Tội phạm Ngân hàng- Những hệ lụy khôn lường

Thứ Tư, 07/10/2020, 09:27
Thực tế cho thấy, thường thì những hành vi phạm pháp xảy ra trong ngành tài chính diễn ra trong trạng thái khuất tầm mắt, song ảnh hưởng của nó lại vô cùng to lớn và khủng khiếp. Một trường hợp thường được dẫn ra để minh hoạ điều cho hệ lụy đó chính là vụ án liên quan tới Ngân hàng Tín dụng & Thương mại Quốc tế (BCCI)...


Không có loại hình tội phạm nào lại nguy hiểm và để lại những hệ lụy tai hại khôn lường như tội phạm Tài chính - Ngân hàng. Còn đối với những người bình thường, thị trường tài chính giống như một khái niệm gì đó hoàn toàn xa lạ với họ. Ấy vậy nhưng thị trường tài chính lại luôn luôn có mặt ở mọi nơi trên khắp thế giới trong cuộc sống. Không những thế, nó còn là một phần không thể thiếu của bất cứ nền kinh tế nào trên hành tinh này.

Thực tế cho thấy, thường thì những hành vi phạm pháp xảy ra trong ngành tài chính diễn ra trong trạng thái khuất tầm mắt, song ảnh hưởng của nó lại vô cùng to lớn và khủng khiếp. Một trường hợp thường được dẫn ra để minh hoạ điều cho hệ lụy đó chính là vụ án liên quan tới Ngân hàng Tín dụng & Thương mại Quốc tế (BCCI).

Trụ sở của BCCI ở Mỹ.

Cuối cùng thì BCCI  cũng chính thức ra đời đúng như khát vọng ban đầu của người chủ nó. BCCI đặt trụ sở tại Luân Đôn, Anh Quốc. Ngay từ những ngày đầu hoạt động, ngân hàng này đã gây sự chú ý vì tốc độ tăng trưởng đầy ấn tượng và dòng vốn đầu tư khổng lồ mà họ nhận được. Chẳng mấy chốc mà BCCI trở thành sự lựa chọn gửi tiền của nhiều khách hàng là những cá nhân, doanh nghiệp giàu có tại nước Anh cũng như quốc gia  Pakistan.

Tuy vậy, không phải ai cũng có cảm giác tốt về BCCI. Một biên bản ghi nhớ lưu hành trong nội bộ Bộ Tài chính Anh nói về BCCI với những dòng đầy chua chát và không thể thất vọng hơn như sau: "Ngân hàng này đang đi đến chỗ chìm nghỉm như tàu Titanic!".  Đã từng  có một số ý kiến yêu cầu chính phủ Anh và Pakistan tiến hành điều tra BCCI. Vậy nhưng dưới sức ép của Thống đốc Ngân hàng Anh lúc đó, ông Eddie George, nên đã  không có bất cứ một cuộc điều tra nào được mở ra.

Tại một thời điểm nào đó trong thập niên 1970 của thế kỷ 20, BCCI đã ngấm ngầm tham gia rửa tiền và các hoạt động gian lận tài chính khác. Điều khác biệt giữa BCCI và những tổ chức tài chính phi pháp đương thời là,  BCCI chủ yếu hoạt động gián tiếp.

BCCI không có nhiều chi nhánh tại các quốc gia ngoài Pakistan và Mỹ, nhưng gần như bất kỳ nước phương Tây nào cũng có một vài công ty tài chính được BCCI bí mật sở hữu. Chúng giống như những cái "vòi bạch tuộc" của BCCI, khi có dấu hiệu bị cảnh sát "sờ gáy" thì sẽ lập tức nhanh chóng giải thể để bảo vệ công ty mẹ.

Thành công lớn nhất của BCCI là thâm nhập được vào nước Mỹ, nơi mà thị trường tài chính được kiểm soát vô cùng chặt chẽ. Đây là kết quả của cả một quá trình dài. Agha Hasan Abedi đã dành nhiều năm liền tạo dựng mối quan hệ với các doanh nhân, chính trị gia, chuyên gia tài chính ở Mỹ. Thậm chí ông ta đã dùng mối quan hệ của mình với Cục Tình báo Pakistan để có thể tiếp cận được với những vị trí cao nhất trong giới cầm quyền nước Mỹ.

Thế rồi vào thập niên 1970, Abedi trở thành ông chủ của một trong những ngân hàng Mỹ lớn nhất lúc đó là First American Bank. Thương vụ này được hoàn toàn giữ bí mật tuyệt đối để tránh gây sự chú ý lên Abedi. First American Bank sau này trở thành một trong những "cầu nối" trên mạng lưới rửa tiền của BCCI.

Trên cơ sở mạng lưới tài chính toàn cầu như trên, BCCI trở thành tổ chức rửa tiền hàng đầu thế giới khi đó. Rất nhiều cá nhân, tổ chức phi pháp là khách hàng của BCCI, từ ông trùm ma tuý Paolo Escobar, nhà độc tài Manuel Noriega, đến cả CIA - đến nay vẫn còn tin đồn rằng BCCI là bên trung gian giúp Iran mua vũ khí từ CIA trong cuộc chiến tranh Iraq-Iran.  Còn có tin đồn BCCI lại còn giúp CIA chuyển số tiền bán vũ khí cho lực lượng phiến quân Contra ở Nicaragua.

Thế nhưng khách hàng nổi tiếng nhất của BCCI không ai khác ngoài trùm khủng bố Osama bin Laden. Gia đình bin Laden nắm giữ rất nhiều quyền lực tại Ả-rập Xê-út và thậm chí còn có quan hệ với các cơ quan tình báo Pakistan.

Cũng là trong thập niên 1980 của thế kỷ trước, cả Ả-rập Xê-út và Pakistan đều ủng hộ các lực lượng quân Hồi giáo Afghanistan chống lại quân đội Xô-viết (cũ) trong cuộc chiến tranh Xô-viết -Afghanistan. Osama bin Laden là một trong số hàng trăm thanh niên Ả-rập tự nguyện gia nhập lực lượng quân Hồi giáo. Ả-rập Xê-út và Pakistan khi đó hỗ trợ tài chính cho quân Hồi giáo qua bin Laden, còn khoản tiền được chuyển đi đều thông qua BCCI. Cho đến khi bin Laden thành lập Al-Qaeda, ông ta vẫn còn giữ mối quan hệ với BCCI.

Những thành công của BCCI dần khiến ngân hàng này trở nên tự tin hơn và bắt đầu công khai mở rộng hoạt động của mình. Đến cuối thập niên 1980, BCCI đã có 400 công ty con và chi nhánh tại 73 quốc gia khác nhau phục vụ khoảng 1,3 triệu khách hàng. Tuy BCCI đã tìm mọi cách để giữ bí mật hoạt động phi pháp của mình, vẫn có những người tỏ ra nghi ngờ ngân hàng này.

Một trong những người đó là luật sư Jack Bloom nổi tiếng tại Washington D.C. Ông Bloom đã sớm nhận ra những khoản tiền mờ ám khổng lồ qua tay BCCI. Jack liên lạc với người bạn lâu năm của mình, cựu ngoại trưởng Mỹ, ngài John Kerry, khi đó mới chỉ là một thượng nghĩ sỹ. Jack Bloom, John Kerry và một số đồng sự đã bí mật mở một cuộc điều tra BCCI.

Trong quá trình thực hiện cuộc điều tra đó họ gặp phải rất nhiều khó khăn, không những vì tính bí mật của BCCI, mà còn vì bản thân các cơ quan hành pháp Mỹ vì một lý do nào đó mà không muốn hợp tác với tổ điều tra. Theo hồi ký của một người trong cuộc thì bản thân Cục điều tra Liên bang Mỹ FBI còn cản trở việc điều tra bằng cách từ chối cung cấp hay thậm chí tiêu huỷ bằng chứng.

Nhân viên cũ của BCCI biểu tình trước trụ sở Ngân hàng Trung ương Anh.

Mọi chuyện chỉ trở nên thông thoáng hơn sau khi trưởng lý Robert Morgenthau tham gia tổ điều tra nói trên. Trong ngành công tố viên Mỹ, Robert là một huyền thoại. Không ít những cá nhân, công ty lớn ở phốWall phải ra trước vành móng ngựa vì bản tính chính trực của ông này. Trong vụ án BCCI, nhờ vào danh tiếng và sự quyết đoán của BCCI, Bộ Tư pháp Mỹ và các cơ quan khác đành phải hợp tác với tổ điều tra và cung cấp chứng cứ cần thiết.

Năm 1988, Abedi may mắn sống sót qua một cơn đau tim đột ngột, và ông ta quyết định rút khỏi vị trí chủ tịch BCCI bằng cách hưu trí. Không có sự lãnh đạo của Abedi, ngân hàng của ông ta nhanh chóng suy yếu, mọi hoạt động trở nên lỏng lẻo. Để đối phó với những khoản đầu tư thất bại, BCCI đã bí mật rút tiền trong tài khoản tiết kiệm của khách hàng đề bù vào chỗ lỗ, đồng thời khai khống sổ sách nhằm che đậy dấu vết.

Đây chính là lỗ hổng mà tổ điều tra đang tìm kiếm. Jack Bloom và Robert Morgenthau dần dần lôi ra trước  ánh sáng những hoạt động phi pháp của BCCI, để rồi đến năm 1991 họ khởi động quá trình khởi tố hai nhà đầu tư lớn nhất của BCCI, Abedi và Swaleh Naqvi, một doanh nhân người Anh gốc Pakistan và là bạn thân của Abedi. Hai người họ bị cáo buộc đã rút trái phép 20 triệu USD tiền gửi tiết kiệm của khách hàng.

Thế rồi sau một phiên toà nảy lửa gây rúng động chính trường Mỹ thời điểm đó, toà án kết tội Abedi và Naqvi. BCCI bị buộc trả 10 triệu USD tiền phạt ngoài khoản bồi thường thiệt hại cho khách hàng. Người dân tại nhiều quốc gia khác nhau bắt đầu lũ lượt rút tiền khỏi BCCI. Chỉ riêng tại Mỹ BCCI đã mất đến 550 triệu USD tiền gửi. Còn tại nước Anh, hàng loạt nhà đầu tư và doanh nghiệp kiện Ngân hàng Trung ương Anh vì quyết định không kiểm tra BCCI của Thống đốc Eddie George.

Mọi chuyện dẫn đến bài diễn thuyết dài nhất trong lịch sử nước Anh: luật sư Nicholas Stadlen đã phải mất đến 119 ngày để giải trình hết 125 bộ hồ sơ có liên quan đến vụ kiện trước lưỡng viện Anh. Bên nguyên đơn yêu cầu BCCI bồi thường cho họ 850 triệu Bảng Anh, nhưng quyết định cuối cùng của toà án Anh buộc BCCI bồi thường 74 triệu Bảng Anh cho chủ nợ cùng với khoản phí pháp lý lên đến 57 triệu Bảng Anh.

Ban đầu BCCI có kế hoạch cải tổ và đổi tên thành Oasis Bank. Thế nhưng các nhà lập pháp ở cả hai bờ Đại Tây Dương đều đồng ý rằng:  BCCI có quá nhiều vấn đề, cần phải được đóng cửa ngay lập tức. Vào ngày 5 tháng 7 năm 1991, một nhóm các chuyên gia pháp lý tiến vào trụ sở của BCCI tại Luân Đôn và tuyên bố dừng mọi hoạt động của ngân hàng. Khi đó vẫn còn có khoảng 1 triệu khách hàng có tiền trong tài khoản tại BCCI, và việc đóng cửa ngân hàng đã ngay lập tức khiến họ chấn động. Trong nhiều tuần tiếp theo họ và các nhân viên cũ của BCCI tổ chức biểu tình trước Ngân hàng Trung ương Anh yêu cầu được bồi thường thiệt hại. Trong khi đó chính quyền Mỹ và Anh bắt tay vào việc xử lý tài sản của BCCI, điều tra giấy tờ thu giữ được, và tái tổ chức những ngân hàng và doanh nghiệp bình phong do BCCI sở hữu.

Riêng với những khách hàng của BCCI, mọi chuyện không kết thúc nhanh chóng như thế. Nhiều doanh nghiệp đã phá sản, và nhiều gia đình đã mất toàn bộ số tiền tiết kiệm của mình khi BCCI đóng cửa. Hệ lụy khôn lường đó còn kéo dài cho đến tận năm 2020 này khi mà  vẫn còn nhiều cá nhân, tổ chức phải ra toà làm chứng để mong nhận được tiền bồi thường. Song thật tiếc thay, xem ra cơ hội may mắn của họ đang đóng dần lại theo từng năm.

Lê Công Vũ (tổng hợp)
.
.
.