Tội phạm buôn người "đút túi" 6 tỷ USD trong năm 2015

Thứ Hai, 25/01/2016, 08:00
Tội phạm buôn người đã thu lợi nhuận kỷ lục trong năm 2015, từ 3 đến 6 tỷ USD bằng cách khai thác "sự đau khổ của người tị nạn", ông Rob Wainwright, người đứng đầu tổ chức cảnh sát Châu Âu (Europol) nói với tờ The Independent (Anh) cuối tuần trước.

Lĩnh vực kinh doanh siêu lợi nhuận

Tờ The Independent dẫn lời ông Rob Wainwright nhận định, buôn người đang là lĩnh vực kinh doanh béo bở, mang lại khoản lợi nhuận kếch xù, không thua kém so với việc buôn bán ma túy bất hợp pháp. Nghiên cứu mới công bố của Europol dựa trên kết quả khảo sát 1.500 người tị nạn và di cư cho thấy, 90% đã trả tiền cho băng đảng tội phạm để đến được miền đất hứa Châu Âu. "Ứớc tính, hơn một triệu người đã chạy trốn khỏi khu vực chiến tranh, nghèo đói thông qua hành trình bí mật đến châu Âu. Có nghĩa là, có rất nhiều người đã mất tiền cho các băng đảng tội phạm", ông Wainwright nói.

90% người tị nạn, người di cư đã trả tiền cho những đường dây buôn người để đến châu Âu.

"Chúng tôi cũng biết rằng, trung bình, mỗi người di cư phải trả từ 3.000 USD đến  6.000 USD cho cuộc hành trình. Vì vậy, với một phép toán đơn giản cũng có thể tính được doanh thu của tội phạm buôn người di cư đạt được trong năm 2015, từ 3 tỷ đến 6 tỷ USD. Đây là con số rất lớn", ông Wainwright nói tiếp. Các mạng lưới tội phạm kéo dài từ châu Phi, khu vực cận Sahara đến Scandinavia với hàng chục ngàn người tham gia. Ông Wainwright nói rằng, Europol xác định có khoảng 10.700 nghi phạm hoạt động trong các đường dây buôn người di cư ở nhiều mắt xích khác nhau như làm hộ chiếu giả, vận chuyển người di cư giữa các quốc gia…

Một người di cư có thể sẽ phải trả tiền cho các băng nhóm buôn người khác nhau, tại các điểm khác nhau trong suốt cuộc hành trình. Một người Syria có thể phải trả tiền để rời khỏi đất nước mà không bị lực lượng an ninh phát hiện, sau đó mua giấy tờ giả ở Thổ Nhĩ Kỳ, xuống xuồng cao su hoặc thuyền vượt biển tới Hy Lạp. Nếu đến được khu vực bờ biển châu Âu an toàn, một nhóm buôn người khác sẽ đưa họ tìm cách vào một số quốc gia như Đức, Áo hoặc Thụy Điển. Để vào được Hungary và một số nước khác ở châu Âu đã đóng cửa biên giới thì người di cư phải trả số tiền nhiều hơn.

Bài toán giải quyết vấn đề người di cư

Trong quá trình di chuyển, người di cư phải đối mặt với nhiều rủi ro như bị lạm dụng, những kẻ buôn người bỏ trốn, bị đắm thuyền, bị bắt cóc và tống tiền… Thực tế cho thấy, những mạng lưới buôn người đã bắt tay với tội phạm có tổ chức như buôn bán ma tuý để hoạt động. Điều này đòi hỏi các cơ quan chức năng phải nỗ lực gấp đôi.

"Thử thách đầu tiên đối với các chính phủ và các cơ quan xây dựng chính sách là xử lý được số lượng người nhập cư mới. Nếu một triệu người muốn đến châu Âu trong năm nay thì cần có phương án giải quyết các vấn đề liên quan đến những người này", ông Wainwright nói. ông Wainwright nói thêm rằng, các quốc gia trong Liên minh Châu Âu (EU) cần hợp tác đối phó với cuộc khủng hoảng người di cư, cùng chia sẻ thông tin về tội phạm buôn người, phối hợp thực hiện truy nã quốc tế, ưu tiên các khiếu nại liên quan đến buôn người.

Ông Wainwright cho biết, hai phần tử khủng bố thực hiện cuộc tấn công đẫm máu tại thủ đô Paris (Pháp) hôm 13/11/2015 đã vào châu Âu qua tuyến đường di cư Balkan. "Điều quan trọng là, cần phải đảm bảo Hy Lạp được cung cấp đầy đủ công nghệ, nhân lực và nguồn lực để kiểm tra an ninh hiệu quả đối với tất cả người mới đến", ông Wainwright nói.

Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schuble đã đưa ra ý tưởng về việc tăng giá xăng dầu ở Châu Âu để tăng kinh phí giải quyết vấn đề khủng hoảng người di cư. "Nếu số tiền trong ngân sách quốc gia và ngân sách châu Âu không đủ, hãy tăng giá xăng. Tại sao chúng ta không đồng ý thực hiện điều này trên toàn lãnh thổ Châu Âu nếu điều đó là thực sự cần thiết", ông Schuble nói với tờ nhật báo Sueddeutsche Zeitung. 
Trong khi đó, cơ quan tị nạn của Liên Hiệp Quốc cho rằng, phải tăng thêm nguồn lực cho Thổ Nhĩ Kỳ và kêu gọi cuộc "tái định cư lớn" ở Syria. "Chúng tôi sẽ làm bất cứ điều gì có thể để giúp chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ tăng thêm nguồn lực, giúp người dân có thể sống trong điều kiện tốt nhất", Filippo Grandi, một quan chức của cơ quan tị nạn Liên Hiệp Quốc nói.
Mạnh Tường (Tổng hợp)
.
.
.