ đã viết trước cuốn nhật ký mạo danh là của Howard, trong đó dựng nên các kế hoạch giết vợ. Rồi sau đó người phụ nữ này đã trực tiếp giết chồng mình. Rõ ràng là cặp đôi tình nhân này đã tính toán từng bước phải hành động.

Bị phát giác

Điều đáng chú ý là thời điểm đó thậm chí là không một ai có ý tưởng cần phải so sánh, thẩm định chữ viết. Tất cả mọi người đều tin rằng cuốn nhật ký là do người thợ may bị giết đã viết nên.

Song, thời nay thì chắc chắn là âm mưu này sẽ không thể thành công. Cuốn nhật ký nhất thiết sẽ phải đem đi giám định chữ viết và sẽ nhanh chóng phát hiện ra một cách chính xác tác giả đích thực của nó. Thậm chí, kể cả những dòng chữ được thể hiện dưới dạng thư điện tử thì mỗi người đều có văn phong riêng của mình và vv...Do vậy, những "tội ác hoàn hảo" cho dù vẫn tồn tại nhưng sớm hay muộn thì mọi điều bí mật sẽ bị phơi bày.

Sau này, câu chuyện về cái chết của Howard Green đã được nhắc đến trong bộ phim "Vụ giết người ở Oxford" (năm 2008) dựa theo tiểu thuyết của nhà văn Argentina Guilelmo Martinez có tựa đề "Vụ giết người vô hình".

Hải Yến (Theo Russian)
.
.
.