Tội phạm mua bán người vẫn gia tăng

Thứ Ba, 26/01/2016, 14:27
Theo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về TTXH (C45) Bộ Công an, tình hình tội phạm mua bán người ở Việt Nam chủ yếu để đưa ra nước ngoài bán chiếm 85%, trong đó sang Trung Quốc chiếm phần lớn (70%), còn lại là sang các nước Lào, Campuchia, Malaysia, Thái Lan… Thủ đoạn của các đối tượng vẫn chủ yếu là dụ dỗ những chị em có hoàn cảnh kinh tế, gia đình khó khăn, hoặc tán tỉnh giả vờ yêu đương để lừa đưa họ ra nước ngoài có việc làm với thu nhập cao, đi mua hàng, du lịch… sau đó bán họ ra nước ngoài ép bán dâm hoặc làm vợ bất hợp pháp.


4.226 nạn nhân đã bị lừa bán trong vòng 5 năm

Thiếu tướng Hồ Sĩ Tiến, Cục trưởng Cục C45 - Tổng cục Cảnh sát cho biết, từ năm 2011 đến nay, theo báo cáo của các đơn vị địa phương, toàn quốc đã phát hiện hơn 250.000 vụ phạm pháp hình sự các loại. Trong đó, tội phạm mua bán người (MBN) vẫn diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nhiều nguy cơ gia tăng, đặc biệt trên các tuyến biên giới, bọn tội phạm luôn thay đổi phương thức, thủ đoạn hoạt động như thông qua môi giới hôn nhân bất hợp pháp, cho nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài, đưa người lao động ra nước ngoài, đi du lịch, tham quan, đẻ thuê, mua bán trẻ sơ sinh…

Cụ thể, từ năm 2011 đến hết tháng 6-2015, toàn quốc phát hiện 2.090 vụ, với 3.131 đối tượng, lừa bán 4.226 nạn nhân. So với cùng kỳ thời gian trước, tăng 22% số vụ (2.090/1.710) và 13,5% số nạn nhân (4.226/3.725). Điều đáng nói, các nạn nhân trong những vụ MBN chủ yếu được đưa ra nước ngoài bán (chiếm 85% số vụ), trong đó bị đưa qua Trung Quốc chiếm tới 70%, còn lại là sang các nước Lào, Campuchia, Malaysia, Thái Lan…

Hai đối tượng Nguyễn Thị Lệ Hoa, Ngu Weng Hie cầm đầu đường dây lừa bán phụ nữ Việt Nam qua Malaysia xảy ra ở tỉnh An Giang cuối năm 2014.

Riêng với "thị trường" Trung Quốc, thủ đoạn chung là các đối tượng người Việt Nam sang Trung Quốc lao động, làm thuê, buôn bán trước đó đã móc nối với đối tượng người Trung Quốc rồi quay về Việt Nam lừa phụ nữ sang Trung Quốc với mục đích tìm việc làm, buôn bán, sau đó lừa bán cho các nhà hàng, ổ mại dâm để ép bán dâm hoặc môi giới lấy chồng bất hợp pháp…

Chưa kể, các đối tượng phạm tội còn sử dụng thủ đoạn cho vay nặng lãi, làm quen, giả vờ "cứu net", sau đó dụ dỗ các em gái mới lớn đưa đi chơi, lên biên giới mua hàng hóa rồi lừa bán qua nước bạn ép vào các động mại dâm hoặc cưỡng bức lao động. Đặc biệt, tại các tỉnh miền núi, giáp biên giới, dân cư thưa thớt, các đối tượng người Việt Nam câu kết với các đối tượng người Trung Quốc còn đột nhập vào nhà dân, chiếm đoạt, bắt cóc trẻ em, phụ nữ đưa sang Trung Quốc bán.

Còn với Malaysia, Singapore, một số đối tượng là người Việt Nam đã câu kết với các đối tượng là chủ nhà hàng ở hai quốc gia này hình thành đường dây đưa phụ nữ, trẻ em Việt Nam dưới dạng xuất cảnh trái phép, lao động, du lịch, tham quan bằng đường hàng không hoặc đường bộ qua Lào, Campuchia sang Thái Lan để sang Malaysia, Singapore. Sau khi đến nước sở tại, nhiều phụ nữ, trẻ em bị chúng thu giữ hết giấy tờ tùy thân, ép hoạt động mại dâm, nếu muốn lấy lại giấy tờ (hộ chiếu) để về Việt Nam thì phải nộp từ 30-40 triệu đồng.

Trong khi đó, một thủ đoạn MBN khác là môi giới hôn nhân trái pháp luật vẫn diễn biến phức tạp tại các tỉnh phía Nam. Các đối tượng MBN tổ chức cho người nước ngoài như Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc… xem mặt, chọn vợ, chúng hứa hẹn trả cho nạn nhân và gia đình của họ số tiền lớn sau đó làm thủ tục kết hôn và đưa nạn nhân ra nước ngoài làm vợ nhưng thực tế lại khác hoàn toàn. Theo đó, nhiều phụ nữ Việt Nam cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc và bị chồng và gia đình nhà chồng đối xử thậm tệ, bạo hành, bắt làm việc nặng nhọc hoặc bị bán cho các ổ mại dâm ở nước sở tại…

Thiếu tướng Hồ Sĩ Tiến nhấn mạnh, tình hình chiếm đoạt trẻ em, mua bán trẻ sơ sinh đưa ra nước ngoài có những dấu hiệu phức tạp, nghiêm trọng xảy ra ở một số địa phương như TP. Hồ Chí Minh, Nghệ An, Lai Châu, Quảng Ninh…

Chưa kể gần đây còn xuất hiện một số đường dây đưa người Việt Nam sang Hàn Quốc với chi phí thấp, sau đó trốn ở lại lao động bất hợp pháp hoặc đưa người Việt Nam nhập cảnh trái phép sang Hàn Quốc bằng đường biển với thủ đoạn móc nối với các tàu Hàn Quốc cặp mạn ở ngoài khơi, sau đó đưa người Việt Nam lên tàu Hàn Quốc giả làm thuyền viên để nhập cảnh bất hợp pháp; sử dụng hộ chiếu, nhân thân công dân Đài Loan, thông qua tuyến Thổ Nhĩ Kỳ để nhập cảnh, cư trú bất hợp pháp tại Bungari và các nước Châu Âu…

Gần 30.000 phụ nữ, trẻ em vắng mặt tại địa phương chưa rõ lý do

Trước tình hình MBN vô cùng phức tạp như vậy, Cục C45 cùng với Công an các địa phương đã chủ động trong công tác nắm tình hình, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phòng ngừa tội phạm đạt hiệu quả, từng bước kiềm chế sự gia tăng của tội phạm MBN. Trong đó, Cục C45 đã xác lập và phá 44 chuyên án, bắt 96 đối tượng, tiếp nhận và giải cứu 264 nạn nhân; Chỉ đạo và phối hợp với Công an các địa phương điều tra mở rộng 58 vụ án MBN, mua bán trẻ em phức tạp, bắt xử lý 82 đối tượng, tiếp nhận và giải cứu 95 nạn nhân. Các đơn vị địa phương đã xác minh, giải cứu 1.873 nạn nhân, tiếp nhận thông qua trao trả 1.508 nạn nhân và 426 nạn nhân bị lừa bán ra nước ngoài tự trở về.

Chỉ trong đợt 3 tháng cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm MBN trên phạm vi toàn quốc từ ngày 1-7 đến 30-9-2015, Công an các địa phương và lực lượng Bộ đội Biên phòng đã phát hiện 96 vụ/159 đối tượng; khởi tố 89 vụ/158 bị can, đề nghị truy tố 52/103 bị can. Trong đó, tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc khởi tố 67 vụ/116 bị can; đề nghị truy tố 34 vụ/67 bị can. Tuyến biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia khởi tố 22 vụ/42 bị can; đề nghị truy tố 18 vụ/36 bị can. Các địa phương phát hiện nhiều vụ MBN là Nghệ An - 7 vụ, Hà Giang - 6 vụ, Đồng Tháp - 4 vụ, Sơn La - 4 vụ, Điện Biên, Yên Bái - 3 vụ…

Và cũng chỉ trong 3 tháng đợt thực hiện cao điểm, cơ quan chức năng đã thống kê lập danh sách 136 nạn nhân bị mua bán, xác định có 349 phụ nữ, trẻ em vắng mặt lâu ngày tại địa phương không rõ lý do, trong đó có nhiều phụ nữ nghi đã bị mua bán (toàn quốc hiện có gần 30.000 phụ nữ, trẻ em vắng mặt tại địa phương chưa rõ lý do).

Theo báo cáo của Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công an, từ năm 2011 đến nay đã có 3.678 nạn nhân được giải cứu, xác minh, tiếp nhận, trong đó 796 nạn nhân bị mua bán từ nước ngoài trở về được trao trả song phương, 506 nạn nhân tự trở về và 2.376 nạn nhân được giải cứu.

Một nạn nhân bị lừa bán qua Malaysia.

Dù tình hình phức tạp và khó khăn, nhưng lực lượng CSHS và Bộ đội Biên phòng các cấp đã triển khai tổng hợp các hoạt động nghiệp vụ nhằm nâng cao tỷ lệ điều tra khám phá các vụ án nên tỷ lệ điều tra khám phá các vụ án MBN đạt trên 90%. Công tác điều tra mở rộng các vụ án MBN cũng được các đơn vị địa phương quan tâm nên nhiều đối tượng MBN bị bắt giữ và bị xử lý nghiêm minh trước pháp luật, góp phần răn đe những đối tượng khác.

Trong công tác quan hệ quốc tế, lực lượng Cảnh sát hình sự đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức quốc tế (Interpol), Cảnh sát các nước trong khu vực Đông Nam Á (Aseanapol) trao đổi thông tin, xác minh truy bắt đối tượng, giải cứu nạn nhân bị mua bán và truy nã tội phạm. Phối hợp với các tổ chức quốc tế như AAPTIP, Hagar, Rồng Xanh… triển khai các dự án về phòng chống tội phạm MBN, phối hợp tổ chức các hội thảo, tập huấn điều tra xác minh và giải cứu nạn nhân.

Tuy vậy, tội phạm MBN trong thời gian qua vẫn diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nhiều nguy cơ gia tăng. Nhất là ở vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa; công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật ở địa phương còn dàn trải, phô trương, hình thức, chưa tập trung vào đối tượng có nguy cơ cao, diện bao phủ còn hạn chế. Bên cạnh đó, công tác hỗ trợ nạn nhân hòa nhập cộng đồng chưa thực sự đồng đều và sâu rộng. Nhiều nạn nhân sau khi bị lừa bán từ nước ngoài trở về Việt Nam không đến các cơ quan chức năng trình báo tố giác tội phạm do mặc cảm, sợ mất danh dự, sợ bị trả thù… dẫn tới công tác thu thập chứng cứ, xử lý đối tượng phạm tội MBN gặp rất nhiều khó khăn.

Đúng như lời Trung tướng Phan Văn Vĩnh - Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát - phát biểu tại hội nghị tổng kết cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm MBN trên tuyến biên giới ba nước Việt Nam - Campuchia - Lào; và hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Đề án 2/CT130/CP, tổng kết 3 tháng thực hiện cao điểm triệt phá tội phạm MBN năm 2015… do Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an tổ chức tại TP Hồ Chí Minh sáng 14 và 15-1-2016, do tính chất các vụ án, đường dây MBN trải rộng trên nhiều tỉnh, thành, đường biên giới, rồi liên quan đến cả yếu tố nước ngoài nên đòi hỏi các cơ quan, đơn vị, ban ngành cần làm tốt hơn nữa việc trao đổi thông tin tích cực và có hiệu quả cao nhất, không chỉ là hợp tác giữa các bộ, ngành, các địa phương mà còn giữa nhiều quốc gia trên thế giới. 

Để có thể kìm chế sự gia tăng của loại tội phạm MBN, theo Trung tướng Phan Văn Vĩnh, Công an các địa phương cần tiếp tục tham mưu cho chính quyền địa phương, các đơn vị, đặc biệt là Ban chỉ đạo 138, Ban chủ nhiệm đề án 299, 130 của Chính phủ, tập trung đề ra các chủ trương, các biện pháp, giải pháp phù hợp với hoàn cảnh đơn vị mình, có kế hoạch cụ thể để,  huy động được sức mạnh đồng bộ cả hệ thống chính trị của các ban, ngành, địa phương, các chương trình hành động phòng chống tội phạm mua bán phụ nữ và trẻ em, chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống tội phạm, để từ đó góp phần hạn chế loại tội phạm này…

Bên cạnh đó, cùng với chính quyền địa phương tập trung tuyên truyền, chăm lo cho đời sống của người dân trên địa bàn, nhất là phụ nữ, trẻ em ở vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn, các khu công nghiệp…

Đối với lực lượng Cảnh sát hình sự từ Bộ cho đến địa phương, cần phải tập trung triển khai hiệu quả các mặt công tác cơ bản. Đồng thời, tiếp tục tổ chức các đợt cao điểm trấn áp tội phạm… Huy động sức mạnh tổng hợp tập trung vào những địa bàn trọng điểm, trước mắt là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Lực lượng Cảnh sát phối kết hợp cùng tất cả các cơ quan, ban, ngành có liên quan thực hiện công tác phòng ngừa, đấu tranh từ khu vực các tuyến biên giới, phối hợp với Cảnh sát các nước, tổ chức quốc tế ngăn chặn, điều tra, truy bắt tội phạm, giải cứu các nạn nhân…

Phú Lữ - Đức Mừng
.
.
.