'Tội ác thế kỷ' núp bóng thương mại động vật hoang dã

Thứ Hai, 04/05/2015, 15:00
Hội nghị Liên hợp quốc (UN) về phòng chống tội phạm và tư pháp hình sự được tổ chức gần đây tại Doha, Qatar đã tập trung thảo luận về tính nghiêm trọng của nạn săn bắn động vật hoang dã. Tội ác mang lại nhiều tỷ đô la lợi nhuận, nhưng đang đặt nhiều loài động vật trước nguy cơ tuyệt chủng.

Lĩnh vực kinh doanh tỷ đô

Hội nghị Liên hợp quốc (UN) về phòng chống tội phạm và tư pháp hình sự được tổ chức gần đây tại Doha, Qatar đã tập trung thảo luận về tính nghiêm trọng của nạn săn bắn động vật hoang dã. Tội ác mang lại nhiều tỷ đô la lợi nhuận, nhưng đang đặt nhiều loài động vật trước nguy cơ tuyệt chủng.

Theo nhận định của các chuyên gia thì băng nhóm săn bắn động vật hoang dã, khai thác gỗ quý hiếm có thể kiếm được nhiều tỷ đô la mỗi năm. Ước tính, chỉ tính riêng nạn khai thác, buôn bán gỗ trái phép ở khu vực Thái Bình Dương và Đông Nam Á đã mang lại khoản lợi nhuận lên đến 17 tỷ đô la mỗi năm. Số liệu được đưa ra tại hội nghị về chống nạn buôn bán động vật hoang dã tổ chức ở Kasane, Botswana hồi cuối tháng 3 cũng ước tính, số tiền mà hoạt động thương mại động vật hoang dã bất hợp pháp cũng lên đến 10 tỷ USD mỗi năm.

Trước nạn khai thác động thực vật hoang dã, hàng ngàn loài có nguy cơ tuyệt chủng trong tương lai gần. Khoảng 20 ngàn con voi châu Phi cùng hơn một nghìn con tê giác đã bị sát hại trong năm 2013. Nạn săn bắn voi để lấy ngà cũng như sừng tê giác ở khu vực Botswana, Namibia, Angola, Zambia, Zimbabwe và Nam Phi tăng cao kỷ lục trong những năm gần đây. Ngà voi và sừng tê giác đang trở thành mặt hàng được ưa chuộng ở nhiều quốc gia châu Á.

Với những quốc gia này, sừng tê giác được coi như biểu tượng của sự giàu có và bột sừng tê giác được cho là có thể chữa khỏi bệnh ung thư. "Trung Quốc là một trong những quốc gia có nhu cầu về sản phẩm động vật hoang dã tăng đột biến. Tội phạm buôn bán động vật hoang dã thu được khoản lợi nhuận kếch xù, trong khi rủi ro thấp", Ginette Hemley, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bảo tồn động vật hoang dã thế giới cho biết.

Liên minh Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (IUCN) cho biết, vào năm 2012 có 3.079 loài động vật và 2.655 loài thực vật nằm trong danh sách nguy cơ tuyệt chủng, tăng cao so với con số này năm 1999 lần lượt là 1.102 loài động vật và 1.197 loài thực vật.

Nạn buôn bán động vật hoang dã mang lại hàng chục tỷ đô la lợi nhuận cho các băng nhóm tội phạm mỗi năm.

Mối liên kết giữa tội phạm buôn bán động vật hoang dã và rửa tiền

Sam Kutesa, người chủ trì hội nghị của UN về phòng chống tội phạm và tư pháp hình sự nói rằng, "săn bắn động vật hoang dã và khai thác gỗ trái phép tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ảnh hưởng đến xã hội. Đó không chỉ là sự tàn phá môi trường sống, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến chính trị, kinh tế và phúc lợi xã hội. Số tiền hàng tỷ đô la đã rơi vào tay các băng nhóm tội phạm và duy trì hoạt động bất hợp pháp của họ".

Các chuyên gia nhận định, nạn buôn bán động vật hoang dã ngày càng được thực hiện với quy mô, tính chất lớn hơn và được điều hành bởi các băng nhóm tội phạm có tổ chức. Nhiều dấu hiệu cho thấy, có sự gắn kết giữa tội phạm buôn bán động vật hoang dã và rửa tiền, cũng như tội phạm trong lĩnh vực tài chính khác. Steven Broad, Giám đốc điều hành của TRAFFIC, một tổ chức phi chính phủ trong phòng chống nạn buôn bán động vật hoang dã nói rằng, "để hợp pháp hóa số tiền có được từ hành vi bất hợp pháp, các băng nhóm tội phạm đã đầu tư vào nhiều lĩnh vực khác nhau để rửa tiền".

John Scanlon, Tổng thư ký của cơ quan phụ trách giám sát thực hiện Công ước quốc tế về buôn bán động thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) cho  rằng, tội phạm săn bắt, buôn bán động vật hoang dã cần phải xác định là "loại tội phạm nghiêm trọng" vì quy mô, tính chất hoạt động buôn bán bất hợp pháp này đã có nhiều thay đổi trong những năm gần đây". Ông John Scanlon nhận định, "nạn săn bắn động vật hoang dã được thực hiện trên quy mô công nghiệp". Nhiều lực lượng dân quân vũ trang, đôi khi là giả mạo lực lượng vũ trang quốc gia để săn bắn động vật hoang dã.

Thực tế cho thấy, hệ thống pháp luật, cũng như việc thực thi pháp luật trong lĩnh vực này còn nhiều kẽ hở. Ngay cả khi các thủ phạm bị bắt thì hình phạt chủ yếu vẫn là phạt tiền hoặc giam giữ trong thời gian ngắn. Ông Yury Fedotov, Giám đốc điều hành của Văn phòng UN về ma túy và tội phạm (UNODC) cho rằng, vấn đề cấp bách hiện nay là cần có khuôn khổ pháp lý đủ mạnh.

"Ngay cả khi tội phạm bị truy tố thì hình phạt cũng quá nhẹ, không đủ sức răn đe", ông Yury Fedotov nói. Đại diện của TRAFFIC cũng đồng quan điểm cho rằng, để ngăn chặn nạn buôn bán động vật hoang dã cần có hệ thống pháp luật đủ sức răn đe, tăng cường thực thi pháp luật và hỗ trợ phát triển kinh tế bền vững.

P. Tường (tổng hợp)
.
.
.