Tội phạm Nam Phi xâu xé những mỏ vàng bị bỏ hoang

Thứ Năm, 19/11/2015, 08:34
6.000 hầm mỏ bị các doanh nghiệp bỏ hoang vì lợi nhuận giảm nhanh, đang tạo điều kiện cho tội phạm có tổ chức chiếm giữ và khai thác - đặc biệt là vàng - trái phép, gây thiệt hại môi trường và kinh tế rất lớn cho Cộng hòa Nam Phi.

Đậu xe bọc thép ở trước lối vào một mỏ vàng bị bỏ hoang ở Nam Phi, một người bảo vệ  được trang bị súng và áo chống đạn… Nhưng ông không thể làm gì khi các băng đảng thanh trừng đẫm máu lẫn nhau, hậu quả có 5 "khoáng tặc" bỏ mạng vì tranh nhau cát cứ khu mỏ Grootvlei ở Springs, một thị trấn nghèo nằm cách phía Đông thành phố lớn nhất Nam Phi-Johannesburg. 

"Đạn bay xối xả. Tôi đã gọi cảnh sát đến hết hơi, nhưng họ chỉ đến khi trời sáng để thu nhặt những xác chết. Cảnh sát cũng rất sợ khi đến đây", nhân viên bảo vệ khu mỏ Grootvlei (giấu danh tính) kể lại.

Những mỏ thu hút hàng ngàn "khoáng tặc" có thể kể đến như: Zama zamas-theo ngôn ngữ Zulu Nam Phi có nghĩa "những người đang cố đi tìm vận may",  họ phải thường đằm mình xuống hầm, hố đã cũ rất dễ bị sụt, lún, có khi  họ sống hàng tháng dưới lòng đất để đào sa khoáng có chứa vàng. Theo Ủy ban Nhân quyền Nam Phi, nước này hiện có khoảng 30.000 đối tượng khai thác khoáng sản trái phép.

Các tổ chức tội phạm đang băm nát nhiều khu vực khai khoáng bị bỏ hoang.

Khai thác khoáng sản thổ phỉ là công việc nguy hiểm vì có sự xuất hiện của những băng nhóm tội phạm có vũ khí "nóng", sẵn sàng giết người, chúng thường bắt cóc thợ mỏ đối phương và ép họ phải làm việc như nô lệ dưới lòng đất. Trong tháng 9, có khoảng 20 người bị thiệt mạng trong một đợt bạo lực bùng phát giữa các nhóm tội phạm ở Johannesburg, trung tâm công nghiệp khai khoáng Nam Phi, nơi được mệnh danh là "Thành phố Vàng".

"Bạo lực, thanh trừng băng đảng và đe dọa lẫn nhau giữa những đối tượng khoáng tặc ngày càng tăng", Phòng Công nghiệp khai thác khoáng sản Nam Phi cho biết. Theo bản báo cáo: "Hoạt động khai thác khoáng sản bất hợp pháp và tội phạm có tổ chức có mối quan hệ cộng sinh với nhau. Khoáng tặc thường được trang bị vũ khí hạng nặng, vật liệu nổ và phục kích đánh lén, gài bẫy công nhân khai khoáng hợp pháp, lực lượng an ninh và đối thủ. Bạo lực gia tăng đang gây bức xúc cho quần chúng nhân dân. "Những trẻ nhỏ 4 tuổi đã phải nghe những tiếng súng chát chúa", Samson Jerry Aphane, một người dân Springs cho biết, ông cầm một viên đạn đã nổ trên tay để làm bằng chứng.

Cương quyết chống tội phạm, Cảnh sát Nam Phi đã thành lập lực lượng cảnh sát đặc nhiệm phòng chống tội phạm khai thác trái phép và buôn lậu khoáng sản từ tháng 9/2015. Tuy nhiên, cảnh sát Nam Phi vẫn chưa thể trực tiếp giải quyết triệt để vấn nạn này vì chưa thông thuộc địa hình khu vực khai khoáng bất hợp pháp.

"Vì tính chất của hầm, hào phức tạp, nên có thể gây nguy hiểm cho cơ quan thực thi pháp luật đi xuống lòng đất để bắt tội phạm", ông Dlamini Lungelo, người phát ngôn cảnh sát Nam Phi cho biết. “Bọn tội phạm thường bắt cóc người dân và ép họ làm việc", ông Sandile Nombeni, một cán bộ tổ chức Bảo vệ Môi trường phi lợi nhuận Ekurhuleni cho biết. Các băng đảng trừ mỗi bao sa khoáng 12kg đất, điều đó có nghĩa lợi nhuận của thợ mỏ bị ăn chặn rất nhiều.

Cảnh sát Nam Phi tiêu diệt 8 tên tội phạm đặc biệt nguy hiểm chiếm giữ trái phép hàng chục hầm mỏ bị bỏ hoang.

"Bạn luôn phải đưa cho chúng một bao tải đầy ứ sa khoáng. Nếu bạn không làm điều đó, chúng có thể giết bạn", một người đào vàng trái phép đến từ Zimbebwe nói trong điều kiện giấu danh tính vì sợ bị trả thù. Anh Reynold, một thợ mỏ đau buồn cho biết, bạn thân anh đã bị một nhóm tội phạm sát hại.

"Nhưng tôi vẫn quyết định trở lại hầm mỏ trong 2 tháng nữa", Reynold cho biết, vì mưu sinh nên phải bất chấp nguy hiểm đến tính mạng, anh hiện đang tạm trú ở thị trấn nghèo Randfontein, phía Tây Johannesburg.

Nếu Reynold sống sót, lợi nhuận ban đầu của anh sẽ là 33,26 USD/gram vàng mà anh phát hiện ra. "Bởi vì không có công ăn việc làm, cho nên nhiều người phải kiếm sống bằng cách này", Nombeni than thở, ông hiện là người đang kêu gọi hợp pháp hóa khu vực này.

"Ở Zimbabwe không còn tình trạng khai thác khoáng sản trái phép. Họ đã chính thức hợp thức hóa những khu khai khoáng quy mô nhỏ. Và họ không còn bất kỳ vấn nạn nào như chúng ta đang có", ông David van Wyk, nhà điều tra hàng đầu hiện công tác tại Hiệp hội Bench Marks, một tổ chức phi chính phủ chuyên giám sát trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp cho biết.

Phạm Trúc
.
.
.