Anh: Luật mới gây tranh cãi lớn:

Tội phạm ma túy, trộm cắp vẫn có thể trở thành cảnh sát

Thứ Hai, 15/12/2014, 09:00
Bất kì ứng cử viên xin gia nhập nào nếu có tội danh xuất hiện trong sơ yếu lí lịch vẫn có thể được xem xét để gia nhập đội ngũ cảnh sát. Hành vi phạm tội có thể bao gồm tội tàng trữ sử dụng ma túy và trộm cắp tài sản.

Lần đầu tiên trong lịch sử nước Anh, các ứng cử viên có tiền sử phạm tội, từ hình phạt nhẹ nhất là cảnh cáo, phạt hành chính cho đến bị kết án tù vì những tội danh như tàng trữ, sử dụng ma túy, chất kích thích hay hành động trộm cắp đều có cơ hội gia nhập lực lượng cảnh sát Anh.

Những tội phạm bị kết án sẽ được phép trở thành cảnh sát theo như một dự luật sắp được thông qua nhằm nới lỏng nguyên tắc tuyển đầu vào nghiêm ngặt của sở cảnh sát. Điều này đã dấy lên một cuộc tranh cãi trong dư luận. Có người lên án chỉ trích việc này sẽ hạ thấp tiêu chuẩn làm một cảnh sát - những người thực hiện bảo vệ công lý cho người dân và xã hội.

Theo tờ The Mail, Sở cảnh sát Đô thành đã tuyển dụng những đối tượng vi phạm pháp luật nhằm đa dạng hóa đội ngũ cảnh sát. Những lực lượng an ninh khác trên xứ Wales và các vùng còn lại của vương quốc Anh cũng sẽ được khuyến khích áp dụng chính sách mềm mỏng này.

Cảnh sát Anh luôn tự hào vì có phẩm chất cao quý.

Trường Cao đẳng đào tạo cảnh sát sẽ đề ra một bản tiêu chuẩn hành nghề trong năm tới để kiểm tra chặt chẽ năng lực phẩm chất của những người sẽ trở thành cảnh sát trong tương lai.

Với điều luật hiện hành, bất kể ai đã vi phạm pháp luật và bị kết án đều không có cơ hội gia nhập lực lượng vũ trang này. Nhưng nếu áp dụng chính sách mới, cảnh sát trưởng tại các sở ngành có thể chấp nhận những ứng cử viên một thời lầm lỡ, nếu họ thực sự biết hối cải và thành thật về những tội danh của mình trong quá khứ.

Những người vi phạm nếu đó là hành vi xảy ra cách đây khoảng một vài năm và họ chỉ nhận án xử phạt ở mức nhẹ, có thể được xem xét và chấp nhận để trở thành một cảnh sát. Trái lại, những ai cố gắng giấu nhẹm quá khứ không sạch sẽ của mình hoặc đã phạm những tội như liên quan đến bạo lực, hiếp dâm hay lừa đảo thì đều không có cơ hội chạm tay đến bộ đồng phục cảnh sát cao quý.

Tất nhiên, quyết định tuyển dụng cuối cùng vẫn phải do cảnh sát trưởng xem xét. Người phát ngôn của trường Cao đẳng cảnh sát khẳng định: "Chúng tôi đang xem xét để thiết lập lại quy định tuyển dụng. Điều lệ hiện nay đang trở thành một rào cản với những người một thời lầm lỡ nhưng có mong muốn được cống hiến cho quốc gia. Chúng tôi cần phải bàn luận về việc này một cách cẩn thận và có thể áp dụng chính sách mềm mỏng hơn đối với những người mắc tội nhẹ".

Tuy nhiên, những người phản đối đều lên án chính sách này có nguy cơ làm cho người dân không còn tin tưởng vào lực lượng cảnh sát và khẳng định việc này là không cần thiết vì không thiếu những người có đầy đủ phẩm chất, năng lực muốn gia nhập đội ngũ những người mặc cảnh phục.

Steve White - chủ tịch của Cục cảnh sát Liên bang Anh và xứ Wales cho biết: "Công chúng cần phải có niềm tin bất diệt vào lực lượng cảnh sát. Họ luôn tin rằng, cảnh sát là những người có phẩm chất, năng lực tốt nhất, cũng như là một người liêm chính. Với chính sách sắp tới, tôi e rằng, điều đó sẽ hạ thấp tiêu chuẩn của một sĩ quan an ninh".

Nghị sĩ Keith Vaz - chủ tịch Ủy ban Nội vụ cũng bày tỏ: "Đội ngũ cảnh sát phải có những phẩm chất tuyệt vời và tiêu chuẩn cao nhất".

Số nhân viên cảnh sát ở Anh và xứ Wales đã giảm thêm 4.000 người trong năm qua, còn 132.235 người - mức thấp nhất trong 11 năm qua.

Tổng số nhân viên cảnh sát hiện đã giảm 11.500 người kể từ ngay trước khi chính phủ liên minh lên nắm quyền và việc làm trên như là tác động của việc cắt giảm 20% ngân sách dành cho lực lượng cảnh sát. Lực lượng cảnh sát Anh giảm số nhân viên đúng vào thời điểm tỷ lệ phạm tội ở nước này cũng giảm khoảng 8%. Số liệu từ Văn phòng cảnh sát quốc gia cũng cho thấy, có sự cắt giảm rõ rệt các nhân viên hỗ trợ cảnh sát phục vụ cộng đồng, cảnh sát đặc nhiệm. Số nhân viên cảnh sát phục vụ cho mục đích dân sự cũng đã giảm xuống còn 65. 992 người so với 79.596 người của năm 2010.

Minh Trường (tổng hợp)
.
.
.