Tội phạm châu Âu rửa 5,5 tỷ USD thông qua tiền ảo

Thứ Hai, 26/02/2018, 10:00
Đó là cảnh báo vừa được Giám đốc Europol đưa ra, và ông Rob Wainwright cũng dự báo con số này sẽ tăng trong thời gian tới.


"Các đồng tiền kỹ thuật số không phải ngân hàng và cũng không được quản lý bởi cơ quan nào, do đó cảnh sát không thể giám sát những giao dịch của loại tiền này. Và khi phát hiện hành vi phạm tội, cảnh sát cũng chẳng có cách nào để phong tỏa số tài sản này theo cách thông thường trong hệ thống ngân hàng", ông Rob Wainwright cho biết trong cuộc trả lời phỏng vấn với hãng BBC mới đây.

Theo ông Rob Wainwright, giới tội phạm tại "lục địa già" đang dùng các loại tiền ảo để hợp pháp hoá số tiền phi pháp lên tới 5,5 tỷ USD. Europol ước tính, số tiền phi pháp lưu hành tại châu Âu vào khoảng 100 tỷ Euro, trong đó 4% được hợp pháp hoá thông qua tiền kỹ thuật số. Vẫn theo Europol, tiền ảo đang được dùng để tài trợ cho các hoạt động phạm tội, trong đó có khủng bố.

Giới tội phạm châu Âu rửa 5,5 tỷ USD thông qua tiền ảo.

Ông Rob Wainwright đã kêu gọi công ty quản lý các sàn giao dịch tiền ảo hợp tác tích cực hơn trong việc điều tra của cảnh sát và nâng cao tinh thần trách nhiệm về lĩnh vực này. Đồng thời tuyên bố, sẽ tiếp tục phối hợp với giới chức các nước châu Âu và khu vực khác để phản ứng có hiệu quả trước nguy cơ ngày càng lớn này của tiền ảo.

Theo giới truyền thông, các cơ quan thực thi pháp luật châu Âu đang ngày càng lo ngại trước việc giới tội phạm có tổ chức sử dụng tiền ảo vào mục đích phi pháp. Ngoài đồng tiền được sử dụng phổ biến nhất là Bitcoin, nhiều loại tiền ảo khác như Monero cũng đang có những bước tiến xa hơn trong việc che giấu danh tính của người giao dịch.

Theo giới truyền thông, một kẻ buôn ma tuý tại xứ Wales vừa bị kết án 8 năm tù vì tội điều hành một trang web buôn bán ma tuý được giao dịch bằng Bitcoin. Trước đó, cảnh sát London khuyến cáo, bọn buôn bán ma túy đã sử dụng tiền ảo thông qua hệ thống máy ATM.

Các cơ quan giám sát của châu Âu (ESA) về chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm và lương hưu vừa đưa ra tuyên bố chung về việc ngày càng nhiều người mua tiền ảo nhưng không nhận thức được những rủi ro liên quan. Được biết, các ngân hàng ở Anh và Mỹ đã cấm sử dụng thẻ tín dụng để mua Bitcoin và các loại tiền ảo khác do lo ngại về sự sụt giảm giá trị của chúng sẽ khiến khách hàng không thể trả được nợ.

Hai ngân hàng JP Morgan và Citi tại Mỹ thông báo, sẽ cấm khách hàng sử dụng thẻ tín dụng để giao dịch mua Bitcoin và các loại tiền số khác. Ủy ban chứng khoán và hối đoái Mỹ (SEC) và Ủy ban thương mại giao dịch hàng hóa Mỹ (CFTC) vừa yêu cầu tăng cường các biện pháp nhằm kiểm soát các loại tiền ảo.

Chủ tịch SEC Jay Clayton và Chủ tịch CFTC Christopher Giancarlo đều cảnh báo về "lỗ hổng" trong việc quản lý hoạt động giao dịch tiền ảo. Bởi SEC và CFCT mới triệt phá một số vụ lừa đảo nhà đầu tư, trong đó có loại tiền ảo mang tên "My Big Coin" với số tiền lên tới 6 triệu USD.

Tiền ảo đang được giới tội phạm sử dụng vào mục đích phi pháp.

Sàn giao dịch tiền ảo BitGrail ở Italia mới thông báo, đã bị mất 17 triệu Nano (XRB) tiền ảo, trị giá khoảng 170 triệu USD. BitGrail (là sàn có lượng giao dịch XRB lớn thứ 5 theo xếp hạng của Coinmaketcap) phải tạm hoãn tất cả các hoạt động, chờ cơ quan chức năng điều tra và cho biết, không thể hoàn tiền cho toàn bộ khách hàng vì họ chỉ sở hữu 4 triệu Nano, trị giá khoảng 40 triệu USD.

Phó Thống đốc Ngân hàng trung ương Nga Dmitry Skobelkin vừa cho biết, một làn sóng tấn công mạng sử dụng công cụ kiểm tra an ninh Cobalt Strike đã được ghi nhận trong năm 2017. Và hơn 240 tổ chức tín dụng đã bị tấn công, trong đó có 11 cuộc tấn công thành công với số tiền bị đánh cắp hơn 1 tỷ ruble (khoảng 17 triệu USD) từ các ngân hàng.

Ông Dmitry Skobelkin cho biết, Ngân hàng trung ương Nga đã gửi cảnh báo tới hơn 400 tổ chức bị nhóm Cobalt tấn công trong năm 2017. Bởi Cobalt Strike bị tin tặc sử dụng để tấn công các ngân hàng ở Nga  châu Âu và đã khiến nhiều ATM chi tiền mặt theo lệnh của chúng.

Một số nhà khoa học Nga vừa bị bắt với cáo buộc lén sử dụng siêu máy tính (có thể thực hiện 1 triệu tỉ phép tính trong một giây từ năm 2011) tại Trung tâm hạt nhân liên bang ở thành phố Sarov, phía Đông thủ đô Moskva, để đào Bitcoin. Siêu máy tính dùng tại các cơ sở hạt nhân thường không kết nối mạng vì lý do an ninh, nên nhà quản lý tại Trung tâm hạt nhân liên bang ở thành phố Sarov dễ dàng phát hiện việc đào Bitcoin trộm của số người kể trên sau khi thấy hệ thống máy tính được hòa mạng. Và cơ quan chức năng đang điều tra hình sự vụ việc này.

Trịnh Huyền My
.
.
.